thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Viết cho ai?" - một lời tự hỏi, một lời ta thán
to whom it may concern

 

I. "Viết cho ai?" -- một lời tự hỏi

Có lẽ không một người cầm bút nào xem văn chương là một sự nghiệp mà không có lần tự hỏi: "Viết cho ai?" Câu hỏi có thể được đặt ra trước khi viết: người viết muốn xác định một loại độc giả của văn chương mình, trước khi bỏ công sức ra để thực hiện tác phẩm. Câu hỏi có thể nẩy sinh sau khi viết: người viết tự thẩm định tác phẩm đã viết xong, và dự tưởng về một loại độc giả thích hợp với tác phẩm ấy.

Trước hết, hãy bàn về loại nhà văn tự hỏi "tôi viết cho ai?" trước khi viết.

Đây là loại nhà văn có chủ tâm nhắm đến một đối tượng nhất định nào đó. Đối với loại nhà văn này, chữ "cho" rất quan trọng: nó quy định toàn bộ cung cách thực hiện tác phẩm. Thật vậy, khi đã viết để "cho" thì người viết phải biết đối tượng muốn mình "cho" họ điều gì. Cuộc "cho" hoàn toàn thất bại khi đối tượng không muốn nhận điều mình "cho". Vậy, để điều mình "cho" được đối tượng nhận, mình phải "cho" theo nhu cầu của đối tượng. Nói tóm lại, người viết không thể "cho" điều mình muốn "cho", mà phải "cho" điều đối tượng muốn nhận. Và như thế, cuộc viết để "cho" là cuộc viết của một sự phục vụ.

Nhưng tại sao nhiều người viết lại muốn đóng vai người phục vụ? Để phục vụ thật đúng cách và đúng mức không phải là dễ, nhưng họ muốn thế vì sự phục vụ bao giờ cũng được ban thưởng dưới hình thức này hay hình thức khác (tiền bạc, lòng ái mộ, bằng khen của chính quyền, v.v...). Phục vụ nhiều chừng nào, sự ban thưởng lớn chừng ấy. Viết "cho" một người bạn, thì được ban thưởng ít. Viết "cho" một tập thể, thì được ban thưởng nhiều hơn. Viết "cho" một đại khối độc giả, thì được ban thưởng rất nhiều. Bởi thế, người phục vụ bao giờ cũng mong phục vụ được nhiều nhất.

Trong văn chương của các nước tư bản đương thời, những kẻ phục vụ nhiều nhất và được ban thưởng nhiều nhất là những nhà văn best-seller. Là những tay chuyên nghiệp trong việc viết "cho" đại chúng, họ quan sát đại chúng rất kỹ và nắm rõ những nhu cầu của đại chúng trong việc đọc. Để thấy rõ cách nghĩ và làm của những tay chuyên nghiệp viết "cho" đại chúng, hãy thử nhìn lại công việc viết của Morris West -- một trong những nhà văn best-seller thành công nhất của thế kỷ.[1] Trong số những bí quyết của ông, có bí quyết sau đây là quan trọng hàng đầu: hãy viết những điều người ta muốn đọc, và hãy viết kịp thời.[2] Thực vậy, đó là chủ điểm trong công việc của West, và suốt đời ông đã không hề đi lệch ra khỏi chủ điểm đó. Tham vọng của ông không phải là khắc một dấu mốc sáng tạo đáng nhớ trong văn học sử, vì ông tự thấy ông không có biệt tài của một nhà sáng tạo văn chương. Ngược lại, ông có tài năng ngoại hạng của một nhà văn chuyên viết để phục vụ nhu cầu giải trí của độc giả đại chúng, và ông đã sử dụng tài năng của mình đến mức tối đa. Độc giả ông nhắm tới không chỉ là đại chúng ở Úc, mà là đại chúng trên toàn thế giới. Ông đã làm được việc đó, và nhận được sự ban thưởng đúng mức.

Là người tự ý thức được về việc làm của mình, nên suốt đời Morris West đã không hề gây gổ phàn nàn gì về giới nghiên cứu và phê bình văn học chính quy, dù họ đã không bao giờ đề cập gì đến ông, xem ông như không hiện hữu. Không một tiểu thuyết nào của ông được đem vào học đường, không một bài nghiên cứu nghiêm túc nào viết về ông, không một tập san văn học chuyên ngành nào nhắc đến ông, và giờ đây, sau khi ông qua đời, không một tác phẩm nào của ông sẽ trở thành điển phạm. Biết rõ thế, nhưng West không khổ tâm, vì ông đã quyết chọn con đường chuyên nghiệp viết cho đại chúng.

