thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về văn học hypertext

Những hệ thống hypertext đã và đang được khẳng định như một thế hệ mới trong sự điều hành những hệ thông tin phức tạp. Sự ra đời của những hệ thống này cho phép con người sáng tạo, chú giải, nối kết và chia sẻ thông tin từ những môi trường khác nhau như văn bản, biểu đồ, âm thanh, hình ảnh video, phim hoạt hoạ và ngay cả các chương trình hết sức đa dạng và phức tạp. Không như những hệ thông tin truyền thống, vận hành trên nguyên lý liên tục và đơn tuyến, hypertext đang cung cấp một phương tiện phi tuyến tính và đa phương hoàn toàn mới mẻ cho sự tiếp cận hay phân phối thông tin (Bieber, 1993). Chúng tạo ra một môi trường vô cùng linh hoạt và chặt chẽ trong sự lưu trữ hay truy cập dữ kiện thông qua những nốt (nodes) nối với nhau bằng những sự liên kết (links). Các nốt này có thể chứa đựng văn bản, biểu đồ, âm thanh, hình ảnh hay những dạng khác của tư liệu hay dữ kiện, chẳng hạn như mật mã hoặc phim hoạt hình... (Smith & Weiss, 1988). Sự liên kết giữa hypertext và đa môi trường (multimedia) tạo nên hypermedia. Khi viết về đề tài hypertext, các nhà chuyên môn thường có khuynh hướng sử dụng hai thuật ngữ hypertext và hypermedia một cách hoán đổi để diễn tả cùng một khái niệm.

Sự hình thành và phát triển của hypertext

Một cách đáng ngạc nhiên, hypertext có một lịch sử phát triển khá lâu. Cách đây đúng 55 năm, trong những ngày cuối của đệ nhị thế chiến, một khoa học gia điện toán người Mỹ có cái tên rất lạ, Vannevar Bush, giám đốc cơ quan phát triển và nghiên cứu khoa học quốc gia, một cơ sở có đến sáu ngàn nhà khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ đang nghiên cứu để ứng dụng những thành tựu khoa học mới nhất vào công nghệ chiến tranh, đã manh nha ý tưởng sáng chế ra một loại thiết bị dùng để lưu trữ, phân loại và truy cập thông tin giống như hypertext ngày nay. Bush quan tâm đến sự bộc phát của những tư liệu nghiên cứu khoa học, mà số lượng xuất bản cũng như sự đa dạng trong đề tài ngày một gia tăng nhanh chóng, làm cho những nhà chuyên môn gần như không thể nào theo kịp đà phát triển của chính lãnh vực mà họ đang làm việc và nghiên cứu. Bush thấy được nhu cầu cấp thiết của một hệ thống lưu trữ và truy cập thông tin, nhằm giúp cho các nhà khoa học tìm kiếm tài liệu một cách hiệu quả và dễ dàng, hơn là chúi mũi lùng sục hàng ngày vào một núi sách để chỉ nhặt nhạnh một mảnh cỏn con của tư liệu hữu dụng. Ông gọi loại thiết bị còn nằm trong trí tưởng tượng này là Memex. Trong bài viết "Classic Technology: As We May Think" đăng trên nguyệt san Atlantic số tháng 7 năm 1945, ông mô tả memex là một thiết bị dùng để lưu trữ tất cả các sách báo, những ghi chép và thông tin cá nhân và nó được cơ khí hoá để có thể tham khảo một cách nhanh chóng và uyển chuyển (Bush, 1945). Mặc dầu loại thiết bị memex này chưa bao giờ trở thành hiện thực, khái niệm truy cập thông tin một cách ngẫu nhiên và đồng thời của Bush phù hợp một cách 'cực kỳ' chính xác đối với thực tế của công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay. Ông đã được công nhận như là người tiên phong trong sự xác định khái niệm cơ bản đặt nền tảng cho sự ra đời và phát triển của hypertext.

Doug Engelbart có thể là người đầu tiên chịu ảnh hưởng về khái niệm truy cập và trình duyệt cùng lúc những thông tin có liên hệ gần gũi với nhau của Bush. Vào những năm đầu thập niên 60, Engelbart đã thiết lập hệ thống NLS (oN Line System), một phần của đồ án Augment, dùng để lưu trữ thông tin trong một phức hợp phân bậc cho phép toả nhánh ra ngoài những trật tự định sẵn. Hệ thống này được thiết kế để nhằm mục đích tự động hoá các công việc văn phòng. NLS được sử dụng để lưu trữ những công trình nghiên cứu, những báo cáo, thông báo v.v... ở nơi làm việc mà mọi người làm đều có thể tham khảo. Đây chính là dạng phôi thai của hypertext. Nhưng phải đợi đến năm 1965 thuật ngữ và thực thể của hypertext mới chính thức ra đời.

