thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Truyện chớp: Từ thật ngắn đến cực ngắn
(Tú Ân dịch)

Lời chú của người dịch:

Trong nguyên tác, “truyện chớp” là “flash fiction”, trong đó “flash” có nghĩa là tia chớp. Trong cách dùng của Pamelyn Casto, thuật ngữ “truyện chớp” tương đương với các danh hiệu khác như: “truyện thật ngắn” hay “truyện cực ngắn” vốn quen dùng trên Tiền Vệ.

--------------------------------------------------

 

Gần đây, hầu như nhìn vào đâu bạn cũng có thể thấy những tia chớp rực sáng của truyện hư cấu: trên các tạp chí, tập san, tuyển tập, hợp tuyển, và những tác phẩm ấy đang nở rộ cả trên internet. Truyện chớp có mới không? Hay nó chỉ là một hình thức cũ đang hồi sinh? Tôi muốn trả lời: nó là một cái gì cũ, một cái gì mới, một cái gì được vay mượn và một cái gì quả là văn chương đích thực. Viết tốt, truyện chớp là một hôn lễ của các phong cách, các truyền thống và các thể loại.

Hình thức truyện thật ngắn du hành dưới nhiều danh hiệu khác nhau. Những cái tên khác ấy bao gồm "sudden fiction" (truyện bất ngờ), "postcard fiction" (truyện bưu thiếp), "minute fiction" (truyện mini), "furious fiction" (truyện hỏa tốc), "fast fiction" (truyện nhanh), "quick fiction" (truyện vội), "skinny fiction" (truyện mỏng) và "micro-fiction" (vi truyện). Ở Pháp, những truyện ngắn thật ngắn này được gọi là “novelles” (dùng theo định nghĩa của Daniel Boulanger) trong khi ở Trung Hoa người ta gọi nó là "truyện bỏ túi", "truyện bằng lòng bàn tay" và, cái tên mà tôi thích nhất, là "truyện dài bằng hơi khói" (với ý nghĩa là thời gian để đọc nó chỉ bằng thời gian hút xong một điếu thuốc lá). Trong bài viết này, tên gọi “truyện chớp” được dùng để chỉ toàn bộ những danh hiệu và chiều dài khác nhau mà hình thức truyện thật ngắn đã từng kinh qua.

Charles Baxter, trong “Lời Dẫn Nhập” cuốn Sudden Fiction International, ghi nhận là những truyện này vượt qua nhiều ngưỡng cửa khác nhau: “chúng nằm giữa thơ ca và truyện hư cấu, giữa truyện và phác thảo, giữa sự tiên tri và hồi ức, giữa cá nhân và tập thể”. Ông còn nói thêm: “hình thức này sẽ không bị giản lược bởi những ý tưởng của bất cứ ai về nó.” Một công trình nghiên cứu về những tác phẩm này cho thấy chúng phô bày những sự biến thiên thật lớn lao. Nhưng truyện chớp, dưới bất cứ tên gọi nào khác, và với những độ dài ngắn hay lối trình bày khác nhau, vẫn toả sáng như nhau.

Dấu chỉ chung trong tất cả những tác phẩm này là tính ngắn gọn. Mặc dù quan niệm khác nhau, các biên tập viên, các nhà xuất bản và các nhà văn đều đồng ý là truyện chớp nói chung dài từ khoảng 50 từ đến khoảng 2000 từ. Randall Jarrell cho là một truyện có thể ngắn bằng một câu đơn mà thôi. Nhiều truyện chớp đáng nhớ chứa đựng chỉ một hay hai câu (thỉnh thoảng khá dài). Nhưng những truyện chớp còn có cái gì nhiều hơn là ở chiều dài, số chữ hay số câu.

