thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
mỗi kỳ một tác giả: MAI THẢO

Trong bài "Thơ Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh" trước, đăng trên Văn Học số 49 (1990), sau, đăng lại trên Hợp Lưu số 16 (1994), tôi đưa ra luận điểm: đặc điểm nổi bật nhất trong văn xuôi Mai Thảo là chất thơ, và Mai Thảo, tự bản chất, là một nhà thơ. Tuy nhiên, tôi không hề có ý định xem thơ là phần chính trong sự nghiệp văn học của ông. Làm thế là tội nghiệp cho ông: thứ nhất, nó có vẻ như một lời chê trách, ngầm ý cho cả đời ông là một sự nhầm đường; thứ hai, thơ Mai Thảo hay, có bài thật hay, nhưng nhìn chung có lẽ đó không phải là một cái hay có khả năng mở ra những ngả rẽ quan trọng. Trong thế giới thơ, Mai Thảo là một thứ trái muộn, nó chín vào cuối mùa. Như Quách Tấn, cuối mùa cổ điển. Như Vũ Hoàng Chương sau năm 1954, cuối mùa lãng mạn. Cái đẹp của thơ Mai Thảo, tuy mặn mà và sắc sảo, vẫn là một cái đẹp về chiều. Của những mệnh phụ. Của những tà dương. (Nhớ hai câu thơ của Lý Thương Ẩn, đời Đường: Tịch dương vô hạn hảo / Chỉ thị cận hoàng hôn.)

Tập Ta thấy hình ta những miếu đền là một một kết thúc đẹp chứ không phải là một ngọn đỉnh trong cuộc đời viết lách của Mai Thảo. Dù rất yêu thơ và dù mang tâm hồn của một nhà thơ, sự nghiệp Mai Thảo, nhìn chung, chủ yếu vẫn là sự nghiệp của một nhà văn.

Với tư cách là một nhà văn, nơi Mai Thảo có vẻ như thành công nhất lại là nơi ông thất bại một cách thảm hại: Đọc lại những cuốn tiểu thuyết một thời rất ăn khách ở miền Nam, sau này được in lại tràn lan ở hải ngoại của Mai Thảo, dù thương ông đến mấy, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên thẳng thắn thừa nhận một điều là chúng chỉ là những cuốn tiểu thuyết đèm đẹp. Cố gắng lắm, tôi cũng chỉ đọc vài chục trang là phải buông sách xuống. Hình như nhiều người trong giới cầm bút cũng có tâm trạng tương tự. Người ta hoang mang: một mặt, người ta vẫn không dám nghi ngờ tài năng và tầm vóc của Mai Thảo, mặt khác, bằng khiếu thẩm mỹ trung bình, người ta cũng thấy nản lòng trước những cuốn tiểu thuyết màu mè và đầy mùi son phấn của ông. Tôi có cảm tưởng, đó là lý do chính của hiện tượng, cho đến nay, phần lớn những bài viết về Mai Thảo đều tập trung vào cá tính và vào cuộc đời của ông hơn là vào tác phẩm hay là sự nghiệp của ông. Làm như con người của ông lớn hơn sự nghiệp của ông và sự nghiệp của ông thì lại lớn hơn tác phẩm của ông.