Hypertext, được sáng chế và đặt tên bởi Theodor H. Nelson, dùng để lưu hành một văn bản điện tử như một kiểu mẫu xuất bản với một kỹ thuật thông tin hoàn toàn mới lạ, trong đó Nelson lần đầu tiên đặt nền móng (và ứng dụng) một lối viết phi tuyến tính. Trong nửa đầu thập niên 60, Nelson lúc đó đang thai nghén ý tưởng 'vũ trụ tư liệu' (document universe), một nơi mà mọi thông tin tài liệu đều có thể cung cấp được cho bất cứ ai cần đến (Nelson, 1965), đơn giản như việc ai đó muốn đếm sao trời thì cứ việc nhìn qua khung cửa sổ. Đó là một môi trường đồng nhất mà mọi người có thể tìm kiếm nguồn gốc của những tài liệu cần thiết cũng như những dữ kiện liên hệ (Nelson, 1987). Nelson thiết kế và công bố một hệ thống phát hành mới mang tên Xanadu vào năm 1989. Ông dùng Xanadu như một thử nghiệm trong việc đưa toàn bộ kho tàng tri thức của nhân loại về cất giữ dưới một mái nhà chung. Nelson tin tưởng rằng mọi văn bản đang tồn tại có thể liên kết với nhau qua một mạng lưới khổng lồ của toàn bộ các máy điện toán trên thế giới. Sự ra đời của liên mạng toàn cầu (www, World Wide Web) không lâu sau đó, đã chứng minh sự kỳ vĩ trong khái niệm của Nelson, biến giấc mơ của ông thành những hiện thực hết sức hữu ích và lý thú trên mọi máy điện toán cá nhân (nối vào liên mạng thông tin) nằm trên bàn giấy rải rộng khắp hoàn cầu.

World Wide Web (W3) đã được nghiên cứu và phát triển ở phòng thí nghiệm vật lý cao năng lượng CERN (Thụy Sĩ) để trao đổi thông tin với những đối tác khác trong lãnh vực nghiên cứu đại học chuyên môn. W3 hoạt động trên nguyên lý 'vui lòng khách đến vừa lòng khách đi' giữa chủ và khách, và dữ kiện được lưu trữ trong các 'hồ sơ độc lập' có thể nằm bất cứ nơi đâu trên mạng. Những cơ chế trình duyệt (Browsers) thông qua 'hệ vận chuyển hồ sơ' (File Transfer Protocol, FTP), cài đặt vào các chi nhánh hoặc máy điện toán cá nhân, để tiếp xúc với các mạng nằm một nơi xa xôi nào đó. W3 là một cơ chế truy cập thông tin dựa trên căn bản hypertext nhằm tạo ra sự tiếp cận với những tư liệu trên những bình diện không đồng nhất nối kết một cách chủ yếu vào Internet (Berners-Lee, 1992). Người ta thiết kế World Wide Web như một khung sườn của một mạng lưới các máy điện toán mà trên đó một dòng thông tin nào đó có thể luôn chờ sẵn để được xử dụng hoặc bổ sung cho bất cứ ai. Như vậy W3 chỉ là một bước nhỏ hướng đến sự hoàn thiện hình ảnh 'vũ trụ tư liệu' của Nelson. Ngày nay W3 đang trải rộng ra trên 80 lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khác nhau, từ không gian học cho đến khoa học nhân văn, từ y khoa cho đến kinh tế chính trị học, vân vân...

Văn học hypertext

Hypertext thoạt đầu được dùng như một phương tiện lưu trữ và chuyển giao thông tin, nhưng sau đó đã được sử dụng để sáng tác văn học, tạo thành một hình thức văn học mới là văn học hypertext.

Trong số những người đi tiên phong trong lãnh vực văn chương hypertext, đáng chú ý nhất là Thomas M. Disch (Amnesia, 1986) và Robert Pinsky (Mindwheel, 1984). Vào thời kỳ phôi thai này, tác phẩm của họ là sự pha trộn giữa trò chơi của máy điện toán và chuyện giả tưởng. Với Amnesia của Disch, đọc giả phải đánh vào máy một động tác nào đó của nhân vật chính để có thể đi vào văn bản. Và để đọc Mindwheel của Pinsky, người đọc phải giải cho được một số câu đố mới có thể vào chuyện.

Nhưng có lẽ văn chương hypertext chỉ thực sự định hình khi Afternoon của Micheal Joyce (1987) và Victory Garden của Stuart Moultrop (1991) ra đời. Chính hai tác giả này đã mở rộng biên cương của hypertext đối với việc sáng tác văn chương một cách nghiêm chỉnh.

