Holan, Vladimír
tiểu sử &  tác phẩm 

VLADIMÍR HOLAN, người đồng thời với Vitezslav Nezval, Jaroslav Seifert, Konstantin Biebl và Karel Taige,... là một trong những thi sĩ lớn nhất của Tiệp Khắc ở thế kỷ XX.

Ông sinh tại Praha ngày 26.9.1905. Đăng bài thơ đầu tiên trên một tạp chí sinh viên vào năm 1924, năm mà Kafka mất. Thơ ông ban đầu chịu ảnh hưởng các trường siêu thực, vị lai,... nhưng rồi, cùng với những biến cố xảy ra cho đất nước ông (Munich, cuộc chiếm đóng của Đức quốc xã,...) đã thay đổi, bám sát cuộc sống thường nhật và “dấn thân” hơn trong thảm kịch của tổ quốc. Là một chứng nhân quan trọng của thời kỳ này, Holan đã trở thành một khuôn mặt nổi bật của giới “trí thức tiến bộ” trong ngày giải phóng... Năm 1946, ông được tặng một giải thưởng lớn cho bài “Kinh cầu hồn” (Panychida, 1945). Nhưng 50.000 cu-ron của giải thưởng này ông đã đem tặng lại cho quỹ giúp đỡ gia đình những người kháng chiến bị chết trong cuộc nổi dậy của Praha. Ông gia nhập đảng Cộng sản, tiếp tục cho in một số bài thơ ca ngợi Hồng quân, và vào tháng Mười 1948 đã được nhà nước Tiệp Khắc tặng Giải thưởng văn chương cho tác phẩm thi ca “kể từ 1945”, những tác phẩm “diễn tả khát vọng của dân tộc Tiệp Khắc hướng tới việc xây dựng một trật tự xã hội mới và lòng biết ơn của dân tộc đối với Liên Sô trong công cuộc giải phóng...” Nhưng nguồn “hứng khởi” của Holan đã dừng lại tại đó. Những kẻ mà ông tin tưởng sẽ đem lại cuộc đổi mới cho đất nước đã chỉ biến nước ông thành một nhà tù lớn. Bản thân ông cũng bị nghi ngờ là một người chủ trương duy thức (formaliste, ở đây đồng nghĩa với duy tâm), ông dần dà tách xa đường lối “chính thống”.

Năm 1949 Holan bị trục xuất khỏi đảng. Cũng năm này, ngày 27.4, người con gái đầu lòng của ông là Katerina ra đời, bị mắc chứng mongolisme. Holan khởi sự viết bài thơ dài “Một đêm với Hamlet”. Năm 1950, ông “trở lại” với Thiên chúa giáo.

1949-1955 là một thời kỳ Holan sáng tác rất nhiều. Trong số các tác phẩm có tập Đau đớn... Nhưng đây cũng là một thời kỳ Holan hầu như bị cấm xuất bản. Việc cấm đoán này kéo dài mãi tới năm 1963. Holan phải sống khá chật vật, chủ yếu trông vào việc phiên dịch (trên 300 bài thơ dịch của hơn 100 tác giả) và tiền bán các bản chép tay những bài thơ bị cấm của ông. Cho tới các biến cố vào tháng Tám 1968, Holan sống ẩn dật ở Kampa, một đảo nhỏ trên sông Vltava ở trung tâm Praha, trong ngôi nhà lịch sử của linh mục Dobrovsky. Ông ít khi rời Praha, chỉ đi thăm mẹ ở Vsenory trong khi bà còn sống. Một cuộc sống hoàn toàn cô đơn, nghèo túng đến nỗi vào năm 1965, khi ông được tặng Giải thưởng Lớn của Quốc gia cho toàn bộ tác phẩm, người ta đồn (lầm) rằng ông không thể đi lãnh giải vì không còn lấy một đôi giầy nào!

Năm 1963 xuất hiện nhiều thi phẩm của Holan, trong đó có các tập Vô đề, Mozartiana,Chuyện. Bài “Một đêm với Hamlet” được dựng thành kịch ở Praha (trình diễn lại 148 lần trong 25 năm kế đó). Năm 1964: các tác phẩm Lên đường, Một đêm với HamletTrialogue. Năm 1965, tập đầu tiên trong Tác phẩm toàn bộ của Holan ra đời. (Tác phẩm toàn bộ này gồm 11 tập, bị ngưng xuất bản trong thời kỳ 1970-1977, và chỉ in xong vào năm 1988).

Năm 1966: một tuyển tập quan trọng thơ Holan được xuất bản ở Ý.
Năm 1967: Holan được tặng Giải Thi ca quốc tế Etna-Taormina.
Năm 1968: “Mùa Xuân Pra-ha” tặng Holan danh hiệu “Nghệ sĩ quốc gia”.
Năm 1970 xuất hiện tập Một con gà trống cho Esculape (thơ Holan 1966-1967.)
Năm 1974: Holan được tặng Giải thưởng lớn về Thi ca quốc tế ở Knokke-le-Zoute.

Tính đến cuối năm 1976, thơ Holan đã được dịch sang các thứ tiếng: Ý, Đức, Anh, Tây-ban-nha, Thụy-điển, và Pháp.

Thế nhưng việc xuất hiện dồn dập các tác phẩm mà phần lớn trước đây bị cấm đoán cũng như những “vinh quang” muộn màng này không còn hiệu lực gì đối với Holan. Ông vẫn “đóng cửa, kéo màn” đối với thế giới bên ngoài và tiếp tục trong đêm tối cuộc đối thoại với cô đơn, đau đớn, điên rồ và những bóng ma, trong đó có Hamlet, Ophélie,...

Năm 1977, ngày 3 tháng Tư, cô con gái ông là Katerina mất, Holan ngừng viết. Ngày 17 tháng Tám, ông bị xuất huyết não lần thứ nhì khiến một phần thân thể bị tê liệt. Cuộc hấp hối của ông kéo dài mãi tới ngày 31.3.1980. Ông mất tại nhà ở Praha.

(Diễm Châu giới thiệu)

tác phẩm

THƠ [II]  (thơ) 
Tuyển tập thơ gồm 85 bài của Vladimír Holan (1905-1980) — một trong những thi sĩ lớn nhất của Tiệp Khắc ở thế kỷ XX — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Tuyển tập này được đăng làm hai kỳ. Kỳ II gồm 49 bài.

THƠ [I]  (thơ) 
Tuyển tập thơ gồm 85 bài của Vladimír Holan (1905-1980) — một trong những thi sĩ lớn nhất của Tiệp Khắc ở thế kỷ XX — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Tuyển tập này được đăng làm hai kỳ. Kỳ I gồm 36 bài.

Phục sinh  (thơ) 
Sau cuộc đời ở chốn này, một ngày kia chúng ta sẽ được đánh thức dậy...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021