thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ivan Klíma - Người thầy của sống sót phi thường

 

Hoàng Ngọc Biên giới thiệu.

 

Lời giới thiệu:
 
Mùa Xuân năm 1995, khi còn làm Art Director cho tuần báo Mỹ The Salt Lake City Weekly, tôi có giúp một số anh chị em trẻ người Việt ở thành phố này thực hiện số 3 đặc san Ngày mới. Nhiều bạn bè tôi liên lạc để xin bài vở đã đáp ứng, trong số đó, ngoài các tác giả nổi tiếng của của cả hai miền Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, còn có một ngòi bút lỗi lạc trong văn học, nhất là trong giới báo chí thế giới: Mark Frankland.* Đêm 15 tháng Tư 1998, khi Mark ra đón tôi ở nhà ga Eurostar, London, đêm 15 tháng Tư 1998, sau lời cảm ơn người bạn hiền giữa đêm phải cất công đội mưa đưa đón, tôi còn cám ơn Mark đã tham gia trò chơi làm báo "tài tử" của anh chị em trẻ Việt Nam bên Mỹ, và Mark trả lời “Ồ không đâu, chính tôi mới phải cám ơn các bạn cho tôi dịp cùng đứng chung...” Khuya hôm ấy, khi cả ba chúng tôi ngồi uống trà nói chuyện, Thường có nhắc lại số báo Ngày mới Xuân 1995 ấy, và bảo Mark rất “cưng” tờ báo, lúc nào cũng để nó trước bàn viết...
 
Hoàng Ngọc Biên
 
_________________
* Mark Frankland, “Ivan Klíma - Người thầy của sống sót phi thường”, bản dịch của Nguyễn Đăng Thường, đặc san Ngày mới, số 3, mùa Xuân 1995, Salt Lake City, trang 43-44.

 

 

IVAN KLÍMA - NGƯỜI THẦY CỦA SỐNG SÓT PHI THƯỜNG

MARK FRANKLAND

 

Luân-đôn khó có được một người khách nào thích hợp hơn Ivan Klíma, nhà văn Tiệp Khắc, cho ngày thứ Năm này (17-11-1994), ngày kỷ niệm 5 năm Cách Mạng Nhung Praha. Có mặt nhân dịp ra mắt tác phẩm “Chờ Tối, Mong Sáng” (Waiting for the dark, waiting for the light), tiểu thuyết mới nhất, và “Tinh Thần Praha” (The Spirit of Prague), tập tiểu luận của ông, nhà văn sáu mươi ba tuổi này chính là hiện thân của chừng mực và bình tĩnh, tiêu biểu cho Tiệp Khắc trong cuộc đứng lên chống chủ nghĩa Cộng sản độc tài. Có ai xứng đáng hơn ông, một người sành tiếng và mến mộ nước Anh, để khơi lại cho chúng ta cái ý nghĩa của màn kịch lịch sử ấy?

Ngày 17 tháng 11 năm 1989, cảnh sát đã nổ súng vào một đoàn sinh viên xuống đường biểu tình, gây khủng hoảng cho chế độ. Hôm sau, Klíma đích thân đứng ra tổ chức lại Hội Văn Bút Tiệp, trong một toà nhà bị cảnh sát bao vây. Kế đó, ông cùng một số văn hữu khác đã lao mình vào trận chiến đòi dân chủ. “Lúc đó tôi lu bu quá, nên chẳng quan tâm đến cảm xúc của mình. Nhưng mấy tháng sau, khi xem băng hình thu lại các biến cố đã được tường trình trên tivi trong tuần lễ đó, tôi cảm động gần muốn khóc”.

Klíma vẫn chưa bị thất vọng. “Phần đông chúng tôi đều nghĩ loại bỏ được cộng sản là một cái may cho tổ quốc. Dĩ nhiên ai nấy đều trông chờ phép lạ. Người ta vẫn nghĩ cách mạng sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề của nhân loại. Thật ra cách mạng chẳng giải quyết được gì cả, chúng ta phải tự giải quyết lấy mọi chuyện. Cuộc cách mạng hầu hết chỉ tăng thêm rối rắm, tệ hại. Cuốc cách mạng của chúng tôi đích thực không phải là cách mạng, nó chỉ là sự tự diệt của một guồng máy cai trị đã hết hiệu quả, chẳng cần tới một phát súng, hay một giọt máu. Một phong cách rất Tiệp. Nhưng dù gì thì cũng đã có thay đổi lớn.”

