thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dương Tường và 'Thơ ngoài lời'

Có một Dương Tường dịch giả, Dương Tường phê bình văn học, mỹ thuật, nhưng ít người biết còn có một Dương Tường thơ. Nếu cách đây mười năm, trong 36 bài tình cùng Lê Đạt, những thử nghiệm của ông còn dừng ở dạng "hữu ngôn" - biểu đạt bằng lời, thì nay, với Đàn [1], Dương Tường nhảy hẳn sang thể loại "ngoài lời" - khước từ hình thức thơ bằng ngôn ngữ.

Không thể tìm được một câu thơ, dòng thơ nào trong tập thơ của Dương Tường ngoài "Lời ngỏ" của chính nhà xuất bản và bài viết giới thiệu "Đôi điều về thơ ngoài lời" của nhà thơ Châu Diên. Và bài viết đó lại cũng chỉ trấn an những người yêu thơ mỗi một điều rằng nếu lỡ đã cầm tác phẩm Đàn trên tay thì cứ nên bình tĩnh và từ tốn, vì điều ấy "thực ra không phải là một cái gì dị thường lắm".

Thật tình mà nói, qua tập thơ này tôi càng xác quyết thêm một điều rằng, ngôn ngữ thường trừu tượng và khó chính xác. Nó chỉ gần đúng hay thật sự khả quan khi chỉ dùng để biểu đạt những tâm trạng, tâm thế đơn giản, mang hiệu quả tức thì cho cái hiện thời. Nhưng những nghệ sĩ đích thực thường va động ở bên ngoài ranh giới dễ khống chế với tầm kiểm soát ấy. Họ thường mới lạ, dị biệt và “kẹt số” ở những tầng xúc cảm. Và trong những trạng huống trải dài phi trọng lượng ấy, họ bất ngờ ngột hứng bay lên từ nhiều chân trời khác nhau.

Đó cũng là một ẩn ức tâm lí trong “biến đồ gien” của Freud mà Octavio Paz gọi tên rõ ràng, rành mạch hơn, đó là nguy cơ bị “mất giọng” hay sự “ú ớ của ngôn ngữ”. Bởi thế, "Thơ ngoài lời" là một cách chọn của Dương Tường lúc tâm hồn ông căng như "nhạc đàn", trộn lẫn (hay hòa âm?) của quá nhiều ngột hứng, quá nhiều sự phân thân của chỉ một tâm trạng mà đẩy đến hiệu ứng "hoa đăng" của cảm xúc. Ở trạng thái "tổng phổ" ấy, ngôn ngữ đã mất tính năng độc quyền và độc diễn của nó. Nó vô cùng rối loạn khi bất ngờ bị đẩy từ một tâm thế chấn động chuyển đến trạng thái vọt trào của “hiệu sóng âm” và buộc vì cần tự vệ nó phải chuyển từ phía “thượng phong” tấn công (xuất ngữ, xuất biểu) về phía phòng thủ ( ngấp ngứ, ú ớ). Hệ quả ấy là tất yếu bởi Dương Tường đã từng có một quá trình dài nương náu vào ngôn ngữ mà chỉ "rình rập" những biến tấu chữ và khủng bố nó. Ông là một "tay chơi" ngôn ngữ ngoại cỡ. Khi đã trực tiếp đọc, xử lí nguyên bản và dịch hàng trăm tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới ra tiếng Việt thì tôi đồ chắc một điều rằng, ông cũng đã không ít lần bị rớt vào những “hố thẳm” của những trạng huống bi kịch, là buộc phải chứng kiến những tình trạng lâm sàng không thể diễn đạt nổi của cảm xúc để dự báo trước sự bất lực, dẫn đến cái chết của ngôn ngữ. Đoạn kết của một quá trình sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính ông trong thơ như những thể hiện tự chủ và riết róng về các hướng của thi pháp như “âm bồi”, “thơ vụt hiện”, “thơ ngắn”, “tạo âm”, “con chữ”... Mà đỉnh cao chính là "thơ một câu" của nhà thơ đã được nhiều người truyền tụng như "Những ngón tay mưa/ Dương cầm trên mái" Hay chính xác, chính diện hơn, đẩy thơ đến “điểm cực”, gây ấn tượng tê liệt như bài thơ một câu “Thơ đề trên mộ chí sau này” thay lời ( hay ghi lòng?) của một thế hệ: "Tôi đứng về phe nước mắt". Nhưng với Dương Tường hình như thế vẫn chưa đủ. Ông muốn tiếp tục những thể nghiệm đa chiều. Làm sao phải mở ra được những miền không gian liên tưởng bên ngoài câu chữ cụ thể. Điều mà đã từng có trong thơ trên thế giới. Như những "ẩn dụ kép" gửi trong những bài “thư đồ thi” của Ai Cập, Trung Hoa, văn minh Lưỡng hà cổ xưa…Hay cụ thể hơn, những calligrammes của nhà thơ cách tân Pháp Guillaume Apollinaire hiện đại... Thơ Việt dường như chưa thấy xuất hiện dấu vết ấy. Đặt vấn đề về nó là dò tìm những hướng rẽ cho thơ Việt Nam đương đại.

