thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Làm thế nào mà tôi tống khứ được mấy cuốn sách của mình

 

Đoàn Khương Duy chuyển ngữ

 

Gần đây có hai cơn động đất xảy ra, và lúc diễn ra cơn động đất thứ nhì — cái đánh vào Bolu vào tháng Mười một (năm 1999) — tôi nghe thấy có tiếng va đập từ phía đầu này hoặc đầu kia trong thư viện của mình; rồi những kệ sách kêu cót két cọt kẹt một hồi lâu. Tôi khi ấy đang nằm trên giường trong căn phòng đằng sau nhà, với cuốn sách trên tay, quan sát cái bóng đèn trần trụi đang lắc lư trên đầu mình. Rằng thư viện của tôi có thể hoà mình nhịp nhàng vào cơn thịnh nộ của động đất, rằng nó xác nhận và đề cao thông điệp của nó — điều này làm tôi sợ hãi, và những điều gợi đến một cảnh điêu tàn làm tôi tức giận. Điều này cũng đã từng diễn ra trong cơn dư chấn hồi mấy tuần trước đó. Tôi quyết định trừng phạt cái thư viện này.

Đây là cách mà tôi, bằng một nhận thức rõ ràng đến kì lạ, có thể chọn ra được 250 cuốn sách từ các kệ sách, rồi vứt bỏ chúng. Tựa như một vị vua Hồi-giáo rảo bước giữa đám nô lệ, bốc ra một số người để quất roi vào họ, tựa như một nhà tư bản chỉ ra mấy kẻ làm thuê để sa thải họ, tôi chọn ra danh sách đó ngay tức thì. Thứ mà tôi trừng phạt chính là quá khứ của mình, là những giấc mơ mà tôi nuôi dưỡng khi lần đầu tiên tìm thấy những cuốn sách đó và bốc chúng ra, mua chúng, mang về nhà, giấu chúng đi, lấy ra đọc, miệt mài mân mê chúng, hình dung ra tôi sẽ nghĩ gì khi đọc chúng trong tương lai. Khi chiêm nghiệm lại thì điều này có vẻ giống như một sự giải phóng hơn là trừng phạt.

Còn niềm vui mà nó mang lại cho tôi thì sao? Đây là điểm khởi đầu tốt cho việc thảo luận về sách và thư viện của tôi. Tôi muốn nói một vài thứ về thư viện của mình, nhưng tôi không muốn ca tụng nó theo cách của một người bày tỏ tình yêu sách của anh ta chỉ để cho bạn biết anh ta đặc biệt ra sao, và cho bạn biết anh ta có học vấn và tao nhã biết dường nào. Và tôi cũng không muốn trông giống những kẻ yêu sách kiểu phô trương, là những kẻ sẽ cho bạn biết là họ tìm thấy được một cuốn cực kì hiếm trong một tiệm sách cũ nho nhỏ trên một con phố nhỏ tại Prague. Tôi vẫn đang sống ở một đất nước xem những người không đọc sách là chuyện bình thường, còn những người đọc sách được xem là có vấn đề, do vậy tôi không thể không tôn trọng những kiểu cách, những nỗi ám ảnh, và điệu bộ của một nhóm nhỏ những kẻ đọc sách và dựng nên các thư viện nằm giữa sự nhạt nhẽo và thô lỗ hiện diện muôn nơi. Như tất cả những điều nãy giờ đã nói, vấn đề tôi muốn bàn luận ở đây không phải là việc tôi yêu sách vở nhiều cỡ nào, mà là việc tôi ghét chúng ra sao. Cách tốt nhất và nhanh nhất để kể câu chuyện này chính là nhớ xem làm sao và tại sao tôi tống khứ mấy cuốn sách đó đi được.

