thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Taj Mahal

 

 

Viết về Taj Mahal, và một số bài khác về Ấn Độ, tôi ngần ngại. Ngần ngại không phải vì đề tài này đã được quá nhiều người khai thác, nay mình viết về nó e lại giẫm lên những lối mòn chăng. Mà vì trong thời gian gần đây những thông tin về tình hình của quê cũ dồn dập xuất hiện trên báo chí, trên mạng, trên truyền thanh, truyền hình, và qua cả những lời thuật lại của mấy người bạn từ trong nước có dịp đến nước Mỹ này. Dồn dập và mỗi ngày một khẩn trương. Đất nước đang dầu sôi lửa bỏng, đang như chỉ mành treo chuông, đang muốn chiếm trọn mối quan tâm của bất cứ người viết nào.

 

Trước hết thử nhìn lại một cách rất khái lược mấy ngàn năm lịch sử của nước ta trong quan hệ với nước Tàu.

Vào thời thượng cổ, theo truyền thuyết, nước ta là một bộ tộc nhỏ cầm đầu bởi họ Hồng Bàng. Sau xây dựng thành nước Văn Lang, có cương vực từ Lạng Sơn đến gần vùng Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ. Tiếp theo là các đời nhà Thục, nhà Triệu. Trong thời kỳ này, Tàu cũng đã mấy lần xâm lăng nhưng đều bị đánh bại.

Cuối đời nhà Triệu, thái phó Lữ Gia không chống nổi quân nhà Hán, thời Hán Vũ Đế, nên nước ta bị Tàu đô hộ trên 1000 năm (từ năm 111 trước tây lịch đến năm 939 sau tây lịch). Trong thời kỳ bị lệ thuộc này, những anh hùng liệt nữ như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế cũng đã từng khởi binh đánh quân Tàu, có vị toàn thắng đuổi quân Tàu ra khỏi nước và xưng vương trong một thời gian ngắn, có vị chỉ kiểm soát được một vùng rồi cuối cùng chống cự không nổi. Nước ta lại rơi vào vòng nô lệ.

Mãi đến năm 939 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán mới mở ra được một thời kỳ độc lập gần 950 năm. Trong thời gian độc lập lâu dài này nước ta vẫn nhiều lần bị Tàu tìm cách lấn chiếm. Năm 981 quân nhà Tống xâm lăng bị Lê Đại Hành đánh đuổi. Năm 1075 Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đời Lý Nhân Tông mang quân bắc tiến chiếm thành, chiếm đất khi được tin Tàu chuẩn bị mang quân qua đánh ta. Chiến tranh kéo dài hơn một năm, sau đó hai bên giảng hòa, quân hai bên trở về biên giới cũ. Đây là lần duy nhất trong lịch sử ta tấn công Tàu trước và chiếm một số đất đai rồi mới lui binh. Đến đời nhà Trần, trong bốn năm từ năm 1284 đến 1288, Tàu ba lần xua quân tiến sâu vào Việt Nam nhưng đều bị đánh bại. Thắng được quân Nguyên hùng mạnh nhất thế giới, danh tướng Trần Quốc Tuấn được tôn thờ như một vị thánh. Đầu nhà Hồ, Tàu lấy cớ Hồ Quý Ly tiếm đoạt ngôi nhà Trần, lại mang quân qua đánh chiếm, nước ta lại bị Tàu đô hộ rất khắc nghiệt bắt đầu năm 1414. May thay, chỉ bốn năm sau, năm 1418, vị anh hùng Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh. Sau mười năm kháng chiến, Lê Lợi toàn thắng mang lại nền độc lập cho tổ quốc. Đến năm mậu thân 1788, nhà Thanh lại mượn cớ cứu nhà Lê mang đại quân qua chiếm thành Thăng Long, và lần này lại bị Quang Trung đánh cho một trận tan tành.

Cũng nên lưu ý rằng cứ sau mỗi chiến thắng, bên ta đều sai sứ qua Tàu xin giảng hòa và chịu thần phục để tránh những cuộc chiến lâu dài mà ta khó có thể đương cự với nước Tàu lớn hơn và đông dân hơn gấp mấy chục lần. Điều đáng lưu ý hơn nữa là tuy nhiều khi buộc lòng phải tỏ ra nhún nhường trước cường địch nhưng tổ tiên ta không bao giờ để mất một tấc đấc, tấc biển, tấc đảo nào. Quả thật làm láng giềng của Trung Quốc là điều bất hạnh. Lần này, vào đầu thế kỷ thứ 21 này, cái bất hạnh ấy càng hung hiểm hơn bao giờ cả.

Trước hết nước Tàu không phải như xưa, trái lại đã trở thành một cường quốc hung hăng, ngang ngạnh, đáng sợ đối với rất nhiều nước trên thế giới chứ không phải chỉ riêng đối với Việt Nam mà thôi. Như một định luật, khi Tàu mạnh, họ chiếu cố đến ta trước tiên, một nạn nhân truyền kiếp của họ. Nay ta đã mất một phần đất, một phần biển và đảo và có cơ nguy mất thêm. Hơn nữa, một điểm trọng yếu về chiến lược như cái mái nhà của Đông Dương, vùng Tây Nguyên, cũng bị Tàu trấn đóng dưới danh nghĩa khai thác bauxite, đó là chưa nói đến việc khai thác này sẽ để lại di hại lâu đời và không lường được cho môi trường sống của cả một vùng đất lớn lao và mầu mỡ. Và bi thảm hơn nữa, những dân tộc thiểu số đã sống hàng bao nhiêu năm trên vùng ấy với những nét văn hóa đặc thù của họ nay đã bị bứng hết gốc rể để lưu lạc đi nơi khác. Những thế hệ con cháu mai sau, kinh cũng như thượng, sẽ lãnh đủ những hậu quả tai hại do cha ông để lại.