Đến đây, hãy bàn về loại nhà văn tự hỏi "tôi viết cho ai?" sau khi viết.

Đây là loại nhà văn có thái độ làm việc như một nhà thí nghiệm. Trước khi viết, và ngay cả trong khi viết, họ khó có thể hình dung tác phẩm của mình sẽ ra thế nào (bởi thế, câu hỏi " tôi viết cho ai?" là điều vô lý). Họ khởi sự cuộc viết vì sự giục giã của ý muốn khám phá những điều mới lạ, chứ không chủ tâm nhắm đến việc phục vụ cho một đối tượng nào cả. Do đó, phải đến khi tác phẩm được viết xong, họ đọc đi đọc lại, rồi mới bắt đầu tự hỏi: "Mình viết thế này thì ai sẽ đọc?" Họ tự hỏi như thế, và không hề mong mỏi tác phẩm của mình sẽ được nhiều người đọc và tán thưởng ngay, vì đối với họ một tác phẩm vừa ra đời đã được nhiều người tán thưởng ngay là một tác phẩm chưa cách tân triệt để. Từ vị trí của một nhà văn sáng tạo, họ muốn tác phẩm của mình xuất hiện như một sự thách thức trước cảm quan thẩm mỹ của con người đương thời.

Nếu nói cho rốt ráo, loại nhà văn này cũng có thể không nhất thiết phải đợi đến sau khi viết xong tác phẩm rồi mới tự hỏi "tôi viết cho ai?". Họ có thể tự hỏi như thế trước và trong khi viết, nhưng không phải tự hỏi để xác định đối tượng phục vụ, mà tự hỏi theo nghĩa "rồi ai sẽ là độc giả của kết quả của những thí nghiệm mà tôi sẽ/đang theo đuổi đây?" Tự hỏi theo nghĩa đó, nhà văn dự tưởng về một loại độc giả chưa từng quen biết, luôn luôn đòi hỏi những phát kiến mới lạ, những ý niệm nghệ thuật độc đáo, và luôn luôn thách thức nhà văn phải nỗ lực vươn tới, bằng không thì thua cuộc. Italo Calvino thuộc về loại nhà văn này. Ông nói:

Văn chương phải dự tưởng một công chúng có văn hoá cao hơn, và cao hơn chính bản thân người viết. Một công chúng như thế có hiện hữu hay chăng là điều không quan trọng. Người viết nhắm đến một độc giả mà người này còn biết nhiều về điều đó hơn chính anh ta; anh ta sáng chế ra một hình ảnh của "chính mình" mà nó còn biết nhiều hơn anh ta, để nó nói cho kẻ nào khác mà kẻ đó còn biết nhiều hơn nó nữa. Văn chương không có cách chọn lựa nào ngoài việc tăng tiền đánh cược và giữ cuộc đánh cược kéo dài, theo đuổi cái logic của một tình thế mỗi lúc lại càng có vẻ thua đậm hơn.[3]

Nhiều người cho rằng độc giả của những tác giả loại này chỉ là những tác giả đồng chí hướng với họ. Xét trên hiện tượng, nói như vậy không phải là sai, nhưng những tác giả đồng chí hướng, xét cho cùng, không thể gọi là độc giả. Tôi cho rằng Lý Bạch không phải là độc giả của Đỗ Phủ, và Ezra Pound không phải là độc giả của T.S. Eliot (cũng như Pablo Picasso không phải là khán giả của Georges Braque, và Claude Debussy không phải là thính giả của Erik Satie), mà chỉ là những người bạn cùng chuyên ngành (tương tự như trong khoa học, ý kiến của một nhà khoa học này đối với luận văn nghiên cứu của một nhà khoa học khác không phải là ý kiến của một độc giả thuần túy). Có thể nói, khi một tác phẩm cách tân triệt để ra đời, độc giả của nó, nếu có, chỉ là một nhóm ít ỏi của những người có trình độ đọc rất cao, yêu thích sự mới lạ, và sẵn sàng chấp nhận đối diện với sự thách đố về cảm quan thẩm mỹ. Những độc giả có trình độ đọc thấp hơn thường phải qua một quá trình học hỏi và rèn luyện (như sinh viên ngành văn, chẳng hạn), hoặc phải đợi đến khi tác phẩm đã được giảng giải bằng cách này hay cách khác thì mới có thể bắt đầu tiếp cận được. Thực vậy, rất nhiều năm sau khi thi phẩm The Waste Land của T.S. Eliot được xuất bản -- sau khi những đồng nghiệp đương thời của ông đã cảm nhận được nó, nhiều nhà phê bình đã thẩm định về giá trị của nó, nhiều nhà nghiên cứu văn học đã phân tích và giải thích về một số điều căn bản về kỹ thuật và mỹ học của nó, và Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao giải Nobel văn chương cho tác giả -- nó mới bắt đầu chậm chạp lan dần vào tầm lưu ý của những độc giả có trình độ phổ thông hơn.

