thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái khó của nhà văn trẻ

 

(Bên thêm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8)

 

Là kẻ sáng tạo thì luôn hướng thượng. Họ hướng thượng bằng những cách thức chuyên biệt của họ. Nhưng nhìn chung họ thường hướng thượng bằng cách vượt thoát những diễn ngôn cũ trong hệ hình cũ để xác lập một hệ hình mới từ đó đi đến quảng diễn nghệ phẩm của mình. Và trên con đường hướng thượng, kẻ sáng tạo nào cũng có những cái khó riêng.

Không có địa hạt chung cho người viết trẻ ở Việt Nam hiện nay. Đứng trước sự hỗn chứa của vô số trào lưu sáng tạo khác nhau trong lòng một quốc gia tiền hiện đại thì người viết trẻ Việt đương nhiên phải tự đốt đuốc tìm đường. Thành bại của người viết trẻ nằm trong sự lựa chọn địa hạt để triển khai tư tưởng và tùy thuộc vào sư ma?nh yêu trong đôi cánh văn chương của họ.

Đã là nhà văn thì khó mà “làm dâu trăm họ.” Nhìn một cách tổng quan nhất thì trong vô số nhà văn trẻ hiện nay có thể thấy rõ sự xác lập hai khuynh hướng sáng tạo khác nhau.

Khuynh hướng thứ nhất là những người viết trẻ mang ý hướng cách tân. Họ tự đốt đuốc tìm đường, muốn vượt thoát những tư duy cũ, nhằm xác lập một diện mạo mới cho nền văn học nước nhà.

Khuynh hướng thứ hai là những người viết trẻ “vọng cổ”, trung thành với diễn ngôn cũ và hệ hình đã ăn sâu vào tiềm thức và cảm thức nghệ thuật của họ. Thế giới của họ gần gũi với số đông, ít thấy sự đột phá trong thế giới nghệ thuật nhưng thực ra đối với sự đọc ngày nay ở Việt Nam thì họ là người của công chúng. Dĩ nhiên cái thuộc về đám đông thì ít hay nhiều cũng dung chứa những điều có ý nghĩa.

Khuynh hướng nào cũng dung chứa cái khó riêng.

Cái thuộc về đám đông tất nhiên là những cái quen thuộc, những sự vật đã định hình và găm sâu vào ý thức của con người. Và chúng là những sự vật dễ dàng tri nhận. Không khó để có thể nhận thấy dấu vết của tư duy nghệ thuật tiền hiện đại trong khuynh hướng sáng tạo thứ hai, khuynh hướng những người viết trẻ “vọng cổ”. Họ thuộc về đám đông nên sẽ hàm hồ khi nói họ vô nghĩa. Thế giới nghệ thuật của những người theo khuynh hướng này ít khi mang tính ẩn dụ. Hình ảnh trong tác phẩm ít khi xa rời với nguyên mẫu. Bút pháp tả chân luôn trung thành với khởi thủy của hình tượng. Tuy nhiên những người sáng tác theo khuynh hướng này vẫn có những cách thức chuyên biệt để làm hình tượng lệch pha với nguyên mẫu nhưng trong tổng thể vẫn là sự chi phối của quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng. Và đương nhiên đây là dấu vết của các quan niệm nghệ thuật khởi phát từ những tiên triết như Platon, Aristote.

Vì thế tác phẩm của họ dễ dàng được đám đông chấp nhận. Người đọc bình dân có thể khóc cười với thế giới nghệ thuật của họ. Tất nhiên những tác phẩm trong khuynh hướng này thường không có đột biến trong cấu trúc cũng như trong hành ngôn, mà nặng về nội dung và chức năng tải đạo của văn bản. Tư duy, lý trí, trực cảm của người bình dân có thể bấu víu vào đây. Những giọt nước mắt có thể rơi xuống trên trang viết, những nụ cười có thể phát ra ngay khi vừa đọc lần đầu văn bản. Đám đông nói với nhà văn rằng tôi nhìn thấy tôi trong các nhân vật của anh, tác phẩm của anh là tiếng lòng của tôi, và từ đó đương nhiên họ sẽ ca tụng người khiến cho cảm xúc của họ được thăng hoa.