 

Nước Việt Nam ta trong khối Đông Dương cũ nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ (gọi là Indochina: Ấn Độ - Trung Quốc, hay Ấn Độ - Chi Na) gồm các nước Miến Điện, Thái Lan, Tây Mã Lai, Singapore, Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Thời còn Pháp đô hộ, ba nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt được gọi là Đông Dương thuộc Pháp hay Đông Pháp, hay gọn hơn, cũng gọi là Đông Dương. So với Ấn Độ, nước ta nằm gần Trung Quốc hơn, lại có chung biên giới, và chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Tàu. Ảnh hưởng của Ấn Độ không đáng kể.

Trong những năm gần đây, Việt Nam một mặt chịu đựng mọi sự lấn lướt của Trung Quốc, mặt khác cũng đã biết hối hả mua thêm khí giới hiện đại và mở rộng bang giao. Việt Nam đã đón mời sự hợp tác, cứu trợ từ các nước khác trên thế giới, kể cả Hoa kỳ và Ấn Độ. Vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, một biến chuyển đáng được chú ý: Ấn Độ tuyên bố sẽ xúc tiến việc thăm dò dầu khí trong hải phận Việt Nam bất chấp những đe dọa dữ dội và quyết liệt từ phía Trung Quốc, và Việt Nam lần này cũng đã dám công khai lên tiếng xác nhận có hợp đồng ký kết với Ấn Độ về việc thăm dò ấy. Lẽ dĩ nhiên đây chỉ là bước đầu của một tiến trình lâu dài, phức tạp, gay go của Việt Nam trong nỗ lực thoát ly khỏi gọng kềm của người láng giềng phương bắc, nếu quả thực Việt Nam có chủ trương ấy.

Nhưng liệu Ấn Độ có nhất quyết đối đầu với Trung Quốc vì quyền lợi của Việt Nam hay không? Nói cách khác nếu Trung Quốc thực hiện những lời đe dọa bằng vũ lực thì Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào?

Trong bang giao quốc tế, nước nào cũng đặt quyền lợi của chính nước mình lên trên hết, ngoại trừ trường hợp những chính quyền khiếp nhược và hèn hạ sẵn sàng đánh lừa dân chúng để “bán nước cầu vinh”. Ấn Độ cũng sẽ quan tâm đến quyền lợi của họ trước tiên khi ký kết với Việt Nam những hiệp ước về kinh tế, quân sự cách đây hàng chục năm. Nay Ấn Độ sẽ thực sự nhập cuộc vì tình thế đã thuận lợi.

Cách đây hơn một năm, một công ty Anh, tiếp theo là một công ty Mỹ đã phải bỏ dở việc thăm dò dầu khí trên hải phận Việt Nam vì những đe dọa của Trung Quốc. Nghĩ rằng mình đã có đủ lực lượng về kinh tế lẫn quân sự, nghĩ rằng thời cơ đã đến, Trung Quốc liền ngang nhiên tuyên bố hơn 80% vùng Biển Đông thuộc chủ quyền cốt lõi của Trung Quốc (đường lưỡi bò), và cho tàu đi dòm ngó, quấy phá, gây hấn tại nhiều nơi thuộc hải phận Việt Nam và Phi Luật Tân. Họ còn muốn dành quyền sở hữu vùng đảo Senkaku của Nhật Bản mà họ gọi là đảo Điếu Ngư. Trước sự ngang ngược ấy nhiều nước thuộc khối ASEAN, cộng thêm Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã phản ứng lại ngay. Mỹ tuyên bố Biển Đông cũng thuộc quyền lợi quốc gia của Mỹ, tàu bè của Mỹ có quyền tự do lưu thông hàng hải trên đấy theo đúng công ước quôc tế về luật biển ký kết năm 1982. Mỹ còn tiến thêm một bước cam kết sẽ bênh vực những nước bị chèn ép thuộc vùng Biển Đông. Tiếp theo, khối liên minh quân sự giữa ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc ra đời. Ngay cả những nước như Singapore, xa hơn một chút là Indonesia, và xa hơn nữa là Úc, những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, cũng tỏ ra quan tâm đến hồ sơ Biển Đông.

Ai cũng biết rằng Biển Đông có nguồn tài nguyên mênh mông chưa được khai thác, và cũng là nơi tàu bè lưu thông tấp nập nhất thế giới. Theo thống kê, số lượng tàu bè lưu thông trên Biển Đông còn nhiều hơn cả tổng số tàu lưu thông qua kênh Suez và kênh Panama. Ai chiếm được Biển Đông sẽ khống chế cả Thái Bình Dương, và ai làm chủ Thái Bình Dương sẽ trở thành bá chủ thế giới. Hiện thời Mỹ, siêu cường số một, chắc chắn sẽ không để cho bất cứ nước nào độc chiếm Thái Bình Dương

Hơn nữa, trước đấy vào dịp Lễ Tạ Ơn tháng 11 năm 2009, Thủ Tướng Ấn Độ Manmohan Singh được tiếp đón như một quốc khách đặc biệt nhất tại Nhà Trắng bằng những nghi lễ long trọng nhất so với những lần tiếp đón khác của Tổng Thống Obama. Trong cuộc gặp gỡ này, Tổng Thống Hoa Kỳ tuyên bố rằng bang giao giữa hai nước Ấn Độ và Hoa Kỳ là mối bang giao quyết định của thế kỷ 21. Trong chuyến công du đáp lễ vào giữa tháng 11 năm 2010, Tổng Thống Hoa Kỳ lại tái khẳng định Ấn Độ là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21, đồng thời tuyên bố ủng hộ Ấn Độ làm hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ấn Độ đã phát triển “Kế Hoạch Biển Đông”, tuyên bố sẽ xúc tiến việc thăm dò dầu khí trong hải phận Việt Nam như đã nói trên. Vậy, trở lại câu hỏi nếu Trung Quốc thực hiện lời đe dọa bằng vũ lực, liệu Ấn Độ có rút lui hay không. Câu trả lời là không. Là vì sự thất bại sẽ nghiêng về phía Trung Quốc chứ không phải về phía Ấn Độ như trong cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước vào năm 1962. Trong cuộc chiến ấy, Ấn Độ thua trận, tuy không bị mất đất nhưng số thương vong nhiều gấp bội so với những tổn thất của Trung Quốc. Thủ tướng danh tiếng của Ấn là Nerhu bị chính giới Ấn chỉ trích nặng nề. Vài năm sau Nerhu qua đời, có lẽ vì buồn và tức mà chết. Nhưng bù lại, trước khi chiến tranh bùng nổ, chính Thủ Tướng Nerhu đã lập kế hoạch để cho chính quyền Tây Tạng lưu vong cầm đầu bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma vượt qua vô vàn gian khổ đến thiết lập trụ sở lớn lao tại Dharamshala thuộc bắc Ấn không xa biên giới với Trung Quốc là bao. Đó là một cây gai trong con mắt tóe lửa của Trung Quốc. Lần này nếu Trung Quốc dùng vũ lực sẽ gặp sự kháng cự không phải chỉ từ Ấn Độ mà còn từ nhiều nước khác.

