tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
“Ta, một công dân ô nhục bậc nhất, một thánh nhân nát rượu…” — Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại 

 

“…Thơ luôn là cái hiện đại nhất, năng động nhất.
Thơ ở đây, đến trước chúng ta và kéo chúng ta tới tương lai.”
(Léon-Paul Fargue, Lanterne magique).

 

Trong xã hội Việt Nam, liệu ai có thể vừa là thi sĩ vừa đứng bên lề? Một câu hỏi thích đáng, bởi ở xứ này, chế độ nào cũng vậy, thơ gần với quyền lực. Cho đến đầu thế kỷ 20, qua hệ thống khoa bảng, văn chương đã trở thành phương tiện tiến thân tiêu biểu. Hai nhà thơ lớn của Việt Nam phong kiến, Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, Nguyễn Du ở thế kỷ 19, há chẳng là dòng thế phiệt, lại nhờ dầu đèn thi cử, mà kẻ làm tới Lại Bộ Hữu Tham Tri, người được phong Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần? Từ 1945, khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thành lập, nhà văn trước hết phải tuyên truyền phục vụ cho hệ tư tưởng chính thống, như thí dụ điển hình của Hồ Chí Minh, người tự đeo một lúc hai vương miện: chủ tịch nước và thi sĩ cách mạng?

Tuy nhiên, thời nào cũng xuất hiện các gương mặt văn thân phản kháng đồng thời cũng là những nghệ sĩ thiên tài, từ Cao Bá Quát đến Trần Dần. Cao Bá Quát, sinh năm 1809, đã từng sung chức Hành Tẩu bộ Lễ. Khi được cử chấm thi, vì muốn cứu vớt một bài văn hay nhưng phạm huý, bị cách chức và phát phối. Sau này, ông bỏ quan, nổi dậy chống triều đình, nhưng thất bại, bị bắt và bị chém. Trần Dần, sinh năm 1926, một trong những người sáng lập phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm qui tụ trong những năm 1950 nhiều văn nghệ sĩ không đồng tình với chủ trương văn hoá của đảng Cộng Sản, đòi quyền tự do sáng tác. Ở tuổi 33, tác giả của những bài thơ hình bậc thang gợi hứng từ Maiakovski, kêu lên nỗi cô đơn, nghi ngờ, tuyệt vọng trong tiểu thuyết thơ nổi tiếng Cổng tỉnh:

Có gì an ủi được hơn thơ?
               Có mộng tưởng? cho tôi một ngụm?
 

Hôm nay, trong buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, chàng trai Lý Đợi gây hấn: “Bọn mày tưởng tao là ai?” Và câu trả lời cũng không kém phần khiêu khích:

Còn ta, một công dân ô nhục bậc nhất
một thánh nhân nát rượu bệnh hoạn
một thằng dở hơi ngồi trong hẻm 47 và triết lý
về khoan cắt bê tông
và mơ về những lỗ thủng, điều thay đổi
và viết một bài biền ngẫu [ngôn ngữ cũ rích]
về những điều [mà cư dân ở đây cứ tin là] hiển nhiên như thế!
tưởng có thể kết thúc nhưng tao cần phải nói thêm:
rằng bọn mày vô tư lắm
bọn mày tưởng tao là ai?
tao đang khạc nhổ vào mặt và lương tâm của tao đấy.
 

