thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa

 

(một chứng từ Phê bình Lập biên bản)
 

1.

 

Xung đột và tranh chấp ở Biển Đông vào cuối năm 2007 và giữa năm 2011 cùng các hệ quả của nó, là một sự kiện chính trị xã hội lớn nhất Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI qua hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội với những vụ bắt bớ, giam cầm tác động mạnh đến tâm thức người Việt khắp toàn cầu, qua đó tạo nên một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn chương tiếng Việt.

Ở trong nước, nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu lên thống thiết: “Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt”:

Có nơi đâu trên thế giới này
như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt?...
Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt!...
 

Tiếng kêu như nghẹn lại ở cuống họng. Bởi bài thơ kia đăng lên và được link ở tận đẩu đâu, chứ không phải ở trong nước. Ngay tại đất nước Việt Nam, tất cả im ắng. Im ắng và vắng lặng đến nhà thơ nữ đất Tây Nguyên riết róng đặt câu hỏi. Một câu hỏi lớn, câu hỏi không cần dấu chấm hỏi:

tin tức trong ngày tiền phong online tuổi trẻ online thanh niên online vtv1 vtv3 bản tin sáng bản tin trưa bản tin tối bản tin cuối ngày bản tin vừa mới cập nhật không có gì không có gì không có gì
sao lại không có gì không có gì không có gì
sao lại không có gì không có gì không có gì
... ôi trường sa ôi hoàng sa ôi thi sĩ
đã từng đôi mắt mù mà trái tim minh triết
 

Không có gì! Bởi “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo”, như tên một bài thơ Inrasara. Bài thơ của nhà thơ nữ đất Tây Nguyên này cũng đã phải tìm đến các website tiếng Việt ở nước ngoài để giãi bày nỗi niềm. Như Phan Xuân Sinh, Bỉm, Hoàng Đạo, Lê Đình Nhất Lang,... đã làm như thế ở Damau.org.

Riêng trang mạng Tiền Vệ, chưa trọn tháng, từ ngày 5-12-2007 đến 2-1-2008, 59 lượt với 64 bài thơ của các khuôn mặt đã hay chưa thành danh cấp tập xuất hiện, tạo nên một phong trào sáng tác tự nguyện chưa từng có về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội.

Từ các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Trần Hữu Dũng, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Vũ Thuật, Inrasara,... đến các cây bút sáng tác ngoại biên; từ người viết trong nước cho đến các khuôn mặt văn học đang sống ở hải ngoại: Vương Ngọc Minh, Lê Ngân Hằng, Lynh Bacardi, Trịnh Cung, Như Huy, Thận Nhiên, Trà Đóa, Lý Đợi, Nguyễn Tôn Hiệt, Đinh Công Bình, Tú Trinh, Nguyễn Lương Ba, Đỗ Kh., Nguyễn Thị Thanh Phượng, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Đức Nhân,...

Có người xuất hiện hơn hai lượt. Cá biệt, Nguyễn Đăng Thường: 10 bài thơ qua 8 lượt đăng.

Lạ, đại đa số các sáng tác này là của nhà thơ. Không phải họ sở hữu thể loại văn chương ít chữ và ít dụng công hơn, mà chính họ nhạy cảm với thân phận [quê hương, con người, và...] hơn, ít tính toán so đo thiệt hơn hơn, có lẽ.

Có một dân tộc Việt không được phép phản đối hành vi xâm lấn của đối thủ truyền kiếp ngay trên đất nước của mình, và một dân tộc Việt thứ hai chỉ lo việc bao đồng, chỉ biết tập trung trước Toà Đại Sứ Ba Lan để phản đối Công Đoàn Đoàn Kết Có một dân tộc Việt xem mấy hàng tít lớn về những cô đào trẻ lên giường như chuyện ruồi bu, và một dân tộc Việt thứ hai khoát tay, xem chuyện mất biển mất trời là tin vớ vẩn.
(Nguyễn Hoàng Văn, “Hãy trừ bớt lời tôi”)
 