Bởi vì chúng ta, ở chừng mực nào đó, hay sắp xếp thư viện của mình sao cho bạn ta có thể nhìn thấy mấy quyển sách theo cách mà ta muốn, nên có một cách dễ dàng dọn dẹp chúng là quyết định xem cuốn nào ta thích, có thể nói vậy, giấu nó đi hay bỏ nó luôn, để bạn ta không thấy được nó. Chúng ta có thể vứt đi hàng đống cuốn sách để không ai biết được là bạn từng có hẳn hòi mấy thứ dớ dẩn như vậy. Khi chúng ta chuyển từ giai đoạn trẻ con sang giai đoạn thiếu niên, và từ thiếu niên sang giai đoạn thanh niên, nỗi ám ảnh đặc biệt này bao trùm lấy ta. Có một dạo ông anh cho tôi mấy quyển sách mà anh ấy cảm thấy xấu hổ vì đã đọc chúng lúc nhỏ, và cho tôi mấy bộ tạp chí bóng đá đã được đóng thành cuốn (như tờ Fenerbahçe) vốn không còn làm anh hứng thú nữa, khi đó đúng là anh ấy bắn một phát toi hai con nhạn. Tôi cũng dùng cách đó để tống khứ đi nhiều cuốn tiểu thuyết Thổ-nhĩ-kì, tiểu thuyết Xô-viết, mấy tập thơ tồi, và những cuốn xã hội học, đó là chưa kể những loại hình văn chương xóm làng tầm trung, và mấy cuốn sách mỏng của phe cánh tả mà tôi thu thập được, giống như cái cách mà mấy tay lưu trữ văn thư trong cuốn The Black Book đã làm. Tôi cũng chọn kiểu xử lí y như thế đối với mấy cuốn khoa học phổ thông mà tôi hay mua định kì lúc trước và mấy cuốn tự truyện phù phiếm kể về việc người này người kia thành công ra sao, đó là những cuốn mà hồi ấy tôi không thể không đọc, và nhiều quyển khiêu dâm đẳng cấp, không có hình minh hoạ, mà ban đầu tôi dồn hết vào một góc lẩn khuất trước khi vứt chúng đi.

Khi tôi quyết định vứt một cuốn sách đi, thì nỗi bồn chồn về tình trạng suy đồi che phủ đi sự phẫn uất sâu thẳm vốn vẫn chưa hiện ra rõ ràng ngay tức thì. Cái đang đi vào tình trạng suy đồi không phải là ý nghĩ bất an rằng cuốn sách đó (một Lời-thú-tội-Chính trị, một Bản-dịch-Tồi, một cuốn Tiểu-thuyết-Thời-thượng, một Tập-thơ-mà-toàn-bộ-các-bài-thơ-đều-giống-nhau-và-giống-những-bài-thơ-khác) nằm trong thư viện của mình, mà đó là khi tôi phát giác ra rằng có một thời tôi nghiêm túc bỏ tiền ra mua nó, rồi giữ nó trên kệ qua bao năm tháng, và thậm chí còn lấy ra đọc một ít nữa. Bản thân cuốn sách không làm tôi xấu hổ gì, mà tôi xấu hổ vì đã từng đánh giá nó là một cuốn quan trọng đối với mình.

Đến đây thì chúng ta đi đến vấn đề thật sự: Thư viện của tôi không phải là nguồn khởi của lòng tự hào mà là nguồn khởi của tự phục cừu và đàn áp. Giống như những ai tự hào về học thức của họ, tôi thỉnh thoảng cũng lấy làm thích thú khi nhìn mấy cuốn sách này, lướt tay qua chúng, và lấy ra một cuốn nào đó để đọc. Thời trai trẻ, tôi đã hình dung chính bản thân đứng làm kiểu trước sách của mình, một khi tôi trở thành nhà văn. Nhưng giờ tôi chỉ cảm thấy ngượng nghịu vô cùng vì đã từng đầu tư thời gian và tiền bạc cho chúng, chuyển chúng về nhà như một tay khuân vác và rồi giấu biến chúng đi; điều khiến tôi đau đớn nhất là khi nhận ra là mình đã từng “gắn kết” với chúng. Khi tôi già dặn hơn, có lẽ tôi bắt đầu vứt đi mấy quyển sách nhằm tự thuyết phục bản thân rằng tôi sở hữu sự uyên bác cần có ở một người chủ của một thư viện gồm toàn những cuốn bản thân anh ta đã đọc rồi. Nhưng tôi lại mua sách còn nhiều hơn là vứt sách. Và do vậy nếu tôi so sánh thư viện của mình với thư viện của một người bạn đọc nhiều tại một đất nước Tây phương giàu có, thì cái thư viện của anh ta hẳn là có ít sách hơn của tôi. May mắn là đối với tôi thì điều quan trọng bắt buộc nhất không phải là có được những cuốn sách hay mà là phải viết ra chúng.

