thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Từ đây đến miền vĩnh cửu

 

 

Nhìn lại quá khứ thường là chuyện nhức nhối. Rất ít khi quá khứ là con đường giải thoát cho những ưu phiền trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, nhức nhối hay giải thoát, tháng tư đang đến và chẳng có thể nào tránh được sự trở lại của quá khứ. Câu chuyện của ngày 30-4 lại trở về một phần vì cách lẩn tránh hay cảm tính trong cách nhìn lại một chuyện xa xưa chung cho cả hàng triệu nguòi. Và từ Tân Mão năm nay người ta lại nhớ đến Ất Mão năm xưa – cách đây đúng ba giáp. Và nhớ đến Ất Mão người ta lại còn phải lặn lội ngược dòng với những năm Giáp Dần, Quí Sửu, Nhâm Tý, Tân Hợi, Canh Tuất... và đến Mậu Thân 1968! Cuối tháng tư này, chăc chắn tâm trí của ta thế nào cũng bận rộn với việc truy tầm “nhân dạng dân tộc” của mình. Thế nhưng chưa đến cuối tháng, chúng ta đã có cảm tưởng như phải sớm nhìn lại những ngày tháng nặng nề đó.

Hôm chủ nhật, 27-3, Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ du ca, đã ra đi, và ngày mai thứ bảy, 1-4, anh sẽ được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là chuyện có thật – chẳng phải là chuyện Cá Tháng Tư như có thể có người đã nghĩ, khi biết rằng Quang đã hôn mê hơn 30 ngày trong bệnh viện. Là một nhạc sĩ và ca sĩ trong thể nhạc quần chúng, anh đương nhiên có nhiều người hâm mộ. Nhưng đặc biệt anh còn có nhiều bạn bè trong suốt chiều dài của cuộc đời của mình, những bạn bè như thể ngày càng đông đảo hơn theo cấp số nhân, và khi người ta không còn phân biệt được mình là người hâm mộ hay bạn bè với Nguyễn Đức Quang nữa, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy đám đông cả mấy trăm người đến nghiêng mình trước linh cửu của anh trong ngày thứ bảy, thời tiết có thể cũng mang tâm sự của con người – chỉ cần cứ ba người gởi email đến cho anh thì có một người thu xếp được để đến đưa tiễn anh.

Quang thuộc thế hệ tuổi trẻ lớn lên giữa khi cuộc chiến tranh Việt Nam lên đến cao điểm, trong khi chế độ quốc gia ở miền nam đã lung lay vì sự tranh chấp quyền hành triền miên giữa các tướng, các tôn giáo bị thao túng, lũng đoạn ngay bởi những người tu hành, và sự bất lực mù mịt chờ thời của các phe phái chính trị quốc gia. Mỹ đã phải gửi quân đến tham chiến từ tháng ba năm 1965, làm cho chiến trường thêm ác liệt từ Khe Sanh, A-Shau ở phía cực bắc đến vùng biên giới tây nam và cực nam là Cà Mau. Tuổi trẻ nói chung, và giới sinh viên thời đó nói riêng, đang ít nhiều rơi vào một tâm trạng cảm thấy bế tắc trong tương lai của mình và tuyệt vọng trước tình hình đất nước: chiến tranh, chính trị, và xã hội có vẻ như tan nát, rã rời. Khi nhìn lại, chúng ta không thấy có một nền giáo dục ở nhà trường hay văn hoá xã hội làm rõ được mệnh lệnh bằng mọi giá phải chiến đấu trước quân thù cho sự vẹn toàn của đất nước.

Thiếu nền giáo dục đó, không sống hàng ngày trong nền văn hoá đó, cho nên dòng nhạc Tâm Ca của Phạm Duy và Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn đã vang lên giảng đường Spellman của Viện Đại học Dalat, là nơi Quang và vợ anh, chị Minh Thông, đã theo học bốn năm trong trường Chính trị Kinh doanh – anh theo ngành chính trị chị đi theo kinh doanh – sau khi đã cùng học chung ở cấp trung học trên vùng đất cao nguyên, và có lẽ đã cùng sinh hoạt với nhau trong những đoàn thể hướng đạo thời đó. Tâm Ca của Pham Duy hát chung với Stephen Addis (“The Rain on the Leaves”) làm cho cuộc chiến trong mắt tuổi trẻ vừa là một số phận không tránh được cho Việt Nam vừa có tính vô nghĩa và tàn phá mãnh liệt đối với dân tộc, với xã hội, với con người. Những bài “Tiếng Hát To” là sự phản kháng uất hận với chiến tranh, “Để Lại Cho Em” làm cho người ta thấy sự mất mát quá lớn khiến cho cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì đáng nói, và “Giọt Mưa Trên Lá” chỉ làm cho con người thấy thêm bùi ngùi, đau đớn và chẳng có thấy tia sáng nào trong cuộc sống.