Vì thế, cũng cần nói thêm "Thơ ngoài lời" hay cuộc "phá vây chữ" không chỉ là tham vọng của riêng Dương Tường mà còn là của cả nhóm Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng...lúc đó. Từ những năm 1970, nhà thơ Trần Dần đã đưa ra quan niệm "Thơ không lời" mà nhiều bài "biểu hình" của ông đến hôm qua vẫn gây nhầm lẫn là những phác thảo tranh (?!). Sự xuất hiện Đàn của Dương Tường hôm nay đã xác minh lại điều đó. Với Đàn, vấn đề trước nhất nhà thơ muốn gửi gắm là tự vẽ lại biểu đồ của chính mình trong cuộc diện kiến hay giao tiếp với vũ trụ. Trong cõi nhân sinh phù thế này, người nghệ sĩ đã lĩnh hội được những gì cho mình và “nói” được gì cho người? Đâu là những giao cảm “đàn đồng điệu”? Như lời Dương Tường tâm tình với tôi, tác phẩm thơ là một giao hưởng “đàn” gồm 4 chương là "Moderato", "Presto", "Scherzo" và "Andante Cantabile". Người nghệ sĩ sáng tạo phải hoá thân để trở thành một dấu lặng trong một tổ khúc, một vệt sóng "ba đào" phong vũ trên phong nhiêu biển cả. Thế giới mãi là cuộc biến động. Cuộc đời là những giấc mơ bị đảo lộn. Những nhạc khúc trong "Vũ trụ đàn" với sự bay bổng vỡ tung lên từng mảnh của cây đàn Lyre ( không lời và âm gợi tùy tâm thức) như mãi mãi tìm người viễn hành tri âm. Ở khúc dạo đầu "Moderato" với cách điệu hiệu quả từ chữ "Đàn" tự thân nó bỗng chuyển thành một dấu nối truyền âm vọng rất xa. Vọng âm đó là những thông điệp từ cái “Tôi” nhỏ nhoi đến với những miền không gian, những chân trời sáng tạo kì ảo rộng lớn. Những điều ( hay những vấn đề?) tưởng như to lớn từ "tích hợp" ấy tự thân nhà thơ đã sống qua và lặn sâu vào nó để bất ngờ gọi về những "biểu hình thơ" rất thoáng đạt, sống động và tự nhiên. Tôi thích nhất là “vân đàn” hay có thể hiểu là “vân vũ trụ” mà Dương Tường cho in ở bìa 4 tập thơ.(Có đồng điệu không khi gần đây nhà thơ Lê Đạt cũng viết về “Vân chữ” trên báo Văn nghệ?). Nó nói lên độ rung của cảm xúc hay sự bản năng sống của khách thể. Mỗi người trong chúng ta đến trong cuộc sống này như những người khách và ra đi với sự dửng dưng lạnh lẽo của cái nhìn “quán trọ”. Vậy thì đâu là ý nghĩa “chất lửa sống” trong cuộc “chết điếng” của chúng ta? Dương Tường lí giải điều đó trong "Đàn tâm đồ". Ấy là tấm lòng, nguồn tri âm với bạn bè “cùng một lứa bên trời lận đận” ( Lí Bạch). Có thể nhận ra trong bài thơ “tâm đồ” này tiếng "đàn đồng điệu" với nhiều chữ kí của các nghệ sĩ lớn như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Hiệu, Bùi Xuân Phái, Bửu Chỉ... Những “vân lòng”, “cầm lòng” “giữ lửa” với nhau trong một tâm trạng “lúc ngả lòng / tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” ( Phùng Quán) của một giai đoạn nhiều thử thách với nhiều biến cố nghệ thuật. Ở nhiều bài “rời” khác của phần "Presto", "Scherzo", hay "Andante Cantabile"... mô-típ "vân đàn" lặp đi lặp lại nhiều lần như một sự phản tỉnh. Như một tiếng nhạc cầm day dứt nỗi mình và lòng người. Đó là cái thần thái, biến hoá khôn lường của “Thơ ngoài lời”. Một thế mạnh của thơ cần được ghi nhận khi ngôn ngữ ú ớ hay tắt tiếng.

_________________________

[1]Dương Tường, Đàn: Thơ ngoài lời (HCM: nxb Trẻ, 2003).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021