Những bước tiến triển của một nhà văn phụ thuộc rất nhiều vào việc đọc được bao nhiêu sách hay. Nhưng viết tốt không phải là chậm rãi, cẩn thận đưa đôi mắt và tâm trí mình lướt qua chữ nghĩa: mà chính là việc đắm mình hoàn toàn vào tâm hồn nó. Đây là nguyên do tại sao mà ta phải lòng chỉ có vài cuốn sách trong suốt cuộc đời mình. Ngay cả một thư viện cá nhân được chăm chút kĩ càng nhất cũng gồm nhiều cuốn sách cạnh tranh lẫn nhau. Lòng ganh tị giữa những cuốn sách này ban cho nhà văn sáng tạo một nỗi u sầu nào đó. Flaubert đúng khi nói rằng nếu anh đọc mười cuốn sách bằng mối lưu tâm vừa đủ thì anh sẽ thành một nhà hiền triết. Như một qui luật, hầu hết người đời đều không làm được vậy, và đó là nguyên do tại sao họ cứ sưu tầm sách và phô trương ra thư viện họ tạo dựng nên. Bởi tôi sống trong một đất nước gần như vắng bóng sách vở và thư viện, nên ít nhất thì tôi cũng có được một lí do biện hộ. Mười hai ngàn cuốn sách trong thư viện của mình là thứ thúc giục tôi phải nghiêm túc để tâm đến tác phẩm của mình.

Trong số sách của mình thì có lẽ có mười hay mười lăm cuốn tôi thật sự yêu quí, nhưng tôi không có cảm giác uỷ mị đối với thư viện này. Nếu xét nó như là một hình ảnh, một bộ sưu tập nội thất, một mớ bụi bặm, một gánh nặng hữu hình, thì tôi không thích nó chút nào. Cảm giác gần gũi với nội dung bên trong nó cũng tựa như có những mối quan hệ với những người phụ nữ có đức hạnh cao cả ở chỗ lúc nào cũng sẵn sàng yêu ta; điều tôi yêu thích nhất khi nói về sách của mình là việc tôi có thể bốc chúng ra để đọc bất kì khi nào mình muốn.

Bởi lẽ tôi sợ “những gắn kết” cũng giống như sợ tình yêu vậy, nên tôi đón chào bất kì lời bao biện nào để tống bớt sách đi. Nhưng trong mười năm qua, tôi đã phát hiện ra một lí do biện hộ mới, một ý tôi chưa từng nghĩ đến trước đây. Những tác giả của mấy cuốn sách mà tôi mua hồi trai trẻ và giữ lại rồi thỉnh thoảng còn đọc nữa, bởi vì họ là “nhà văn của dân tộc chúng tôi,” và thậm chí họ nằm trong số khá nhiều nhà văn tôi đọc trong những năm tiếp theo — thì trong những năm gần đây họ mưu tính gom góp lí lẽ để chứng tỏ sách của tôi tệ hại như thế nào. Ban đầu tôi thấy vui vì họ thật sự để tâm nghiêm túc đến tôi. Nhưng bây giờ thì tôi mừng vì đã có một lời bao biện thậm chí còn ghê gớm hơn cả một cơn động đất, nhằm dọn bọn họ ra khỏi thư viện của mình. Đây là sự thể làm thế nào mà những kệ văn chương Thổ-nhĩ-kì của tôi nhanh chóng đánh mất đi các tác phẩm của những tay nhà văn suy đồi, giống đực, hói đầu, thành danh chút đỉnh, tầm thường và ngớ ngẩn.