Thật ra chỉ một mình Hoa Kỳ cũng dư sức tiêu diệt lực lượng hải quân của Trung Quốc, nhưng vấn đề là Hoa Kỳ có chịu tham gia vào cuộc chiến hay không? Và nếu tham gia thì ở thời điểm nào? Như đã thấy, những cuộc cách mạng ở bắc Phi hiện nay đều có sự tiếp sức của khối NATO, nhưng thực ra Mỹ đứng đàng sau giữ vai trò quan trọng nếu không muốn nói là quyết định. Đối với Biển Đông, Hoa Kỳ khuyến cáo các bên phải giải quyết mọi tranh chấp bằng đường lối hòa bình, và tuyên bố minh thị rằng Mỹ sẽ không đứng về phe nào, chỉ hành xử theo luật lệ quốc tế về tự do hàng hải trong đó có công ước về luật biển ký kết năm 1982. Trong trường này, nếu Trung Quốc không chịu tôn trọng công ước nói trên thì, trên nguyên tắc, ta đã biết Mỹ sẽ đứng phe nào. Tuy nhiên, nếu có chiến tranh giữa một bên là Trung Quốc, một bên là những nước bị chèn ép, có lẽ trong giai đoạn đầu Mỹ cũng chỉ đóng vai trò quan sát, theo dõi, ngoại trừ phải yểm trợ Phi Luật Tân như đã cam kết. Đến khi nào hai nước Cộng Sản vừa là “anh em” vừa là “đồng chí”, đấu đá nhau thấm đòn, lúc ấy Mỹ mới nhảy vào chăng.

Tin mới nhất, một nước đàn em rất ngoan ngoãn của Trung Quốc là Miến Điện nay cũng đang cố thoát ra khỏi sự kèm kẹp của nước đàn anh tham lam. Miến Điện vừa huỷ bỏ một dự án xây dựng thuỷ điện rất lớn đã được ký kết với Trung Quốc khiến cho Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Đã thế, sau chuyến công du Ấn Độ của Chủ Tịch nước Việt Nam vào thượng tuần tháng 10 này sẽ đến phiên Tổng Thống Miến Điện đến thăm Ấn Độ. Như vậy, ta thấy rõ Trung Quốc ngày càng mất đồng minh. Bị bao vây từ nhiều phía, Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Cái lưỡi bò thè ra ngang ngược ấy sẽ thụt lui vào mồm nếu không muốn bị cắt đứt. Rồi một dịp thuận tiện khác, nó lại thè ra, và thè ra dài hơn không chừng.

Nhưng trong hiện tình, Trung Quốc tính sao? Trước hết Trung Quốc tăng cường thêm mối bang giao với Hồi Quốc, một đồng minh lâu ngày. Gần đây họ tiếp đón một phái đoàn hùng hậu của Liên Bang Nga do Thủ Tướng Putin cầm đầu. Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin dường như vẫn muốn nhìn về quá khứ hơn là tương lai, cái quá khứ của một Liên Bang Xô Viết mênh mông với 14 nước Cộng Hòa Xô Viết nhỏ hơn nằm nép bên người anh cả khổng lồ. Cam Bốt từ lâu sát cánh với Việt Nam, nay với sức ép cũng như những viện trợ lớn lao, đầu tư lớn lao của Trung Quốc, cũng đã muốn xoay chiều, ngã về Trung Quốc. Trung Quốc đang có kế hoạch dò tìm mỏ dầu cho Cam Bốt ngay bên cạnh đảo Phú Quốc của Việt Nam. Cũng cùng một ngày Chủ Tịch Việt Nam viếng Ấn Độ, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam sang Trung Quốc ký kết một số thỏa ước song phương trái với nguyện vọng của những nước Đông Nam Á, là phải giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đa phương, lý do là nếu để nước khổng lồ Trung Quốc đối đầu với từng nước nhỏ một, họ sẽ tha hồ chèn ép, “lấy thịt đè người” Vậy Việt Nam đang làm trò gì đây? Muốn đầu hàng Trung Quốc? Hay đang đi dây, đang phân vân, đang trăn trở. Và sẽ đi về đâu?

Về phía Trung Quốc, trước tiên họ sẽ đấu dịu với Việt Nam và Phi Luật Tân, hai nước bị Trung Quốc chèn ép nhiều nhất, đồng thời hạ bớt nhiệt độ tranh chấp với Nhật Bản. Nhưng Việt Nam chớ vội hài lòng vì những lời dụ dỗ đường mật có tích cách giai đoạn mà thiếu cảnh giác trước kẻ thù truyền kiếp. Việt Nam đừng vội quên những bài học lịch sử của hàng ngàn năm sống bên cạnh Tàu, đừng vội quên những nhục nhã mất đất, mất biển, mất đảo trong thời gian gần đây.

 

Tóm lại nếu bị một số nước trong khối ASEAN, Ấn Độ, và liên minh Mỹ - Nhật - Đại Hàn kháng cự, Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực, và Việt Nam sẽ không dễ gì bị Tàu tấn công phủ đầu. Nhưng Việt Nam cũng có thể bị tiêu vong bằng cách khác, và lần này nếu mất, Việt Nam sẽ bị xóa tên vĩnh viễn trên bản đồ thế giới. Tại sao vậy?

