Blaga, Lucian
tiểu sử &  tác phẩm 

LUCIAN BLAGA (1895-1961) sinh ngày 9. 5. 1895 tại Lancrăm, một khu làng ở Transylvannia, là một thi sĩ kiêm triết gia, có ảnh hưởng sâu xa và rộng khắp đối với thơ Ru-ma-ni hiện đại. Sinh thời, bị bọn chuyên chính cô lập và bôi nhọ, và chỉ được “phục hồi” sau khi đã mất!

Là người con thứ chin của một vị cố đạo Chính thống giáo Ru-ma-ni và một bà mẹ nông dân, Blaga đã gặp nhiều khó khăn trong thời còn học trung học, vì cha mất sớm (1908) và cảnh nhà túng thiếu. Tuy nhiên, ông đã cho in những bài thơ đầu tiên vào năm 1910. Và năm 1914, cho xuất bản bài đầu hết về triết học: “Ghi chú về trực giác trong Bergson”. Cùng năm ấy, theo học ở viện Thần học ở Sibiu, ra trường năm 1917. Năm sau ông theo học triết lý ở Đại học Vienna và đến năm 1920, đậu Tiến sĩ về Triết lý. Ông cho in thêm nhiều thơ và bắt đầu viết kịch. Từ 1926 đến 1939, ông làm việc trong ngành ngoại giao ở nhiều thủ đô như Vac-xa-va, Praha, Berne và Lisboa, nơi ông trở thành sứ thần của Ru-ma-ni. Blaga được bầu vào Hàn lâm viện Ru-ma-ni khi ông mới ngoài 40 tuổi (1936) và được cử vào ghế giáo sư môn triết lý văn hóa của đại học Cluj (1938)...

Ngày 30 tháng Chạp 1947, vua Michel thoái vị và Ru-ma-ni thiết lập chế độ cộng sản. Năm 1948, Blaga bị loại khỏi đại học và Hàn lâm viện Ru-ma-ni; sách vở của ông (thơ và triết lý,...) bị loại khỏi các thư viện và các nhà sách, bản thân ông bị cấm xuất bản. Từ 1949 đến 1959, năm ông nghỉ hưu, Blaga “được” chế độ mới cho làm một tay “thủ thư” trong thư viện của viện hàn lâm ở Cluj. Mãi đến 1953, người ta mới thấy Blaga trở lại đời sống văn nghệ như dịch giả cuốn Faust của Goethe, và tác giả một vài bài thơ (1960). Phần lớn những gì ông viết trong thời kỳ này chỉ được xuất hiện sau khi ông mất, ngày 6 tháng Năm 1961. Nay thì người ta lấy tên ông để đặt cho thư viện, nơi làm việc cuối cùng của ông. Căn nhà nơi ông sinh trở thành bảo tàng viện Blaga: bọn chuyên chính cũ nhường chỗ cho những người mới, thông minh hơn, đỡ thô kệch hơn, và dù sao thì cũng đỡ lộ liễu hơn.

Lucian Blaga để lại 9 tác phẩm triết lý, trong đó có ba pho lớn, mỗi pho gồm 3 cuốn, in từ 1919 đến 1977; 9 kịch phẩm, in từ 1921 đến 1965; một cuốn tiểu thuyết (1990); và 11 thi phẩm, trong đó có 7 cuốn in từ 1919 đến 1945 và 4 cuốn in trong cùng một năm 1962. Hằng năm, cứ vào cuối tuần lễ đầu tháng Năm, ở Cluj và ở nhiều nơi trên thế giới có người Ru-ma-ni, kể cả Paris, người ta lại thấy tổ chức những ngày “hội lễ Lucian Blaga”... trong dịp đó, người ta không quên phân phát những giải thưởng mang tên ông để tưởng nhớ ông...

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

Ngôi sao buồn bã nhất [II]  (thơ) 
Chùm thơ gồm bốn mươi bảy bài của Lucian Blaga (1895-1961) -- thi sĩ kiêm triết gia có ảnh hưởng sâu xa và rộng khắp đối với thơ Ru-ma-ni hiện đại -- lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu...

Ngôi sao buồn bã nhất [I]  (thơ) 
Chùm thơ gồm bốn mươi bảy bài của Lucian Blaga (1895-1961) -- thi sĩ kiêm triết gia có ảnh hưởng sâu xa và rộng khắp đối với thơ Ru-ma-ni hiện đại -- lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. [ Ngôi sao buồn bã nhất được đăng thành 2 kỳ liên tục]...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021