thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thế giới MÀU

 

Đọc tập thơ MÀU của Hoàng Vũ Thuật (NXB Lao động, 2010)

 

Mỗi nhà thơ đều xây dựng con đường nghệ thuật riêng của mình. Con đường đó được kí mã bởi sự hợp nhất giữa tài năng và sáng tạo. Đã gần 7 năm kể từ khi tập thơ Tháp nghiêng ra đời, Hoàng Vũ Thuật lại xuất hiện và liên tục cho ra đời hai tập thơ: MàuNgôi nhà cỏ. Khoảng thời gian ấy cần và đủ để Hoàng Vũ Thuật tiếp nối và khẳng định con đường thơ siêu thực của mình. Những câu thơ hoa vỡ (theo cách nói của Yến Nhi) lại thêm lần nữa đưa người đọc vào mê lộ. Mê lộ của một thế giới Màu.

Tập thơ Màu tròn trịa 60 bài. 60 bài hầu hết đều không viết hoa (ngoại trừ một số tên riêng) và không dùng một dấu chấm hay dấu phẩy nào. Dù vô tình hay cố ý đều là cách sáng tạo của Hoàng Vũ Thuật để nhà thơ có thể chông chênh giữa hai bờ hư và thực. Sự chông chênh ấy giúp ông dễ dàng bước vào lãnh địa của thơ siêu thực và sáng tạo những hình ảnh đầy ám dụ. Vì thế, mỗi bài thơ trong tập Màu là một thế giới nhỏ trong thế giới lớn, thế-giới-trời-ban-cho.

Hoàng Vũ Thuật luôn nặng tình với cuộc sống, với người, với thơ. Màu đong đầy nỗi niềm ấy. Vì “quá nhàm mòn các ngả đường đến và đi” nên ông đam mê “những dòng chữ ghép lại” để thơ mang nghĩa tạo sinh: “vừa tối vừa sáng / vừa cổ điển vừa hiện đại / vừa xa lạ vừa gần gũi / vừa đầy ắp vừa mong manh”. Ông tránh xa “chữ nghĩa đánh bóng mạ kền / bày bán cùng / hoa / thử bóc từng cánh áo / đến tận ruột mà xác xơ hương”, tránh xa “rao giảng điều vô bổ / không tín đồ không giáo hữu / ngôn từ hẫng hụt phù du / chân trời gốc cây chiếc bóng / ghép mãi chẳng thành”. Với ông, bản năng cảm xúc chưa đủ, thơ phải giàu triết lí thơ mới tồn tại với thời gian. Dẫu “ý tưởng chắp nối lạc vần / rung trên sợi dây mặc cảm” nhưng tạo ra lửa thì lúc đó sẽ “khởi nguyên / bài thơ thoát xác”. Hoàng Vũ Thuật đã làm được điều ấy khi tung vào thơ những nguồn cảm hứng lạ nhưng đầy lửa. Ông đã vượt qua được “những vòng tròn cấm kị / vành khăn trắng / trong nghĩa địa ngôn từ” nhờ sự phân thân. Phân thân vốn đã trở thành trò chơi của Hoàng vũ Thuật. Trò chơi này đã có từ tập thơ Thế giới bàn tay trái, Đám mây lơ lửngTháp nghiêng. Trong guồng quay không nghĩ, sự phân thân ở Màu càng sâu đậm và rõ nét hơn: vừa khát khao cất lên “bài ca cuộc hành trình vòng quanh trái đất” lại vừa muốn “chiếc áo quan vĩnh hằng bọc lấy hồn tôi”, vừa nhắc nhở “đừng chờ anh / đừng chờ cái hướng không định” vừa khẳng định “anh vẫn chờ vệt nắng màu tím / định vị giờ ấy ngày ấy”, vừa muốn “ghép lại tháng ngày cằn rỗng”, vừa muốn “tháo sợi dây buộc chặt cõi đời”... Dường như có một cái gì đó mâu thuẫn dằng xé trong con người ông? Ở đây, nhà thơ phân thân không phải vì bế tắc mà phân thân để tăng hàm lượng ngữ nghĩa cho thơ. Phân thân để kết nối không gian, thời gian và tâm trạng một cách khách quan. Lí giải tâm trạng lưỡng phân đó, ông cho rằng, đứng giữa khoảng cách, con người mới có thể “nghiệm” được các chân giá trị:

...
khoảng cách ngày và đêm
đủ nhận biết vũ trụ
...
khoảng cách tối và sáng
đủ nhận biết thế giới
...
khoảng cách bão tố và bình yên
đủ nhận biết nhân gian
...
khoảng cách yêu và giận
đủ nhận biết mình

Những khoảng cách “đủ nhận” thiết lập sự cân bằng của nghiệm. Giữa khoảng cách ấy, ông vẫn khẳng định được tâm thế và bản lĩnh: “anh ngược con đường / để trở về con đường khác” dẫu biết mình “như người điên đi trong dầm dã / hai mươi năm sau / không biết nơi nào để dừng”.

