thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mối quan hệ giữa tiểu thuyết với những vấn đề thời sự

 

Bài phát biểu của Ahdaf Soueif trong cuộc hội thảo “Should Literature be Political?”
[“Văn chương nên có tính chính trị hay không?”], 17/08/2012.
Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm.

 

Lời giới thiệu:
 
Không hiếm người, ở phía bên này hoặc phía bên kia, thường đơn giản hóa mối quan hệ giữa văn chương và chính trị bằng những phát biểu chắc nịch như đinh đóng cột rằng nó phải thế này hoặc phải thế kia. Từ đó, họ sẵn sàng lên án (và cầm tù, nếu họ có quyền) tất cả những ai nghĩ khác họ. Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như vậy. Có thể nói quan hệ giữa văn chương và chính trị là một trong những vấn đề phi thời gian. Ngay từ thời cổ đại, Plato ở phương Tây và Khổng Tử ở phương Đông đã đặt vấn đề đó. Suốt hơn 2500 năm vừa qua, nhân loại không ngừng đặt lại vấn đề ấy với những cách kiến giải khác nhau. Một diễn đàn văn học ở Úc (Overland) đã có một cuộc tranh luận khá sôi nổi về vấn đề này từ cuối năm 2010: What we talk about when we talk about politics, Fiction and politics in the 21C: a reply to Emmett Stinson. Từ ngày 17/08/2012 đến 01/11/2012, một cuộc hội thảo dưới chủ đề “Should Literature be Political?” [“Văn chương nên có tính chính trị hay không?”] đã được tổ chức trong khuôn khổ của 2012-2013 Edinburg World Writers’ Conference, do Edinburg International Book Festivak bảo trợ. Trong cuộc hội thảo này, vào ngày 20/09/2012, nhà văn Njabulo S Ndebele đã phát biểu một ý mà tôi rất tâm đắc: “Câu hỏi ‘văn chương nên có tính chính trị hay không?’ là một vấn đề của mọi thời đại, và cách tiếp cận vấn đề một cách tốt nhất là không nên tìm kiếm những câu trả lời chắc chắn và vĩnh viễn, nhưng nên để ngỏ tâm trí, chẳng hạn, tự hỏi, tại sao chúng ta lại đặt ra câu hỏi ấy lần nữa.”
 
Bản thân tôi đã từng viết và dịch một vài bài tiểu luậnliên hệ đến vấn đề này, nhưng vẫn không ngớt băn khoăn về nó. Vì vậy, đọc một số bài phát biểu trong cuộc hội thảo trên, tôi rất thích. Trước hết, tôi xin dịch một bài phát biểu mà Ahdaf Soueif, một nhà văn Ai-cập, đã trình bày tại cuộc hội thảo vào ngày 17/8/2012.
 
Sinh tại Cairo vào năm 1950, được giáo dục ở Ai-cập và ở Anh, Soueif hiện đang học chương trình Tiến sĩ về ngôn ngữ học tại Đại học Lancaster. Bà viết chủ yếu bằng tiếng Anh và đã xuất bản một số tiểu thuyết cũng như tuyển tập truyện ngắn rất được khen ngợi. Cuốn tiểu thuyết Tấm bản đồ tình yêu (The Map of Love, 1999) của bà được lọt vào vòng chung khảo của giải Man Booker Prize, và đã được dịch ra 21 thứ tiếng. Tạp chí Harper, trong số đặc biệt về văn chương Ai-cập, xem Souerif là một trong những nhà văn tài hoa nhất của Ai-cập.
 
Không phải ý kiến nào của Soueif cũng có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, ở đây quan trọng nhất là chúng ta được nghe nhiều tiếng nói khác nhau.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

 

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA TIỂU THUYẾT VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ THỜI SỰ

Ahdaf Soueif

 

Cuộc hội nghị của các nhà văn được tổ chức tại liên hoan Edinburgh cách đây 50 năm đã thảo luận về mệnh đề này: “Nhiều người tin rằng tiểu thuyết gia có bổn phận dùng ngòi bút để phát huy chính nghĩa mà hắn tin tưởng. Những người khác thì cho rằng văn chương phải nằm cao hơn hẳn những vấn đề thời sự”.

Giả định là tiểu thuyết gia có thể làm điều này hay điều nọ. Tôi không chắc là giả định này đúng. Một tiểu thuyết gia có thể ngồi xuống viết một tiểu thuyết một cách có tính toán để phát huy một chính nghĩa? Vâng, có thể, và nó có thể sẽ là một chính nghĩa tốt, và là một chính nghĩa hợp đạo đức (just cause), nhưng cái bạn nhận được sẽ không phải là một cuốn tiểu thuyết – nó sẽ là một luận văn chính trị dưới lớp vỏ tiểu thuyết. Kinh nghiệm của tôi là ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang chọn câu chuyện, thực ra chính là câu chuyện đang chọn chúng ta.