Nhưng điểm đặc biệt nhất ở con người của Mai Thảo là gì? Nhiều người đã viết: đó chính là tình yêu nồng nàn và trong sáng của ông đối với văn chương. Suốt đời ông chung thuỷ với chữ nghĩa; ông không làm bất cứ một nghề gì khác ngoài việc cầm bút. Một mặt, tôi hoàn toàn không có chút nghi ngờ gì về những điều đã được nhiều người khẳng định này, mặt khác, tôi lại quan niệm, với tư cách là một nhà văn, cái tình yêu quá thiết tha ấy đã làm hại Mai Thảo không ít. Theo tôi, trong một xã hội mà lượng độc giả quá ít và trình độ độc giả nói chung lại khá thấp như xã hội Việt Nam, để sống bằng ngòi bút, người ta không thể không cúi xuống vỗ về những thị hiếu kém cỏi của quần chúng: từ tình yêu đối với văn học, người ta dần dần đi vào con đường tự huỷ về thẩm mỹ và nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn tác phẩm của tất cả những cây bút ăn khách nhất của miền Nam ngày trước cần được loại bỏ để bức chân dung văn học của họ không bị tổn hại. Mai Thảo cũng thế: không có gì làm hại ông một cách hữu hiệu cho bằng cứ cho in đi in lại những tác phẩm được xem là ăn khách của ông ngày trước như cái điều người ta đã và đang làm lâu nay.

Mai Thảo nhất định không phải là nhà văn thích hợp với hình thức toàn tập. Mai Thảo chỉ là người của những tuyển tập. Điều Mai Thảo cần nhất là một người biên tập, một editor, một kẻ chọn lọc giùm ông những tinh tuý bị ẩn khuất đâu đó dưới hàng tá tác phẩm được sáng tác vội vã như những mối tình nhẹ dạ với một giới độc giả nào đó.

Trong những cái gọi là tinh tuý ấy chắc chắn là có khá nhiều truyện ngắn. Cho đến nay, không hiểu vì lý do gì, các truyện ngắn của Mai Thảo vẫn không được tái bản ở hải ngoại, trong khi, theo tôi, đó mới chính là thể loại Mai Thảo thành công nhất. Truyện ngắn của ông pha nhiều chất tuỳ bút. Chúng rất gần với thơ: đọc xong, cái còn lại, thật sâu đậm trong tâm trí độc giả, ở những truyện ngắn ấy, là một màu sắc, một khí hậu hay một giọng điệu. Một cái gì thật mông lung, man mác, rất khó nắm bắt nhưng cứ đọng lại mãi. Có truyện ngắn của ông, đã gần ba mươi năm tôi không đọc lại, vẫn còn phảng phất trong đầu óc của tôi. Như một thoáng sương mờ. Hay một thoáng hương mơ. Nhẹ nhàng. Lãng đãng.

Dẫu sao, có lẽ Mai Thảo cũng chưa phải là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất của Việt Nam. Dù của một miền. Dù trong một thời. Truyện ngắn của Mai Thảo hay, có truyện thật hay, nhưng tôi có cảm tưởng chúng vẫn thiếu cái gì đó để được xem là những truyện ngắn lớn. Giá như không có truyện ngắn của Mai Thảo, chắc thế giới truyện ngắn Việt Nam hiện đại sẽ nghèo đi một ít nhưng không phải vì thế mà bị còm cõi hay dị dạng hẳn đi.

Nhưng nếu không có Mai Thảo, diện mạo văn học miền Nam thời 1954-1975 cũng như diện mạo văn học hải ngoại từ năm 1975 đến nay sẽ khác đi rất nhiều. Không phải truyện dài, không phải truyện ngắn, cũng không phải thơ, điều gì ở Mai Thảo có khả năng gây nên những tác động lớn lao như vậy?

Theo tôi, đó là giọng văn.

Mai Thảo không lớn ở từng bài thơ hay ở từng cuốn truyện. Mai Thảo lớn ở từng câu văn hay từng đoạn văn cụ thể. Thật ra, phải nói ngay: không phải câu văn, đoạn văn nào của Mai Thảo cũng hay. Ông có không ít những câu văn dài dòng, rổn rảng, sáo rỗng, những đoạn văn ồn ào, thừa thãi, nhạt nhẽo. Nhưng khó có thể phủ nhận được điều này: ngay cả ở những câu văn, những đoạn văn khuyết tật ấy, Mai Thảo cũng đóng được những con dấu khắc tên mình để người đọc có thể nhận ra ngay đó là những khuyết tật của Mai Thảo chứ không phải của bất cứ ai khác. Tôi cho đó là một thành công lớn đối với một nhà văn. Có rất ít người có khả năng đóng được con triện riêng ở những đơn vị rất nhỏ như thế.