Màu hướng về nhân gian, cuộc sống xung quanh, hướng về những sự việc nhỏ như: hình ảnh đàn kiến “góp nhặt”, người kéo xe “dốc ngược tháng ngày lên vai”, hình ảnh con quạ “cứa mặt tôi đường bay đen”, cốc kem giữa nàng và con chó phốc “chiều chiều bên sông Nga / bồng bềnh cụm mây kem xốp”, hay người hoạ sĩ trong công viên kuntura “trơ trọi giữa khung đêm”... cho đến những sự việc lớn hơn như: Xanh pêtécbua “triệu tảng đá đóng băng vuông vắn chảy về / ngạo nghễ pháo đài Pêtrô Páplốp”, chiến tranh ở I rắc và Li Băng nơi “máu xoáy sẹo đen lòng biển”, chuyện lăng tẩm uy quyền với “trầm mặc thành quách”... Tất cả đan dệt nên “trái tim mang nỗi niềm”. Màu còn thấy người Digan hát, múa, cười... rong ruổi khắp nơi. Nhà thơ như nhập cuộc và đồng hành với tâm trạng của họ. Việc lặp cú pháp ở các khổ thơ vừa nói lên cái lẽ thường trong đời sống của người Digan vừa thể hiện cái không bình thường trong tâm khảm nhà thơ: “người Digan bị đánh cắp mọi thứ / chỉ còn trái đất thênh thênh / ngôi nhà không mái / trái đất Digan”. Đến thăm tượng Exênin, “trái tim mang nỗi niềm” ấy cũng đầy xót xa trước số phận người-thơ: “ngực áo tháo tung / Exênin đứng mà đang chạy / dòng chữ bị săn / đuổi... / tiếng kèn vỡ vụn / máu trào sau nụ hôn”. Hoàng Vũ Thuật liệt kê các mặt đối lập: quá khứ và hiện tại, giữa còn và mất... để người đọc tự chiêm nghiệm và giải mã:

nằm dưới kia
một hộp sọ một ống xương chân một đốt lóng tay
một trung thực một đớn hèn một điên loạn
một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà
một vận hạn một thức thời một nguyền rủa
...
trầm mặc thành quách
câm lặng
lên tiếng
câm lặng
bên ngách tường
xoáy
chùm hoa mần trầu

Và, ngay cả số phận của con chó con tội nghiệp “quên mất đường về / lang thang” trước cảnh “người người bận rộn vô ra” cũng gieo rắc vào tâm hồn nhà thơ những đớn đau, day dứt: “chiếc lưỡi thè ra / đỏ hỏn / đang ứa một mặt trời non / và dòng dòng nước / nhểu / nỗi buồn gì ơi chó con”. Ta như nghe cả tiếng chim từ Đám mây lơ lửng vẫn còn đồng vọng đến Màu. Nếu tiếng chim cu gù giữa trưa Hà Nội đưa nhà thơ trở về với quê nhà, với những con người thân thuộc thì tiếng chim sau hè hôm nay day dứt hơn vì nó phức hợp khoảng đo giữa thời gian và không gian: “nhưng không sao đi hết tiếng chim / xa xăm và buồn / gieo vào tôi những hạt mầm / thời lên bảy”. Hơn nữa, khi tiếng “chim sau hè gọi tôi / tiếng buồn xa xăm đến nỗi / tôi tưởng tiếng mẹ” thì tiếng mẹ và tiếng chim đã hoà vào nhau tạo nên cái nhịp bên trong của tâm trạng. Một tâm trạng thảng thốt, nhớ mong, hẫng hụt.

