thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi bơi

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm

 

 

RICHARD FLANAGAN

(1961~)

 
Richard Flanagan, nhà văn Úc, sinh năm 1961 tại Tasmania, tốt nghiệp Thạc sĩ Sử học tại Đại học Oxford với học bổng Rhodes. Flanagan nhận được nhiều giải thưởng văn chương tại Úc (Queensland Premier's Prize, Western Australian Premier's Prize và Tasmania Book Prize) cũng như trên thế giới (New Yorker Book of the Year và Observer Book of the Year). Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, The Sound of One Hand Clapping (1997), được nhiều nhà phê bình khen ngợi là đáng được xếp vào hạng hay nhất trong văn học Úc kể từ thời hoàng kim của Patrick White, nhà văn Úc duy nhất được giải Nobel văn chương năm 1973. Cuốn tiểu thuyết này sau đó được chính Flanagan chuyển thể sang điện ảnh và làm đạo diễn, được đề cử là phim hay nhất ở Liên hoan phim Berlin năm 1998. Cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, Gould’s Book of Fish: A Novel in Twelve Fish (2002), được giải thưởng Các Nhà Văn trong Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Writers Prize) năm 2002. Ngoài tiểu thuyết, Flanagan cũng viết và xuất bản nhiều tập phê bình tiểu luận về các vấn đề văn học cũng như lịch sử, xã hội và chính trị tại Úc và thế giới.
 
Bài “Đi bơi” [“Went for a Swim”] này được đăng trên tạp chí Meanjin ở Đại học Melbourne, Úc, với lời giới thiệu: “Flanagan nêu lý do tại sao tiểu thuyết gia đích thực vượt qua khỏi chính trị, kể cả chính trị của chính hắn”. Dịch bài này, tôi muốn giới thiệu thêm một cách nhìn khác về quan hệ giữa chính trị và văn học được bàn luận trên Tiền Vệ thời gian gần đây.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

 

ĐI BƠI

 

Đối với sự thành công của một cuốn sách, Borges viết, không có gì thứ yếu hơn ý định của tác giả. Rồi cuối cùng, tiểu thuyết, phương tiện truyền đạt có tính chất lật đổ lớn lao, làm đảo lộn không phải chỉ những gì xã hội cho là đúng, mà còn cả những gì nhà văn dự định viết nữa.

Nhưng tại sao?

Bởi vì một cuốn tiểu thuyết, khi nó thành công, nó kéo nhà văn ra ngoài lịch sử của chính hắn và cá tính của chính hắn, thoát khỏi những xiềng xích chính trị của hắn và những quan điểm của hắn, và thuật giả kim của câu chuyện dùng tâm hồn của nhà văn để nối kết một người với mọi người lại với nhau. Vì lý do này mà những câu chuyện tuyệt vời của Kipling không thể bị lược quy vào chủ nghĩa đế quốc của ông, cũng như thiên tài của Dostoevsky sẽ không bị chủ nghĩa bài-Do-thái của ông làm cho mất giá trị.

Dĩ nhiên có một số nhà văn là những con người chính trị, trong khi những nhà văn khác thì không, nhưng điều này lại không nói lên được gì nhiều. Những nhà văn tồi có thể có những quan điểm chính trị đáng ngưỡng mộ, trong khi Hamsun[1] và Pound[2] chắc hẳn đã không có được. Những cuốn sách lớn có thể là những phương tiện vận động tuyệt vời: người ta có thể nghĩ tới cuốn Sổ tay của một thể tháo gia của Turgenev, được cho là đã dẫn đến quyết định giải phóng giới nông nô, hay nhiều tác phẩm khác của Dickens. Những cuốn sách được viết để chống lại chính trị, chất vấn ngay chính nền tảng của chính trị, trong những xã hội bị áp bức và độc tài, trớ trêu thay lại chuyên chở ý nghĩa chính trị to lớn: người ta có thể nghĩ đến cuốn Bác sĩ Zhivago hay Cuộc sống và Số phận (đối với cuốn sau, lãnh đạo KGB đã ra sắc lệnh không ai được phép đọc trong vòng 200 năm).

Nhưng những niềm tin chính trị của Turgenev hay Dickens không còn là lý do tại sao chúng ta đọc những nhà văn này, cũng như sự ngược đãi đối với Pasternak hay việc tịch thu những kiệt tác của Grossman không phải là nguyên do khiến những cuốn sách này được xem là quan trọng. Chúng tiếp tục được đọc, có lẽ, bởi vì chúng ta nhận ra rằng, một cách giản dị, chúng phản ánh trung thực sự hỗn loạn của cuộc sống. Nếu một cuốn tiểu thuyết có thể đạt đến điều đó, thì nó sẽ chẳng bao giờ có thể bị lược quy vào một ý thức hệ, và nó sẽ luôn luôn là kẻ thù của những sự dối trá và áp bức.