Nói ngắn gọn, nếu nhà văn phổ thông là người áp dụng những gì sẵn có vào tác phẩm để trực tiếp phục vụ cho đại chúng đương thời, thì nhà văn sáng tạo muốn khám phá những gì chưa từng có. Đó là lý do tại sao những thành tựu của họ bao giờ cũng ít nhiều đi trước thời đại hay mang tính tiên tri (tùy theo tầm cỡ của từng người, họ có thể là nhà tiền phong của văn học thế giới hay văn học địa phương).

Như những nhà thám hiểm tiền phong, loại nhà văn này thường xuyên gặp thất bại, nhưng biết chấp nhận thất bại để làm lại từ đầu. Họ có thể tốn rất nhiều thì giờ và tâm lực để viết, rồi sửa, rồi vất bỏ, rồi lại viết, rồi lại sửa, rồi lại vất bỏ. Họ không lưu tâm đến số lượng tác phẩm, mà lưu tâm đến giá trị độc sáng của tác phẩm. James Joyce thuộc loại nhà văn này, ông bỏ ra 8 năm để viết cuốn Ulysses và 17 năm để viết cuốn Finnegans Wake. Walt Whitman cũng thế, ông mất 35 năm để chỉ tu chỉnh tập thơ Leaves of Grass.

Ngược lại với loại nhà văn phổ thông, loại nhà văn sáng tạo không nhắm đến những tác phẩm đơn giản, dễ hiểu, mà nhắm đến những công trình kỳ vĩ. Italo Calvino tuyên bố:

Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực, nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hy vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì chừng ấy văn chương mới đạt được tác dụng của nó.[4]

Loại nhà văn này thường bị đại chúng kết án là viển vông, xa rời thực tế cuộc sống đương thời, nhưng kỳ thực, họ lại là nguồn cung cấp về phong cách, kỹ thuật, và hệ mỹ học cho các nhà văn phổ thông sau này sử dụng.

 

II. "Viết cho ai?" -- một lời ta thán

Như chúng ta thấy ở trên, hai cách tiếp cận khác nhau đối với câu hỏi "viết cho ai?" dẫn đến hai hướng sáng tác khác nhau. Trước đây, tôi đã có bàn về sự phân biệt hai hướng sáng tác văn chương ở các xã hội tiền tiến: một hướng nhắm đến việc thí nghiệm và khám phá những kỹ thuật và ý niệm thẩm mỹ mới; một hướng nhắm vào sự ứng dụng những phong cách và phương pháp sáng tác sẵn có vào các tác phẩm phục vụ cho sự tiêu khiển hay những nhu cầu xã hội của đại chúng. Tôi cho rằng cả hai hướng đều cần thiết, và một xã hội lành mạnh và quân bình phải phát triển đồng thời cả hai, vì thiếu phát minh mới thì văn chương không có tương lai, nhưng thiếu tác phẩm phổ thông thì đời sống đại chúng mất vui thú. Mỗi người viết, do đó, phải xác định một hướng hoạt động cho bản thân và dốc hết sức vào đó để đạt thành công cao nhất. Nhờ sự phân biệt rạch ròi đó, ở các xã hội tiền tiến, song song với những tác phẩm best-seller được tung ra dồn dập không ngừng, những thành tựu nghệ thuật mang tính sáng tạo triệt để cũng không ngừng xuất hiện.[5]