Lý Đợi (sinh năm 1978, cử nhân văn chương) là tác giả của nhiều bài thơ, trong đó có “Năm bài thơ hai chữ được viết / dưới thời của chế độ toàn trị” và tuyên ngôn “Thơ và chúng tôi không làm thơ!”. Gần đây, tại Sài Gòn, cùng Bùi Chát (sinh năm 1979, cử nhân văn chương), và một vài thi sĩ bụi đời khác, Lý Đợi đã thành lập một nhóm có tên Mở Miệng. Như biểu hiệu của nó, nhóm này đòi mở miệng chống kiểm duyệt, đồng thời mong đưa thơ ra khỏi tháp ngà để nở trong đời thường. Hài hước, tự trào, các thành viên Mở Miệng kiên quyết bảo vệ vị thế ngoài lề của mình. Ngoài lề là gì? Đó không chỉ là thái độ chống-công-thức, độc đáo, gây sốc. Ngoài lề trên hết phải là không dung túng, không khoan nhượng. Khác với nhiều thi sĩ cùng thời, họ không tụ tập quanh các cơ sở văn hoá chính thống, mong ổn định và bình an. Họ làm đủ thứ nghề kiếm sống để được tự do. Các thi sĩ Mở Miệng gọi thơ mình là “thơ-rác”, “thơ-nghĩa-địa”, tách nó khỏi thứ thơ vừa đèm đẹp vừa tử tế của Hội Nhà Văn và nhiều nhóm khác.

Dù có những điểm khác nhau, thơ Lý Đợi và Bùi Chát đều bám rễ vào thế giới cụ thể và trần tục, diễn đạt thế giới đó không diễn văn, không thống thiết. Nhạy cảm với cái rồ dại của quyền lực, với nỗi thống khổ của cuộc sống thị thành, với sex, thơ họ mang nhiều tính thời sự, ngờ vực mọi biểu tượng, không đi tìm ẩn dụ, ý nghĩa, chiều sâu. Thơ Mở Miệng mang ảnh hưởng hậu-hiện-đại, xoá bỏ cái tôi truyền thống, bẻ gãy cảm hứng trữ tình, nghi vấn cả Thơ. Thơ xưa nay vốn ưa xưng tụng chủ thể, nhưng thơ Mở Miệng, dù đôi khi bàn đến nội tâm, không bao giờ là một lời tự bạch hay một bài giảng về Chân Thiện Mỹ. Mất thiêng, nhà thơ, trong quan niệm Mở Miệng, không còn là nhà tư tưởng, bậc tiên tri, mà một kẻ “trời ơi đất hỡi”, một “thằng hề” kể chuyện đời, yêu sự chuyển động, cái cười và câu chữ.

“Vô địch” của Bùi Chát là một trong những bài thơ Việt đầu tiên bỏ đại-tự-sự:

một con cặc tầm thường, nó giữ. theo cách cha ông dạy
bảo vệ, nâng niu – không gì sai sót
nó gồng mình chịu trận dù muốn một phát
huy xứng đáng cho cặc tính mình
 
thề trinh tiết đến cùng, tuy gái gú theo
bởi phẩm hạnh. mỗi ngày nó soi gương, quấn vải
quanh háng [thật] nhiều lần nhằm sở hữu… tương lai được chuẩn bị
từng cái lồn bỏ đi như những dòng sông nhỏ
nó đâu biết [bọn] cha ông ngỏm từ khi nó lọt lòng
nửa đời không ai đụng, nó không chạm ai
vẫn còn… nguyên si & đen đúa
 
để yên ủi mỗi khi về già. nó lén lút chuyển
con cặc ra sau rồi đâm vào đít
 
[thut thit]
 

Qua đại từ “nó”, tương đương với ngôi thứ ba số ít, chỉ quan hệ thân mật hay khinh bỉ, tác giả từ chối lối độc thoại truyền thống, dạng thức tiêu biểu của cái “Tôi-là-chân-lý” vẫn độc chiếm thơ. Chắc chắn con người vẫn còn là chủ đề lớn của Bùi Chát, nhưng được đưa ra như một kẻ xa lạ không mang chỉ số căn cước nào ngoài giới tính. Các bộ phân cơ thể được mô tả là “cặc”, “háng”, “đít”. Các động tác, cụ thể và dớ dẩn, được soi mói qua một thứ ánh sáng hết sức sống sượng. Bài thơ vẽ một nhân vật phản-anh-hùng, trong khi cái tựa “Vô địch” gợi một bản anh hùng ca. Tính trào lộng, cộng thêm cái hài hước của nhiều trò chơi chữ, đã đẩy xa xúc động, khoa trương, đại ngôn. “Kháng cự lại tính trữ tình” luôn là nỗi ám ảnh của các nhà thơ lớn từ Baudelaire, Rimbaud, đến Mallarmé.