Ngoài những uy hiếp về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, còn có cái uy hiếp đáng sợ hơn nữa, đó là uy hiếp về văn hóa. Để đi đến đồng hóa. Hơn mấy nghìn năm trước nước Tàu to lớn vẫn không thể đồng hóa nổi nước Việt Nam nhỏ bé. Bây giờ tình thế hoàn toàn khác. Với sự tràn ngập văn hóa Tàu vào Việt Nam qua sách vở, sách dịch, báo chí; qua phim ảnh; qua những công cuộc đầu tư khổng lồ; qua những kiểu mẫu chùa, miếu, tượng, đài; qua những khu thương mại đồ sộ; qua lớp di dân như thác lũ cùng với lối sống của họ, cùng với số gái quê nghèo nàn làm tôi mọi cho họ để sinh ra vô số con cháu lai Tàu (thử tưởng tượng Tàu chỉ cần sử dụng số lẻ 400 triệu của dân số một tỷ tư cũng đủ nuốt sống 90 triệu dân Việt Nam); trước sự thiếu cảnh giác do thiếu hiểu biết của nhà cầm quyền Việt Nam đương thời, do tham nhũng và nhận hối lộ của ngoại bang để cho họ muốn làm gì thì làm, chẳng bao lâu, không cần có chiến tranh đi nữa, Việt Nam cũng sẽ bị Hán hóa. Cỏ dại đang và sẽ giết chết hết các mầm mống khác trên mãnh đất thân yêu của ta.

Hãy thử nêu lên đây dăm ba hiểm họa của loại “chiến tranh văn hóa, chiến tranh kinh tế”. Những ngôi chùa, đài tưởng niệm, viện bảo tàng v.v... đồ sộ hơn bao giờ cả từ trước đến nay vừa mới được xây cất xong đều rập khuôn theo kiểu mẫu Tàu (chùa Bái Đình ở Ninh Bình, Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương, Đài Tưởng Niệm ở Đồng Lộc, Bảo Tàng Hà Nội ở Hà Nội v.v...). Học sinh thì từ tiểu học, trung học, đến sinh viên đại học hầu hết rất kém môn sử Việt Nam, ngược lại biết nhiều sử Tàu qua phim ảnh được chiếu liên tục trên nhiều kênh, qua sách vở. Hàng hóa của Tàu tràn ngập từ thành thị đến thôn quê, kể cả những món hàng độc hại bị từ chối bởi các nước khác. Công nhân, thương nhân của Tàu đổ vào không cần chiếu khán, số lượng ấy lên đến bao nhiêu không ai có thể biết được, tại khu khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tại các công ty, công xưởng (người Tàu chiếm đến 90% trên tổng số các vụ đấu thầu về những công trình thuộc lãnh vực công nghiệp toàn quốc), tại những khu buôn bán như nói trên. Và nghe cũng thật chua chát là phát biểu của nhà giáo Phạm Toàn ở trong nước trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA). Xin trích dẫn vài đoạn:

“Bây giờ nền văn hóa ấy đương trong cơn đại khủng hoảng ... Không có tác phẩm nào để đời cả. Không có bài thơ nào mà thanh niên chuyền tay nhau cả. Không có bài hát nào người ta đi đường lầm rầm hát cả. Không có câu thơ nào mà hai người yêu nhau thủ thỉ với nhau cả...Không có bức tranh nào đẹp hết...Không một vở kịch nào người ta mời nhau đi xem cả. Còn tượng thì tượng nào cũng như tượng nào...Khi thuê mượn và giao cho đạo diễn người Trung Quốc thì họ áp dụng văn hóa của họ vào phim và chỉ đặt lại cái tên là phim Việt Nam mà thôi. Ngay cả tình tiết, tâm lý đều là Trung Quốc cả.”

Có lẽ cũng nên nói thêm về hoạt động thương mại của Tàu mọc lên nhiều nơi từ bắc chí nam. Đây là vài đoạn nói về Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương đăng trên nhiều mạng.

“Đến Đông Đô Đại Phố, bạn có cơ hội khám phá nền văn hóa Trung Hoa đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ phong tục tập quán đến những nét văn hóa cổ truyền về lối sống, cách sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là phong cách ẩm thực, tất cả sẽ được tái hiện... Đông Đô Đại Phố, khu trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất dành cho Hoa Kiều giữa lòng thành phố mới Bình Dương, một thiên đường ...”

Tại Đông Đô Đại Phố có cả trường Đại Học Quốc Tế, những bệnh viện, những khách sạn, những khu giải trí cao cấp của người Tàu mà ta không thể nào sánh nổi về tính hiện đại và sự tiện dụng, lôi cuốn của chúng.

Hẳn có ý kiến rằng nhiều nước trên thế giới cũng chấp nhận để người Tàu lập những khu thương mại trên nước của họ, làm như vậy kinh tế bản địa cũng hưởng lợi. Tại nhiều thành phố lớn trên nước Mỹ chẳng hạn đều có những khu thương mại của Tàu gọi là những China Towns. Nhưng Mỹ là cường quốc đứng đầu thế giới về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế và quân sự, cho nên họ có thừa khả năng và bản lĩnh chống trả sức ép của Tàu khi cần. Mỹ lại là một nước lớn về diện tích, lớn hơn cả nước Tàu (Mỹ: 9631418 km2, Trung Quốc: 9596960 km2) trong khi Việt Nam là một nước quá nhỏ (Việt Nam: 331688 km2, chỉ bằng khoảng 1/30 so với diện tích Trung Quốc, dân số cũng không tới 1/14), lại thua kém Tàu về mọi mặt. Cứ để cho Tàu tràn ngập vào bằng nhiều cách như nói trên thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ bị Táu hóa. Người viết bỗng nhớ một câu chuyện trong Tam Quốc Chí của Tàu: Lã Bố sa cơ thất thế được Lưu Bị mở cửa thành đón vào rồi cho đến trấn đóng tại một ngôi thành nhỏ cách đấy không xa cốt để gây thêm thanh thế trước những đối thủ khác. Lã Bố là tướng mạnh vô địch nhưng hữu dũng vô mưu, trong khi Lưu Bị cũng có hai người em kết nghĩa là Quan Công và Trương Phi võ nghệ siêu quần. Sau thời gian ổn định, Lã Bố thừa cơ chiếm lấy thành lớn, và đuổi anh em Lưu Bị chạy về ngôi thành nhỏ. Xét về tương quan lực lượng, Việt Nam bây giờ thua xa Lưu Bị trong khi Tàu hơn xa Lã Bố. Không khéo Việt Nam sẽ không còn một miếng đất để cắm dùi, nói chi đến chuyện thành nhỏ với thành lớn!