Công việc viết không phải là cái cớ để một nhà văn thoái thác sự lựa chọn chính trị và hành động chính trị, nhưng nó cũng không đòi hỏi hắn phải thực hành những điều ấy. Đó là những vấn đề giữa một con người và một tâm hồn — những vấn đề mà nhà văn phải đối phó cũng như người thợ sửa ống nước, thợ làm tóc và người quản trị cơ quan phải đối phó. Nghịch lý thay, những nhà văn quan tâm nhất về việc biến chính trị thành một phần tác phẩm của họ thường viết những tác phẩm chỉ tập trung nhắm vào chính trị thời sự, trong khi những nhà văn hầu như chẳng tỏ vẻ quan tâm chút nào thì đôi lúc lại viết một cách sâu sắc nhất về thời đại của họ: trong bối cảnh tuyên truyền kích động của những năm 1920, không ai báo trước cái thảm hoạ chính trị sắp xảy ra một cách nhạy bén hơn Kafka, người đã ghi lại biến cố lịch sử quan trọng nhất trong đời mình, sự khởi đầu của Thế Chiến thứ nhất, với một cảm quan tinh tế về cái tỷ lệ cân phương của con người: “Buổi sáng: tuyên chiến. Buổi chiều: đi bơi.”

Có rất nhiều động lực trên thế giới chia rẽ chúng ta một cách sâu sắc và chí tử. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã không chỉ sống qua một cuộc khủng hoảng chính trị, mà còn hơn thế nữa, một cuộc sụp đổ của cái thuộc tính nhân bản sâu sắc nhất: sự đồng cảm — một cuộc sụp đổ tai hại đến mức đôi khi nó có vẻ giống như một cuộc khủng hoảng của tình thương, biểu hiện qua bệnh dịch của sự cô đơn và trầm cảm. Ở phương Tây, sự kiện kỳ lạ này có vẻ rõ rệt nhất tại Hoa Kỳ, một đất nước nơi sự bi quan về tương lai của tiểu thuyết đã trở thành truyền thống văn học dai dẳng nhất.

Chúng ta không thể thoát khỏi chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc — bởi cội nguồn của chúng nằm sâu trong trái tim của chúng ta cũng như tình thương và thiện tâm, thậm chí còn sâu sắc hơn. Nhưng với khả năng tối đa của nó, nghệ thuật nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì chúng ta chia sẻ, tất cả những gì đem chúng ta lại với nhau.

Vì lý do đó, sách là điều quan trọng. Vì lý do đó, sách không chỉ là những món đồ giải trí phù du hoặc là những vật dụng trong danh mục các món đồ tuỳ thân của các “sao”; thêm một cái sàn tiếp thị cho những kẻ nổi tiếng và có quyền lực. Trong một thế giới nơi mà con đường dẫn đến các chế độ độc tài mới được đắp bằng sự sợ hãi của những kẻ khác, những tác phẩm lớn chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không cô đơn, và cuối cùng, cũng không khác biệt nhau đến thế; rằng những gì nối kết chúng ta luôn luôn quan trọng hơn những gì chia rẽ chúng ta; và rằng sự chia rẽ bao giờ cũng trả giá bằng hình ảnh ghê tởm của sự áp bức.

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Knut Hamsun (1859-1952), nhà văn Na Uy, giải Nobel văn chương năm 1920, người được Isaac Bashevis Singer cho là cha đẻ của toàn bộ nền tiểu thuyết hiện đại (The whole modern school of fiction in the twentieth century stems from Hamsun) và được Hemingway xem là một bậc thầy (Hamsun taught me to write). Nhưng về chính trị, Hamsun lại là có khuynh hướng kỳ thị chủng tộc, chống lại các phong trào đòi bình đẳng và bình quyền. Trong cả hai cuộc thế chiến, đặc biệt Đệ nhị thế chiến, ông đều ủng hộ Đức quốc xã và đặc biệt ngưỡng mộ Hitler.

[2]Ezra Pound (1885–1972), nhà thơ Mỹ, một trong những người tiên phong trong phong trào thơ hiện đại chủ nghĩa. Trước và trong chiến tranh thứ hai, ông công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Mussolini và Hitler.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021