thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi cãi, tôi vẫn tồn tại

Hồi nhỏ tôi có đọc ở đâu đó câu chuyện về một nhà quan sa sút níu kéo thể diện. Qua cái thời vàng son, không thể liên miên tiệc tùng như trước nhưng vẫn muốn giữ vẻ con nhà nên, thỉnh thoảng, nhà quan lại sai người lão bộc trung thành đem mấy thúng chén kiểu ra bày trước cầu ao rửa. Rửa không không, rửa cho người ta thấy rửa thế thôi, rửa rồi thì dăm ba ngày rửa tiếp để rồi -- nếu hàng xóm, nếu khách vãng lai đi ngang đống chén đĩa hay ly tách sáng loáng bên cầu ao trước cổng -- chắc hẳn ai cũng phải nhủ thầm: "A, sang nhỉ, nhà này lại ăn tiệc!"

Cũng hồi nhỏ, tôi còn đọc từ một truyện dịch Liên Xô, đại khái loại sách mong mỏng của nhà xuất bản Kim Đồng, chuyện hai phụ nữ Nga tự hào với hai đứa con "giỏi" ngoại ngữ. Con bé giỏi tiếng Anh xổ thứ tiếng Anh xã giao mà sách vở xứ ta vẫn giáo dục con trẻ: "Hôm nay trời đẹp nhỉ!" hay quá khiến thằng bé giỏi Pháp văn cảm thấy... sĩ diện, cảm thấy mình phải đáp lễ bằng mấy câu tiếng Pháp mới học thuộc lòng khi sáng: "Thủ đô Paris nằm bên bờ sông Seine!". Thế rồi, dù lúc đó trời đã nhá nhem tối, con bé giỏi Anh văn lại liến thoắng xì xồ: "Hôm nay bạn có đi picnic không?" để thằng bé giỏi Pháp ngữ trơn tru: "Thành phố Marseille nằm bên bờ Địa Trung Hải!". Vân vân và vân vân, hai đứa học trò và đứa nào cũng "giỏi" ngoại ngữ cả. Đứa thì tiếng Anh giao tiếp và đứa thì tiếng Pháp địa lý và, dù chẳng hiểu nhau, đứa nào cũng lưu loát và sôi nổi trong cái trò chơi ngoại ngữ kỳ này. Cả hai bà mẹ nữa. Đứng ngoài, chẳng hiểu mô tê gì cả nhưng hai mẹ tự hào và hãnh diện lắm: với hai đứa con giỏi ngoại ngữ thế họ cảm thấy thấy mình... trưởng giả hẳn ra.

Cuộc tranh luận về đề tài dịch thuật và ngôn ngữ đang diễn ra này, tôi nghĩ, cũng thể hiện chút gì đó tương tự. Mỗi người tham gia với một "ngôn ngữ" riêng và đưa ra một thước đo riêng. Ít người nào hiểu người nào hay, ít ra, cố tình tỏ vẻ không hiểu. Dù "quờ" hay "quạng" theo kiểu hai đứa con nít xổ tiếng Anh giao tiếp và tiếng Pháp địa lý, cái cảnh diễn ra trông cũng khá giòn giã và trơn tru khiến kẻ đứng ngoài, như thể người hàng xóm hay khách vãng lai đi ngang trước cổng nhà quan sa sút thấy người lão bộc ngồi kỳ cọ đống chén đĩa, cũng phải tấm tắc khen thầm: cứ ngỡ là đã tắc tị, ngỡ đã dừng bước giang hồ thế mà vẫn đều đều xuất hiện, vẫn quậy và vẫn gây sóng gió văn đàn.