Tình yêu cũng đem đến cho Màu những vẻ đẹp rất riêng. Màu là bản hợp tấu của tình yêu vô thường, tình yêu nông nổi, tình yêu nhẫn nại, tình yêu yếu mềm, tình yêu sa sẩy... Bởi thế, nhà thơ sẵn sàng làm tên trộm để bơi trong hơi thở của người yêu “ngay cả lúc này em chìm sâu giấc đêm / tôi vẫn bơi qua cơn mơ nhẹ và êm / lẹ làng xáo tung đồ đạc / lấy đi mọi thứ trên thân thể / dại dột để lại dấu chấm”. Cái dấu chấm ấy là tình yêu, là tấm lòng, là sự thừa nhận chân thành của một trái tim chân thành, là tất cả tài sản vô giá mà tên trộm sẵn sàng dâng hiến. Tình yêu giúp tên trộm vượt ra ngoài biên giới của sự tầm thường, vươn tới sự thánh thiện tâm hồn. Đó là ý niệm trước cái đẹp vĩnh hằng-cái đẹp luôn luôn bị đánh cắp, một phát kiến đầy thi sĩ. Hoặc biết “anh là kẻ có tội / vì đã dám yêu em”, nhưng nhà thơ vẫn sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt, giam ở địa ngục với sợi dây xích sắt trói chặt, đem xử bắn ở pháp trường. Vì tin tưởng và hi vọng tình yêu chân thành của mình sẽ lay chuyển, thay đổi bản ngã em, chiến thắng những mê trận mà em bày ra. Và cao hơn cả, thi sĩ đã bơi được vào tâm thức của em để lí giải sự kiếm tìm của tình yêu: “nếu đạn bắn vào anh / sẽ làm em chết mất”...Tình yêu trở thành biểu tượng của cái đẹp, cái cao thượng và thanh khiết. Cách tư duy như vậy, thơ tình yêu của Hoàng Vũ Thuật luôn phát hiện những dáng nét không hề trộn lẫn.

Chính nỗi lòng đầy trắc ẩn với thơ, với đời, với nhân gian, giúp Hoàng Vũ Thuật có cái nhìn sâu vào thế giới: “thế giới sắp xếp tưởng đã ngăn nắp quy củ / thế rồi xáo tung lên hết thảy”. Thế giới bị xáo tung lên bởi những “cái chết được thử nghiệm / I rắc / giờ thì Li Băng.../ những ngày thảm khốc tôi vùi chân bên dòng Nêva”, cảnh tượng “nghẹt thở vì xe cộ”, nỗi đau nhức nhói “dưới vòm trời / thập loại chúng sinh lang thang tìm lối sống”, sự tàn phá “mịt mờ quầng lửa” khiến “những chiếc lá bốc hơi / những chiếc lá dị dạng / những chiếc lá vuốt mặt không kịp cất tiếng”... Thế giới loài người không hề bình yên, luôn biến động và đầy phức tạp, đã giúp cho nhà thơ một nhãn quan triết lí. Nhà thơ trở thành nhà tư tưởng:

làm lại thế giới đã khó
làm lại con người càng khó hơn

Với ý niệm, “con người có thể dựng ngược mình lên”, “cười nửa miệng / nói nửa miệng / âm thanh nghiêng nghiêng” như “cách nói người thượng cổ”, Hoàng Vũ Thuật chấp nhận cái khác người: “tôi cũng là thế giới / tự đảo lộn mình / đi đứng nói cười kiểu mình”. Nhà thơ cho mình là một phần của thế giới, nên thế giới thay đổi thì con người thay đổi là tất yếu. Sự thay đổi mình chính là sự thay đổi về nhận thức con đường thơ của mình.

Màu đã phác thảo chân dung cái Tôi như muốn gồng lên với nhân sinh. Cái Tôi nổi loạn, dấn thân vào kiệt cùng của thế giới. Cái Tôi ấy hệ luỵ đến chữ nghĩa, khiến chữ nghĩa cuộn sóng “phun trào cát bỏng”.

Sự chi phối của hai trục: lựa chọn và kết hợp tạo nên khuôn mặt cho thi ca (R. Jakobson). Nhờ sự kết hợp khéo léo và tinh tế, Hoàng Vũ Thuật mang đến cho Màu những hình ảnh mới lạ, siêu thực: “mặt trời cuộn tròn đêm”, “nét cong viền hờn dỗi”, “trưa lệch phai”, “cát thiền dấu chân”, “cây cứ xanh ngoài lời”, “những buổi chiều lặng lẽ lên men”, “nhện vắt dây qua mùa đông khắc khoải”, “con thuyền neo hai bờ sông mắt”, “đôi mắt miếu thờ”, “sáu mươi ngày bông lông chui qua ngón tay mồ côi”, “anh chạm mặt vào đêm”, “tình yêu bọc tả lót ru đoá phù dung”... Ngỡ hồ, không có sự liên kết lôgíc giữa chúng nhưng chính chúng lại là trung tâm của sự phát nghĩa.

