thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn học trinh thám ở Nam bộ đầu thế kỉ 20

 

Tại Hội Chợ Sách lần 6, đã diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 15.3 đến 20.3.2010, hội thảo “Văn học trinh thám có phải là văn học?” do Công ty Nhã Nam tổ chức là một trong những hội thảo “sát sườn” và có chất lượng. Sát sườn vì Ban Tổ Chức mời đúng người (nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, nhà báo Yên Ba, dịch giả Cao Việt Dũng — những người có quan tâm về thể loại văn học này); có chất lượng vì đặt ra đúng vấn đề và tìm đúng hướng giải quyết. Tuy nhiên, do những cách ngăn về địa lí và những đặc thù về lịch sử, nên văn học sử Việt Nam dường như vẫn còn bỏ sót hoặc “làm lơ” các nhà văn tiền phong có nhiều đóng góp vào thể loại văn học trinh thám, viễn tưởng, phiêu lưu ở Nam bộ đầu thế kỉ 20.

Nay thì nhân cuộc tranh biện chưa hồi kết thúc về “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” — mà khởi nguồn là bài viết của Ngô Tự Lập hồi 17.5.2010 về tác phẩm “Con người biết mùi hun khói” (Enfumé) của Nguyễn Ái Quốc, in trên tờ L'Humanité, số ra ngày 20/7/1922; Ngô Tự Lập cho rằng với tác phẩm viết năm 1922 này, tác giả của nó đã trở thành “cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam” — tôi thì không muốn tranh luận về “những sự vĩ đại, tiên tri” này, mà chỉ xin góp thêm vài tư liệu về văn học trinh thám của Nam bộ trước năm 1945, trước năm 1930. Đây là một bài viết cũ, đã in một phần trên báo TT&VH, ngay sau hội thảo do Nhã Nam tổ chức.

 

Văn học trinh thám Việt Nam với Phạm Cao Củng

Trong hội thảo vừa kể ở trên, theo nhà báo Yên Ba thì tiểu thuyết đầu tiên của văn học trinh thám Việt Nam chính là Vết tay trên trần (xuất bản 1936) của Phạm Cao Củng (1913-?), đây cũng là cách nhìn phổ biến lâu nay. Yên Ba viết:

“Phạm Cao Củng còn viết khoảng 20 tiểu thuyết và truyện ngắn mang màu sắc trinh thám, như Gia tài nhà họ Đặng (1937), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đám cưới Kỳ Phát (1942), Bóng người áo tím (1942), Một cái Tết rùng rợn của Kỳ Phát (1945)... Ngoài ra còn có những tác phẩm pha trộn giữa màu sắc mạo hiểm với trinh thám như Máu đỏ lòng son (1937), Hàm răng mài nhọn (1942), Chiếc gối đẫm máu (1942), Bàn tay sáu ngón (1950), Người chó sói (1950)...”

Lấy Phạm Cao Củng làm cột mốc, các nghiên cứu về văn học trinh thám Việt Nam cũng hay đề cập đến một số tác giả khác ở Hà Nội như Bửu Đình (1903-?) trước đó, với các tác phẩm như Mảnh trăng thu, in dài kì trên Phụ nữ tân văn năm 1930, Cậu Tám Lọ, cũng in trên Phụ nữ tân văn. Hay Bùi Huy Phồn (1911-1990) cùng thời, với các tác phẩm như Lá huyết thư (1931), Gan dạ đàn bà (1942), Mối thù truyền kiếp (1942), Tờ di chúc (1943). Đặc biệt Thế Lữ (1907-1989) với các tác phẩm như Lê Phong phóng viên (1937), Những nét chữ (1939), Lê Phong và Mai Hương (1939), Đòn hn (1939), Gói thuốc lá (1940).

Tất cả những thông tin này đều đúng, nếu chỉ nhìn lịch sử văn học từ và chỉ ở Hà Nội; nhưng vẫn chưa còn thiếu sót, vì theo nhiều nhà nghiên cứu văn học ở Nam bộ, văn học trinh thám Việt Nam có thể đã bắt đầu sớm hơn vài thập niên tại Nam bộ, và đa dạng hơn.