Gọi là tranh luận nhưng chỉ thấy tranh chứ không thấy... luận, chỉ thấy tới tấp tung ra những chén dĩa hay ly tách kỹ thuật chứ chẳng thấy bữa tiệc thực sự ở đâu. Tiệc thế nào thì ly tách chén đĩa thế đó và, để có một cuộc tranh luận bổ ích hay, ít ra là lành mạnh, trước hết chúng ta phải xác định những khái niệm và tiêu chí căn bản của ngôn ngữ, văn chương hay dịch thuật rồi mới bàn sang những thủ pháp nghệ thuật hay kỹ thuật này, kia chứ? Ngay từ đầu mọi sự đã nhập nhằng thì cuộc tranh luận cũng sẽ mãi mãi vòng vo, nhập nhằng theo kiểu "Ngày mai bạn có đi picnic không?- Thành phố Marseille nằm bên bờ Địa Trung Hải!"

Có hai sự nhập nhằng rất lớn mà ít người nhận thấy hay, thực ra, cố tình không nhận thấy. Đó là nhập nhằng giữa tiếng Việt không ngữ pháp và tiếng Việt không mẫu mực; là sự đánh đồng giữa cái phi chuẩn, cái sai với cái hay và cái độc đáo.

Nền tảng của vấn đề là ngôn ngữ và vấn đề cần đặt ra trước tiên là: không có ngữ pháp, vậy tiếng Việt có một thứ mẫu mực nào đó hay không? Có thể thích sao viết vậy hay không?

Hẳn nhiên, dù chỉ có một thứ ngữ pháp lơ lớ Việt thì vẫn phải có một thứ mẫu mực của tiếng Việt mà chúng ta chưa thể hệ thống và khái quát hoá được. Cái mẫu mực quy định rằng "Tôi đi học" phải khác với "Tôi học đi", khác "Học tôi đi" và khác "Đi, tôi học". Mẫu mực đó còn khẳng định rằng "Đi, tôi học" phải khác rất xa so với "Đi tôi học", mộtập hợp từ hoàn toàn vô nghĩa gì mà chẳng ai buồn mỏi miệng trừ mấy thằng khùng. Không có mẫu mực, muốn viết sao thì viết, hóa ra cả năm đều là một và "ngũ vị" đều là "nhất thể", đều cùng một nghĩa như nhau cả sao? Không mẫu mực thì tiếng Việt sẽ trở thành một ngôn ngữ rừng rú, thứ ngôn ngữ mà loài thú để truyền đạt với nhau, như thể tiếng kêu khẹt khẹt của bầy khỉ trên rừng được sao?

Cái độc đáo thì phải khác với cái bình thường, tuy nhiên từ một mệnh đề như thế chẳng ai có thể kết luận rằng hễ khác với cái bình thường, hễ đi chệch khỏi những tiêu chuẩn đã được thừa nhận đều trở nên độc đáo. Đơn giản là bởi có những cái khác đúng và có những cái khác sai. Bởi, có những cái phi chuẩn hợp lý, phi chuẩn theo chiều hướng tiến hóa và những cái phi chuẩn tầm bậy, phi chuẩn chỉ đơn giản vì... không nắm vững tiêu chuẩn. Cái độc đáo thì hơn hẳn cái bình thường nhưng để... hơn như thế thì, trước hết, nó phải đúng. Không bình thường mà cũng không đúng thì chỉ có thể... thua cái bình thường, và như thế những "tìm tòi" phi chuẩn theo chiều hướng thoái hóa này chỉ có thể dẫn đến huyệt mộ của sự đào thải. Nhà hiền triết tuyên bố những điều khác thường, tuy nhiên ông ta đúng, độc đáo và sâu sắc. Một kẻ điên cũng nói huyên thiên những điều khác thường, tuy nhiên hắn ta chỉ nói những điều vô nghĩa.