 

 

Klíma hiện đang thấy thiếu tình bằng hữu thắm thiết từng giúp các nhóm nhà văn Tiệp ly khai sống sót, thời họ còn bị chính quyền đàn áp. Hồi đó, “chúng tôi thân mật gần gũi với nhau hơn. Ngoài ra, cũng có những cuộc gặp gỡ, viếng thăm từ giới trẻ nam nữ. Họ lén mang cho chúng tôi những quyển sách cấm. Bạn bè tôi giờ đây thảy đều rất bận”. Một người bạn cũ của ông, Vaclav Havel, hiện đang làm tổng thống; một người bạn cũ khác, tiểu thuyết gia Jiri Grusa hiện đang giữ chức đại sứ ở Bonn.

Tuy vậy, phần thưởng cũng rất lớn. “Hồi xưa, từ nước ngoài về Tiệp Khắc chẳng khác gì bước trở vô nhà tù. Bây giờ mỗi khi bước ra ranh giới trở về quê hương, tôi cảm thấy mình là công dân của một nước tự do”.

“Bước qua ranh giới” có ý nghĩa đặc biệt với Klíma, bởi trong năm 1969, ông đã từng qua Mỹ để giảng dạy, và lúc đó ông có thể, hoặc xin ở lại luôn trên đất Mỹ, hoặc xin di tản qua Israel, vì cha mẹ ông gốc Do Thái.

Tuy nhiên, thân phụ ông chỉ là một người Do Thái không tuân đạo, và bà cụ thuộc một gia đình Tiệp, tổ tiên theo đạo Tin lành, ở thế kỷ thứ 17, đã bị phong trào chống cải cách ép phải theo Công giáo, hoặc phải nhập tịch Do Thái. “Nhiều làng xã đã chính thức trở thành cộng đồng Do Thái, nhưng vẫn ngấm ngầm theo đạo Tin lành. Dân làng tiên đoán rằng sự đàn áp chỉ có thể kéo dài giỏi lắm là hai thập niên. Nhưng nó đã kéo dài suốt hai thế kỷ, và họ đã trở thành dân Do Thái thực thụ.”

Khi Đức chiếm Tiệp Khắc, cả gia đình Klíma bị bắt nhốt vô trại Terezin. Đa số tù nhân trong trại này bị giết sạch. “Sáu năm ròng, tôi đã chia sẻ số phận những người Do Thái. Tôi sống sót nhờ phép lạ. Bạn bè thân nhân tôi thảy đều gục ngã, tôi thấy mình có bổn phận phải dựng cho họ một đài kỷ niệm”.

Terezin đã xuất hiện hai lần trong tác phẩm của Klíma – nó là khoảng thời gian của những mối tình có thật lẫn những mối tình tưởng tượng của ông. Thế nhưng, khi bạn ông, nhà văn Mỹ gốc Do Thái Philip Roth hỏi ông có phải là một nhà văn Do Thái hay không, Klíma đáp: “Tôi nghĩ mình chỉ là một nhà văn Tiệp. Thế nên tôi đã trở về Praha trong năm 70.” Tiểu thuyết mới nhất của Klíma là một lời rao cảnh tỉnh. “Tôi chọn Pavel, một chuyên viên cầm máy quay phim, làm nhân vật chính. Pavel có liên hệ với chế độ cũ chỉ do nghề nghiệp, chứ không vì lòng tin. Trong thâm tâm, mọi người đều chán ghét chế độ cũ, nhưng ngoài mặt họ vẫn phải cộng tác, chung sống. Đời sống khiến họ phải luôn luôn lo sợ và nghi ngờ. Để giải toả tâm tư, Pavel âm thầm viết những chuyện phim, trong đó anh ta đảo lộn các sự việc do chính tay mình đã “chính thức” thu vào ống kính. Nhưng khi tự do tới vào năm 1989, cái hố trong con người anh ta đã quá sâu. Anh mong có sự thay đổi, nhưng đâm khiếp sợ khi phải chạm mặt nó. Những kẻ như anh đã phải sống mãi mãi với cuộc đời hai mặt ấy. Dù muốn hay không, tôi cũng tin đây là số phận của rất nhiều người Tiệp.” Một chuyện phim của Pavel kể lại chuyện một ông tướng hay khiếp đảm, mà cũng rất đáng sợ, sống biệt lập trong một toà lâu đài. Được Klíma viết từ nhiều năm trước và không như phần còn lại của tiểu thuyết, đoạn này cho ta thấy vang bóng của Kafka, mà Klíma rất mến mộ. Tuy nhiên lối viết của Klíma vẫn thấm đượm chất hài, thậm chí có cả phần phi thực, hai đặc tính của dòng văn chương truyền thống Tiệp. Klíma hay để cho nhân vật chính kể chuyện, và ông thích viết lách “về các vấn đề theo kinh nghiệm bản thân”. Ông tin rằng 90% độc giả của ông thuộc phái nữ (“Phụ nữ ưa nghe kể chuyện và cũng thích những diễn tả tình cảm hơn đàn ông”), họ cũng hay tò mò muốn biết những mối tình ông đã kể lại có phải là của chính ông hay không. Ông lại chỉ cho họ những “câu đối đáp mơ hồ.” Chuyện thật bao giờ cũng khó tin hơn chuyện giả. Những người mê tiểu thuyết Klíma đã thất vọng, khi họ khám phá cái truyện nổi tiếng nhất của ông, chuyện một gã bán cá hương, một món đặc biệt dành cho mùa Giáng Sinh, chỉ là một chuyện hoàn toàn do ông bịa đặt.