Trước nguy cơ ấy, nhà cầm quyền có những hành động thật khó hiểu. Đối với giặc thì hèn nhát, đối với dân, kể cả những người yêu nước, thì hung hăng. Thông tin bưng bít, nay ngã qua Tàu, mai hướng về Tây, rồi trở ngược lại, nay ngã qua Tây, mai hướng về Tàu; nay tuyên bố thế này, mai tuyên bố thế khác, nhiều lúc những lời tuyên bố ấy hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Người dân không thể nào biết được những hành động trái ngược như thế bắt nguồn từ những sách lược hay ho được nghiên cứu kỹ lưỡng hay đó chỉ là những phản ứng hoảng hốt, chắp vá để tạm thời “chữa cháy”, hay đó là do sự phân hóa cùng cực của bộ máy cầm quyền, không ai nghe ai, năm phe ba phái. Trong khi đó, một câu nói nghe thật chối tai thường được nhắc lui nhắc tới: “Việc nước hãy để cho đảng và nhà nước lo, dân khỏi lo.” Làm như tổ quốc là của riêng của một phe nhóm. Làm như thời phong kiến bạo ngược xa xưa, đất nước thuộc về một dòng họ, một ông vua. Xưa, chống ngoại xâm có khi là để trả ơn vua (Phá cường địch/ Báo hoàng ân – lời của một vị tướng đời Trần khi chống quân Nguyên). Nhưng lỡ gặp phải ông vua bất tài, tham tàn, nhân dân xa lánh, chán ghét, thì sao? Địch đến, liệu toàn dân có còn đủ thì giờ để dàn trận kháng cự, có còn đủ nhiệt tâm đem xương máu, đem cái chết chống giặc để phục vụ cho một thiểu số? Hay thiểu số ấy lại nhanh chóng bó tay đầu hàng giặc mong kéo dài thêm cuộc sống thừa, hưởng chút phú quý còn sót, mặc cho nước mất, nhà tan.

 

*

 

Nhân dịp này Việt Nam phải thoát ly khỏi những kềm kẹp của Trung Quốc, nhất là về mặt văn hóa. Văn hóa còn, nước dù có mất cũng sẽ có ngày được khôi phục như tổ tiên của ta đã từng làm. Một khi bị đồng hóa, nước mất vĩnh viễn.

Ta phải bái phục tiền nhân. Dù bị áp lực nặng nề từ phương bắc, nước ta vẫn giữ được bản sắc riêng từ nơi ăn, chốn ở, y phục, nếp sống, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật v.v..., văn hoá nói chung. Trong lãnh vực văn hóa, chỉ xin nêu lên vấn đề văn học làm thí dụ. Ngày xưa khi chữ quốc ngữ theo mẫu tự la-tinh chưa được sử dụng như văn tự chính thức, tổ tiên ta muốn được hiển vinh phải giỏi chữ Hán, thứ chữ dùng trong chính giới, trong khoa cử. Thi đổ mới được làm quan, làm kẻ sỹ, hay nói như Nguyễn Công Trứ, Sỹ làm cho bách thế lưu phương/Trước là sỹ, sau là khanh tướng. Thế nhưng những bậc đại nho, thâm nho, sỹ phu thời trước không hề quên tiếng mẹ đẻ. Bên những thơ văn viết bằng chữ Hán, thường là những tác phẩm chữ nôm rất có giá trị của những vị như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Thanh Quan. Đặc biệt là Nguyễn Du vào đầu thế kỷ thứ 19, một nhà Nho được cử làm chính sứ hướng dẫn phái đoàn Việt Nam qua Tàu hẳn rất giỏi chữ Hán, và quả thế dù đã làm rất nhiều thơ chữ Hán bất hủ, ông cũng đã để lại rất nhiều thơ nôm trong đó có kiệt tác Truyện Kiều. Hẳn có ý kiến cho rằng Truyện Kiều chẳng qua chỉ là truyện dịch từ tiểu thuyết Tàu. Nói như thế không đúng. Câu chuyện bằng văn xuôi của Tàu, một tiểu thuyết tầm thường đến nay ít người biết tới, đã được Nguyễn Du viết lại thành một tác phẩm thơ tuyệt diệu được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, đặc biệt là lại được hai lần dịch lại ra tiếng Trung Hoa, một bởi Trương Cam Vũ, một bởi Hoàng Giát Cần. Thơ hay chuyển ra thành văn xuôi hay đã là chuyện khó, văn xuôi tầm thường chuyển ra thành áng thơ tuyệt diệu thì quả là thiên nan vạn nan. Điều ấy chứng tỏ giá trị sáng tạo lớn lao của Nguyễn Du. Nay, ta lệ thuộc, mô phỏng, bắt chước Tàu quá nhiều, lại còn hãnh diện vì sự lệ thuộc ấy. Nói như Mặc Lâm của đài Á Châu Tự Do (RFA), những người làm công tác văn hóa ở Việt Nam chống chỏi hết sức yếu ớt và nhu nhược trước sự xâm lăng của văn hóa Trung Quốc.

Ta rập khuôn theo Tàu về thể chế, thua kém về kinh tế, sợ sệt về quân sự, và đang bị đồng hóa về văn hóa. Họa mất nước là chỗ đó.