Tính cách phản chiến còn nặng nề hơn ở Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ họ Trịnh mà lẽ ra ông chỉ nên tự giới hạn trong những bài như “Phôi Pha”, “Tình Xa”, “Tình Nhớ”, “Như Cánh Vạc Bay” và biết bao nhiêu bài khác tương tự vẫn còn nằm trong con tim của nhiều thế hệ đã qua... Vấn đề vào thời đó, là ở chỗ dường như chẳng có gì sai khi lên án chiến tranh gây ra chết chóc, loạn lạc, cùng khổ, mất mát, nhưng những lời chỉ trích đó chỉ nhằm một phía, hoặc là vì người ta nghĩ phía kia sẽ không nghe, không đón nhận, hoặc là vì tính cách “miễn nhiễm” hay “bất khả xâm phạm” của những người gây ra cuộc chiến và có khả năng kéo dài cuộc chiến bởi “bể người vô tận” ở miền bắc, cho nên những phê phán về cuộc chiến lại có vẻ như chỉ nhằm vào chính mình để cho sức công phá mạnh mẽ hơn. Những bài ca của Trịnh Công Sơn không nói lên được sự vô nghĩa của chiến tranh, mà chỉ làm cho người ta thấy thêm hoang mang trước những điều ông muốn nói lên – rốt cuộc có thể kết luận ngay chính ông, ông cũng chẳng hiểu mình thực sự muốn nói gì!

Dòng nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang cũng nổi lên trong giai đoạn đó – như một alternative. Một sự lựa chọn khác dành cho sinh viên Dalat của chúng tôi thời đó – nhất là giữa khi sinh viên ở Saigon, Huế, Dalat đang xuống đường biểu tình với mục đích mơ hồ, và chế độ Saigon còn kém sức thuyết phục vì chỉ có một cách đáp ứng đơn giản là lựu đạn cay. Chín mười giờ tối, rời Spellman sau khi nghe Phạm Duy, hay Trịnh Công Sơn, trên con đường tối thăm thẳm rời khỏi campus của Đại hoc Dalat, chúng tôi mang một tâm trạng nặng trĩu những muộn phiền trong ám ảnh câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ”. Và khi nghĩ đến vài năm sắp đến, người ta chỉ tính đến chuyện đi tìm “một chỗ nào khác”, một con đường an toàn không dính líu gì đến trận địa. Thế nhưng sau những “xuất diễn” của Nguyễn Đức Quang, người ta ra về mà như còn thấy ánh đèn sáng choang của sân khấu ở trước mặt mình. Bên tai người ta vẫn còn nghe tiếng ồn ào của đám đông kêu gọi lẫn nhau, và trong đầu vẫn là những lời nhạc có tác động cổ vũ mạnh mẽ.

Những bài nhạc của Quang, như vẫn được gọi là du ca, chắc chắn nơi trình diễn thích hợp nhất không phải là sân khấu, mà trong những đám đông tuổi trẻ cất tiếng ca hoà cùng với dân chúng – trong những năm đó, tại những sinh hoạt như cắm trại, công tác hè ở Suối Thông A, Suối Thông B, hay An Giang, hay Cam Lộ, làm đường lên nhà xác ở Hai Bà Trưng, sơn quét lại cho trường tiểu học Xuân An ở dốc Nhà Chung dưới chân Đài Phát Thanh Dalat, làm nhà cho dân chúng, đến với những người đồng bào thiều số ở những buôn làng xa xôi... Đó là loại nhạc mà tuổi trẻ chúng tôi hát với nhau để cho tăng sức, lên tinh thần trong công tác và thấy cùng nhau chia sẻ một niềm tin nào đó. Trong khi người ta muốn bàn cãi về chuyện chiến tranh và chính trị và đi tìm giài pháp như thể đó là chuyện khả thi, cứ tìm cách nói mà không ra lời và còn lâu mới trở thành hành động, Quang nói “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đế nữa rồi”. Giữa khi chúng ta thấy trước mặt là u ám hơn là tia sáng, Quang nhấn mạnh “Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền”... Trong khi chúng ta có cảm tưởng đang trĩu nặng trước sự can thiệp của ngoại bang từ bắc vô nam, Quang nhắc nhở rằng chúng ta có một “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” và phải nhớ phải chấp nhận sự thách đố của lịch sử cho dù “cờ tự do cắm lên nấm mồ”...