 

Chuyển ngữ tại Sài-gòn

 

---------
Nguồn:
Orhan Pamuk, “How I Got Rid of Some of My Books”, Other Colors: Essays and a Story. Trans. Maureen Freely (New York: Alfred A. Knopf, 2007).

 

 

------------

Đã đăng:

Anh viết cho ai?  (tiểu luận / nhận định) 
... Bởi lẽ mọi nhà văn trong sâu thẳm lòng mình đều muốn viết chân thật, cho nên — ngay cả sau ngần ấy năm trôi qua — tôi vẫn thích được ai đó hỏi tôi viết văn cho ai. Tuy nhiên, trong khi tính chân thật của nhà văn phụ thuộc vào khả năng dấn thân vào thế giới anh đang sống, thì nó cũng phụ thuộc nhiều vào việc anh phải có khả năng hiểu được rằng vị thế bản thân anh cũng sẽ thay đổi trong thế giới đó... [Đoàn Khương Duy chuyển ngữ] (...)
 
Chín ghi chú về bìa sách  (tiểu luận / nhận định) 
Nếu một nhà văn có thể viết xong cuốn sách mà không mơ mộng đến cái bìa, thì ông ta là một người khôn ngoan, đầy hiểu biết, và là người hoàn toàn trưởng thành, nhưng ông ta cũng đã đánh mất đi cái nét thơ ngây đã từng giúp ông trở thành một nhà văn ngay từ thuở ban đầu... [Đoàn Khương Duy chuyển ngữ] (...)
 
Ý nghĩa  (truyện / tuỳ bút) 
Chào bạn! Cảm ơn vì bạn đọc tôi. Hẳn là tôi hạnh phúc có mặt ở đây, cho dù tôi không thể không thấy bối rối. Tôi thích cách bạn lướt mắt nhìn tôi. Vì tôi ở đây là để phục vụ bạn. Mặc dầu vậy, tôi không rõ điều đó có ý nghĩa gì. Dạo này thậm chí tôi còn không biết tôi là ai — đó không phải là điều đáng tiếc sao? Tôi là tập hợp của những dấu hiệu; tôi mong được người ta nhìn thấy, nhưng rồi tôi lại sợ hãi. Liệu tự giấu mình đi trong bóng tối, xa cách, khỏi mọi cặp mắt dòm ngó có tốt hơn không? ... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)
 
Cái thú đọc sách  (tiểu luận / nhận định) 
... Khi thưởng thức sự tinh tế của nhà văn, sức mạnh trong giọng văn, khả năng quan sát, sự nồng nhiệt của ông, cách ông đi thẳng vào tâm điểm vấn đề, và sự sắc sảo của trí tuệ ông, tôi thấy như thể ông thầm thĩ tất cả sự thông thái của ông vào tai tôi, chỉ cho riêng tôi. Dù biết hàng triệu người đã đọc cuốn sách này trước tôi, tôi vẫn cảm thấy — vì những lý do không thể lý giải — trong cuốn sách này có nhiều đoạn, nhiều chi tiết vặt, những điểm tinh tế, những thấu hiểu mà nhà văn chia sẻ cùng tôi và chỉ hai chúng tôi có thể cảm kích... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)
 
Về việc đọc: Ngôn từ hay Hình ảnh  (tiểu luận / nhận định) 
Mang theo một cuốn sách trong túi hay trong giỏ xách của bạn, nhất là những khi buồn, là sở hữu một thế giới khác, một thế giới có thể mang lại cho bạn niềm vui. Suốt thời tuổi trẻ buồn chán của tôi, ý nghĩ về một cuốn sách như thế — một cuốn sách tôi chờ mong đọc — là niềm an ủi giúp tôi vượt qua những buổi học, vì khi ngáp quá nhiều tôi sẽ ràn rụa nước mắt; sau này trong đời, sách giúp tôi chịu đựng những cuộc họp chán ngấy mà tôi phải dự vì nghĩa vụ hoặc vì không muốn bất lịch sự. Tôi sẽ liệt kê ra những điều khiến tôi đọc sách, không phải vì công việc hoặc để học hỏi, mà chỉ để chơi... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021