Quan sát sự nghiệp của hai nhà văn Úc đương đại Morris West và Gerald Murnane, chúng ta có thể thấy điều đó. Thành công to lớn của Morris West hoàn toàn là sự sử dụng lại lối viết hiện thực chủ nghĩa của thế kỷ trước vào các tác phẩm phổ thông cho đại chúng; và nhờ đó, ông được đại chúng ban thưởng đúng mức bằng tiền bạc và lòng ái mộ. Ngược lại, thành công của Gerald Murnane đến từ những khám phá mới về kỹ thuật và mỹ học, và thành công ấy được công nhận bằng một cách khác. Lúc chỉ mới hoàn tất vài cuốn tiểu thuyết kén người đọc, Murnane đã trở thành đề tài nghiên cứu nghiêm túc trong các viện đại học, trên nhiều sách lý luận văn học, trên các tập san văn học quốc tế, và chính phủ Úc đã trao cho ông những trợ cấp xứng đáng để ông có thể tiếp tục sống và sáng tạo.

Ở những xã hội nơi ý thức chuyên nghiệp hoá trong các mặt sinh hoạt đã đạt trình độ cao, loại nhà văn viết cho đại chúng và những người điểm sách phổ thông có thế giới riêng, còn loại nhà văn triệt để sáng tạo và các nhà phê bình chính quy có thế giới riêng. Không hề có chuyện hục hặc lộn sòng. Còn ở những xã hội chậm tiến, nơi ý thức chuyên nghiệp hoá trong các mặt sinh hoạt vẫn còn quá thấp, thì chuyện hục hặc lộn sòng trong văn giới là chuyện khó tránh khỏi.

Thực tế cho thấy, trong sinh hoạt văn chương của chúng ta, đa số những nhà văn phổ thông và những người chuyên viết bài điểm sách phổ thông, kể cả người tài cao lẫn người tài mọn, lại cứ thường xen vào tranh cãi về những vấn đề nằm ngoài công việc của họ. Họ lải nhải hục hặc với những thí nghiệm mới, những phát kiến mới, những lý thuyết phê bình mới của hướng văn chương sáng tạo. Họ muốn câu hỏi "viết cho ai?" không còn là một lời tự hỏi riêng cho mỗi người viết, mà phải là một câu hỏi lớn, chung cho mọi người viết, và câu hỏi này đòi hỏi phải được trả lời ngay bằng một châm ngôn sẵn có của họ là "viết cho đại chúng". Không những tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tuỳ bút... mà ngay cả các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học cũng phải "viết cho đại chúng", bởi thế chúng ta cứ thấy nhan nhản những tác phẩm "nổi tiếng" xuất hiện dưới lốt phê bình văn học mà thực chất chỉ chứa đựng những điều tán nhảm, những giai thoại vớ vẩn, những chuyện ngồi lê đôi mách, và hoàn toàn thiếu chuyên môn và học thuật.

Như hệ quả của ý thức chuyên nghiệp hoá còn kém cỏi, thái độ này còn được thúc đẩy bởi ba động lực khác.

Động lực thứ nhất, ở nội địa Việt Nam, là những ảnh hưởng dai dẳng của đường lối văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong tư duy của người viết. Sau bao nhiêu năm thuộc nằm lòng khẩu hiệu "viết cho đại chúng" (một khẩu hiệu mỵ dân, qua đó, chữ "cho" không có nghĩa là phục vụ, mà có nghĩa là ban phát, giáo dục; "viết cho đại chúng" có nghĩa là viết để dạy dỗ đại chúng theo đường lối của nhà cầm quyền), thì dễ gì chỉ trong một thời gian ngắn chuyển qua kinh tế thị trường mà người viết hoàn toàn tẩy sạch khẩu hiệu đó trong óc mình. Thực tế cho thấy, mãi đến hôm nay, ngay cả trong tác phẩm của một số cây bút đổi mới nhất ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn ngửi thấy loáng thoáng cái mùi "viết cho đại chúng" theo kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong khi chưa trút bỏ được kiểu "cho" với nghĩa dạy dỗ đại chúng, đa số nhà văn trong nước đã bắt đầu chuyển dần sang cái "cho" theo nghĩa phục vụ đại chúng. Thuở trước, họ làm tốt cái "cho" kia thì được nhà nước ban thưởng; bây giờ, họ làm tốt cái "cho" này thì được đại chúng ban thưởng; và nếu họ biết cách làm tốt cả hai cái thì được cả hai ban thưởng. Bởi thế, trong những năm gần đây, hầu như mỗi khi họ muốn hục hặc với những ý tưởng nghệ thuật mới lạ, họ vừa dựa vào "dư luận của đại chúng" vừa dựa vào đường lối do nhà nước đề ra.