 

Từ tác phẩm văn học trinh thám ở Nam bộ in năm 1917

“Theo thống kê của chúng tôi, có lẽ chưa thật đầy đủ, số người sáng tác văn học có sách đã được xuất bản ở Nam bộ từ đầu cho đến 1945 là trên 200 tác giả. Số lượng tác phẩm thì khó có thể có con số chính xác, chúng tôi từng lập ra thư mục khoảng trên 700 cuốn sách – tất nhiên phải hiểu là có nhiều cuốn khổ nhỏ, dày chừng vài trang là những bài vè, truyện ngắn được in riêng thành quyển như: Bất cượng của Trương Vĩnh Ký (8 trang), Giấc mộng anh thợ vẽ của Khổng Lồ (12 trang)..., cho đến những tiểu thuyết dày hàng 400, 500 trang trở lên như các bộ tiểu thuyết của Phú Đức: Bà chúa đền vàng (438 trang), Lửa lòng (858 trang)...”

TS Đoàn Lê Giang trong bài “Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỉ 19 đến 1945 - Thành tựu và triển vọng nghiên cứu” đã sơ kết như vậy.

Trong 200 tác giả này, theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn thì Biến Ngũ Nhy, Nguyễn Thế Phương và Phú Đức là những văn trinh thám sớm nhất của Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, tác phẩm Bất cượng của Trương Vĩnh Ký (1837-1898) viết năm 1882; nhưng trong khoảng 120 tác phẩm của ông, có nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp. Năm 1887, Nguyễn Trọng Quản (1865–1911) cho xuất bản tác phẩm Truyện thầy Lazaro Phiền, đến nay vẫn được xem là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Những phát hiện gần đây cho thấy Biến Ngũ Nhy (15.8.1886-22.7.1973) mới là nhà văn trinh thám đầu tiên và sớm nhất của Việt Nam. Ông sinh tại Bến Tre, từng sống ở Hiệp Phú, Trà Vinh, chết tại Phú Nhuận, Sài Gòn. Từ khoảng 1915, ông đã giữ mục “Mật thám truyện” trên Công luận báo, chuyên dịch các tác phẩm trinh thám nước ngoài ra tiếng Việt như Chuyện ác lai ác báo, in đến kì 51, ra ngày 19.4.1917, chưa kết thúc; Chúa bọn sở khanh khởi đăng từ số 304, kéo dài từ ngày 9.4.1920 cho đến số 326, ra ngày 6.7.1920. Tác phẩm sáng tác hoàn chỉnh đầu tiên là Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc (khởi in trên Công luận báo từ năm 1917 đến 1920) đã được đánh giá rất cao của văn giới đương thời, thông qua những bài bình, bài luận trên các báo. Nhân vật chính Ba Lâu chuyên cướp của người giàu bất chính để tặng cho các trại trẻ mồ côi, chuyên đánh cảnh cáo những kẻ bất lương để bênh vực người yếu thế. Kết cấu của tiểu thuyết này khá hiện đại, cũng như một số tác phẩm khác cùng thời như Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu (1868-1919), Phan Yên ngoại sử (1910) của Trương Duy Toản (1885-1957), Ai làm được (1922) của Hồ Biểu Chánh (1884–1958)..., nó đã vượt qua tính chương hồi, biền ngẫu; mà mãi sau này, người ta còn nhìn thấy trong tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1896-1973), sáng tác năm 1925.

Ngoài ra Biến Ngũ Nhy cũng còn mấy tác phẩm trinh thám in báo dang dở là Một người ăn cắp bạc nhà nước (1918), Kim thời dị sử - Chủ nợ bất nhơn (khởi đăng 1921), Vị lai tân truyện - Cái nhục ngàn năm (khởi đăng ngày 19.9.1919). Toàn bộ, Biến Ngũ Nhy có 12 tác phẩm cho các thể loại sáng tác, dịch, nghiên cứu, nay đã được sưu tập đầy đủ. Riêng về sách y khoa, ông chuyên viết về khoa học tình dục, như các cuốn Phong tình bịnh chứng, Nam nữ hôn nhân – Sanh dục vệ sinh...