Thuật ngữ “truyện chớp” có thể bao gồm một loạt những thể loại và những hình thức khác nhau, từ những truyện truyền thống, phổ thông, hiện thực, hiện thực thần kỳ, truyện dưới dạng thư từ (epistle), truyện huyền bí, huyền thoại, truyện phóng đại, ngụ ngôn, kịch, truyện thần tiên, truyện kinh dị, truyện khoa học giả tưởng, thơ văn xuôi, truyện hậu hiện đại, v.v… và v.v…

Truyện chớp cũng có thể bao gồm những lối viết có tính thí nghiệm cao độ nhằm nới rộng tầm chờ đợi của loại độc giả truyền thống. Chẳng hạn, một số truyện chớp được kể qua những phương pháp có vẻ “trần tục” như các câu đố trên báo chí, các câu hỏi trong một cuộc điều tra, lời cảm tạ trong một cuốn tiểu sử mang tính học thuật. Truyện cũng có thể được viết từ những lời nhắn tin trên báo, những câu quảng cáo hay những lời nhắn tự động trong máy điện thoại. Một số khác thách thức các quy ước (viết truyện) bằng cách chỉ dựa vào hình thức đối thoại, hay dùng quan điểm của nhân vật thuộc ngôi thứ hai (lối viết này còn hiếm). Những mảnh ngọc quý tí hon này thường sử dụng những điểm thắt gút trong suốt câu chuyện hoặc tạo nên một đoạn kết thật bất ngờ.

Cách viết trong thể truyện này phải thật chặt và gọn, bị nén lại và gây cảm xúc thật mạnh. Những truyện hay thường nói một cách bóng gió về thân phận con người trong một cách thức có nhiều ưu thế hơn hẳn những cách tiếp cận thiếu tinh tế thường gặp. Những truyện chớp hay nhất, cũng giống bao nhiêu tác phẩm văn chương xuất sắc khác, thường đọng lại trong tâm trí người đọc thật lâu sau khi đọc xong.

Một số người cho rằng thể truyện thật ngắn nở rộ là để đáp ứng sự suy giảm khả năng tập trung của độc giả hôm nay, cái tâm lý thiếu kiên nhẫn của họ. Một số người khác cho là nó nảy sinh từ những điều kiện “hen suyễn” trong hoàn cảnh sống của chúng ta hiện nay – chúng phản ánh tính chất "hụt hơi" trong đời sống hôm nay. Cũng có thể kể đến vấn đề giá thành của việc in ấn và ước muốn tạo sự đa dạng của những người làm công việc biên tập như là các nguyên nhân (dẫn dến sự nở rộ của thể truyện thật ngắn). Một số người nữa cho nguyên nhân ấy còn đến từ hiện tượng có nhiều người mất lòng tin vào cách kể chuyện truyền thống vốn dài dằng dặc. Những nhà văn và độc giả ấy tin là “chân lý” vốn xuất hiện một cách bất ngờ và chỉ loé lên một cách ngắn ngủi mà thôi.

Dù với bất cứ lý do nào, các nhà văn sáng tác truyện chớp hiện nay cũng đã thừa kế được một tài sản cao quý từ xưa. Aesop (với những ngụ ngôn nổi tiếng của ông), Ovid (trong Metamorphoses), Guy de Maupassant, Anton Chekhov (người từng nói: “Tôi có thể nói thật ngắn về những đề tài dài”), O. Henry, và Franz Kafka (đặc biệt trong cuốn Parable and Paradoxes) là một số tên tuổi trong những người từng thành công trong địa hạt này.

Trong số các nhà văn đương đại, Jorge Luis Borges nổi bật hẳn. Nhiều người cho ông là một trong những nhà văn viết đẹp nhất trong thế kỷ 20. Một số truyện của ông chỉ dài khoảng nửa trang giấy hay có khi còn ngắn hơn nữa. Tuy vậy, những truyện tí hon, gợi tưởng, và thường có vẻ khá mơ hồ này cứ còn lại mãi và không ngừng ám ảnh trong tâm trí người đọc.