Động lực thứ hai, ở hải ngoại và cả ở nội địa Việt Nam, là thứ mặc cảm kỳ quặc của những nhà văn vừa muốn viết để bán chạy hay được nhiều người yêu thích, lại vừa muốn giữ một vị trí khả kính trong lịch sử của hướng văn chương sáng tạo. Cái mặc cảm kỳ quặc ấy khiến họ không bao giờ dám đi đến cùng một con đường nào cả. Họ khao khát viết những cuốn sách bán rất chạy, và có thể họ có dư khả năng làm điều ấy, nhưng họ lại sợ bị xem là quá bình dân hay quá thương mại. Họ cũng mơ ước viết những cuốn sách đầy tính độc sáng, nhưng có thể họ tự biết mình không đủ khả năng, hoặc họ tin mình có ít nhiều khả năng nhưng sợ phải bỏ quá nhiều công sức mà lại không được đại chúng đón nhận. Do đó, họ cứ mải loay hoay khổ sở. Hôm trước, họ chống báng những khám phá mới (họ hỏi vặn: "Mới là cái gì mới? "). Hôm sau, họ lại sung sướng vì có người khen nịnh văn chương của họ là mới. Khi tác phẩm bán chạy chút ít, họ tự hào: "Viết mà ai cũng yêu thích thì mới gọi là hay". Khi tác phẩm bán ế, họ tâm sự: "Quần chúng nông cạn quá, không cảm thụ nổi tác phẩm của tôi". Nhưng đối với văn chương của người khác, thì họ ứng xử ngược lại. Trước một tác phẩm quá phổ thông trong đại chúng, họ chê trách với giọng ghen tuông: "Văn chương mà bán chạy như đồ hàng chợ thì có ra gì". Trước một tác phẩm thực sự cách tân nên không được nhiều độc giả chiếu cố, họ lại chê trách: "Viết mà chẳng ai thèm đọc thì nên vất đi". Nói tóm lại, họ là những nhà văn chủ tâm viết cho đại chúng, muốn được đại chúng chiếu cố, nhưng không muốn tác phẩm của mình bị xem là một tác phẩm thuần túy phục vụ, mà lại muốn nó mang dáng dấp của một tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Những nhà văn mang thứ mặc cảm kỳ quặc này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong văn giới chúng ta, và đó là một trở lực lớn khiến sự phân biệt hai hướng văn chương phổ thông và văn chương sáng tạo theo cung cách chuyên nghiệp hoá khó có thể thực hiện được.