Cho nên, phải quyết tâm thực hiện những cải tổ tận gốc trong đó việc thay đổi thể chế chiếm ưu tiên một. Tại sao? Tại vì chế độ độc tài toàn trị là nguồn gốc của mọi băng hoại. Ai cũng biết độc tài sinh ra tham nhũng và bạo ngược. Tại nước ta bây giờ, càng tệ hại hơn nữa, đó là nền độc tài có hệ thống. Nói khác đi đó là một chế độ mà sự độc tài đã nằm trong diện “chính sách”, “đường lối”, “kế hoạch” do phe nhóm cầm quyền nắm gọn trong tay. Họ dùng bạo lực bao che nhau, yểm trợ nhau, phối hợp với nhau để chia chác cho nhau phần lớn nguồn lợi rút ra từ mồ hôi, nước mắt, và xương máu của nhân dân, rút ra từ hầm mỏ, khoáng sản, lâm sản, hải sản, nông sản v.v... của non sông, đất nước, của lãnh thổ, lãnh hải. Họ thích dùng chữ dân chủ pháp trị, nhưng hễ thấy có lợi cho họ, họ tôn trọng luật pháp do họ đặt ra, ngược lại thấy bất lợi, họ sẵn sàng bẻ cong, bóp méo hoặc chà đạp lên thứ pháp luật ấy để thay thế bằng bạo lực. Phe nhóm của họ, do đó, ngày càng giàu mạnh, nhưng tài nguyên của quốc gia bị vơ vét, lãng phí từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần dần khô cằn, sinh lực của giống nòi dần dần kiệt quệ.

Hãy ôn lại những bài học lịch sử cận đại, hãy nhớ lại những nỗi thống khổ của nhân dân A Rập trong hơn nửa thế kỷ vừa qua dưới xiềng xích, gông cùm của bạo chúa. Và hãy nhìn mùa xuân A Rập, những làn sóng cách mạng bắt đầu từ mùa xuân năm nay tại Tunisia, rồi lan tỏa ra các nước Ai Cập, Libya, và sắp sửa tiến đến Yemen và Syria mà kết quả là các chế độ độc tài trong vòng một năm nay thay nhau sụp đổ.

Hơi độc tan dần, một làn gió mát mẻ, trong lành đang thổi tới cho những người A Rập ở Bắc Phi, ở Trung Đông, mang lại cảm hứng và hy vọng cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Và đồng thời cũng tạo nên cảm hứng cho người viết bài này trở lại với đề tài ban đầu là Taj Mahal – Taj Mahal của một Ấn Độ đang xích dần đến Việt Nam.

 

*

 

Đến New Delhi, thủ đô của nước Ấn Độ mênh mông có trên một tỷ người, chúng tôi đành tạm hoãn lại công việc đi đây đi đó thăm viếng cái đã. Thời gian quá hạn hẹp mà Delhi thì quá lớn lao. Hãy chờ lần trở về sẽ ghé lại New Delhi lâu hơn để thăm các nơi nổi tiếng như Pháo Đài Đỏ (The Red Fort), Cửa Ngõ Ấn Độ (India Gate), Đền Hoa Sen (Lotus Temple), Đài Kỷ Niệm Akshardham, Đài Tưởng Niệm Thánh Gandhi, Bảo Tàng Viện Quốc Gia Ấn Độ, vân vân...

Rời New Delhi, chúng tôi vội vàng đáp xe lửa đi Agra thuộc tiểu bang Uttar Pradesh nơi đó có Taj Mahal. Tôi từng nghe tiếng tăm lớn của Taj Mahal. Đó là một trong những đền đài nổi tiếng nhất của loài người, được sắp hạng một trong bảy kỳ quan hiện đại của thế giới. Đó là một giấc mơ bằng cẩm thạch (A dream in marble) như ý kiến của nhiều khách đến viếng thăm, hay nói như thi hào Tagore, một giọt lệ trên khuôn mặt của thiên thu (A tear in the face of the eternity).

Chiều hôm ấy, xuống xe đi bộ một quãng ngắn, thấy Taj Mahal đằng kia, tôi bỡ ngỡ. Từ xa trông nó nguy nga đồ sộ nhưng hình như nó không giống Taj Mahal trong những tấm ảnh tôi có. Đến gần hơn mới biết mình nhầm. Đó không phải là Taj Mahal, mà chỉ là cái cổng vào. Cổng vào mà đã thế! Bỗng dưng tôi nhớ mang máng đến một bài thơ tiếng Anh trong cuốn L’Anglais Vivant của Carpentier Phialip, cuốn dành cho lớp đệ tứ (nay là lớp 9), bài đọc thêm. Bài thơ nói lên nỗi lòng của một chiến sĩ trong đêm trước một trận đánh vô cùng ác liệt, một sống một còn, sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Đêm ấy anh không thể nào ngủ được. Anh nhớ người yêu. Anh nhớ từ con mắt, vầng trán, mái tóc, thân hình của nàng. Nhớ luôn cái tà áo, cái mép ghế mà tà áo vướng vào. Rồi nhớ cả cô hầu thường tiếp anh trước khi anh được gặp người yêu, mà cô hầu cũng đẹp lắm. Thì ở đây cũng thế, cái cổng vào đúng là cô hầu ấy rồi, và cô chủ đang chờ chúng tôi ở trong kia.

Bước vào khỏi cổng chúng tôi phải dừng lại khá lâu trước khu kiểm soát. Chúng tôi được khám xét cẩn thận xem có mang vũ khí hoặc chất nổ hay không. Xong đâu đấy lính bảo vệ mặc sắc phục kaki vàng vai mang súng, tay cầm đèn bấm đưa chúng tôi theo con đường nhỏ đi đến ngôi đền. Lúc ấy đã gần tối, đèn điện tù mù, leo lét. Xế xế chân trời mảnh trăng thượng tuần trông như hình chiếc lưỡi liềm treo nghiêng. Trời lác đác sao. Và đây rồi, Taj Mahal đứng lồng lộng. Lồng lộng và cô đơn.