Afternoon đòi hỏi người đọc phải tìm cho ra manh mối để tách ra hai mạch chuyện đan quyện vào nhau và tạo cho văn bản có nghĩa. Trong đó độc giả có toàn quyền sắp xếp những tình tiết một cách biện chứng và thuyết phục để giải quyết nút thắt tại sao con trai của nhân vật chính và người vợ lạ kỳ của anh ta đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Bên cạnh Afternoon, tác phẩm của Stuart Moultrop, Victory Garden, được xem như là một công trình có trình độ nghệ thuật cao về ngôn ngữ văn chương. Nó được đánh giá như một hiện thân của sự tinh vi và đầy tham vọng của tiểu thuyết hypertext. Hypertext đã cho phép tác giả diễn tả cùng lúc nhiều sự kiện xảy ra đồng thời ở nhiều nơi chốn khác nhau trên thế giới trong cuộc chiến vùng vịnh (Gulf War). Victory Garden đã cho thấy một sự dung nạp hết sức lý tưởng những sự kiện thực tế và những gì người ta thấy được trên màn ảnh truyền hình đem lại bởi phóng sự chiến trường. Theo đuổi những văn cảnh khác nhau từ những nốt liên kết, người đọc có cảm tưởng đang theo dõi đời sống thực của các nhân vật.

Có thể nói đặc điểm nổi bật của văn học hypertext là phi tuyến tính, nghĩa là thay vì phải đọc theo những thứ tự mà nhà văn đã xếp đặt trước, độc giả của hypertext có thể đi một lối riêng trong sự thưởng thức một tác phẩm, tự tạo lấy cho họ một trật tự xếp đặt mới của các tình tiết hay có thể sáng tạo ra một cách hiểu mới từ một sản phẩm nào đó của hypertext.

Tính chất phi tuyến tính trong hành động đọc và viết

Thật ra, tự bản chất cách đọc và cách viết thông thường của chúng ta cũng đã ít nhiều có tính chất phi tuyến tính.

Những khuôn mẫu nghiên cứu đọc và viết trong não bộ người được xây dựng và phát triển bởi các nhà tâm lý về ý thức, có thể được ứng dụng để tìm hiểu về sự suy nghĩ phi tuyến tính của loài người (Smith et al., 1987; Rada, 1991). Theo lý thuyết về ký hiệu học (semiotics), sự thu nhận kiến thức diễn ra ở bốn mức độ: (i) hiểu được từ vựng (lexical acquisition), (ii) hiểu biết cú pháp (syntactic acquisition), (iii) nắm bắt ngữ nghĩa (semantic acquisition) và sau cùng là (iv) liên hệ hiện thực (pragmatic association) (Rada, 1991). Ở mức độ sơ khởi, người đọc phải xác quyết một ý nghĩa cho mỗi từ gặp phải (lexical). Ở giai đoạn hai (syntactic), chủ thể, diễn biến và thụ thể của một câu sẽ được tiếp thu. Tiếp theo là sự tiếp nhận ý nghĩa của câu trên phương diện ngữ nghĩa (semantic). Và sau cùng (pragmatic) là giai đoạn chuyển hoá từ ngữ nghĩa của mạch văn (của một câu, một đoạn hay toàn văn bản) sang hoàn cảnh thực tiễn của đời sống (bao gồm ý nghĩa cụ thể lẫn trừu tượng), điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự hợp nhất và sự đồng hoá giữa ý nghĩa mạch văn và kiến thức về nội quan lẫn ngoại quan của người đọc.

Trong quá trình đọc (và hiểu) một văn bản, tiến trình của bốn giai đoạn thu nhận trên đây sẽ diễn ra theo đúng trình tự mô tả. Những giai đoạn hấp thụ này diễn biến và tác động qua lại lẫn nhau một cách liên tục và bất phân. Sự hình dung ý nghĩa của văn bản sẽ được xây dựng trên căn bản những giả định và liên tưởng. Khi đọc một đoạn văn, một tư liệu hay bất cứ một thông tin nào đó, não bộ người đọc, trước hết, sẽ ghi nhận ý nghĩa và quan hệ giữa những từ, câu hay một đoạn ngắn văn bản vào 'bộ nhớ ngắn hạn'. Sau đó hệ thống điều khiển khả năng đọc thuộc khu vực ý thức sẽ được kích thích và hoạt hoá một cách toàn diện để hồi cố những kiến thức, những sự kiện hay hình ảnh về thực tiễn của đời sống và thế giới đã có sẵn trong 'trí nhớ dài hạn' của người đọc, nhằm mục đích sàng lọc những thông tin vừa được lưu giữ 'tạm thời' trong khu vực trí nhớ ngắn hạn. Quá trình sàng lọc này cứ tiếp diễn liên tục cho đến khi sự đọc kết thúc, khoảnh khắc mà mọi ý nghĩa và sự liên hệ giữa các từ, câu, đoạn rồi toàn bộ văn bản chuyển biến từ những giả định ban đầu thành những kiến thức phù hợp với kinh nghiệm, kiến thức đã có sẵn trong tri thức của người đọc (Thuring et al., 1991). Sự vận hành của não bộ một cách chồng chéo giữa tiến và lùi khi đọc cũng như sự tương tác liên tục giữa hai khu vực trí nhớ ngắn và dài hạn trong sự tiếp nhận thông tin bằng cách giả định, liên hệ và sàng lọc, để quyết định loại thông tin nào sẽ được tiếp nhận hay thải trừ, chứng minh rõ ràng cho chúng ta thấy quá trình đọc của con người là một quá trình phi tuyến tính.