Động lực thứ ba, thịnh hành ở cả hải ngoại lẫn nội địa Việt Nam, là động lực phát ra từ giới độc giả phổ thông. Kỳ thực, động lực này là do hai động lực nêu trên đẻ ra. Ở miền Bắc, độc giả của nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa ngày trước nhiều khi cũng biết rằng mình đang bị lừa mỵ, rằng cái thứ văn chương ấy không phải đang phục vụ mình như nó rêu rao, mà thực ra nó đang dạy dỗ mình dưới sự chỉ đạo của nhà nước. Nhưng cái cảm giác bị lừa mỵ ấy lại cứ đi đôi với cái cảm giác sung sướng mơ hồ nào đó. Họ nghĩ: "Vâng, nó muốn dạy dỗ mình thì kệ nó, nhưng rõ ràng là nó chiếu cố đến mình. Được là đối tượng của nó, đề tài của nó, mối bận tâm chủ yếu của nó, là cũng sướng rồi." Đến khi đất nước dần dần chuyển sang kinh tế thị trường, và nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa dần dần teo tóp lại, thì chữ "cho" cũng dần dần chuyển từ dạy dỗ sang phục vụ. Và khi giới độc giả phổ thông hiểu rằng họ bắt đầu được phục vụ chút ít, thì họ cũng bắt đầu cảm thấy mình có cái quyền đòi hỏi sự phục vụ tốt hơn. Ở miền Nam, cái quyền đòi hỏi của giới độc giả phổ thông lại được hình thành bằng một con đường khác. Cái quyền đó đã có từ khi nền văn chương thương mại ở miền Nam ra đời, và nó càng lúc càng tăng theo sự trưởng thành của nền văn chương thương mại ấy suốt mấy thập niên trước khi nó bị nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa từ miền Bắc xâm lăng và ngự trị. Chữ "cho" theo nghĩa phục vụ bị biến thành chữ "cho" theo nghĩa dạy dỗ, cho đến khi kinh tế thị trường trở lại thì chữ "cho" theo nghĩa phục vụ mới được phục hồi phần nào. Khi ra hải ngoại, giới độc giả phổ thông vác theo họ cái quyền được phục vụ ấy, và rõ ràng họ được phục vụ khá hơn ở trong nước. Trong suốt 26 năm qua ở hải ngoại, mùa nào thức ấy, sở thích của họ được phục vụ đấm bóp khá tận tình (từ văn chương nhớ nhà, đến văn chương chống Cộng, đến văn chương than mây khóc gió, đến văn chương tình ái lăng nhăng...). Cái quyền đòi hỏi được phục vụ của giới độc giả phổ thông lại càng lúc càng được củng cố khi đa số nhà văn và cả nhà phê bình cứ luôn luôn nghiêm trọng lập đi lập lại những câu đại loại như: "giá trị của tác phẩm này còn chờ độc giả thẩm định", "tác phẩm này có giá trị vì được đa số độc giả tán thưởng", "tác phẩm này gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận độc giả", v.v... Khi cái quyền đòi hỏi được phục vụ trở thành cái quyền phát ra sự thẩm định giá trị, thì độc giả phổ thông biến thành những ông chủ đầy quyền uy. Khi đã có những ông chủ đầy quyền uy như thế, thì những cây bút phổ thông -- những người phục vụ -- cảm thấy họ có chỗ dựa tốt để mặc tÊnh hục hặc lộn sòng vào hoạt động văn chương của những cây bút thuộc hướng văn chương sáng tạo, và vũ khí tốt nhất họ đem ra để gây gổ chính là cái danh của ông chủ của họ: "độc giả". Họ nói: "Các anh chị đừng hòng đánh lừa độc giả. Họ là những người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ, và có mặt khắp nơi. Các anh chị không thể lường hết tầm hiểu biết của họ về nghệ thuật văn chương đâu. Trò làm dáng giả hình của các anh chị không đáng để họ lên tiếng phê phán đấy. Nên dẹp đi. Họ mà chê trách ra bằng lời thì nát cả đời..."

Tuy nhiên, khối độc giả ấy hầu như vừa vô hình lại vừa vô ngôn, và sức mạnh của họ thường chỉ có thể được nhìn thấy qua số sách báo bán được. Xét trên số sách báo bán được, chúng ta lại thấy rằng đa số trong khối độc giả ấy là những người có trình độ đọc rất kém, chỉ thích giải trí nhẹ, và không lưu tâm đến giá trị văn chương.

Trong đời sống hàng ngày, vài người trong khối độc giả ấy có thể tình cờ gặp nhau và bàn tán lai rai với nhau về một cuốn sách nào đó họ đã mua, nhưng tác giả cuốn sách lại hiếm khi có cơ hội được gặp gỡ và nghe từng câu nói rõ ràng của họ. Được nghe tận tai ý kiến của vài trăm độc giả là chuyện quá hy hữu. Tác giả chỉ thỉnh thoảng đọc được một vài ý kiến của vài độc giả gửi đăng trên báo. Nhưng vài "độc giả" ấy có thật hay không lại là chuyện khác. Để tự khen mình, tác giả cũng có thể núp dưới danh "độc giả". Để tấn công một tác giả nào đó vì những lý do thương mại, chính trị, hay cá nhân, một anh đồng nghiệp xấu tính cũng có thể mạo danh "độc giả" để viết thư đăng báo. Điều khôi hài nằm ở chỗ: thư của một "độc giả" X. nào đó (có thể chỉ là một độc giả dở hơi, hay một anh nhà văn ném đá giấu tay) lại thường được văn giới và đại chúng xem như đại biểu cho tiếng nói của một khối "độc giả" đầy quyền uy và sự công tâm! Trong bài "Tranh luận và đấu tố", Nguyễn Hưng Quốc là người đầu tiên đã mạnh mẽ phê phán trò giả mạo "thư độc giả", và vạch ra những động cơ văn hoá, thương mại và chính trị đàng sau trò ấy.[6]

Kiểu sinh hoạt văn chương nhập nhằng, mất quân bình, thiếu lành mạnh và thiếu tính chuyên nghiệp kéo dài dai dẳng suốt nhiều thập niên, trở thành phổ cập trên báo chí, và luôn được hỗ trợ bởi các tổ chức chính trị và văn hoá mỵ dân, dẫn đến một số hậu quả đáng buồn.

