thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vũ Môn Quan & những mảnh vỡ của viên ngọc...!

Thơ Việt, như là và luôn muốn là một con chép[1] được hoá rồng; nhưng vẫn tiếc viên ngọc. Vì thế, có thể nói, nỗ lực cuối cùng và gần như duy nhất của vài gương mặt trẻ - những người có ý hướng tiến bộ, là bỏ lại viên ngọc bên này thác và nhảy qua bên kia. Dù chưa biết chắc bên kia có gì, là gì, hay bên kia chính là sự thất bại, là bước đường cùng, là cái chết. Nhưng hành động bỏ lại viên ngọc và nhảy là điều cần phải làm, là hành động thiết yếu.

Viên ngọc [tạm giả định như thế] của thơ Việt lúc này, không phải là những giá trị mà tự thân nó tạo ra và gây ảnh hưởng. Mà là sự kéo dài sự ảnh hưởng thụ động của nó với thơ truyền thống, thơ lục bát, với chủ nghĩa lãng mạn phương tây. Tất cả điều này, nói ra nghe hơi dài dòng và gần như không có [hoặc không ai chịu] đi đến kết thúc; bởi đó là một thực tế phũ phàng, một bi kịch. Nhưng với thực trạng trì trệ, đang loay hoay không biết phải làm gì và làm gì để tiến lên [ai cũng thấy cần và muốn tiến lên], để làm khác đi - cũng đủ cho thấy thơ Việt đang có vấn đề.

Vấn đề của thơ Việt, có thể là chuyện né tránh tính chính danh. Nghĩa là làm một đàng nói một nẻo, nghĩa là luôn luôn rơi vào tình trạng xu mị[2] đám đông và xu mị chính mình, nói nôm na là tính đạo đức giả, không bao giờ gọi đúng tên, đúng tính chất công việc mà mình đang làm. Ví dụ, một người làm thơ lục bát, thơ Đường luật theo kiểu truyền thống, và thường là tệ hơn giá trị truyền thống [vì đã mất cái không khí sống] nhưng vẫn xem mình đang làm công việc của một người tiền phong-tiền vệ (avant-garde); tất nhiên họ có và cố lý luận rằng, thơ hay nghệ thuật không phụ thuộc vào [không phân biệt bằng] hình thức-niêm luật mà chỉ là chuyện nội dung tư tưởng. Nhưng khi gặp một bài thơ có hình thức mới [tất nhiên kéo theo nội dung tư tưởng, thẩm mỹ mới], họ trở nên lúng túng thực sự, không biết phải đọc-phải hiểu như thế nào. Nói thơ Việt hiện nay đang né tránh tính chính danh, xin đừng hiểu nhầm thành nó đang mất niềm tin vào tính chính danh,[3] một trong những tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại - chống lại chủ nghĩa lãng mạn và hiện đại.

Vấn đề của thơ Việt, cũng có thể là tính háo danh. Ham muốn những điều bất khả-không thật; nghĩ những điều bất khả-không thật nhưng chưa bao giờ dám [ít ra như thế] làm những điều bất khả-không thật. Nghĩa là những dự phóng [nếu có] là rất lớn, nhưng những người thật sự xả thân làm việc thì không có bao nhiêu. Tính háo danh này, có người nói là do nó đã bám rễ khá sâu trong tâm thức, có khi chỉ là chuyện miếng giữa làng-sàn xó bếp. Nhưng có thể thấy, nó rõ ràng là anh em của tính đạo đức giả-trọng giá trị giả [không chính danh] và cả ảo tưởng: Rằng chúng ta thì khác. Luôn nghĩ rằng, tác phẩm của mình là biệt lập tính (autonomy), là duy nhất tính (uniqueness) và cao về thẩm mỹ (aesthetic quality). Và tính háo danh này quyến rũ, xô đẩy con người sáng tạo ra khỏi chốn cô đơn, khỏi những suy nghĩ độc lập để hoà vào đám đông, “múa mép” trước đám đông. Ban đầu, thì sự xô đẩy này cũng đem lại một chút gì đó gọi là “sôi động” trong và cho đời sống văn nghệ; nhưng về sau, sự múa mép cũng đi đến chỗ nhàm vì sự cạn kiệt “câu chuyện”, và không được nạp năng lương mới. Kết quả, sự xô đẩy - đẩy người sáng tác hướng tới những chuyện bên ngoài, tìm chút danh vọng - lời khen, mà đa phần là khen giả - khen cho có. Nó còn làm thui chột, cướp mất hứng thú, thời gian và thói quen sáng tạo. Để cuối cùng, niềm vui giả tạo [được tạo ra] nơi đám đông, giết chết hoàn toàn con người nghệ sĩ, vốn đơn độc.

