thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con đường đi tới

 

Lời toà soạn:
 
Bắt đầu từ hôm nay, Tiền Vệ xin lần lượt giới thiệu các tư liệu (gồm những văn bản và hình ảnh) liên quan đến hoạt động văn chương và báo chí của Diễm Châu. Các tư liệu này là những gì các bằng hữu gần gũi của cố thi sĩ/dịch giả đã gìn giữ hoặc sưu tầm được.
 
Dưới đây là lời phi lộ của tạp chí Trình bầy số 1 (ra ngày 1 tháng 8 năm 1970) do Diễm Châu viết, cùng hình bìa của số báo ấy do Hoàng Ngọc Biên vẽ và thiết kế. Diễm Châu đã giữ vai trò tổng thư ký của tạp chí này từ ngày ra mắt cho đến khi đình bản, và nhiều bài viết của ông đã được ký với bút danh Võ Hồng Ngự.
 
Lời phi lộ này đã được Diễm Châu viết phần lớn trong vài buổi chiều, trước sự chứng kiến của Hoàng Ngọc Biên, trên một bàn cà-phê nhỏ ở lề đường Sương Nguyệt Ánh, gần toà nhà hồi ấy tổ chức USAID sử dụng làm các lớp tiếng Anh chuẩn bị cho những người đi học ở nước ngoài.
 
Xin chân thành cảm tạ nhà thơ Hoàng Ngọc Biên đã gìn giữ được những tư liệu này cho đến hôm nay.

 

____________

 

Con đường đi tới

 

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua trên cuộc Cách mạng mùa Thu. Và ngoại trừ một vài năm hiếm hoi ngay sau ngày ký kết hiệp định Genève, người Việt-nam đã phải chiến đấu không ngừng. Tuy vậy những hy sinh ròng rã suốt 25 năm trời ấy dường như vẫn chưa đủ để cho một dân tộc yêu chuộng hoà bình như dân tộc Việt-nam có thể buông súng xuống vui hưởng Tự do.

Bây giờ, vẫn còn những cụ già tóc bạc bị trói tay, bịt miệng, những em bé bất lực quằn quại trên vũng máu, những thanh niên bị đánh đập dã man, những thiếu nữ bị hãm hại.

Bây giờ, vẫn còn những cảnh tra hỏi, bắt bớ ở mỗi nẻo đường, những tiếng hét rùng rợn của những nạn nhân trong những phòng tra tấn; cả một miền đất nước biến thành một cái chuồng thú vĩ đại. Máu hoà nước mắt. Roi da và thép gai, thép gai, thép gai trùng trùng điệp điệp.

Bây giờ những người Việt-nam hèn mọn bị nhục mạ, bị xúc phạm, bị tước đoạt mọi lẽ sống như vậy vẫn phải kéo dài một cuộc đời súc vật, không chút nhân phẩm, lang thang vất vưởng, như những người Do-thái, ngay trên chính quê hương mình.

Trong lịch sử của dân tộc đã có bao giờ như bây giờ? Bây giờ...

Cuộc chiến tranh tái phát tại miền Nam Việt-nam từ năm 1958 đã không còn giới hạn vào những miền thôn quê, rừng rậm xa cách đô thị và cũng không còn chỉ là một tai hoạ cho những người dân sinh sống ở miền này thế giới. Đám cháy đã lan rộng khắp hai miền Việt-nam và đe doạ toàn thể các quốc gia vùng Đông-nam Á. Đau đớn thay, khi mức độ tàn bạo của cuộc chiến đã lên tới tột đỉnh và dường như không thể nào chịu đựng nổi nữa thì yêu cầu hoà bình tức khắc lại trở thành một một điều cấm kỵ cực kỳ nguy hiểm. Và lạ lùng hơn, dựa vào những phương tiện quân sự hiện đại, người ta đã lấy làm kiêu hãnh khi đưa ra nhận xét là không còn một vùng nào ở Việt-nam có thể được coi như an toàn nữa.

Đóng góp cả sự sống lẫn sự chết cho cuộc chiến tranh kéo dài ấy vẫn là đông đảo những người dân hèn mọn. Ở đây và ở đó người ta bảo họ rằng họ là những người đi tiền phong trong một cuộc Thánh chiến (không thập tự), rằng họ là những người bảo vệ những giá trọ thần thánh, bất-khả-nhượng của con người hoặc họ được biết rằng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm vẫn tiếp tục và chính họ là những người đương giương cao ngọn cờ độc lập. Có điều, qua cuộc ngưng bắn tạm thời năm 1954, những người dân hèn mọn ấy đã có kinh nghiệm là đánh đuổi ngoại xâm rồi, hoà bình vẫn chưa có, nghĩa là tình trạng nô lệ chưa chấm dứt, mọi người chưa có tự do...

Và tất nhiên, những người đã dốc hết máu xương, tâm huyết vào công cuộc chiến đấu chống thực dân, đế quốc ngoại bang ấy không có lý gì để lại có thể “vui vẻ” chấp nhận những thế lực thực dân, độc tài bản xứ. Đối với họ, công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của ngoại bang không thể nào tách rời công cuộc giải phóng chính con người họ. Và Cách mạng chỉ có ý nghĩa khi giải thoát họ khỏi mọi thế lực phi nhân bất cứ từ đâu tới.