Họ đã không bàng quan. Họ hành động, bằng lên tiếng, tham gia xuống đường biểu tình và nhất là - viết. Qua nhiều phong cách và thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Có thể cổ điển đầy lôi cuốn như Trần Mạnh Hảo. Đôi lúc hiện đại với nhiều ẩn dụ đẹp như Nguyễn Bình Phương:

đảo ở xa hơn những giấc mơ
không thấy đảo, trái tim họ vẫn đập theo nhịp đảo
(Nguyễn Bình Phương, “Đảo”)
 

Còn lại, tất cả đều thể hiện qua cảm thức và bút pháp hậu hiện đại. Thứ bút pháp tương thích hơn cả, với đề tài này trong hoàn cảnh trớ trêu này, một trớ trêu có thể xếp vào hàng vô địch.

Thi sĩ thì liệt kê mấy tréo ngoe kia không biết đâu là cùng tận:

chúng không cho người dân cất tiếng nói
chúng bao vây và trấn áp người biểu tình chống xâm lăng
chúng cho người trà trộn vào đám đông biểu tình để phá thối, gây chia rẽ
chúng bảo chúng ta bị xúi giục...
chúng vu khống những người yêu nước là phản động...
chúng tóm cổ các nhà báo tự do
chúng đe doạ, đánh đập văn nghệ sĩ
chúng khủng bố các nhà trí thức
chúng theo dõi điện thoại, email...
 

Có thi sĩ trích nguyên văn phát biểu của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, cắt, thay đổi vài chữ để giễu nhại như Lê Vĩnh Tài, tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt:

Ông Lê Dũng năm 2007: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
Ông Lê ... năm 2027: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc”
Ông Lê ... năm 2047: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn”
 

P.K. có cách làm khác. Cũng trích “diễn văn” ấy: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, nhưng bài thơ gây ấn tượng mạnh ở chính tiêu đề của nó: “Chỉ thiếu mỗi can đảm”. Thế thôi, cũng đã nói nhiều.

Nguyễn Quốc Chánh làm khác nữa. Bài thơ “Hoàng & trường sa [hành] đương thời” gồm các hình ảnh thời sự mang tính báo động, còn ngôn từ chỉ như một chú thích cho các hình ảnh trên. Hiệu quả cũng không kém.

Tất cả đều cùng giọng giễu nhại cay đắng. Bắt chước kiểu nói của Mayakovsky trong trường ca Tốt lắm, Nguyễn Đức Tùng mỉa mai chua chát:

Các đồng chí
đừng nhắc làm gì
chuyện Polpot, Ieng Sary
đừng nhắc chuyện đã qua
như Hoàng Sa
nay đã về với đất mẹ Trung Hoa.
...
Mất một tí đất ngoại biên
Mà chống được diễn biến hoà bình
Tốt lắm!
 

Vẫn còn là chưa đủ. Còn chưa đủ với mười bài thơ bằng đủ giọng cười đau khóc hận khác nhau của Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Viện bày ra trò chơi “Game”:

1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?
2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?
3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:
        A- Bóng đá?
        B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?
        C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?
4. Bao nhiêu người có câu trả lời giống bạn?
 

Đó là những trớ trêu. Trớ trêu, không phải ở hành động xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc, không phải ở nỗi im lặng đáng sợ của mọi phương tiện thông tin đại chúng chính thống, càng không ở sự không hay không biết của Hội Nhà văn Việt Nam, mà trớ trêu chính là ở khi một số ít ỏi văn nghệ sĩ dũng cảm tỏ thái độ bằng xuống đường, lên tiếng... thì hành động và tiếng nói kia bị hăm dọa, bị cản trở, bị đè bẹp bởi chính người đồng bào ruột thịt của mình. Tất cả tiếng thơ về sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa thời kì này - bằng nhiều giọng điệu khác nhau - đồng loạt phản ứng lại nỗi trớ trêu ấy. Chớ mong thưởng thức những áng thơ đẹp, trau chuốt đầy tính văn chương ở đây. Thơ là hệ quả của phản xạ cấp kì đáp lại hiện thực lồ lộ đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh cá nhân, an nguy tổ quốc, - những phản ứng cấp kì bằng vô vàn sắc thái tình cảm, như thể người làm ra chúng phó mặc cho xúc động dâng trào từ trái tim chuyển xuống đầu các ngón tay tràn lên giấy, lên màn hình vi tính.