Nếu 'đọc' là một quá trình hoàn toàn tự do tuỳ thuộc vào sở thích và khả năng cảm nhận thẩm mỹ của mỗi cá nhân; 'viết', trái lại, bị gò ép bởi đề tài và sự tiếp nhận của người đọc. Theo Rada (1991), viết bao gồm ba giai đoạn: khám phá, sắp xếp và giải mã. Trong "cơ chế nhận thức của truyền thông bằng chữ viết", Smith et al. (1987) gọi ba giai đoạn này là Tiền Viết, Tổ chức và Viết.

Khám phá hay Tiền Viết là một quá trình ghi nhận cảm xúc của ý tưởng một cách ngẫu hứng và không có tổ chức. Người viết trong giai đoạn này thường tìm cách nắm bắt những ý tưởng đã có sẵn trong loại trí nhớ dài hạn hoặc được khơi gợi từ ngoại cảnh. Tiếp theo là một tiến trình suy tư nội tại để cân nhắc, xem xét những liên hệ khả dĩ giữa những sự kiện hay những ý tưởng, phân nhóm những ý tưởng gần gũi và sơ thảo những cấu trúc biện chứng trong mỗi nhóm. Một cách tổng quát, trong giai đoạn khám phá (hay tiền viết), sản phẩm của người viết đơn giản chỉ là một biểu đồ rải rác những nhóm ý tưởng khác nhau, và trong mỗi nhóm có sự liên lạc một cách lỏng lẻo giữa các ý hay các dữ kiện.

Sắp xếp hay Tổ chức là giai đoạn mà người viết gắn kết một cách hợp lý những nét chính hay những nhóm ý tưởng vào một trật tự đã phác thảo trước. Quá trình này giúp hình thành những cấu trúc trừu tượng và những quan hệ phân bậc giữa các nhóm ý tưỡng, sự phân cảnh và tính liên tục của các sự kiện để tạo nên một dòng chảy mạch lạc và cân xứng xuyên suốt toàn bộ các ý tưởng và sự kiện hiện diện trong một văn bản. Thành phẩm của giai đoạn này là một trật tự chặt chẽ của những khái niệm liên hệ.

Giải mã hay Viết là bước cuối cùng để hoàn tất bản văn hay tác phẩm. Nhiệm vụ chính yếu của giai đoạn này là diễn dịch những khái niệm trừu tượng của nội dung ý tưởng cũng như những sự liên hệ giữa các ý tưởng (hay sự kiện) thành những chuỗi liên tục và mạch lạc của từ ngữ, của những câu những đoạn và xếp đặt chúng vào các phần, các chương. Quá trình giải mã là quá trình đơn tuyến biểu hiện bởi một sự liên tục và xuyên suốt qua một trật tự định sẵn.

Khuôn mẫu Viết của Rada hay của Smith et al. có thể được triển khai xa hơn bằng cách xem xét sự biểu hiện cấu trúc và phi cấu trúc ở từng giai đoạn. Giai đoạn khám phá (hay tiền viết) bắt đầu bằng những cảm xúc bất định, tức thời và không có trật tự cấu trúc, nhưng khi những cảm xúc đó biểu hiện bằng những nét chính (có tính chất phôi thai) của ý tưởng, những khám phá xúc cảm đã được xếp đặt vào một trật tự của một cấu trúc nhất định. Trong tiến trình sắp xếp những ý tưởng thành từng nhóm bằng cách xác lập những quan hệ giữa các ý tưởng (hay sự kiện), sự tồn tại đồng thời của các nhóm ý tưởng khác nhau được xem như một thực thể phi cấu trúc. Nhưng trong mỗi nhóm ý tưởng riêng biệt là một thực thể hoàn chỉnh có cấu trúc. Khi giải mã hay viết, các chuỗi liên tục của các ý được phác thảo một cách hữu tuyến hiện hữu trong một tổng thể phi cấu trúc, nhưng khi những chuỗi sự kiện này được xếp đặt theo một khuôn mẫu ở bước cuối cùng, sẽ chuyển sự giải mã thành quá trình có cấu trúc.

Qua sự khảo sát một cách tóm tắt hai quá trình tâm lý tri thức ở người, chúng ta có thể thấy được Đọc và Viết nhấn mạnh rất nhiều đến bản chất phi tuyến tính của ý tưởng, một quá trình tự nhiên của con người. Tri thức con người được sắp xếp một cách cơ bản như là một mạng lưới của ý nghĩ chứa đựng những quan niệm nối kết với nhau bằng những sự liên tưởng. Những hệ thống hypertext đã, đang và sẽ ứng dụng bản chất cơ bản này của tri thức con người trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện.

Tính liên văn bản

Từ tính chất phi tuyến tính, một đặc điểm khác của văn học hypertext xuất hiện: tính liên văn bản (intertextuality).