Về cảm quan thẩm mỹ, đại đa số người viết và người đọc tin rằng "viết cho đại chúng" là cách thế đúng đắn nhất và lý tưởng cao nhất trong việc sáng tạo văn chương: cái gì càng được nhiều người ưa thích, thì cái ấy càng có giá trị thẩm mỹ. Trong ánh sáng của thứ lý tưởng đó, họ tin rằng việc bỏ thì giờ cho những thí nghiệm và khám phá mới về kỹ thuật và mỹ học, việc thực hiện những tác phẩm giàu tính sáng tạo -- những tác phẩm thách đố cảm quan thẩm mỹ của người đọc đương thời -- là những thái độ vô bổ, làm dáng, thậm chí là thái độ giả dối và hỗn láo trước đại chúng qua những trò tiểu xảo. Cũng trong ánh sáng đó, họ tin rằng người viết trước hết phải nghĩ đến đại khối độc giả, rồi phải chú tâm vào việc viết thế nào cho đa số độc giả có thể hiểu được, nghĩa là phải biết chiều theo trình độ đọc và cảm quan thẩm mỹ của đại khối độc giả, để qua đó tác phẩm mới trở thành "nhịp cầu giao cảm chân thành" giữa người viết và đại khối độc giả. Bởi thế, đa số chúng ta dường như hoàn toàn lờ mờ hoặc không quan tâm về cái gọi là "mỹ học", và trong các chương trình giảng dạy văn học từ bậc trung học đến đại học ở Việt Nam, mỹ học là một khái niệm dường như hoàn toàn bị bỏ quên.

Về tác phẩm, tuy đa số tin theo thứ lý tưởng nêu trên, chúng ta vẫn thiếu hẳn những tác phẩm có tầm cỡ trong hướng văn chương phổ thông, và tất nhiên trong văn chương sáng tạo. Chúng ta chưa thấy một tác phẩm phổ thông nào xứng đáng vào danh sách best-seller, còn các tác phẩm sáng tạo thì cũng chỉ đạt những bước cách tân rất giới hạn. Lý do là vì, như đã phân tích ở trên, đa số nhà văn chúng ta hoặc không đủ tài, hoặc có dư tài năng mà không thể dứt khoát đi theo một hướng nào đó với thái độ chuyên nghiệp thực sự. Thực vậy, đa số tác phẩm văn chương phổ thông lẫn văn chương sáng tạo của chúng ta đều là những gì lưng chừng, sường sượng. Nếu đa số nhà văn chúng ta có dư tài năng mà viết như vậy thì thật là phí tài.

Trong cái thứ lý tưởng văn học mà độc giả đại chúng giữ địa vị của một ông chủ vô hình khổng lồ có quyền đòi hỏi được phục vụ và quyền thẩm định giá trị, câu hỏi "viết cho ai?", từ ý nghĩa của một lời tự hỏi, càng lúc càng hàm ý một sự đòi hỏi. Khi sự đòi hỏi không được đáp ứng, câu hỏi "viết cho ai?" lại biến thành một lời ta thán. Là một lời ta thán, nó hàm chứa một loạt những điều rất thú vị.

Điều thú vị đầu tiên là dường như nó chỉ được nêu lên vào những lúc có sự xuất hiện của những tác phẩm mới lạ. Thực vậy, trong một bầu khí văn chương ổn định với đội ngũ người viết an phận nằm yên nhấm nháp trong cái khung thẩm mỹ đã lên nước, với hàng loạt những tác phẩm dễ dãi chiều người đọc mọi giới, với những nhà phê bình cặm cụi viết những bài quảng cáo sách đầy mùi thù tạc, chẳng ai lại phải buồn miệng thốt lên câu hỏi "viết cho ai?" Chỉ khi một vài tác phẩm nào đó đột nhiên ra đời như một sự thách thức trước cảm quan thẩm mỹ của văn giới và độc giả đương thời, thì chúng ta mới được nghe câu hỏi ấy rào rạt nổi lên, làm như vài tác phẩm như vậy có khả năng đe dọa làm mất ổn định cả nền văn chương đương thời và tạo nên khủng hoảng nơi người viết và người đọc.