Nhưng dù sự biến có trớ trêu tới đâu và sự mỉa mai sâu cay thế nào đi nữa thì vẫn không thể “giải quyết vấn đề”, nếu thi sĩ sống mà đánh mất hi vọng. Giữa không khí nửa sôi sục nửa vắng lặng kia, Trần Tiến Dũng đã biết dưỡng nuôi niềm hi vọng. Hi vọng cùng, qua, với khuôn mặt và ánh mắt của ba cô gái ngồi chấp tay [cầu nguyện, sẵn sàng và tin tưởng] với sau lưng là nhân viên an ninh đứng chống nạnh canh chừng.

Tôi thấy em tại góc đường Alexandre de Rhodes.
Em lấp đầy ngày chủ nhật trống rỗng.
Đôi mắt của một con chim bồ câu, cặp kiếng cận mở cái nhìn trong suốt.
Em đi biểu tình,
đi vào một mối tình.
Và ánh sáng ngày chủ nhật bắn lên như vòi phun
trên một đất nước không có Thượng Đế.
Em là gương mặt thiên thần phát sáng,
thiên thần chỉ là một cô bé ngồi muốn khóc
trước sự phản bội...
Và cây cối khoẻ mạnh
và những mô đất trồi lên,
ngày chủ nhật đường phố Hà Nội - Sài Gòn tuôn mưa ánh sáng
và bàn tay nâng gọng kiếng lên, ngón tay em quẹt nhẹ dòng mồ hôi nhoè nước mắt.
Em dịu dàng nâng gọng kiếng lên,
đi ngang mặt sự dối trá và phản bội như một vết cắt.
(Trần Tiến Dũng, “Vết cắt”)
 

2.

 

Bốn mươi tháng đi qua, sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa tái diễn. Kì này hành động ở phía Trung Quốc ngang nhiên và bạo ngược hơn, đẩy sự kiện vào thế bấp bênh mang chứa nhiều nguy cơ bùng nổ hơn. Nhà nước Việt Nam - nói như PK - đã “can đảm” hơn. Can đảm và cứng rắn hơn. Nhà văn nhà thơ Việt trong nước cũng đã rục rịch lên tiếng. Lên tiếng, vì được phép tỏ thái độ, những thái độ nhìn trước ngó sau đầy dè chừng. Báo Văn nghệ Thành phố, website của Hội Nhà văn Việt Nam và trang mạng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng xuất hiện vài bài thơ văn nhắc đến vụ Trường Sa - Hoàng Sa. Nhưng tất cả vẫn không tạo nên sự kiện, bởi Trường Sa - Hoàng Sa đã không [đáng?] trở thành “chuyên đề”, như Tiền Vệ đã.

Ở ngoại biên, website của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dù có mở chuyên đề “Thơ trên biển nóng” cập nhật các sáng tác mới nhất về sự kiện này, nhưng nó vẫn cứ không tạo nổi sự kiện.

Tình yêu nước thì thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Khi tình ấy được thể hiện bằng phương tiện nghệ thuật, nó đòi hỏi... nghệ thuật. Nghĩa là độc đáo. Nhưng thái độ của các nhà thơ chính thống vẫn cứ chừng mực và đúng mực, bút pháp vẫn còn dừng lại ở cổ điển với hậu lãng mạn. Từ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai:

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây
 
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông
 
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
 
Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc
Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”
 
Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố
 
Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe 
    Tổ quốc 
         gọi tên mình!
 