“Những va đập chói loà của từ ngữ” (J.Vaché) tạo nên sức mạnh của ẩn dụ trong tập thơ Màu. Hình ảnh đơn nghĩa nhoè đi nhường chỗ cho những hình ảnh đa nghĩa. Khi các hình ảnh thơ chuyển động tạo nên những biểu tượng trùng phức, giàu sức ám gợi. Tháp chuông nhà thờ không chỉ là biểu tượng văn hoá mà còn là biểu tượng của nỗi đau “vết sẹo bầm tím / không có người đi lễ không có người / cầu nguyện”. Quạ đen là sự chết chóc nhưng với Hoàng Vũ Thuật còn là vẻ đẹp của sự khởi nguyên “vắt qua cửa sổ / tầng tám / tách khỏi vỏ trứng / tôi là quạ đen”... Biểu tượng và ẩn dụ nhập với nhau đem lại những cảm giác mới lạ cho người đọc.

Sự lặp lại cấu trúc cú pháp song hành với sự tăng nghĩa khiến nhà thơ không cần nhiều lời: “giá như mọi vật đồng nghĩa với cái không tồn tại / giá như cứ thế mà xa cứ thế mà quên”. Kĩ thuật bỏ lửng được gia công rất nhiều trong Màu. Ông bỏ lửng cuối câu nhằm mục đích kéo dài ý nghĩa thơ và khơi gợi tính “đồng sáng tạo” của người đọc. Khi luận giải “điều ấy có ý nghĩa gì”, Hoàng Vũ Thuật lặp đi lặp lại trong năm khổ thơ và kết thúc bằng sự lấp lửng, bỏ ngỏ rất nghệ thuật: “tôi thường đếm từng nấc cầu thang xuống lên / đếm tiếng trái tim khuya / dấu vết thương vừa ủ / cổ lỗ tên hề / điều ấy có ý nghĩa gì”. Tạo nét thiếu cần có, ông đã làm nên vẻ đẹp của “bông hoa vỡ ngàn cánh máu / rỏ xuống lót ổ câu thơ / bào thai thiên thần”. Việc không ngắt câu bằng dấu chấm hay dấu phẩy cùng với thủ thuật dán ghép, chắp nối, nhà thơ tạo nên một cơn lốc thơ: những dòng chảy tâm trạng triền miên, gối lên nhau bởi những hình ảnh không biên giới. Đó là cảm thức chính khi đón nhận Màu.

Màu là một sân chơi của Hoàng Vũ Thuật. Ở đây, không phải là sự va chạm của các sắc màu, mà là màu của “nghiệm”. “Nghiệm” chính mình và nghiệm cõi thế. Sự giãn nở, va đập của các con chữ làm Màu thêm sinh động bởi cái tình của người-thơ. Vì vậy, không có cách giải mã nào là độc sáng khi thơ ẩn chứa những mạch ngầm nổi loạn bên trong. Chính Hoàng Vũ Thuật cũng trăn trở khôn nguôi: “còn tôi / màu gì // con thằn lằn bò quanh chờ điều gì đấy”. Sự trăn trở ấy là cần thiết để Hoàng Vũ Thuật tiếp tục hành trình của mình ở phía trước: “trên hứng khởi người tìm bóng tối với những ngôi sao cuồng chết bên gốc dứa dại / trên nỗi giận hờn cánh cửa đóng sập sau lưng trừng phạt ghen tuông mù mì / trên trái chín run rẩy cặp môi tình nhân ngọt ngào nước mắt đoàn tụ / trên cánh bay giấc mơ hoang tưởng và hiện thực chồng chéo tan chảy / trên tuyêt vọng rơi rơi rơi hun hút chín tầng âm u / anh đợi”.

 

25/5/2010

 

 

-----------

Đã đăng:

... Thế giới trong thơ Trương Đăng Dung được biểu hiện một cách phi lý từ chốn này sang chốn khác, từ thời gian này sang thời gian khác. Mỗi sự kiện là mỗi lát cắt thế giới. Lắp ghép. Những lát cắt hội tụ, báo hiệu một sự đổ vỡ, suy kiệt đang cận kề. Nhưng tất cả đều nhất quán trong ngôi nhà thơ của Trương Đăng Dung. Thế giới nghệ thuật thơ của Trương Đăng Dung chính là một thông điệp cho con người. Con người sống trong thế giới phi lý, con người cần có ý thức về bản chất đời sống, ý thức sự giới hạn để sống có ý nghĩa hơn, nhân bản hơn, vì con người hơn... (...)
 
THÁP NGHIÊNG với trò chơi ẩn dụ  (tiểu luận / nhận định) 
Một bài thơ có sức sống, ám ảnh bền bỉ ở trong lòng người đọc hay không tuỳ thuộc vào việc sử dụng ẩn dụ. Hoàng Vũ Thuật đã tạo được ấn tượng mạnh với bạn đọc khi sử dụng nhiều ẩn dụ trong tập thơ Tháp nghiêng. Hoàng Vũ Thuật như đang lôi kéo người đọc vào “địa đạo” ẩn dụ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021