Khi so sánh người Việt ngày nay với nhiều dân tộc khác trong vùng Đông Á hay Đông Nam Á, chúng ta đau buồn trong cảm nhận chúng ta đã không còn gì mấy, bởi vì chúng ta vốn liếng thì ít, mất mát thì nhiều, phí phạm lại càng không kiểm soát được – từ trong nước đến hải ngoại. Thế hệ nào nay cũng thấy mất nhiều hơn được, giữ thì khó mà mất quá dễ, bởi vì chẳng xác định được trách nhiệm bảo tồn là của ai. Điều mà thế hệ của Quang hay những thề hệ chung quanh còn giữ được có lẽ chính là những lời kêu gọi từ thời còn trẻ đó nay vẫn còn khả năng cho chúng ta một niềm vui trong cuộc “tìm kiếm một thời đã mất”. Bởi thế mà khi Quang đến Salt Lake City vào một mùa đông cách đây 5-6 năm, “già trẻ lớn bé” đi photocopy những bài hát cũ để đến với anh, để có ít nhất một đêm vui lấp đầy những khoảng trống trong đầu trong đời người ta có những dịp như thế này mới nhận ra.

Minh Thông mất được hơn ba năm. Trong hơn ba năm đó, trong nỗi cô đơn càng thêm khủng khiềp khi tuổi già ập đến, lứa tuổi bắt đầu phải mang thẻ Medicare trong người, anh đã can đảm và bất cẩn dấn thân vào cuộc tìm kiếm những gì đã mất vì những cuộc bề dâu trong quá khứ, anh trở lại quê cũ và tìm kiếm trên vùng đất mới. Cách đây không lâu, anh đã một lần thập tử nhất sinh, phải vào cấp cứu, nhưng anh lại cố ngồi dậy, gượng bước ra ngoài, thế mà vẫn tiếp tuc cuộc hành trình đó, có lẽ sự sợ hãi không lớn hơn được nỗi háo hức cái cuối cùng anh có thể tìm thấy. Có thể trong những đe doạ của sức khỏe đang ngày càng trở nên mong manh, anh thấy trong tầm mắt hình ảnh của Minh Thông. Và có lẽ anh ngừng lại khi thấy cuối cùng, không có mất mát gì lớn hơn là sự vắng mặt của người hiền thê trên cõi đời tạm bợ này. Anh ra đi để lại sự tiềc thương cho bạn bè khi từ nay tiếng hát bỗng trở nên lạc lõng, nhưng chúng ta vẫn mừng anh đã về lại bên chị. Sinh ký tử qui!

 

 

-------------------

Bài liên quan:

[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN ĐỨC QUANG (1944-2011)] ... Các bạn của thế hệ 1970 ơi. Tiễn Nguyễn Đức Quang chúng ta cùng nhau cất cao tiếng hát nhé: Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng / mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm... Sáng sớm 27.03.2011 trái tim trong người Nguyễn Đức Quang ngừng đập sau 68 năm sôi sục theo dòng đời. Nhưng những âm điệu của anh còn đập mãi trong tim con người và đất nước Việt Nam... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN ĐỨC QUANG (1944-2011)] ... Mười năm, từ ngày thực hiện Tình Ca Người Hát Rong lần đầu tại Úc châu, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, bao nhiêu mây đã bay ngang trời xanh, riêng tấm lòng của khán giả, của bằng hữu ở Úc Châu dành cho Anh vẫn sắt son nguyên vẹn. (...)
 
[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN ĐỨC QUANG (1944-2011)] ... cuộc đời có hợp có tan / người du ca đã ôm đàn ra đi / bạn tôi nước mắt tràn mi / nói thương anh ấy hát vì quê hương...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021