Cho đến Nguyễn Việt Chiến qua “Tổ quốc nhìn từ biển”, thơ vẫn còn chung chung, chưa “bám sát thực tế cuộc sống”:

Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
 

Các sáng tác trên Tiền Vệ thì khác hẳn: Phản kháng và phản biện đồng lúc ở tư tưởng, vừa đấu nguy cơ ngoại xâm vừa chống cơ chế độc đoán ở hành động, còn tình cảm thì quyết liệt tới cùng bên cạnh nghệ thuật đầy tính khai phá... là các yếu tố cơ bản tạo nên tác phẩm có sức lôi cuốn.

Tiền Vệ năm xưa khác là thế. Sự kiện Trường Sa - Hoàng sa kì hai, Tiền Vệ càng khác. Khác ở cách hành xử. Rất nhiều tên tuổi cũ dời chuyển qua không gian “Đối thoại” với chuyên đề “Chủ quyền lãnh thổ”. Thế chỗ cho thơ văn là các tùy bút, bài báo, hay thậm chí chỉ là mấy đoạn văn ngắn đốp chát lại kẻ thù, hoặc phản biện với mọi bàng quan cùng bao biện các loại. Những đối đáp không úp mở hay núp bóng “ẩn dụ” mà thẳng thừng và trực diện. Các tiêu đề bài viết nói lên đủ đầy tính chất bút chiến của nó:

“Khi lòng yêu nước đáp trả bằng dùi cui và lời đe dọa” (Phi Khanh), “Hồ Thu Hồng - nhà báo nói láo” (LP), “Thì ra chúng mày lừa ông” (Trà Đóa), “Anh có thấy nhục không?” (Nguyễn Hoàng Văn), “Khi lòng yêu nước dâng trào” (Nguyễn Viện), “Ngăn chặn nhân dân biểu thị lòng yêu nước là bán nước” (Nguyễn Thị Quê Hương), “Báo Tuần Việt Nam đã kiểm duyệt bài viết của André Menras Hồ Cương Quyết như thế nào?” (Nguyễn Tôn Hiệt ),... Cả nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng vào cuộc với hai bài viết nóng hầm hập: “Lời ngỏ cho những người xuống đường ngày 5/6/2011”, “Du lịch Hoàng sa, tôi xin mời ông và gia đình ông!”.

Hầu như đại đa số văn nghệ sĩ ngoại vi đã tự nguyện rời phòng văn để trở thành người làm báo. Tại đó website, blog, facebook,.. là thứ vũ khí lợi hại. Thế nhưng dù gì thì gì bản thân họ là kẻ sáng tạo, họ không thể bỏ quên văn chương. Ngoài các tên tuổi đã từng xuất hiện ở sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa kì đầu, đã có thêm vài khuôn mặt mới nhập cuộc: Nguyễn Thị Thanh Bình, Hoàng Xuân Sơn, Lưu Mêlan, NNguong, Đỗ Trung Quân, Khương Hà Bùi, Chiêu Anh Nguyễn, Đoàn Minh Châu... Thái độ họ thẳng thừng và dứt khoát không kém:

chúng tôi muốn lập lại:
“chúng tôi không còn tin tưởng nơi các ông nữa!” 
điều mà trước đó - ngày xưa - các ông đã mở miệng, và
đã dạy bảo chúng tôi cái ý nghĩa, của mực
lúc bấy giờ chúng tôi dùng mực để viết lên lời phản kháng bất khuất, thì ngược lại
các ông đổ nguyên lọ mực-tham-lam-an-phận-bạc-nhược lên chính chân dung mình
bằng một thông-báo-thoái-thác-trách-nhiệm-sĩ-phu
 

Đọc thêm bài thơ “Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước” của Chiêu Anh Nguyễn:

Tôi sẽ không biết trả lời bạn thế nào
thực sự bối rối vô cùng
Nếu bạn hỏi tôi như thế
 
“Lòng yêu nước”
Dù có dịch ra rất nhiều thứ tiếng
cũng dễ dàng nhận ra qua thái độ của người nghe lẫn người thốt lên ba từ đẹp đẽ ấy
 