Mai Thảo làm cách mạng ở cách chấm câu, ngắt câu. Mai Thảo nổi loạn, xoá nhoà ranh giới giữa các từ loại. Ông bẻ cong, ông vặn vẹo cấu trúc của câu. Ông bắt chữ nghĩa phải khiêu vũ. Ông làm cho từng âm, từng từ biết cất lên tiếng hát. Có thể nói Mai Thảo tạo ra hẳn một thứ cú pháp mới. Cho văn xuôi. Thứ cú pháp ấy không phải không có khuyết điểm nhưng có điều chắc chắn là nó có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng trong giới cầm bút Việt Nam ở miền Nam lúc trước cũng như ở hải ngoại hiện nay. Không khó khăn gì việc phát hiện ra những dấu vết của Mai Thảo trong trang viết của nhiều người, kể cả những người đã thành danh lừng lẫy. Hơn nữa, theo tôi, cú pháp ấy cũng ảnh hưởng đến cả những người ngỡ như không có quan hệ gì với Mai Thảo khiến câu văn Việt Nam sau năm 1954, nhìn chung, khác hẳn ngày trước. Và câu văn Việt Nam ở miền Nam cũng không giống với câu văn Việt Nam ở miền Bắc cùng thời kỳ.

Trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung, những người có khả năng tạo ra những thứ cú pháp có bản sắc và đầy quyền lực như vậy chắc chắn là không nhiều. Phải không? Và như vậy, cho dù mất đi danh hiệu một nhà tiểu thuyết lớn, một nhà thơ lớn, hẳn Mai Thảo, ở đâu đó, cũng không thấy có gì đáng buồn.

Cái còn lại, ở ông, cũng vô cùng hiếm hoi và nguy nga: một nhà phong cách lớn.

Riêng tôi, tôi mắc nợ nhà phong cách Mai Thảo khá nhiều: hồi nhỏ, lúc còn học trung học, có lúc tôi đã đọc ông, nhất là tập Chuyến tàu trên sông Hồng, với một ý thức và một quyết tâm rất rõ là học tập một cách viết để làm sao cho ngôn ngữ rực lên những hào quang, lấp lánh. Tôi chọn bài "Chuyến tàu trên sông Hồng" để trích lại dưới đây một phần cũng vì chút kỷ niệm riêng ấy. Của một thuở ban đầu.

Mai Thảo

chuyến tàu trên sông hồng

Hình dung thấy một cái bến tỉnh lẻ. Buổi chiều mùa đông. Những trụ xi măng ướt sương. Ánh đèn dầu le lói hắt ra từ những quán lá thấp. Đám người ngồi chen vai trên những hàng ghế nối liền, xây lưng ra mặt bến. Những đứa con gái mặc quần đen, áo cánh trắng, ngoài khoác áo bông đột chỉ như bàn cờ tướng, áo len xanh đỏ đan hình quả trám, hình tổ ong, hình dây thừng, thoăn thoắt múc đồ ăn từ những chậu sành da hươu vàng đậm ra những cái đĩa quả táo. Thịt ba chỉ kho, nước thịt nâu sậm nhuếch nhoáng, sao mỡ nổi đầy trên mặt, đậu nhồi lốm đốm những cọng hành xanh non, món giả ba ba có ốc ang chuối chát và giềng mẻ quyền quyện lổn nhổn, cá chép kho xắt từng khoanh mỏng, mỗi khoanh còn nguyên một thỏi trứng vàng. Mưa lất phất ngoài trời. Người mại bản Trung Hoa cởi trần ngồi trong một túp lều dựng ở đầu cầu đi xuống con tàu phì phà thở khói.