Nhìn vào bản đồ Ấn Độ, nếu thấy nó na ná như một phần hình nửa người đang dang rộng cánh tay trái thì thành phố Agra nằm hơi nghiêng về phía ngực trái và Taj Mahal là quả tim – tôi thấy như thế. Taj Mahal, quả tim Ấn Độ, tôi thì thầm nói cho tôi nghe. Đó là một kiến trúc khá đồ sộ, cao hơn một ngôi nhà mười tầng kể từ mặt đất lên đến đỉnh của cái vòm chính. Cái vòm này đứng ngay giữa khuôn viên hình vuông có bốn trụ cao ở bốn góc và được bao quanh bởi bốn vòm phụ thấp hơn. Lối kiến trúc này trông khá quen thuộc tại Ấn Độ mà tôi đã gặp ở những nơi khác, đó là mẫu kiến trúc mang ảnh hưởng Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Taj Mahal trông thật nhịp nhàng, cân đối, lộng lẫy hơn tất cả những đền đài cùng một kiểu mẫu.

Cái vòm chính giữa cao vút ấy của Taj Mahal uốn cong thành giọt lệ như lời thơ Tagore chăng? Và dưới khung trời mờ ảo, giọt nước mắt ấy trông rưng rưng nhưng không rơi xuống, trái lại như muốn bay bổng lên cao để đi sâu vào trong lòng vũ trụ. Nó gợi nên cảnh chia ly, nó xui ta nghĩ đến cái bơ vơ của kiếp người ngắn ngủi, dù người đó là ông vua si tình, là hoàng hậu thủy chung.

Hoàng đế Shah Jahan bắt đầu cho xây ngôi đền vào năm 1631, một năm sau cái chết của Hoàng hậu Mumtaz Mahal, người đã chia ngọt sẻ bùi với nhà vua trong 19 năm trời, có với nhau 14 đứa con, sống êm đềm trong nhung lụa của chốn đế đô cũng như dạn dày gian nguy ngoài trận tiền. Lúc hoàng hậu mới 39 tuổi, bụng mang dạ chửa, hạ sinh đứa con thứ 14 thì từ trần khi bà theo chồng đánh đông dẹp bắc tại vùng cao nguyên Deccan rộng mênh mông. Vua Shah Jahan là một trong những vị vua anh hùng nhất trong lịch sử Ấn Độ, và thời đại của ông cũng là thời đại vinh quang, thịnh trị nhất. Để nhớ người vợ yêu quý, nhà vua cho xây ngôi đền, 20 năm mới hoàn thành, với số nhân lực lên đến 20 ngàn người. Thường người ta cứ cho rằng những mối tình thơ mộng dang dở của những Tristan - Isolde, Romeo - Juliet, Phạm Thái - Trương Quỳnh Như, vân vân, mới đáng nhớ, đáng làm đau lòng người, để được thương tiếc, khóc than, để được ghi lại thành những thiên tình sử bi thảm của loài người, để được xây dựng thành tượng đài, lăng miếu. Nhưng ở đây hoàn toàn khác. Thì ra tình nghĩa vợ chồng thủy chung cũng da diết lắm.

Giọt lệ thiên thu ấy làm cho đêm tháng ba đã lạnh càng lạnh lẽo thêm. Nhưng nước mắt của ai đấy? Nước mắt thương tiếc của nhà vua chăng? Hay là nước mắt của hoàng hậu – toàn bộ kiến trúc mang một vẻ trang nghiêm nhưng sầu muộn, thơ mộng nhưng ảo não, dịu dàng nhưng thổn thức. Đầy nữ tính. Thế thì đó là nước mắt của hoàng hậu. Hay cũng có thể là nước mắt của trời, của trăng nhỏ xuống trần gian như lời của nhà vua trong một bài thơ ngắn được dịch ra tiếng Anh. Tôi xin trích hai câu:

The sight of this mansion creates sorrowing sights
And the sun and the moon shed tears from their eyes.

Tạm dịch:

Nỗi thương đau hiện lên khi nhìn nhìn thấy ngôi đền này
Và trời và trăng cũng không ngăn được dòng lệ.

Đọc hai câu thơ trên, tôi không thể không nghĩ đến vua Tự Đức. Ba vị vua triều Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, “đều là những bậc hay chữ và có thi tập cả” (Dương Quảng Hàm - Việt Nam Văn Học Sử Yếu), trong đó vua Tự Đức nổi bật hơn hết. Ông để lại hai tập thơ chữ Hán gồm 18 quyển, và một số thơ chữ Nôm như Thập Điều, Tự Học Diễn Ca, Luận Ngữ Diễn Ca v.v... Quả là một tài sản văn chương vô cùng phong phú chưa được giới nghiên cứu văn học quan tâm đúng mức. Những bài thơ Nôm được truyền tụng nhiều là bài “Ngẫu Cảm” (Khôn dại cùng chung ba thước đất/Giàu sang chưa chín một nồi kê...) và bài “Khóc Thị Bằng Phi”.

Thử tưởng tượng một người yêu “bé bỏng” quấn quýt bên đấng quân vương không rời nửa bước. Bên hàng hiên, dưới chái nhà, lúc mưa, lúc nắng, giọng oanh vàng của người đẹp vẫn thủ thỉ bên tai nghe như điệu ru êm ái của muôn đời. Buổi sáng tinh sương, buổi trưa nắng chói, cái bóng dáng thanh tân yểu điệu lúc đứng ngoài ngõ, lúc ngồi trong sân, làm duyên, làm nũng, ẻo lả, e ấp. Bỗng dưng hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm (Lời Phạm Thái khóc Quỳnh Như), giai nhân tức tưởi lìa bỏ cõi trần khiến nhà vua thương tiếc không nguôi, có khi như điên như cuồng đập vỡ chiếc gương nàng từng soi mong tìm lại hình ảnh cũ, hay cất kỹ y phục nàng từng mặc mong giữ lại chút hương xưa:

Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàng y lại để dành hơi

Khác hẳn lời lẽ khá cường điệu trong hai câu thơ của vua Shah Jahan trích dẫn trên kia, “Khóc Thị Bằng Phi” của vua Tự Đức thấm đẫm tình người, đầy ắp tiếc thương. Nó tha thiết, âu yếm và ngân lên như tiếng thở dài của thời gian. Tôi lại lan man liên tưởng đến bài trường ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, “Đóa Hoa Vô Thường” trong đó có một câu thật đẹp: Có tôi trong dáng em ngồi trước sân. Dường như tiếng ngân của câu thơ “Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi” có chút vang vọng đến người nhạc sĩ tài hoa ấy.