Điều thú vị là khái niệm liên văn bản đã được nhiều nhà phê bình và lý luận văn học phát hiện rất sớm khi ý niệm về hypertext chỉ mới manh nha trong đầu giới nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Theo Roland Barthes, trong loại văn bản lý tưởng (ideal textuality) sẽ bao gồm rất nhiều mạng, chúng tương tác qua lại với nhau mà không một nhánh hay một mạng nào có thể loại trừ được một mạng hay một nhánh khác. Chúng đồng tồn tại với nhau như nhiều mặt trong một khối đa diện. "Văn bản này là một thiên hà của những cái biểu đạt chứ không phải một cấu trúc cứng nhắc của những cái được biểu đạt; nó không có những bắt đầu; nó có tính chất thuận nghịch; chúng ta có thể tiếp cận văn bản từ nhiều phía, mà không một diện tiếp xúc nào được cho là chính đạo theo sự chủ quan của tác giả; những mật tự nó huy động triển hạn mải tới bất cứ đâu mà mắt ta có thể nhìn tới, chúng hoàn toàn bất định..., những hệ thống của ý nghĩa có thể vượt ra ngoài loại đa văn bản này, số lượng của chúng sẽ không bao giờ dừng lại, chúng được đặt trên căn bản vô tận của ngôn ngữ" (Barthes, 1974).

Roland Barthes cũng phân biệt văn bản ra thành hai loại: loại văn bản 'chỉ để đọc' (readerly, lisible) hay, dùng theo chữ của Nguyễn Hưng Quốc (Nguyễn Hưng Quốc), loại văn khả độc, và loại văn bản khả tác (Nguyễn Hưng Quốc), tức loại có thể 'vừa đọc vừa tham gia vào quá trình sáng tác' (writerly, scriptible). Loại văn khả tác, trên căn bản có vẻ như trùng hợp với sự phân chia giữa văn bản dựa vào kỹ thuật in ấn thông thường và loại 'siêu văn bản' điện tử (hypertext). Sự trùng hợp này cho thấy tính tiên phong và một viễn kiến thần kỳ trong lý thuyết của Barthes. Ông viết: "mục đích của công việc văn chương là làm cho người đọc không còn là người tiêu thụ, nhưng còn là người sáng tác ra văn bản. Nền văn học của chúng ta được đặc trưng bởi những lề thói tạo ra sự tách biệt tàn nhẫn, giữa người sáng tác ra văn bản và người sử dụng nó, giữa chủ nhân và người tiêu thụ, giữa tác giả và người đọc. Độc giả bị ném vào một trạng thái lười biếng - thay vì anh ta thi hành chức năng của một độc giả, khám phá sự diệu kỳ của những cái biểu đạt, những cảm khoái của việc viết lách, anh ta bị đặt vào tình trạng không có gì hơn ngoài việc chấp nhận hoặc chối bỏ văn bản" (Barthes, 1974). Một văn bản chỉ để đọc được Barthes xếp vào loại cổ điển, một thứ văn bản thụ động. Trong khi đó, hypertext làm song hành sự nhận thức và tính khám phá của người thụ cảm. Nói một cách khác, hypertext đặt người đọc vào một trạng thái chủ động trong nghĩa tìm kiếm và khai phá khi đang thưởng thức một tác phẩm. Người đọc hoà trộn những quan điểm thẩm mỹ cá nhân vào công trình sáng tạo của người khác để từ đó tìm ra những nét đẹp mới phù hợp với nhận thức mỹ học của mình. Đây là dạng thức tích cực và sáng tạo của người đọc mà Barthes đã quan niệm và mơ ước.

Quan hệ giữa người viết và người đọc

Một cách tổng quát, những người viết khư khư mang lấy một 'thiên chức' sáng tạo ra những trật tự và ý nghĩa cho người đọc, sẽ hết sức thất vọng với môi trường hypertext. Như đã đề cập trong những phần trước, người đọc có quyền sẻ chia cái 'thiên chức' sáng tạo đó sao cho hợp ý với mình trên một văn bản hypertext, người đọc trở thành một người sáng tạo đồng hành. Ngày nay, với một số hệ thống hypertext cấp tiến, người đọc có thể thêm vào văn bản, tạo nên những liên kết với công trình/tác phẩm của họ, hoặc ngay cả gắn vào đấy những lời phê bình!