Và thằng nhỏ đứng đó. Nó đội mũ trắng, quai mũ kéo căng xuống cằm. Quần trúc bâu sột soạt. Cái áo an-ba-ga quá khổ vì may dài đón tuổi thùng thình tới mắt cá chân, tay áo phải bện lên đến hai vòng, thả hết ra sẽ trùm kín ngón. Bữa cơm đầu ghế trong những quán lá thấp kia sao mà vui ấm ồn ào, sao mà ngon miệng, ngon mắt đến thế. Đứa nhỏ muốn vào ngồi ở đó, gọi đồ ăn, cầm đũa cầm bát như người lớn. Nhưng mẹ nó đã gói sẵn cho nó một bữa ăn đêm trên tàu rồi. Một gói muối vừng rang mặn, mẹ ngồi xổm rang vừng trên cái bếp kiềng ba chân, trong căn nhà bếp sát vách chuồng trâu khói rơm kết đóng thành bồ hóng phủ kín như một lớp rêu đen nhẫy trên các đầu kèo, mẹ giã vừng bằng chày gỗ trong cối đá có vân xanh, mẹ xát vừng trên cái nia tre nhỏ, rồi gói vào lá chuối tươi cùng khoanh cơm nắm nhuyễn như bột mẹ nấu trong cái niêu đất nhỏ bằng gạo tám thơm để dành trong lu sành đặt dưới gầm bàn thờ, bằng nước mưa mùa hè chảy xuống cái bể rêu có ống máng cau dẫn nước từ đầu chái xuống. Và đứa nhỏ ngoan ngoãn nuốt nước miếng quay đi, nghĩ rằng chuyến đi đầu tiên trong đời nó phải có cái bữa ăn dọc đường thanh đạm ấy. Nó đi thơ thẩn chờ giờ khởi hành. Ra khỏi bờ ao có bè rau muống thả dài dưới bóng cây sung, cây mít, có luống khoai ngứa lá to bản đỏ tía bờ ao bên kia, có cá chuối lượn lờ từng đoàn, cá rô đớp mồi muỗi chết đuối dưới chân cầu ao, cá bống mí vươn cái bụng trắng phau phau, những buổi trưa nắng êm ả điểm từng tiếng động lộp bộp của trái rụng trong vườn, ra khỏi cái ngõ ruối những tinh sương xanh biếc nó cầm cái nỏ cao su gạc ổi chờ rình con chim chào mào sáng nào cũng đến đậu trên ngọn cây soan, ra khỏi căn nhà lá ba gian hai chái có bàn thờ ông bà ông vải kê chính giữa đằng sau bộ trường kỷ trên để một khay chén tống quân và một bình trà Ninh Thái chữ Tàu đỏ chói. Buổi chiều tuổi nhỏ ấy, đứa nhỏ đã vượt qua con đường tàu chìm khuất dưới đám cỏ bồng, đi qua vùng ngoại ô là xóm cô đầu ngày trước, tới chân bức tường thành cổ ngập ngụa lá sấu lá bàng, rồi là những con đường đầy than và những chuyến xe goòng, rồi là những ống khói của nhà máy dệt sau những vì tường màu xám cao ngất, và nó đã đứng đó, chờ đợi chuyến tàu thứ nhất trong đời ngược dòng chở nó vào cái thế giới hiện lên trong tưởng tượng ấu thơ như một chân trời cách trở nghìn trùng là Hà Nội.