Những nhà văn xuất sắc khác cũng viết truyện thật ngắn như Donald Barthelme, Elizabeth Bishop, Richard Brautigan, John Updike, Joyce Carol Oates, Russell Edson, và Raymond Carver. Thật ra, dù có viết đến xước cả mặt giấy chúng ta cũng không kể hết tên tuổi của các nhà văn từng viết các truyện thật ngắn.

Các nhà văn viết truyện thật ngắn không chỉ viết và xuất bản chúng như những tác phẩm riêng lẻ mà còn dùng chúng để tạo thành các tác phẩm dài. Italo Calvino xây dựng cuốn tiểu thuyết Invisible Cities từ những truyện chỉ có một, hai trang giấy. Alan Lightman, một tác giả chuyên về vật lý, viết cuốn Einstein’s Dreams cũng theo cách đó. Theo một hướng khác, Barry Yourgrau biến các truyện thật ngắn của ông thành nghệ thuật trình diễn, đọc chúng trong các câu lạc bộ, các rạp hát và trên đài truyền thanh.

Tính chất phổ biến trong việc viết và đọc truyện chớp hiện nay đang là một hiện tượng có tính toàn cầu. Nó đang lớn mạnh ở Mỹ và Canada nơi nó thường xuyên được đăng tải trên các tạp chí văn học có uy tín. Ngoài ra, các bản dịch (truyện chớp) từ khắp nơi trên thế giới cũng đang tràn vào các tờ báo viết bằng tiếng Anh. Châu Mỹ Latin, nơi thể truyện này đã có truyền thống dài lâu, vẫn liên tục cho ra đời những tác phẩm mới. Hình thức này cũng nở rộ ở Trung Hoa trên các tạp chí và cả nhật báo. Italy cũng đang chứng kiến sự hồi sinh của thể truyện chớp, và, điều đặc biệt thú vị là, tại Cyprus, nó chỉ đứng hàng thứ hai sau thơ trong danh sách các thể loại được xuất bản nhiều nhất.

Truyện chớp có vẻ như đặc biệt thích hợp trong hình thức xuất bản trên internet. Ngoài những đề tài hấp dẫn, kích thước của thể truyện này cũng rất thích hợp để đọc trên màn ảnh computer. Và tầm phổ biến toàn cầu của trang web cũng làm cho các tài liệu lưu hành trên thế giới dễ được tiếp cận hơn bao giờ hết. Cuộc hôn lễ giữa truyện chớp và internet dường như có tất cả các điều kiện cần thiết cho một sự hoà hợp hạnh phúc và thịnh vượng.

Trên trang giấy in hay trên trang web, tương lai của thể truyện này có vẻ vững chắc. Lúc nào người ta cũng cần những truyện chớp thật hay, viết thật chặt, có khả năng mở tung thế giới ra. Nói như Keats khi bàn về thơ, những truyện chớp ấy có thể cho chúng ta thấy “những sự giàu có vô tận trong một căn phòng hẹp”.

 

Thư mục tham khảo:

Shaphard, Robert, and James Thomas, eds. Sudden Fiction: American Short-Short Stories. Layton, Utah: Gibbes M. Smith, Inc., 1986.

Shaphard, Robert, and James Thomas, eds. Sudden Fiction International: 60 Short-Short Stories. New York-London: W. W. Norton & Company, 1989.

Allen, Roberta. Fast Fiction: Creating Fiction in Five Minutes. Cincinnati: Story Press, 1997.

Thomas, James, and Denise Thomas, and Tom Hazuka. Flash Fiction: 72 Very Short Stories. New York-London: W. W. Norton & Company, 1992.

Eprile, Tony. "Uncovering the 'Uncommon Narrative.'" Fiction Writer July 1999.

 

Nguyên tác: “Flash Fiction: The Short Short to Ultrta-Short Story” in trên trang web: http://www.netauthor.org/e2k/jan2002/features.html1

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021