Tại Sài Gòn thập niên 1930 trong văn đàn có ba ông Nguyễn Đức Nhuận, đều nổi tiếng. Vị đầu tiên sinh 1900, gốc làng Bảo An, tình Quảng Nam, với bút danh Bút Trà, là người sáng lập các báo Sài thành, Sài Gòn, Sài Gòn mới... Vị thứ hai sinh 1900 tại Trà Vinh, là nhà sáng lập tờ báo nổi tiếng Phụ nữ tân văn. Vị thứ ba sinh năm 1901 tại Bình Hoà, Gia Định, bút danh là Phú Đức, nhà tiểu thuyết trinh thám, võ hiệp cự phách, có 22 tác phẩm, nay đã sưu tập được 19 tác phẩm. Phú Đức mất năm 1970, những tác phẩm đáng kể nhất là Châu về Hiệp Phố (1926), Lửa lòng (1929), Tình trường huyết lệ (1930), Tiểu anh hùng Võ Kiết (1929), Căn nhà bí mật (1931), Tổng đốc Hồ Cường (1931), Trai mùi ân khổ (1932)... Đến nay, tiểu thuyết trinh thám Châu về Hiệp Phố vẫn được nhiều độc giả ghi nhớ, tìm đọc; lúc đương thời, tác phẩm này trở thành mẫu mực, có sức ảnh hưởng đến các tác giả trinh thám khác như Sơn Vương, Tô Nguyệt Đình...

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn:

“Trước 1945, Châu về Hiệp Phố có lẽ là bộ tiểu thuyết được độc giả Nam kỳ say mê nhất, và là bộ tiểu thuyết có độ dài kỉ lục mà chưa tác phẩm nào có thể vượt qua. Tác phẩm được khởi đăng trên Trung lập báo (1926), nửa chừng chuyển sang đăng tiếp trên Công luận báo từ số 371, 7.7.1926, với tên Hoàn Ngọc Ẩn, đến số 374 lại đổi tên là Hiệp Phố châu hườn. Khi in thành sách mới mang hẳn tên Châu về Hiệp Phố (nhà in Xưa nay, 1926-1928). Năm 1952-1953 tờ báo Thần chung đăng lại Châu về Hiệp Phố, cuối thập niên 1950, tác phẩm lại được đăng trên tuần báo Bình dân. Đến năm 1970, tác phẩm lại tái xuất trên báo Đuốc nhà Nam . Nhà xuất bản Tiền Giang năm 1988 đã tái bản toàn tập 3 cuốn”.

Sơn Vương (1907-1987), nhà văn, tướng cướp, người tù khổ sai, người có ý định làm chúa đảo, có khoảng 29 tác phẩm, được viết trong khoảng 1929-1931 khi tự do, nay đã được sưu tập gần đầy đủ. Một số tiểu thuyết trinh thám, kì tình của Sơn Vương nay còn được nhắc đến như Bát cơm chan máu (1929), Phản bạn vì tình (1930), Luật rừng xanh (1930), Tướng cướp hào hoa (1931), Ai kén chồng (1931)... Sơn Vương là tác giả bán chạy lúc đương thời, tác phẩm Chén cơm lạt của người thất nghiệp (1931) đã bán hết 3.000 bản ngay trong tuần đầu tiên.

Một tác giả trinh thám khác, dưới bút hiệu Nam Đình, tên thật Nguyễn Thế Phương (1906-1978), nhà báo, nhà tiểu thuyết trường thiên liên hoàn, nhà thơ, với khoảng 25 tác phẩm, nay đã được sưu tập gần một nửa. Xét về cấu trúc và độ dài, Nam Đình là một “kiện tướng”, ví dụ như các tác phẩm Bó hoa lài (1932), Khép cửa phòng Thu (1933), Giọt lệ má hồng (1934)... Nam Đình luôn pha trộn giữa chất trinh thám và ái tình, văn phong mộc mạc, nhưng tình tiết khá hấp dẫn, bạn đọc vẫn còn nhớ Vô oan trái, Huyết lệ hoa, Chén thuốc độc...

Từ văn học trinh thám nhìn rộng hơn, ngày nay, qua các sưu tập sơ bộ về văn học Nam bộ đầu thế kỉ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã xem đây là mảnh đất triển vọng để phát triển nghề nghiệp, và đã biết nơi đây sẽ giúp làm cho văn học sử hiện đại Việt Nam hoàn chỉnh hơn.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021