Hình dung thấy một con tàu nằm sát kề mặt bến. Cái ống khói đen chũi, lầm lì thả ra những đợt khói trắng vật vờ trên miệng. Một con tàu già nua, ọp ẹp, nước sông rỉ rề lênh láng suốt ba khoang hầm tàu, bọn phu cởi trần đêm ngày thay phiên nhau múc nước đổ ò ọ ra sông, tát ra tới đâu nước vào tới đó. Một cái cầu mỏng manh vắt chênh vênh từ kè đá bến xuống cửa khoang tàu ướt nhẫy. Đứa nhỏ hoàn hồn thở ra khi đi hết cái cầu dập dình nguy hiểm, nó run chân, nó lạnh người, chỉ sợ bước hụt lộn nhào xuống lòng sông. Đám người xuôi ngược nằm ngồi ngổn ngang giữa đám hàng hoá chất đống. Muối bể đựng trong bao tải ướt nhép, mặt bao đánh dấu từng tên cửa hàng. Bao muối quật mạnh xuống sàn tàu vỡ toang, muối nhỏ hạt hồng hồng phù sa chảy ức từng đống lớn. Gạo cám và ngô khoai toát ra mùi ẩm mốc ngai ngái. Trứng vịt trứng gà xếp đầy trong những cái dành đặt ở những xó góc riêng tránh xa những lối đi. Đòn gánh, quang thúng, vỉ buồm, tay nải thòi lòi từ những gậm ghế chạy dài suốt hai mạn. Ánh đèn sáng trưng. Cái ống khói vượt khỏi hầm tàu chiếm một khoảng rộng chính giữa con tàu thở phì phà. Hơi nóng rừng rực choáng váng phả lên từ cái lò than vĩ đại dưới hầm. Đứa nhỏ lần bước về mũi tàu, chọn được một chỗ ngồi trên đống hàng hoá, len lén ngồi xuống. Gió sông ném mưa vào mặt nó, làm tỉnh táo hẳn cái trạng thái lạc lõng kỳ thú của cuộc phiêu lưu đầu đời. Cặp mắt con chim ra ràng mở thao láo, ngó ngó nghiêng nghiêng, đựng đầy hình ảnh. Đống dây xích sắt quấn nhiều vòng quanh cái trụ bóng loáng. Những ca-bin đánh số chiếm một khoảng riêng, người chủ tàu ngậm tẩu bệ vệ đi đi lại lại trên khoảng hành lang cách ngăn bằng một cánh cửa thấp. Rồi mặt sông mà bóng tối đã phủ xuống cùng mưa bay bỗng vang động những tiếng còi hú dài lanh lảnh. Tiếng lạt xạt của cái cầu gỗ được kéo lên. Dây thừng, cây cầu được kéo lên. Dây cáp rời trụ buộc trên bến buông thả lõm bõm xuống mặt nước. Bốn người phu cởi trần gò mình chạy quanh trục neo, cái neo rút lên từ từ lẩn vào mũi tàu. Đứa nhỏ nghểnh cổ nhìn lại. Mặt bến xa dần, hẫng đi một khoảng cách biệt bắt đầu. Những ngọn đèn vàng ệch. Những bóng người nhá nhem chuyển dịch trên cái bến trống thoáng chợt rộng hẳn vì con tàu đã thôi án ngữ. Tiếng nước chảy ngược gào réo hai mạn. Nghiêng đầu ngó ra mặt sông tối om thoang thoáng vết nước trắng xoá. Con tàu ngược dòng sông Hồng, ra khỏi tỉnh và những bờ bãi hoang vu, những làng xóm im lìm bắt đầu.

Hình dung thấy đứa nhỏ ngồi đó và nó nghĩ. Nghĩ đến cái thôn xóm hẻo lánh bên đường xe lửa nó vừa giã từ, đến cái tuổi nhỏ như một bông hoa đồng, một ngọn cỏ nội nó vừa bỏ lại. Những ngày mưa bão ở quê cũ, nước dềnh mặt ao, mấp mé đầu thềm, nó đầu đội mưa bắt cá lạc, nhặt trái rụng, cái mặt tái mét, quần áo dán chặt vào thân thể nhợt nhạt run rẩy nhưng tâm hồn mừng vui như mở hội. Đứa nhỏ yêu những ngày nước lụt, những ngày mưa bão như thế. Ban đêm nó tỉnh dậy khi nhạc mưa rào rào trên mái, khi gió quật đập dữ dội làm những kèo nhà cót két lay chuyển, khi những hàng xóm những tiếng í ới hò nhau chống nhà vang dội trong mưa. Buổi sáng, nó nhảy cẫng xuống đất, chạy vội ra đầu chái nhìn lên. Mây hoang hoang đầy trời bão động. Mẹ nó kéo lết vào bắt mặc áo bắt đi guốc. Nó thoát khỏi tay mẹ, chạy ra lấy thau đồng hứng nước mưa từ đầu gianh trút xuống, ngồi thu lu. Nước chảy tràn lan khắp cùng ngõ trước sân sau. Nước băng băng dồn đổ, đâu đâu cũng là nước, cái cảnh tượng ngập lụt của tuổi nhỏ ấy là sự mê thích sảng khoái rất tạo vật rất thiên nhiên mà đứa nhỏ đang hồi tưởng từ một chuyến tàu đang ngược dòng về thành phố lớn.