 

Lặng nhìn cái vòm cao lồng lộng giữa đêm trăng tháng ba đầu mùa xuân còn khá lạnh, trời sao lác đác, mờ mịt, xa xa những hàng cây đen, những ánh đèn leo lét không đủ sức xuyên thủng lớp sương mù không biết đã dâng lên từ lúc nào, dần dần tôi thấy Taj Mahal như đang rung động. Nó đang biến hình. Nó không còn là giọt nước mắt như lời thơ của Tagore nữa. Nó biến thành cái bầu vú, và đỉnh cao là núm vú. Và mãi đến giây phút ấy thính giác của tôi mới chịu hoạt động, tôi nghe thấy một cái gì đây. Hay đó chỉ là ảo giác. Tôi nghe một thứ âm thanh rờn rợn. Phải chăng đó là tiếng gió rít, gió siết mạnh và cuốn quanh cái bầu vú ấy theo hình xoáy ốc từ dưới lên đến đỉnh để cuối cùng bật ra thành tiếng kêu cao vút, nhọn sắc, thảng thốt. Tôi nghĩ đến bàn tay tuyệt vọng của nhà vua. Bỗng nhiên tôi lại nghe, lần này rõ ràng hơn, tiếng rì rào, thì thầm, miên man, than vãn như từ trong lòng ngôi mộ thoát ra. Hay, nói như Hàn Mạc Tử, đó là “Những lời năn nỉ của hư vô”. Tôi định thần lại cho tỉnh táo để lắng nghe cho kỹ. Lạ quá, âm thanh này dường như có thực. Tôi nghi ngờ giác quan của tôi.

Thời gian qua nhanh, người lính bảo vệ cho biết đã hết giờ thăm, ban đêm giờ thăm chỉ kéo dài nửa tiếng, ban ngày thì tha hồ. Chúng tôi đành giã từ Taj Mahal, hẹn ngày mai trở lại. Tôi đã được cho biết, cũng giống như Grand Canyon của Mỹ, Taj Mahal hiện lên dưới nhiều màu sắc, hình tượng khác nhau tùy theo mùa này mùa nọ trong năm, tùy theo thời khắc trong ngày, trong đêm, tùy theo trời nắng cháy hay mưa gió hay tạnh ráo, tùy theo giông tố bão bùng. Hoặc nếu “Trời không nắng cũng không mưa/Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ thương”, Taj Mahal cũng hiện ra dưới một khuôn mặt khác để dành riêng cho Hồ Dzếnh chăng. Cho nên ngày hôm sau chúng tôi trở lại, như thế ít nhất chúng tôi cũng có thể chiêm ngưỡng ngôi đền này trong hai thời khắc ngày và đêm.

 

Ngôi đền bằng cẩm thạch màu trắng, lấp lánh hồng nhờ lớp gạch đỏ và mỏng khảm vào, hiện lên lung linh, tráng lệ, giữa nắng trưa rực rỡ. Một hồ nước hình chữ nhật hẹp và dài nằm thẳng góc với mặt chính diện của ngôi đền, hai bên hồ là hai lối đi lát đá với những thảm cỏ xanh và hàng cây nhỏ chạy song song. Đằng sau ngôi đền, một dòng sông khá rộng uốn mình, muà xuân nước trong xanh, sóng lấp lánh, chảy nhè nhẹ. Tôi nhớ lại đêm hôm qua. Thì ra trong những âm thanh đầy mê hoặc có tiếng sông trôi mà tôi nghĩ là tiếng than vãn phát ra từ lòng mộ. Sông chảy hay sông trôi, tôi tự hỏi. Đó là con sông Yamuna khá dài, một nhánh của sông Hằng chảy qua thủ đô Delhi và thành phố Agra.

Chúng tôi đi chầm chậm trên con đường nhỏ bên phải song song với hồ nước, bên trái của hồ cũng có một con đường như thế, rồi bước lên nhiều bậc tam cấp để vào trong ngôi đền. Chúng tôi bị choáng ngợp vì vẻ đẹp của nó. Đâu đâu cũng toàn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh vi, lộng lẫy - dưới sàn, trên trần, dọc những hành lang, trên từng bức tường, trên những mảnh đá quý. Đủ thứ ngọc ngà, châu báu ẩn hiện trên những pho tượng, những phù điêu, những chùm đèn, những hàng cột ... Giữa lòng ngôi đền là nấm mộ của hoàng hậu Mumtaz Mahal, bên cạnh có một nấm mộ nhỏ hơn nằm song song, mộ vua Shah Jahan. Theo sử Ấn Độ, vào gần cuối đời, nhà vua lâm bệnh trong một thời gian, nhân đó bị người con trai đoạt ngôi, và bị giam giữ trong một lâu đài không xa Taj Mahal bao nhiêu để từ lâu đài ấy nhà vua có thể ngày ngày nhìn vọng về ngôi mộ của người vợ yêu quý. Tám năm sau, vua Shah Jahan qua đời. Nghĩa tử nghĩa tận, người con đã cho xây nấm mộ cha bên cạnh mộ hoàng hậu.

Chúng tôi không thể ở mãi với ngôi đền Taj Mahal này. Dù bữa tiệc của màu sắc, đường nét, hình tượng, chen với ngưỡng mộ lẫn cảm xúc rất phong phú, rất ê hề mà chúng tôi ham hố ăn mãi vẫn muốn ăn thêm, cuối cùng chúng tôi cũng đành phải giã từ. Đi một quãng xa tôi quay lại nhìn để được thấy toàn cảnh. Giữa ban ngày cũng thế, Taj Mahal lộng lẫy nhưng vẫn mang một nét buồn vời vợi khó tả. Tại sao thế? Tôi cố tìm câu trả lời. Thì nấm mộ nào, nghĩa trang nào, đền tưởng niệm nào mà lại có thể mỉm được một nụ cười tươi thắm để trao cho khách viếng thăm làm quà, huống là Taj Mahal vốn sầu muộn này. Thôi, hãy quên chuyện tử biệt sinh ly muôn đời để tìm cái thanh thản mà sống miên man như cây như cỏ.

 

10/2011

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021