Tuy nhiên, người viết không nhất thiết phải buông thả toàn bộ 'quyền hạn tối cao' trong sự hướng đạo người đọc khi bước vào lĩnh vực hypertext. Thay vì trao tay lái cho những hoa tiêu khiếm thị trong một đại dương thông tin mênh mông, trọng trách của một nhà văn/người viết trong thế giới 'siêu văn bản' là phải cung cấp cho những đọc giả của mình một bản đồ lộ trình 'cực rõ', dựa vào đó bất cứ hoa tiêu tay mơ nào cũng có thể đến những bến bờ tự chọn một cách bình an miễn là họ có một đôi mắt và trí óc bình thường. Đồng thời, người viết trên hypertext nên dự đoán trước những nhu cầu đa dạng của những loại đọc giả khác nhau. Tương tự như trong một cuộc tranh biện, diễn giả phải tiên liệu trước những luận chứng hợp lý và những phản luận chứng hằng xảy. Với một dị biệt trong sự so sánh này, khi tranh biện diễn giả thường hướng dẫn dư luận về phía kết luận bất khả kháng để chinh phục đối phương, trong khuôn mẫu hypertext người viết đi theo hướng ngược lại, mọi thứ đều được bày biện một cách tối đa và luôn trong tình trạng sẵn sàng, sử dụng như thế nào là toàn quyền của đọc giả. Hình ảnh này rất gần với việc giải cờ thế, thế cờ đã bày sẵn, đánh thế nào cho hay là do khả năng hành kỳ của người đối diện, và nên nhớ rằng thế cờ sắp sẵn không phải bất biến mà sẽ biến hoá huyền ảo khôn lường!

Với sự thay đổi quan hệ giữa người viết và người đọc như thế, sự nhầm lẫn và lạc hướng của người đọc là giả định hoàn toàn có cơ sở. Điều này có thể dẫn đến một hệ luỵ nguy hiểm, người đọc sẽ bị cuốn hút vào những râu ria ngoài lề, trong khi quên đi sự chủ đạo của mục tiêu tiên khởi. Nhưng đôi khi chính sự lạc lối này lại đem đến cho 'hành giả' một hương vị hoàn toàn tươi mới, như Gary Wolf (1994) đã chia sẻ kinh nghiệm 'say sóng' của ông trong bài viết "Why I Dig Mosaic" lưu hành trên tạp chí Wired (một loại on-line magazine):

Nhiều tư liệu được nối vào trang nhà của trung tâm ứng dụng điện toán quốc gia, NCSA, mà mỗi sự liên kết lại tiếp tục nối vào những mạng khác. Tôi đọc thử vài dòng của một văn bản màu xám và chọn đi vào nốt liên kết màu xanh với một đề tài không ăn nhập gì tới nhiệm vụ chính thức của tôi: 'Một thử nghiệm trong việc xuất bản bằng hệ thống đa môi trường: những trích đoạn và những âm thanh từ một cuốn sách được đọc bởi tác giả Paul Kafka về cuốn tiểu thuyết TÌNH YÊU ĐẾN của ông'. Tôi hy vọng nó sẽ là một lời thì thầm dễ thương....
Trước khi đọc thử (TÌNH YÊU ĐẾN) tôi liếc mắt vào những phần còn lại của văn bản (hypertext), để từ đó tôi trải qua 'sự xây xẩm' của chuyến du hành trên mạng. Ở phần dưới của trang lưới là những tóm tắt của các bài nghiên cứu của Paul, một số bài là đồng tác giả với Benjamin Grinstein...
Nó là một dạng thức hành thị các hình ảnh khiêu dâm, đúng vậy, nhưng không hẳn như việc nhìn lén vào cửa sổ nhà người ta mà có vẻ như nhảy tọt vào nơi thầm kín đó bằng cách đội lốt của kẻ tàng hình.
Có một điều nó không giống: nó không giống như mình đang ở trong thư viện. Toàn bộ sự trải nghiệm đã tạo ra một ảo giác mãnh liệt, không phải của thông tin mà của nhân cách. Tôi được tiếp đãi trước tiên bằng một bầu trời trong sáng của kho chứa các dữ kiện và bất chợt tôi thấy mình bị giam hãm trong nghiên cứu của một nhà khoa học, rồi kết thúc với những hình ảnh phòng the.
Đêm đã về khuya. Tôi đã bước vào đời tư của Paul Mende trong một tiếng đồng hồ. Tôi tắt máy điện toán. Và mải đến sáng nay tôi mới sực nhớ rằng tôi đã không hề quay lại trang lưới của CERN.

Một số tác phẩm hypertext tiêu biểu

Một ví dụ điển hình cho tiểu thuyết hypertext là tác phẩm Victory Garden của Stuart Moultrop (1991), trong đó, người đọc sẽ thấy hai nhân vật Harley và Veronica đang ve vãn ở một bar rượu. Ấn vào nút Enter, người đọc sẽ được dẫn vào mạch chuyện đang bỏ dở, sự đối thoại giữa Harley và một người bạn khi Veronica bỏ đi. Độc giả cũng có thể chọn một trong những chữ đã được làm nổi lên trong bản văn, ấn vào một trong những chữ làm nổi này sẽ dẫn đến những diễn tiến khác nhau của câu chuyện. Chẳng hạn nếu chúng ta chọn chữ 'ở một bàn khác' để theo đuổi mạch chuyện, chúng ta sẽ theo dấu Veronica, cô đang đi tới để tiếp một vị khách hàng mới. Nhưng nếu ấn vào chữ Veronica, câu chuyện lạc hẳn sang một đề tài khác: Veronica đang hú hí với Harley trong phòng ngủ!