George Eliot đã viết: “Nếu chúng ta có một tầm nhìn và sự nhạy cảm sâu sắc đối với toàn bộ cuộc nhân sinh bình thường, điều đó sẽ giống như nghe được tiếng cỏ mọc và nhịp tim của con sóc, và chúng ta sẽ chết bởi tiếng gầm rống vốn nằm phía bên kia của sự im lặng.” Ngày nay thì không có phía bên kia nào cả, và cũng không có cả sự im lặng. Internet, Twitter và YouTube đã bảo đảm điều đó. Vâng, tiếng ồn có thể được loại trừ từ cái không gian hẹp chung quanh chúng ta, nhưng chúng ta biết là nó vẫn tồn tại; chúng ta biết là chỉ mất 2 gõ trên bàn phím để đưa màn hình của chúng ta trở lại với đời sống với những người phụ nữ bị buôn bán, những đứa trẻ bị khủng bố và những người đàn ông tuyệt vọng. Chúng ta biết có những người đàn ông và đàn bà bất chấp sa mạc và biển cả để kiếm sống, chúng ta biết một nửa thế giới đang sống đói khổ và địa cầu thì phát điên với sự thừa mứa của con người và, đặc biệt là trong giới trẻ, có một khát vọng lớn lao và cấp bách để thay đổi hệ thống.

Câu hỏi đặt ra là: bạn có muốn dấn thân vào điều này không? Hay bạn muốn đào thoát khỏi nó? Bạn có muốn sống đời bạn trong một chiếc bong bóng [của những ảo tưởng]? Hay bạn muốn trở thành một phần của câu chuyện lớn của thế giới?

Một tiểu thuyết gia có phải là một nhà hoạt động văn nghệ? Một nhà hoạt động bị thúc đẩy bởi một chính nghĩa và thực hiện nó. Hầu hết mọi người đều hài lòng sống cuộc đời của họ trong những phạm vi cá nhân được định sẵn. Nhưng một trong những điều mà những người nghệ sĩ chắc chắn đó là họ sống bên ngoài lớp da của họ. Rằng họ được nối kết. Rằng họ đau nỗi đau của đồng loại. Vậy thì, làm cách nào họ có thể dửng dưng được? Làm thế nào bạn có thể - nếu công việc của bạn, nếu năng khiếu của bạn, là tự sự - tự mình khuất lánh khỏi câu chuyện của thế giới?

Tiểu thuyết có nên có tính chính trị? Tôi không tin vào chữ “nên” ở bất cứ nơi đâu gần nghệ thuật. Ở bất cứ thời điểm nào cũng có hàng ngàn câu chuyện để kể. Có phải chúng ta – những người kể chuyện – chọn một cái nào đó để kể? Hay là chúng ta được chọn và thúc ép bởi một câu chuyện cho đến khi chúng ta ngồi xuống, làm việc với nó và làm cho nó hiện hình trước thế giới? Câu chuyện có đến với chúng ta khi chúng ta sẵn sàng gánh vác nó? Và chẳng phải chữ “nên” duy nhất lúc đó là chúng ta nên cho câu chuyện cái mà nó đáng được hưởng?

Tôi tin rằng nhiệm vụ của chúng ta là đối với độc giả và đối với những câu chuyện mà chúng ta đã đồng ý kể. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho độc giả tiếp tục đọc, là đưa họ vào một thế giới do chính họ tạo ra cho họ, một thế giới nơi họ nhận ra những vấn nạn của chính họ và sở hữu của riêng họ, nơi họ thấy những nhân vật trở thành bằng hữu, và họ cảm nhận sự đồng cảm mạnh mẽ đến mức họ muốn vượt qua trang giấy để giúp đỡ và an ủi những nhân vật đó. Đó là thỏa thuận: nhà văn thu hút cảm xúc của người đọc, khiến cho người đọc phải quan tâm đến những gì sẽ diễn ra tiếp theo sau đó, và người đọc tham gia vào thế giới đang được tái hiện.

Nhiệm vụ của chúng ta là kể cái câu chuyện đến với chúng ta một cách hiệu quả nhất mà chúng ta có thể. Nhưng chúng ta không chọn câu chuyện: chúng ta bị hút vào ở nơi cảm xúc sâu thẳm nhất. Một tác phẩm hư cấu sống bởi sự đồng cảm - sự nối dài của cái tôi của mình vào cái tôi của người khác, sự tự nguyện tưởng tượng mình trong đôi giày của kẻ khác. Điều này, tự nó, đã là một động thái chính trị: sự đồng cảm nằm ngay ở trung tâm của các hành động cách mạng.