Điều thú vị tiếp theo là câu hỏi ấy, nếu được thốt lên từ miệng của các nhà văn, thường đi kèm với một tâm trạng hết sức ngộ nghĩnh. Khi đọc xong một tác phẩm mới, và thốt lên "viết như thế này thì viết cho ai?", thực ra họ muốn nói "cái này không phải viết cho tôi, vì tôi không cảm thụ nổi". Nhưng nói thẳng như thế thì ngượng quá, vì không lẽ mình lại công khai thú nhận cái giới hạn của mình trong cách cảm thụ, cái óc bảo thủ của mình trước dòng vận động và phát triển của văn chương, cái kiến quan chật hẹp cứng đờ của mình trước những phát kiến mới lạ. Không dám nói thẳng ra như thế, thì hỏi vặn "viết cho ai?", ra vẻ như mình đang lo cho khối độc giả đông đảo của đại chúng bị bỏ rơi, không được văn chương phục vụ, chứ còn đối với bản thân mình thì những cái mới lạ ấy cũng chẳng có gì đáng nói.

Điều thú vị khác là, mỗi lần có một tác phẩm mới lạ xuất hiện khiến người ta lao nhao "viết cho ai?", thì kèm theo với cái lao nhao đó thường là những lời bàn bạc mổ xẻ về "cái tâm" của tác giả, làm như một phát kiến mang tính mỹ học thường là một dấu hiệu rất đáng ngờ về đạo đức. Cái tam đoạn luận là thế này: "viết là để cho người ta hiểu mình viết cái gì, vậy nếu viết mà người ta không hiểu nổi cái gì cả, thì quả là trò lường gạt, trò tiểu xảo". Chẳng những chỉ thẩm định về đạo đức của người viết, lời ta thán "viết cho ai?" còn thường bao hàm cả một sự thẩm định về giá trị mỹ học tác phẩm. Cái cơ sở lý luận của sự thẩm định ấy là như thế này: "Tôi là một người trong đại chúng, vậy cái gì tôi không cảm nổi, thì không ai cảm nổi. Mà nếu không ai cảm nổi, thì nó là một tác phẩm thất bại, nó dở". Thật là một cơ sở lý luận thú vị!

Thú vị nhưng đáng buồn, vì những điều trên biểu hiện lối sinh hoạt văn chương của một xã hội thiếu lành mạnh và mất quân bình. Chỉ đến chừng nào câu hỏi "viết cho ai?" không còn hàm ý một sự đòi hỏi, không còn là một lời ta thán, mà được trả về cho mỗi người viết, để người ấy tự hỏi hay vất đi, tuỳ theo công việc chuyên môn của mình; chỉ đến chừng nào mỗi người viết có khả năng và can đảm tự xác định cho mình một hướng làm việc và dốc hết sức vào đó để đạt kết quả tốt nhất; chỉ đến chừng nào người đọc tự nhận thức được về khả năng đọc và cảm thụ của mình để tự rèn luyện thêm, hoặc chọn hẳn cho mình một loại văn chương thích hợp, và trút bỏ được ảo tưởng về quyền lực thẩm định nghệ thuật đầy tính cách tuỳ tiện của mình; chừng ấy sinh hoạt văn chương của chúng ta mới có thể đổi khác để làm nẩy sinh những điều thú vị khác, những điều thú vị đáng tự hào.

(03/2001)

_________________________

[1]Xin xem tiểu luận "Morris West và những bí quyết của một nhà văn best-seller"

[2]Như trên.

[3]Xem Italo Calvino, "Chúng ta viết cho ai? Hay chiếc kệ sách giả định", bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.

[4]Xem Italo Calvino, "Tính cách bội trương trong văn chương tương lai", bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.

[5]Điều này đã được nói đến trong các tiểu luận "Morris West và những bí quyết của một nhà văn best-seller", và "Vấn đề viết và đọc văn chương". Tôi nhắc lại ở đây một lần nữa vì nhu cầu của mạch lý luận.

[6]Nguyễn Hưng Quốc, "Tranh luận và đấu tố", Hợp Lưu 55 (2000):250-253.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021