Nhưng cái khó của những người viết trẻ theo khuynh hướng này là khó có thể vượt qua rào cản của biên giới địa phương hay biên giới quốc gia. Những đứa con tinh thần này có thể nhảy múa trong địa hạt nhỏ hẹp nhưng khi tung cánh lên không trung thì đôi cánh lại trở nên yếu mềm. Đám đông ca tụng họ nhưng những siêu độc giả, kẻ đồng sáng tạo, những nhà phê bình nghiêm xác lại quay lưng với họ. Những siêu độc giả cho rằng sáng tác của những người viết theo khuynh hướng thứ hai là những câu chữ bình dân chỉ để làm vơi dịu những cảm xúc rẻ tiền, chỉ đánh lừa được những lý trí nghèo nàn, những cảm tính đơn điệu. Khi người đọc khó tính khai phá vào chiều sâu nội tại văn bản họ, không hề nhìn thấy gì ngoài những chi tiết mùi mẫn mô phỏng một cách gượng gạo hiện thực. Họ đòi hỏi văn bản ít ra cũng phải có một cái gì đó trong cấu trúc hay hành ngôn, hình tượng... Bởi theo những nhà lý luận thì một trong những yếu tố để làm nên những cuộc cách mạng trong nghệ thuật là sự chuyển đổi cấu trúc hay diễn ngôn. Dưới sự soi chiếu, tri nhận của những siêu độc giả thì những sáng tác kiểu như thế là hệ quả từ kiểu tư duy tiểu nông đang bám víu một cách dai dẳng trong tâm thức của người Việt nói chung và trong tư duy của người sáng tạo nói riêng. Tư duy tiểu nông bộc lộ ngay trong hành ngôn, trong những hình ảnh đơn điệu khó vươn lên tầm biểu tượng, những diễn ngôn lỗi thời không bao giờ trở thành một màn quảng diễn trò chơi ngôn ngữ của văn nhân cao tay ấn. Nói chung siêu độc giả luôn cho rằng đây là những tác phẩm nghèo nàn, hệ quả của một cách viết thiếu lý luận, thiếu sự mở rộng nhãn quan trước sự biến chuyển ồ ạt của kĩ thuật siêu tiểu thuyết phương Tây.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi Nguyễn Ngọc Tư cho trình làng “Cánh Đồng Bất Tận” thì ngay lập tức đám đông ca tụng nó và xem đây là một kiệt tác của văn chương Việt. Trên thực tế giá trị nhân văn của tác phẩm này đáng được ngợi ca. Nhưng sự ngợi ca trở thành thái quá lại khiến cho những người đọc khó tính trở nên khó chịu. Bởi xét một cách khách quan nhất, tác phẩm này không có gì “khủng” trong cấu trúc. Thậm chí còn có người cất công tìm kiếm dấu vết của thi pháp Hậu hiện đại trong tác phẩm. Tác phẩm này nghiêng về mặt nội dung và giá trị nhân văn, không có sự lấp lửng lưỡng nan trong hình tượng và cái bất khả tri nhận trong trò chơi ngôn ngữ quái đản của một kẻ sáng tạo bản lĩnh, đẳng cấp, uyên thâm. Tất nhiên sẽ còn có những người sáng tạo đứng trước những cái khó như Nguyễn Ngọc Tư.

Trở lại với khuynh hướng thứ nhất, khuynh hướng của những người viết trẻ năng động, tự đốt đuốc tìm đường và những người thường vỗ ngực tuyên cáo rằng: “Chim sẻ thì làm sao biết được đường bay của đại bàng.” Có một hệ lụy rõ ràng nhưng họ lấy làm hãnh diện vì hệ lụy đó, vì họ không thuộc về đám đông. Những người sáng tạo theo khuynh hướng này luôn luôn chuyển biến trong tư duy và cảm quan nghệ thuật. Nói một cách nghiêm xác thì họ là những kẻ cô độc trong khu vườn sáng tạo của mình. Tác phẩm của họ lệch pha đến tận gốc rễ đối với hiện thực khách quan, vượt xa sự mô phỏng, họ khiến quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng rơi vào tình trạng lâm nguy. Thế giới hình tượng trong tác phẩm của họ xa rời tính bản nguyên của sự vật, một không gian phì đại, một thế giới thậm phồn ẩn chứa ngay trong cấu trúc liên văn bản. Người đọc đứng trước một sự thách đố về khả năng tri nhận tác phẩm. Tác phẩm viết theo khuynh hướng này luôn nằm trong thế lấp lửng giữa những cái khả tri và những cái bất khả tri. Lý tính thuần túy, trực cảm bình dân khó lòng chạm vào được chiều sâu nghệ thuật. Thậm chí đôi khi đến cái túi khôn duy lí của người đọc cũng phải bó tay. Bước vào nghệ phẩm đồng nghĩa với sự chấp nhận quyền năng siêu nghiệm của nghệ thuật. Tác phẩm viết theo khuynh hướng này như là lối chơi khó tri nhận của trò chơi ngôn ngữ lấp lửng lưỡng thê, giống như sự biến hóa trong kính vạn hoa của người phương Đông. Đó là thế giới bất quy luật, bất khả tri nhận, một thế giới bị xé lẻ trong kết cấu phân mảnh, một thế giới luôn hoài nghi về sự hiện hữu của chân lý, đạo đức... Không có cái gọi là sự thật trần trụi hiển lộ ngay trên bề mặt văn bản. Người đọc cần tìm thấy cái không hiển lộ, cái nghiệm sinh sâu kín trong thế giới vô thức, thế giới nội cảm của những điều hoang tưởng giấu kín trong tâm thức.

Tất nhiên những người viết theo khuynh hướng thứ nhất không thuộc về đám đông. Thậm chí một số người đọc nguyền rủa họ, xem họ như là những kẻ chơi khăm, những kẻ cuồng tưởng đả phá nghệ thuật. Nhưng một lần nữa họ lại bước lên đài cao và hô lớn: “Chim sẻ thì làm sao biết được đường bay của đại bàng.” Thế giới của họ chờ đợi những diễn giải phù hợp để đám đông thấy chúng là nghệ thuật. Những người viết này là đối tượng của những siêu độc giả, những nhà phê bình lý luận có trách nhiệm với từng con chữ của mình. Xét ra về lâu về dài thì đôi cánh của họ có thể tung bay.

Về số lượng những người viết theo khuynh hướng thứ nhất thì lại như vàng trong cát. Trong dòng chảy của văn chương được coi là chính thống thì khó có thể nêu ra cụ thể một tác giả nào. Phần lớn những người có ‎í hướng cách tân một cách mạnh mẽ lại tập trung trên các diễn đàn văn học mạng, và chúng ta có quyền kỳ vọng vào đôi cánh của họ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021