Trong cuốn Victory Garden bằng hypertext, người ta có thể bắt đầu câu chuyện từ Veronica, từ Harley hoặc từ cái bàn cái ghế nào đó, nhưng nội dung của những nối kết ở các nốt là quyền của Stuart Moultrop. Nếu bạn vào chuyện từ Veronica, chuyện sẽ dẫn bạn đi từ phòng ngủ đến khi ra phố rồi đi xem xinê vân vân, nhưng tác giả đã dự liệu trước rằng nếu có ai vào chuyện bằng lối Veronica thì mạch chuyện sẽ gợi sự tò mò cho nốt liên kết kế tiếp, nốt này phải được xếp đặt như thế nào đó để gợi ý nhiều nhất cho độc giả. Nốt này có được chọn hay không là quyền của người đọc, nhưng ít ra người viết cũng còn quyền hạn nào đó để xếp đặt cách phát triển câu chuyện sao cho đạt được tính thống nhất của tổng thể một tác phẩm. Đây chính là nơi thể hiện tài năng của người viết văn hypertext.

Một văn bản hypertext hoàn chỉnh sẽ làm cho người đọc có thể bước vào thế giới văn chương từ nhiều ngã khác nhau. Tuỳ theo trật tự của các liên kết, người đọc sẽ sáng tạo ra những văn cảnh khác nhau. Chúng tạo ra những khung cảnh, những tình tiết đan xen phù hợp với tâm cảm của chính người đọc. Tác phẩm hypertext sẽ trở thành một câu chuyện riêng tư đặc thù cho cá nhân đang đọc nó. Văn bản không còn mang tính chất 'tĩnh' của một câu chuyện ai đó viết cho mình đọc hay kể cho mình nghe, mà nó là sự tương tác, sự hòa hợp giữa những mãng 'đời', những cảnh vật 'rải ra' trên văn bản và nội tâm người đọc. Nó là thành phẩm sáng tạo từ hai phía, người viết văn hypertext và người tiếp nhận nó, một độc giả biết sáng tạo.

Sự linh hoạt của văn chương hypertext không phải chỉ thể hiện bằng những sự sắp xếp của các nối liên kết và hậu qủa của việc thay đổi những trật tự của chúng. Robert Kendall (1995) còn đi xa hơn một bước, ông tự thảo trình cho hypertext, một thảo trình linh hoạt cho phép người đọc không những chỉ thay đổi được trật tự của các đoạn văn, các cảnh... mà ông đã làm cho nội dung của mạch văn cũng có thể thay đổi để phù hợp cho từng hoàn cảnh khác nhau khi người đọc chọn lựa.

Trong kỹ thuật hypertext của Kendall (dynamic hypertext technique), những câu đầu tiên có thể thay đổi để tạo ra sự chuyển cảnh thích ứng với những gì xảy ra trước đó. Những cụm từ chủ yếu có thể được thêm vào hoặc lấy ra tuỳ thuộc vào người đọc đã thấy những vần thơ, đoạn văn liên hệ hay chưa. Vì vậy, nếu người đọc đã đọc một đoạn văn vào lần trước, lần này gặp lại tự nó sẽ thêm vài dòng nữa để mang một ý nghĩa mới.

Trong tác phẩm A Life Set for Two (Kendall, 1996), thảo trình hypertext được áp dụng trên khuôn mẫu trí óc con người, đặc trưng bởi những thay đổi hay những bất chợt của ý tưởng. Người đọc rong ruỗi tâm tư qua những ký ức và kỷ niệm của một tình yêu tan vỡ, như thể đang lang thang trên những 'chuyến tàu hoài niệm' khác nhau. Cũng giống như ý nghĩ của con người, những văn cảnh sẽ được viết trên một thảo trình đặc biệt để có thể ảnh hưởng qua lại với nhau, đồng thời tạo nên những nối kết hợp lý cho mỗi tác động hỗ tương. Người đọc cũng có thể thay đổi trạng huống của một đoạn văn ở bất cứ thời điểm nào, và làm thay đổi hẳn nội dung của một mạch văn nào đó, y hệt như tâm tư chúng ta có đủ mọi thứ tình cảm, buồn vui giận hờn vân vân...

Cấu trúc linh động trong A Life Set for Two là một nỗ lực nhằm giảm thiểu sự lạc hướng và phân tâm của người đọc, một hiện tượng rất dễ xảy trong khi đọc văn bản hypertext. Thảo trình còn tạo ra những ngữ nghĩa khác nhau của một câu nếu đọc lại liên tiếp hai lần.