Klíma kính phục Bohumil Hrabal, nhà văn đồng thời nhưng cao tuổi hơn ông, “cây bút văn xuôi vĩ đại nhất nước Tiệp, Hrabal, cũng như Jaroslav Hasek, cha sinh của “Svejk Chú Lính Tốt”, đã sống phần lớn đời mình trong các quán rượu, để tâm nghe chuyện của thiên hạ. Nghe lóm, rồi kể lại dưới một hình thức thích hợp, ấy chính là nghệ thuật”.

Thế nhưng có một chuyện đã cưỡng lại văn chương Klíma, chuyện một người bà con lái xe bị tai nạn. Khi bà này được giao trả về với gia đình, nhân viên trong bệnh viện không biết phải tính thế nào với hai chú cá sấu mà họ đã bắt gặp nằm cạnh chiếc xe của bà. Chẳng ai biết chúng xuất phát từ đâu – một câu chuyện rất “khó tin”, nên nó đã không thể trở thành văn chương, thành truyện được.

Chuyện đời Klíma, và chuyện quê hương ông, cũng chẳng dễ tin hơn. Có ai đã dám nghĩ rằng một người Tiệp – Do Thái bị bắt cầm tù ở Terezin có thể sống sót, hoặc đã dám tin rằng Tiệp Khắc rồi sẽ thoát khỏi ách cộng sản một cách êm ru? Cuộc viếng thăm của Klíma quả là một bằng chứng để ta có thể tin vào những điều phi thường.

 

Nguyễn Đăng Thường chuyển ngữ.

 

Ivan Klíma là tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, sinh năm 1931 ở Praha, Tiệp Khắc, và hiện vẫn sống ở Praha, Tiệp Khắc. Vế sau của câu giới thiệu đầu này rất có ý nghĩa với Klíma, 1969-70, khi tới giảng dạy tại đại học Michigan, Hoa Kỳ, nhiều lời bàn đã được nghe, về việc nhà văn mà những người cầm quyền trên đất nước Tiệp Khắc không ưa chút nào rất có thể… đi luôn. Trước khi Liên-xô xâm lăng Tiệp Khắc, ông là chủ bút tuần báo văn học đứng đầu cả nước, tờ Literarni listy. Sau khi trở về Tiệp, vì nhà nước không cho xuất bản sách ông, ông bắt đầu viết những tác phẩm “dưới hộc bàn” (samizdat), và cùng với nhiều nhà văn bị cấm khác của Tiệp, ông đã đưa được những cuốn sách đánh máy/ copy của mình tới tay người đọc trong nước và cả thế giới.
 
Sách Ivan Klíma được dịch và xuất bản ở Đức, Áo, Thụy Sỹ, Hoà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Hoa Kỳ… Những tác phẩm đã xuất bản bằng tiếng Anh: A Ship Named Hope, My Merry Mornings, My First Loves, A Summer Affair, Love and Garbage, Judge On Trail, My Golden Trades.