Hình dung thấy con tàu trên con sông đó. Con sông Hồng Hà. Như dòng máu đỏ tươi chạy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng đập cái tiếng đập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hút xoáy mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cù. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành lăn tăn êm ả trên những bãi ngầm nổi hình mùa lũ này qua mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịnh chòng chành, đêm đêm có ánh đom đóm lập loè, có ánh trăng xanh mướt chở tới những khoảng sân gạch bát tràng nồng ấm hương lúa đầu mùa. Tiếng quạt thóc, tiếng đập thóc rào rào. Màu lúa vàng diệp dưới ánh trăng nhễ nhại. Tiếng cười tiếng đùa ròn rã là âm thanh đầm ấm của những năm tháng được mùa thoả thuê trong hạnh phúc quê mùa và yên vui đơn giản. Đứa nhỏ nhớ mãi cái cảm giác lạo xạo dưới lòng chân khi nó dang tay đi rê rê, miệng ngậm một cọng rơm tươi giữa đám thợ gặt từ những phương trời khác đeo hái tới làng, lại đeo hái lên đường tới những cánh đồng chưa gặt khác. Nó thấy người ta nói chuyện tiếu lâm, người ta tự tình, người ta yêu nhau. Và khi đám con trai lạ bỏ làng đi, nó cũng đứng tần ngần dưới chân đê nhìn theo hàng một dài tắp kéo dài trong ánh bình minh rồi nhỏ dần, nhỏ dần như một sợi chỉ và mất hút. Nhớ tiếng trống làng thùng thùng. Tiếng chuông chầu buổi tối. Tiếng mõ niệm buổi trưa. Tiếng gà gáy sớm. Tiếng chó sủa đêm. Nhớ những âm thanh mộc mạc nghìn đời của đất của đồng của hoa của cỏ. Nhớ tiếng ếch tiếng nhái ão uộp dưới ao bèo Nhật Bản, tiếng ve ran ran, tiếng sáo diều vi vu bất tận trên nền trời rộng, tiếng đòn gánh kẽo kẹt rập rình, tiếng chân đi nằng nặng của đám tuần vác mõ canh đêm, là những tiếng động cũ kỹ, thuần tuý của xóm làng có ao sen đầu đình giếng đá đầu quán, có những chuyến xe buýt cà rịch cà tang thở khói khét lẹt trên mặt đê cao.

Đứa nhỏ sống trong thứ thời gian rất thơ và rất xanh của bốn mùa, thứ không gian tình cờ của mưa mưa nắng nắng, nó sống trong cái thế giới của chuồng trâu bếp lửa, của khói rạ lượn lờ trên mái tranh, của hương hoàng lan thoang thoảng trong cây, của hương bồ kết cay cay trong tóc. Nó nhớ lại tuổi nhỏ như một con chuồn chuồn ngất ngư trong biển nắng, cái tuổi nhỏ như say rượu, cái tuổi nhỏ nằm tròn thành một giọt sương mai giữa đất trời, cái tuổi nhỏ ru nó bằng nhịp võng đưa, cái tuổi nhỏ thật nhỏ, cũng thật hiền, thật non và cũng thật xanh, cái tuổi nhỏ của cái mũ trắng nó đang đội, của cái quần trúc bâu sột soạt nó đang mặc, của tóc mới đâm cứng như rễ tre, của da mới vỡ đầy vết lang ben, của tiếng nói khao khao như tiếng gà trống, cái tuổi nhỏ thật là tuổi hồng, cái tuổi nhỏ ở đồng chưa từng biết thế nào là ánh điện, là đường nhựa, là ngã tư, là phố phường.