Lý do thì rất nhiều, nhưng có thể quy về 3 mối; hoặc chỉ với 3 mối này, cũng đủ làm cho chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ: Một, bản chất của người Việt [nhiều người nói thế], vốn là thông minh, nên rất linh hoạt trong các ứng xử, nhất là với những công việc mới, thường tỏ ra nhanh nhạy trong việc tiếp thu. Nhưng không hiểu vì do gì đó, hay lý do thì quá nhiều [không cần kể ra] nhưng chúng ta vẫn không trả lời được, là tại sao người Việt lại học quá ít, hoặc học không đến nơi, hoặc không liên tục. Thông minh mà không được sự học bồi bổ, tiết chế thì cũng không khác gì con ngựa bất kham [không cần bị quất mạnh], cũng sẽ làm những điều, mà đến một lúc nào đó, bản thân nó cũng không còn kiểm soát được. Những người làm công việc sáng tạo-sáng tác ở ta [có lẽ chỉ nên nói ở những người làm thơ?!], lúc nào cũng tỏ ra mình am tường hay biên biết cái công việc mình đang làm, hay biên biết mọi vấn đề thuộc về việc mình đang làm; nhưng thật ra cái biết đó không đủ và không thể làm việc. Thiên hạ nói-có trừu tượng, siêu thực thì mình cũng nói và có trừu tượng, siêu thực. Thiên hạ nói cách tân, đổi mới thì mình cũng nói cách tân, đổi mới. Nhưng rất ít, hoặc chưa bao giờ việc nói [có thể, sẽ dẫn đến việc làm] đó lại được bảo đảm bằng một hiểu biết-một tri thức vừa vẹn, chưa nói là dư thừa. Nghĩa là có một ảo tưởng đang tồn tại thường trực trong những người sáng tạo và liên quan đến sáng tạo: Là ảo tưởng có một cái gì đó. Ảo tưởng đó, ảo tưởng mình có một kiến thức-một kỹ thuật-một tay nghề, trong rất nhiều năm qua, đã giúp đa số những người liên quan đến sáng tạo sống được-khẳng định được danh tính của mình. Tất nhiên cũng chỉ trong một môi trường, mà đa số người thưởng thức-người có quan tâm cũng có hiểu biết-suy nghĩ lập lờ gần giống họ. Nhưng khi thực sự đụng vào những giá trị, thực sự cọ xát với những môi trường khác, bền vững và chuyên nghiệp hơn, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phải đối mặt. Một trong những vấn đề đó, chính là sự tự ti, co mình lại. Và đây cũng là mối thứ hai, mà chúng ta cần quan tâm.

Như đã nói, do ảo tưởng mình có một kiến thức [tự tạo cho mình môi trường giả] nên khi đối diện với môi trường chuyên nghiệp, có lịch sử nhận thức rõ ràng - nói như kiểu nhiều người, là khi đi ra-cọ xát với người ta, tự nhiên thấy hốt hoảng - bơ vơ với chính những lỗ hổng của mình. Nói một cách hình ảnh, với kiến thức đáy giếng [nhưng không biết mình đáy giếng], sự mặc cảm-tự ti và đổ thừa cho hoàn cảnh là tất yếu. Hay có kiểu nói như thế này, vì tôi sinh ra trong bối cảnh xã hội như thế này, gia đình-việc học và thậm chí tính tình, thể trạng tôi thế này... nên tôi phải làm việc, sáng tác thế này. Nghĩa là, nếu người nông dân-người bần cố nông bị bần cùng hoá [như Chí Phèo chẳng hạn], thì người nghệ sĩ-người [đáng lý phải] trí thức hơn, cũng bèn lòng bị bần cùng hoá. Trong khi, sứ mệnh của người nghệ sĩ-cụ thể: nhà thơ, dù phải sống trong hoàn cảnh [đúng hơn, sống trong hoàn cảnh là tất yếu] thì cũng phải đặt tâm thế bên ngoài, thậm chí cao hơn hoàn cảnh. Và vì đổ thừa hoàn cảnh, sống xuôi theo hoàn cảnh, nên cũng có không ít người lợi dụng được hoàn cảnh-tự đánh bóng được mình trong hoàn cảnh. Và cũng có không ít người, vì tâm lý mặc cảm đó, nên vĩnh viễn bị chết hay tự tử trong hoàn cảnh. Đúng thì, không có chuyện “bị bần cùng hoá”, xuôi theo hoàn cảnh, trong tư thế của một người sáng tạo.