Tuy nhiên, tiểu thuyết gia, cũng như một nhà hoạt động chính trị, cũng là một công dân của thế giới và có trách nhiệm đối với tư cách công dân của họ. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là, bạn có thể tôn vinh trách nhiệm với tư cách một công dân của thế giới và làm tròn trách nhiệm đối với nghệ thuật của mình? Câu hỏi này trở nên quan trọng trong những giai đoạn khủng hoảng.

Marmoud Darwich, thi hào quá cố của Palestine, trong bài diễn văn cho sự kiện mở đầu lễ hội văn chương đầu tiên của Palestine vào năm 2008, đã viết về sự khó khăn của việc làm một nhà văn Palestine, người phải “dùng chữ nghĩa để chống lại sự chiếm đóng quân sự, và phải chống lại – nhân danh từ ngữ - nguy cơ của sự tầm thường và sự lặp lại. Làm sao ông có thể có được tự do văn chương trong những những điều kiện nô lệ như thế? Và làm sao ông có thể bảo đảm tính văn chương của văn học trong những thời điểm tàn bạo như thế? Đó là những câu hỏi khó.”

Nhưng chúng ta phải tìm cách trả lời. Câu trả lời của Darwish có lẽ là tự thoát ra khỏi trung tâm của cuộc khủng hoảng. Trung tâm đó, đối với ông, là quê nhà ở Haifa. Vì thế ông đã giữ một văn phòng ở Ramallah nhưng sống chủ yếu ở Amman. Ở khoảng cách đó ông có thể viết ra tác phẩm vừa là thơ đích thực lại vừa trung thực với hoàn cảnh.

Nhưng nếu bạn không thể hoặc sẽ không tự tách mình ra khỏi hoàn cảnh? Ở Ai-cập, trong thập niên của sự bất mãn từ từ sôi sục trước cách mạng, các tiểu thuyết gia đã viết ra những văn bản về sự phê phán, về cuộc sống như từ đáy địa ngục (dystopia), về ác mộng. Giờ đây, có vẻ như chúng ta đã từ bỏ - ở thời điểm này - tiểu thuyết.

Tiểu thuyết sẽ trở lại, tôi hy vọng thế. Và có lẽ tôi sẽ kể chuyện về bãi biển Boulac, cách nhà tôi chưa tới một cây số, nơi cảnh sát giết chết Amre el-Bunni tuần trước và một khu dân cư bị khủng bố phải bỏ nhà bỏ cửa của họ để giành chỗ cho một công trình phát triển xa xỉ. Hoặc có lẽ tôi sẽ kể chuyện của Samira Ibrahim, người đã đã đặt dấu chấm hết cho việc kiểm ra trinh tiết trong quân đội; hay Ahmad Harara, bị bắn vào một mắt vào ngày 28 tháng 1 và con mắt còn lại vào tháng 12; hay người mẹ của Khaled Said, người đã nhận tất cả những nhà cách mạng trẻ tuổi làm con nuôi để thay thế cho đứa con trai đã bị sát hại của bà, v.v.

Những nỗ lực cho tiểu thuyết ngay lúc này sẽ quá đơn giản. Sự thật trước mắt quá rõ ràng để cho phép một sự thật tinh tế hơn được định hình. Bởi hiện thực cần thời gian để được xử lý và để được chuyển hoá thành tiểu thuyết. Vì thế, không có nghĩa lý gì khi một câu chuyện tự nó trình bày chính nó, xúi giục, đòi được viết, bởi vì một câu chuyện khác - ở phút tiếp theo - sẽ ầm ầm kéo đến - với những yêu cầu tương tự. Và bạn, một tiểu thuyết gia, không thể chụp bắt một trong những câu chuyện ấy rồi bỏ chạy và tự nhốt mình với nó và đầu hàng nó và chờ đợi và làm việc để sự chuyển hoá xảy ra - bởi vì bạn, một công dân, cần phải có mặt, ở đó, trên mặt đất, diễu hành, cổ vũ, nói chuyện, kích động, phát ngôn. Tài năng của bạn - ở thời điểm khủng hoảng - là kể lại tất cả những câu chuyện như chúng đang là, để chúng đạt được sức mạnh như hiện thực, chứ không phải như tiểu thuyết.

 

Ahdaf Soueif
2012

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021