Thú thực
Tôi cũng tự hỏi mình nhiều lần
Mi có đủ can đảm để cầm súng khi đất nước lâm nguy
Mi có đủ gan dạ để bước đi không do dự khi lãnh thổ VIỆT NAM bị đe doạ bởi lũ ngoại xâm tham lam hèn hạ
Tối thấy mình mỉm cười gật đầu thanh thản
Có lẽ đó là lòng yêu nước
Tôi tạm an tâm với mình
...
Hôm xuống đường
Những người bạn tôi
Những người quen sơ
Và cả những người chưa hề biết mặt
Tất cả đều chung một khí phách
hừng hực
Tôi gọi đó là lòng yêu nước
 
Đến khi
Lòng yêu nước của chúng tôi được đáp trả
bằng những hàng rào chắn
Xe công an dàn hàng ngang với dùi cui tứ phía
Thầy hiệu trưởng doạ nạt sinh viên xuống đường sẽ bị buộc thôi học
Bạn bè tôi có người còn bị bao vây nhà để mời lên phường uống trà nguyên ngày chủ nhật
Hạch hỏi bắt bớ
Theo dõi hành hung
Cốt ý cho lòng yêu nước phải thụt lùi run sợ
Cuối cùng
lại tự phải hỏi mình
Tôi đang thể hiện lòng yêu nước
Trên lãnh thổ mình
Hay tôi là kẻ di dân
Nhận lấy phần của quê hương kẻ khác
 
Bây giờ
Xin đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước
Có lẽ
Tôi sẽ phải cúi đầu bật khóc.
 

Bài thơ sáng tác và đăng trên Tiền Vệ ngày 8-5-2011, trước bài thơ của Nguyễn Phan Quế Mai xuất hiện (Lethieunhon.com) đúng một tháng rưỡi (23-6-2011)[*] Cùng là người nữ đầy nhạy cảm, tuổi đời ngang nhau, thơ đang ở thời kì chín tới, viết về cùng một sự kiện gây chấn động xã hội, nhưng hai tâm thức khác nhau sinh ra hai bài thơ hoàn toàn khác nhau.

Trong khi Nguyễn Phan Quế Mai xa xôi diệu vợi với tiếng sóng dội vào ghềnh đá, bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Bài thơ cũng biết chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước, cũng tin chắc chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng. Rồi dừng ở đó: xa xăm, mơ hồ và chung chung. Thì Chiêu Anh Nguyễn cận cảnh, cụ thể đến từng chi tiết. Cũng chung một khí phách, cũng hừng hực lòng yêu nước, nhưng khác Quế Mai, nhà thơ này đã biết tới xuống đường, đã khốn đốn và đau lòng trước những hàng rào chắn, xe công an, dùi cui, hiệu trưởng doạ nạt sinh viên, bạn bè tôi bị bao vây nhà, hạch hỏi bắt bớ, mời uống trà, theo dõi hành hung... Cuối cùng điều đáng nói nhất là đằng sau bài thơ kia, hiển lộ tinh thần phản kháng của một nghệ sĩ mang đủ đầy trách nhiệm của một con người yêu tự do trọn vẹn.

Là điều các sáng tác chính thống hoàn toàn thiếu.

Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy - qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung - tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ xích lại gần nhau, thế nhưng nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách chính thống / phi chính thống của văn học Việt Nam đương đại.

 

Sài Gòn, 7-7-2011

 

_________________________

[*]Theo thời điểm được ghi ở dưới bài thơ. Xin xem:

 

 

Tham khảo:

- Tiền Vệ: chuyên đề VIẾT CHO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA
- Hội Nhà văn Việt Nam: http://vanvn.net/
- Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh: http://nhavantphcm.com.vn/
- Website Nguyễn Trọng Tạo: TRANG THƠ BIỂN NÓNG
- Mặc Lâm, “Những bài thơ yêu nước”, RFA.org.vietnamese, 4-6-2011.
- Mặc Lâm, “Những bài thơ viết vội từ hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc”, RFA.org.vietnamese, 25-6-2011.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021