 

 
Mark Frankland sinh năm 1934 tại London. Ông làm việc cho báo The Observer năm 1961 và là phóng viên thường trực đầu tiên của báo này ở Mạc Tư Khoa. Ông sống ở Sài gòn từ 1967 đến 1975 với nhiệm vụ là phái viên của hai tờ The Observer The Economist của Đông Dương. Là một chuyyên viên về Nga xô viết (và về Đông Âu) thông thạo tiếng Nga, năm 1982, ông trở lại Mạc Tư Khoa, làm việc cho The Observer cho tới khi dính trong số những người Anh bị Liên xô trục xuất (1985) nhằm trả đũa Luân Đôn đã trục xuất các nhà ngoại giao Mạc Tư Khoa trước đó. Ông đã hai lần được trao giải thưởng Báo chí Anh (Giải David Holden dành cho Phóng sự ở nước ngoài). Mark là một nhà báo nổi tiếng, đã sống và làm việc ở Washington, Bonn, Budapest, Saigon và Tokyo. Ông là tác giả của Khrushchev: A Political Biography, The Sixth Continent: Gorbachev and the Soviet Union, The Patriots’ Revolution, Richard Robertovich, The Mother-Of-Pearl Men (tiểu thuyết). Năm ngoái, Mark cho biết đang chuẩn bị về hưu, và đang viết một cuốn tiểu thuyết thứ hai. Hẳn bối cảnh cũng là… Việt Nam?

 

[Trích đặc san Ngày mới, số 3, mùa Xuân 1995, Salt Lake City, trang 43-44.]

 

 

 

-------------

Đọc thêm:

[TƯỞNG NIỆM MARK FRANKLAND (1934-2012)] ... “Bất cứ một đất nước nào ông đặt chân đến, ông cũng ngụp lặn vào trong sử ký và văn hoá của nó, và điều đó đã mang đến cho ngòi bút ký giả của ông một phẩm chất học thuật nhưng không bao giờ đánh mất đi niềm hứng thú nơi người đọc. Ông là một con người thanh lịch với khẩu vị tinh tế về âm nhạc và mỹ thuật, và một niềm khao khát cuồng nhiệt muốn tìm hiểu về mọi sự trên đời.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[TƯỞNG NIỆM MARK FRANKLAND (1934-2012)] ... Trong và cả sau chiến tranh, tiếng nói của người dân miền Nam thường bị lãng quên. Là một phóng viên ngoại quốc trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tôi có may mắn được nghe phần nào tiếng nói ấy qua phụ tá người Việt của tôi. Nhưng lúc đó thì anh ta đã ở tuổi trung niên với cả gánh nặng gia đình nên đã không thể theo sát tôi đi vào vùng có giao tranh để giúp tôi hiểu biết hơn về những người lính Việt Nam Cộng Hòa, thay vì hiểu sai lạc... (...)

 

-------------------

Một số chương trong cuốn The Mother-of-Pearl Men của Mark Frankland:

Cô ca sĩ phòng trà Queen Bee  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô hát bài hát có nhịp êm chậm và trầm bổng với thân hình đứng thẳng gần như không cử động, hai tay buông xuôi, và rõ ràng là cô không muốn làm dáng với cử toạ. Nhưng cô diễn tả bài hát như thể nhạc và lời đến từ đời sống của cô, và cô không hát cho cử toạ mà cho chính cô, dù nghe với đôi tai ngoại quốc của tôi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Một chuyện đã qua  (truyện / tuỳ bút) 
“Nghe đây, hỡi anh bạn đồng chí cũ của tôi ơi, tôi muốn cám ơn anh về sự hỗ trợ của anh và tất thảy mọi việc khác. Kết quả tất nhiên đã không được như mong muốn, nhưng anh đã tận dụng hết sức lực của mình...” [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Cha Lam  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông thấy đó, những người theo đạo Chúa đã mang ánh sáng chân lý đến cho chúng tôi, nhưng đồng thời họ cũng sử dụng nó để đặt chúng tôi dưới ách thống trị của người Pháp. Do vậy mà nó đã trở thành một chân lý bị ô nhiễm, và chất độc đã xâm nhập chúng tôi, những tín đồ Công Giáo, cho tới hôm nay... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Tử đạo và thánh nhân  (truyện / tuỳ bút) 
[Một chương trong tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men] Buổi trưa hôm sau trời đổ mưa, trận mưa đầu tiên từ khi tôi đặt chân đến thành phố này. Nhưng nó không to hơn một trận mưa vòi sen mà đường phố nóng bỏng đã hút cạn ngay, chẳng khác gì một kẻ đang khát được đưa cho vài giọt nước để bông đùa... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021