Mối quan tâm hay lý do cuối cùng, là đa số không xem nghệ thuật như là một phương tiện kỹ thuật, như là một khoa học - nghĩa là cần phải được và phải học nghiêm túc, từ bên trong nhận thức và cả bên ngoài tay nghề. Đa số như thế, cục tự ái quá lớn [tự ái này, trong sâu xa, bắt nguồn từ sự tự ti], nên khi nói đến chuyện học để làm nghệ thuật-làm thơ thì nhảy đành đạch và từ chối một cách quyết liệt. Ai cũng gần như nói một kiểu, làm gì phải học, làm gì học được; và nếu phải học thì học ai, ai xứng đáng để dạy.[4] Ai cũng tự xem mình là “ông trời” trong chính công việc sáng tạo của mình, và không chịu so sánh với những người xung quanh; trong khi thực tế, so sánh là bắt buộc, cao thấp là tất nhiên; cái cần phải học thì quá nhiều, và ai cũng có cái để cho mình học. Với thái độ này, vừa như là hệ quả vừa như là nguyên nhân của 2 lý do ở trên, làm cho nghệ thuật Việt, thơ Việt, văn chương Việt, văn hoá văn chương Việt... luôn tỏ ra thấp kém đẳng cấp và yếu về tay nghề.

Và cũng chính thái độ này, cùng với những thay đổi lớn trong quan niệm về nghệ thuật ở khu vực và trên thế giới, làm cho nghệ thuật Việt-thơ Việt rơi vào vòng luẩn quẩn-ở mãi trong vòng luẩn quẩn; và có nghi cơ không thoát ra được. Nó vừa là thách thức, vừa là bước cản, vừa là sứ mệnh mà bất cứ người làm sáng tạo nghiêm túc nào cũng cần phải vượt qua. Nó như Vũ Môn Quan, như thác ghềnh mà con chép sáng tạo nào cũng cần phải nhảy qua, dù phải bỏ lại viên ngọc hay nhận về sự thất bại. Vũ Môn Quan của thơ Việt vẫn còn đó; và bên kia thì chỉ có vài mảnh vỡ của ngọc, không phải do những con chép mang theob - mà do hành động nhảy - hành động nhận sự thất bại của một vài con chép đơn độc đã hoá thành mảnh ngọc vỡ. Còn phía bên này, vẫn chen chúc những con chép muốn nhảy [giả bộ nhảy], nhưng dường như vẫn còn luyến tiếc [giả bộ luyến tiếc] viên ngọc, trong khi thực tế thì không có một viên ngọc nào.

Và tôi, người viết những dòng tản mạn này, chưa bao giờ có viên ngọc và chưa bao giờ nhìn thấy Vũ Môn. Nhưng có lẽ cũng nhảy đại ra, một lối khác, kêu đại lên vài tiếng, dù nén gân - dù quá đà, quá sức nhưng không kêu cũng không được.

La Hán Phòng, 10/2003

_________________________

[1]Xem tranh dân gian “Cá chép vượt Vũ Môn” hay “Cá chép hoá rồng”, dưới góc độ kích hoạt suy nghĩ, nhiều người cảm thấy buồn vì trong đời sống văn nghệ-sáng tác hiện tại có một cái gì như tụt lùi, như khư giữ và bảo thủ.

[2]Xu mị: chữ dùng của Nhật Chiêu, có nghĩa là vừa xu nịnh vừa lừa mị [đám đông]; theo tinh thần chữ KITSCH của Milan Kundera.

[3]Theo Như Huy, trong bài “Reverb_Một cuộc trưng bày đáng chú ý”, thì chuyển mình quan trọng trong lịch sử nghệ thuật thế giới ở nửa sau thế kỷ 20 chính là cuộc chuyển mình từ chủ nghĩa hiện đại (modernism) sang chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). Trong đó một số niềm tin cũ của chủ nghĩa hiện đại như: tính nguyên gốc (originality), tính duy nhất (uniqueness), tính chính danh (authenticity), tính biệt lập (autonomy), tính hoàn tất (completeness), tính siêu nghiệm (transcedence) và chất lượng thẩm mỹ (aesthetic quality)... bị thay đổi. [xem Visual art, Talawas].

[4]Tâm lý không muốn học, nhất là trong những người trẻ, một phần vì môi trường xã hội thiên theo hướng thực dụng, không đủ sức kích thích [đây là cách nói chung chung], một phần vì trong những năm qua, với hình ảnh của 2 trường dạy viết văn là Nguyễn Du và Gorky_đã làm họ mất niềm tin. Với lại, do bịt bùng hay quá loạn thông tin, nên họ không có dịp so sánh với các workshop ở nhiều nước, để thấy hiệu quả của việc học.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021