Có lẽ những người lãnh đạo họ ở bên này hay ở bên kia cũng đã đồng ý như vậy. Nhưng ngay trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật, rồi thực dân Pháp, sự bất đồng ý kiến về những phương thức giải phóng con người Việt-nam ấy đã trầm trọng tới độ khiến một số lãnh tụ phải rời bỏ nhiệm vụ cứu quốc chung.

Tới khi hoà nghị Genève đưa tới sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền thì ở miền Bắc, người ta xây dựng chủ nghĩa xã hội và ở miền Nam, một số người đã tưởng là có thể dựa vào sự yểm trợ của Hoa-kỳ để mưu cầu một lối sống riêng. Và trong lúc ở miền Bắc công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa đã gặp phải một số những sai lầm nghiêm trọng thì ở miền Nam những cơ cấu phong kiến lỗi thời vẫn không được thay thế và viện trợ Mỹ ngày càng tỏ ra là một cánh tay nối dài đáng ngại của thế lực và ảnh hưởng của Hoa-thịnh-đốn.

Người ta còn nhớ, khi khước từ cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, chính quyền tại miền Nam Việt-nam lúc đó đã nại lý do là không thể tin cậy được ở kết quả của những cuộc tuyển cử tại miền Bắc. Nhưng chính khi phê bình chế độ miền Bắc như vậy thì những người lãnh đạo ở miền Nam lúc đó đã mắc phải đúng những gì họ đã nhận định về miền Bắc. Và sự chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt-nam đã khởi sự từ trước khi người lính tác chiến đầu tiên của Hoa-kỳ đặt chân lên đất nước này. Bị cô lập với quần chúng vì chính sách độc tài của mình và ngày càng lệ thuộc vào viện trợ ngoại quốc, chính quyền Ngô Đình Diệm đã không thể thực hiện được cuộc cách mạng giải phóng con người.

Tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam Việt-nam suy sụp, kéo theo sự can thiệp ồ ạt của bộ đội Hoa kỳ... Và lúc này, ý thức hệ mà các nhà cầm quyền miền Nam Việt-nam sử dụng để đối địch với ý thức hệ của miền Bắc đã lu mờ dần trước sự hiện diện của bộ đội ngoại quốc.

“Phản ứng Mỹ” tại miền Nam Việt-nam tất nhiên không thể không đẻ ra những phản ứng dây chuyền tại các nước xã hội. Và ngay tại miền Nam Việt-nam, dù mang ý nghĩa nào đi nữa, sự hiện diện của một số quá đông đảo bộ đội Mỹ đã thực sự tác hại miền này ở hết mọi khía cạnh văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội... Công cuộc đấu tranh giải phóng tại Việt-nam lại trở lại từ khởi điểm. Và đối tượng bây giờ là chủ nghĩa can thiệp vũ trang của những người Bắc Mỹ. Mức độ chiến tranh càng khốc liệt thì thế lực ngoại quốc chi phối tại Việt-nam càng quan trọng. Sự can thiệp ở đây và ở đó tất nhiên phải thu hẹp chủ quyền đã rất tương đối của người Việt-nam.

Và như vậy, việc gấp rút chấm dứt chiến tranh Việt-nam trước tiên sẽ tránh cho người Việt-nam khỏi rơi vào hoàn cảnh toàn lệ thuộc, và sau nữa sẽ là điều kiện tất yếu để cho người Việt-nam có thể xây dựng bất cứ một hình thức xã hội nào phù hợp với truyền thống và khát vọng của dân tộc.

Tuy nhiên, một nền hoà bình trong đó những kẻ bị áp bức không còn phương tiện để phản kháng và thay đổi số phận mình sẽ chỉ là một nền hoà bình của những nấm mồ.

Người ta đã nói rất đúng là không thể có hoà bình vô-điều-kiện. Một nền hoà bình Việt-nam nhất định sẽ không thể chấp nhận bất cứ một sự hiện diện nào của các lực lượng nước ngoài và đồng thời cũng không thể chấp nhận bất cứ một cơ cấu, một định chế hay một thế lực nào trong nước ngăn cản công cuộc giải phóng con người Việt-nam.

Người ta cũng đã đưa ra một đòi hỏi rất chí lý, là ở miền Nam Việt-nam, không ai có quyền trung lập cả. Thật vậy, ở miền Nam Việt-nam hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không ai có quyền trung lập trước tội ác và chiến tranh.

Và như vậy, con đường đi tới là con đường mưu cầu một nền hoà bình, trong đó mỗi một người Việt-nam, không kỳ thị ý-thức-hệ, sẽ có một chỗ đứng xứng với phẩm giá con người trên quê hương mình.

Con đường đi tới là con đường giải phóng: giải phóng đất nước và giải phóng con người Việt-nam toàn diện.

 

TRÌNH BẦY

 

 

Bìa báo Trình bầy số 1 (ra ngày 1 tháng 8 năm 1970)

Hoàng Ngọc Biên vẽ và thiết kế

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021