Chuyện cũng giống như một giai thoại về Tây Thi, người đẹp nổi tiếng của nước Việt, cái tiểu quốc nằm ở lưu vực sông Dương Tử thời Chiến Quốc. Giai thoại kể rằng người đẹp bị đau bao tử và mỗi lần lên cơn nàng thường nhăn mặt lại và, oái ăm thay, trông càng đẹp hơn. Một Tây Thi bình thường đã đẹp nhưng một Tây Thi lên cơn đau bao tử còn đẹp hơn gấp bội, đẹp mê ly và đẹp não nùng khiến cho bao người tơ tưởng, va, thấy thế, lại có cô gái xấu vờ vịt ôm bụng như thể đang lên cơn đau bao tử khiến xóm làng thót tim, cứ tưởng là ma qủy hiện hình. Dĩ nhiên, trong câu chuyện về ngôn ngữ và văn học này chẳng ai buồn nhắc đến Tây Thi mà là nấp bóng Bùi Giáng; thế nhưng nếu ngôn ngữ phá thể của Bùi Giáng là cái nhăn mặt của Tây Thi thì, nếu không nắm được mẫu mực của tiếng Việt, những kẻ tập tễnh làm phó bản của Bùi Giáng chỉ có thể cho đời thưởng ngoạn khuôn mặt của Thị Nở những khi bị chứng sình bụng. Trước khi nhăn mặt cho... đẹp thì cũng phải cần phải tự trọng, tự xét xem mình có đẹp như Tây Thi hay không đã chứ? Trước khi muốn phá thể ngôn ngữ như Bùi Giáng thì cũng cần phải xét xem trình độ ngôn ngữ của mình có điêu luyện, có nắm vững các điển cố văn học cổ kim như nhà thơ hay không đã chứ? Trước khi cổ xúy một thủ pháp văn chương hay phương pháp dịch thuật nào là độc đáo thì cũng phải xét xem thủ pháp và kỹ thuật đó có đúng hay không đã chứ?

Ở khía cạnh này, còn có một lối lập luận và biện minh khá nhập nhằng, đó là ý hay lời.

Thì ý chứa trong lời. Lời có đơn vị là chữ, có cấu trúc là ngữ pháp, có vết tích văn hoá ở những thành ngữ và điển cố, có phong cách cá nhân ở cách vận dụng toàn bộ những yếu tố như thế. Ý, do đó, còn hiện diện trong những khoảng trống giữa những hàng chữ, như thể những dấu chấm lửng vô hình. Ý, do đó, còn trở thành cái gì mơ hồ và khó đo lường, như một thứ cạm bẫy hay một thứ cò mồi. Thế nhưng, muốn thấu được ý thì trước hết phải đạt lời, muốn "thoát" ra nghĩa bóng thì phải hiểu trọn nghĩa đen trước đã.

Umberto Eco từng nói về lầm lẫn lời-ý của mình khi dịch Bá tước Monte Cristo của Alexander Dumas từ tiếng Pháp sang tiếng Ý.[1] Kể chuyện vị bá tước từ ngục tù tăm tối trở về thanh toán ân cừu, Dumas áp dụng một lối văn rề rà với những câu văn thừa chữ, lập đi lập lại, như "Ông ta đứng dậy từ cái ghế mà ông ta đang ngồi", chẳng hạn (He rose from the chair upon which he was sitting). Thì ông ta đứng dậy, nhưng ông ta đứng dậy từ cái ghế nào trừ cái ghế mà ông ta đang ngồi? Chẳng lẽ ông đứng dậy từ cái ghế ở khách sạn bên kia đường, hay cái ghế mà người tình cũ hay kẻ thù xưa đang ngồi? Và như thế cái mệnh đề ở phần sau, với Eco, thừa quá. "Ông ta đứng lên từ cái ghế" tưởng đã đủ. Mà, thậm chí, "Ông ta đứng dậy" thôi, kể cũng chẳng sao, bởi, trong văn cảnh ấy, người đọc thừa biết là ông ta đang ngồi kề bên một cái bàn rồi! Cứ như thế, Eco đã cắt đi những gì cho là thừa, là lập đi lập lại, là không nói ai cũng hiểu biết, và cũng nhờ đó, Eco đã tiết kiệm cho người đọc những một phần tư thời gian đọc sách.