Nhìn về tương lai

Do những đặc điểm kể trên (tính chất phi tuyến tính, tính chất liên văn bản và vai trò của người đọc), văn chương hypertext còn có một tên gọi khác: văn chương tương tác (interactive literature) (Kendall, 1995). Hiện nay, văn chương tương tác hay văn chương hypertext chưa được công nhận như một dạng văn chương chính mạch. Nhưng hiện tượng này có lẽ sẽ thay đổi trong một thời gian không xa khi nhiều nhà xuất bản lớn của thế giới bước vào kỷ nguyên ấn hành văn bản điện tử. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật sẽ kéo theo sự thay đổi trong văn học văn học, giống như những cuộc cách mạng văn học thế giới khi xuất hiện chữ viết và sự biến dạng của nó khi máy in ra đời vào nửa đầu của thế kỷ 17. Bây giờ chúng ta đang bước vào một công nghệ in ấn mới và còn có cả một ngôn ngữ mới: ngôn ngữ và văn chương hypertext. Sự ra đời thể loại văn học mới này có thể giúp cho nhân loại hồi phục lại một nền văn học đã mất kể từ khi xuất hiện văn học viết: Văn Học Nói. Đặc tính của dạng văn học này là sự ngẫu hứng. Người xướng, người hoạ và người tham dự. Tôi cố ý dùng từ "người tham dự" hơn là người nghe vì bản chất của nền văn học đó thực ra có sự đóng góp của những người nghe. Nếu Barthe gọi những độc giả lý tưởng là những độc giả đồng tác, thì chúng ta cũng có thể gọi những thính giả trong văn học nói là những thính giả lý tưởng, những người giúp gọt dũa những câu văn vần thơ ngẫu hứng được xuôi tai và ý nhị hơn.

Trên một bình diện khác, tiểu thuyết trong văn chương hypertext có thể đến rất gần với điện ảnh. Với những tiến bộ nhanh chóng trong kỹ nghệ tin học, một tiểu thuyết có hình ảnh đầy đủ về cảnh vật, về con người, con vật... là một dự đoán có cơ sở thực tế. Hơn thế nữa, với sự thành tựu trong lĩnh vực thông minh nhân tạo (artificial intelligence), một nhân vật tiểu thuyết có thể được xây dựng để một mức độ nào đó sẽ tự phản ứng trong những hoàn cảnh khác nhau.

Những sự thay đổi vừa kể không những làm thay đổi bản chất của văn học, vai trò của người viết và người đọc mà còn làm thay đổi vai trò của giới phê bình: với văn chương hypertext, nhà phê bình không phải chỉ biết về tu từ, cú pháp, thể loại, triết thuyết ảnh hưởng hay tính chất mỹ học... của tác phẩm, mà còn cần phải có kiến thức cơ bản nào đó về ngôn ngữ mới: ngôn ngữ hypertext.

Nói một cách tóm tắt, tôi tin là văn chương hypertext sẽ làm thay đổi diện mạo văn học của thế giới, trong đó có văn chương Việt Nam trong một tương lai không xa.

Tài liệu tham khảo

1. Barthes, R. S/Z. Bản dịch từ tiếng Pháp của Richard Miller. Hill & Wang Publisher. New York. pp. 4-6.

2. Bieber, M. Providing Information Systems with Full Hypermedia Functionality. Proceedings of the Twenty-Sixth Hawaii International Conference on System Science, 1993.

3. Bolter, J. D. Virtual Reality and the Redefinition of Self. In Communication and Cyberspace. Publisher: Hampton Press, 1996.

4. Burner-Lee, T. An Architecture for Wide Area Hypertext, Hypertext'91 Poster Abstract. SIGLINK Newsletter, December, 1992.

5. Deemer, C. What is hypertext. Northwestern University's journal for New Media Authoring, TELECINE: Volume 3, Summer 1995.

6. Bush, V. "Classic Technology: As We May Think". Atlantic Monthly, July 1945.

7. Joyce, M. Afternoon. Eastgate Systems: Watertown, Massachusetts, 1990.

8. Kendall, R. "Writing for the New Millennium: The Birth of Electronic Literature". Poets & Writers Magazine, Nov./ Dec., 1995.

9. Kendall, R. A Life Set for Two. Eastgate System, 1996.

10. Moultrop, S. Victory Garden. Eastgate System, 1991.

11. Nelson, T. A File Structure for the Complex, The Changing and The Intermediate. ACM 20th National Conference, 1965.

12. Nelson, T. Replacing the Printed Word: A Complete Literary System. Information Processing' 80, 1980.

13. Nelson, T. All for One and One for All. Hypertext' 87 Proceedings, November 1987.

14. Rada, R. Hypertext: From Text to Expertext. McGraw Hill Publishers, 1991.

15. Smith, J. B., Weiss, S. F., and Ferguson, G. J. A Hypertext Writing Environment and Its Cognitive Basis. Proceeding of Hypertext' 87. ACM Press, 1987.

16. Smith, J. and Weiss, S. An overview of hypertext. CACM, July 1988.

17. Thuring, M., Haake, J. M., and Hannemann, J. Hypertext'91 Proceedings. 1991.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021