Hình dung thấy chuyến đi đó, trên con tàu, trên Hồng Hà. Đêm trên sông lớn trải khắp bốn hướng mênh mông. Đứa nhỏ ríu mắt gục xuống cái mũ trắng trên đầu gối, thiếp đi. Bỗng nó bàng hoàng thức dậy. Con tàu ngược dòng như lãng đãng trườn đi trong khói sương và chiêm bao mơ hồ. Rồi là một hồi còi. Từ cái đỉnh ống khói, tiếng còi được ném lên vòm trời khởi sự là một thứ âm thanh đặc quánh hơi nước, tiếng còi vụt lên thật cao, còi rùng mình rồi phóng về hai phía, vẽ lên, cái âm thanh ngân ngân vang vang kỳ lạ của nó tất cả những bờ bãi, những cuối mỏm, những đầu ghềnh, những khúc quanh, những ngã ba nhạt nhoà trong bóng tối. Tiếng còi vang động một vùng làng xóm ngủ thiếp, lọt vào những cánh cổng đóng kín, loang tới những khoảng sân vắng, những cái bếp tro than nguội lạnh, những bờ ao kín đặc trong sương, tự lòng sông chuyển cả không gian mịt mùng, chuyển cả thời gian thăm thẳm, chuyển những vì sao lạc, những ánh trăng suông, cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng vào những làng xóm, làng xóm trùm kín lấy, và lắng đọng bồi hồi mãi mãi. Con tàu đi vào một khúc sông khác. Nhưng tiếng còi đêm còn lại, vĩnh viễn, với Hồng Hà. Đứa nhỏ nghe tiếng còi và tiếng còi bao nhiêu năm tháng sau này, còn ám ảnh thần trí nó, kết tinh thành cái âm thanh của tuổi nhỏ mất dần từ một đêm bỏ làng ra phường phố. Lớn lên, đi qua một con sông nào, dừng lại ở một bến tàu nào, đứng ngắm một dòng nước nào, trong đầu óc đứa nhỏ lại nổi dậy cái âm thanh não nùng lê thê của tiếng còi trên dòng sông Hồng của một chuyến đi tuổi nhỏ. Cúi đầu xuống và nhắm mắt lại mà theo dõi cái âm thanh không bao giờ mất ấy trong dòng hồi tưởng, nó lại như thấy vẽ ra trước mắt con tàu cũ, cái bến xưa, và tất cả hình ảnh của một tuổi nhỏ chới với như một cánh bướm ma ẩn ẩn hiện hiện trong sương mù quá khứ. Đó là đợt gió lùa vào tiềm thức. Tiếng nức nở của tuổi thơ. Tiếng thở dài của quá khứ khi hình hài và tâm hồn nó bây giờ đã đổi khác. Đó là âm thanh khởi đầu cho một trình tự hồi tưởng xa xa thẳm, khi nó muốn nhỏ lại như tuổi nào, để được ngậm một cọng rơm tươi, chạy miết trên những con đường dẫn đưa vào thiên đường cũ.

Hồi tưởng lại một buổi sáng nhợt nhạt. Con tàu ghé bến Hà Nội rồi. Phường phố lớn chập chùng. Đứa nhỏ bàng hoàng đi lên. Và con sông Hồng, và tiếng còi và chuyến tàu đã bỏ lại sau lưng cùng tuổi nhỏ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021