Thế nhưng, khi đã tiết kiệm cho họ chừng ấy thời gian, Eco mới nhận ra rằng mình đã cướp giật của họ chừng ấy thú vui. Dumas mà một story-teller đầy lôi cuốn và cái lôi cuốn ấy, ngoài trí tưởng tượng và biệt tài sắp xếp tình tiết sao cho dập dồn kịch tính, còn nằm ở mấy câu văn đủng đa đủng đỉnh, ở mấy mệnh đề rề rà lập đi lập lại tưởng thừa. Đó chính là "chiến lược" của Dumas. Trông cứ như cảnh một kẻ đi xa về kể chuyện phiên lưu: giữa lúc người nghe đang say sưa với câu chuyện đang hồi hào hứng mà y lại cố tình bỏ ngang, đủng đỉnh nhồi nắm thuốc vào ống điếu rồi ngửa mặt lên trời phì phà hay nhẩn nha châm nước pha trà. Dumas cũng thế. Khi rề rà kể chuyện ông ta cố tình không cho biết nhân vật đó đứng lên làm gì, để đâm chém, để bỏ chạy hay để la lối, mà chỉ cho biết cái điều không nói ai cũng thừa biết: đứng lên từ cái ghế ông ta ngồi. Lối viết như vậy làm người đọc cảm thấy nôn nao, căng thẳng, vừa đọc vừa cố đoán già đoán non cái gì sẽ đến, chuyện gì sẽ xảy ra, nhân vật nào sẽ xuất hiện, thằng nào hay con nào sẽ bị trừ khử v.v.... Như thế, khi ngây thơ bỏ lời chuyển ý, Eco đã làm hại hết... ý, làm tan nát cái chiến lược kể chuyện của nhà kể chuyện bậc thầy Dumas.Việc bỏ lời lấy ý có những cái bẫy nguy hiểm như thế. Và, muốn nắm được ý thì trước hết phải đạt được lời, cũng như trước học chạy cũng phải tập đi cái đã. Chưa nắm được lời, lủng ca lủng củng ở phần lời mà đã đòi bay bổng với ý, những lập luận như thế rất đáng để chúng ta ngờ vực.

Thực ra những chuyện, những ý niệm đó cũng chẳng có gì cao xa cho lắm thế mà không tại sao người ta vẫn lờ đi để cãi? Cãi lấy được, cãi chỉ để mà cãi hay chăng? Cãi mà không tha thiết phải quấy, không dựa trên một hệ quy chiếu đúng-sai hay hợp lý-bất hợp lý thì cãi để làm gì? Thì đại khái cũng giống như cái nhà quan lâm cảnh sa sút kia thôi: dù chẳng còn phong độ của những ngày tiệc tùng liên miên nhưng vẫn còn mấy thúng ly tách chén dĩa sáng choang để đều đặn đem bày ra trên cầu ao triển lãm.

Âu cũng là một cách... tồn tại. Nếu René Descartes: Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại; nếu Dominique Laporte: Tôi đi ỉa, do đó tôi tồn tại, như có thể nhận thấy trong Lịch sử của Cứt;[2] bất cứ ai trong chúng ta cũng phải tìm kiếm những thế cách nào đó để tồn tại chứ? Vạn nhất, nếu không sáng tạo nổi một thế cách khác mà cũng không bác học như Descartes thì cũng có thể giản tiện theo chân Laporte khi ông nhìn lịch sử phát triển của văn minh nhân loại qua cái lăng kính... cầu tiêu và cách bài tiết của con người.

Đó mới là một chọn lựa giản tiện, một công đôi ba chuyện: vừa giải quyết một nhu cầu bức thiết của sự tồn tại sinh học, vừa cảm nhận ra những ý nghĩa cao thâm hơn của sự tồn tại triết học, lại vừa đạt được một khoái lạc trần tục, nhất là khi sự việc được thực hành giữa những nơi chốn chẳng hề dành riêng cho một mình mình:

Thứ nhất là đỗ thủ khoa

Thứ hai vợ đẹp, thứ ba ỉa đồng

_________________________

[1]Umberto Eco, "The Art of Creating a Legend", The Guardian, Saturday July 20, 2002, London

[2]Dominique Laporte, (2001), History of Shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of Technology Press. [Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury dịch từ nguyên tác Histoire de la Merde - Trong tác phẩm này tác giả cho rằng cách chúng ta đại tiện cũng là một sự thể hiện của tiến trình lịch sử văn minh, thể hiện qua ý thức cá nhân.]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021