Trong “Thời hoa đỏ lè”, Bùi Chát cười nhạo bài thơ “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng, thi sĩ lãng mạn, bằng cách thêm một từ của ngôn ngữ bình dân vào cuối mỗi câu thơ. Hành động này lẽ nào không gợi lại Marcel Duchamp khi ông thêm bộ ria cho La Joconde để tấn công một tuyệt tác của hội hoạ phương Tây, xúc phạm tính nữ được thăng hoa qua nàng Mona Lisa và có lẽ ảm chỉ cả chất ái nam ái nữ của danh hoạ Ý Léonard de Vinci? Làm điều đó, Bùi Chát khẳng định tự do của mình, cùng lúc xoá bỏ biên giới giữa thơ “hàn lâm” và thơ “dân dã”. Trong “Khóc Văn Cao”, chỉ gồm sáu âm tiết “anh văn ơi! hu hu hu…”, Bùi Chát nhỏ những giọt nước mắt xấc láo xuống tác giả quốc ca Việt Nam.

“Cái lồn què”, một bài thơ khác ký tên Bùi Chát, là một thứ truyện chớt nhả, một dạng cổ tích ngụ ngôn trong đó tác giả cố ý sử dụng những từ ngữ thô tục và chèn thêm những lời bình lý thú:

là cái lồn có kinh, ngoài ra có thể hiểu như sau:
ngày xưa, cách đây thật nhiều nhiều năm. các loài đều chung sống, đối đãi với nhau như bạn bè, riêng đàn bà & lồn là 2 loài ăn chơi đàn đúm & nhậu nhẹt bê tha hơn cả
vì mắc nợ một món tiền khá lớn, lồn buộc phải ở đợ cho đàn bà. suốt ngày quanh quẩn trên cơ thể, làm lụng vất vả: từ chăm sóc sắc đẹp cho đến vệ sinh các thứ…
một hôm. nhớ giang hồ không chịu nổi, lồn bỏ trốn vài ngày. chính thế mà đàn bà biết, loài đàn ông yêu thương, đắm đuối mình cũng chỉ vì lồn
để giữ lồn lại bên mình. đàn bà tìm mọi cách giăng bẫy, đánh đập lồn tàn nhẫn đến què cả hai chân…sau đó xiềng luôn ở háng
từ đó, phần bị thiên hạ đàm tiếu, phần vì đi đứng không tiện. chẳng ai biết lồn ở đâu
duy bọn trẻ lúc nào cũng nghĩ: đàn bà & lồn, nhất định là một
 
bình:
thế mới dại dột
 

Câu chuyện được kể theo lối tuỳ hứng, dường như được viết để ném xuống phố xá, hè đường, lôi kéo sự tham gia của đám đông, rồi người tiếp lời, kẻ đong đưa, cuối cùng nhân lên ngàn lần cách hiểu, cách diễn, mà vẫn không có hồi kết. Mục đích cho thủ thuật này là gì? Nó chứng tỏ tác phẩm nghệ thuật không thuộc về tác giả cũng không thuộc về công chúng. Thơ Bùi Chát đối lập với thơ thông thường ở đó thi sĩ là chủ nhân lời nói còn độc giả là kẻ đón nhận.

“Tính tương tác với hoàn cảnh”, “tính tiêu dùng” hay “tính cưỡng chế” là  những khái niệm riêng của Mở Miệng. Vì thế, Lý Đợi đã viết bài “Khoan cắt bê tông” đúng vào ngày 9 tháng 8 năm 2005 khi Việt nam có động đất. để phản ứng lai báo chí bình dân. Cứ theo các phương tiện thông tin đại chúng, thì cách đây 3200 năm hiện tượng này đã phun núi lửa trên các vùng cao nguyên Trung bộ. Trong các báo địa phương, nhân dịp này, các chiêm tinh gia tha hồ tiên đoán tai hoạ còn dư luận thì bị sốc cùng ám ảnh cuồng dại:

 

Khoan cắt bê tông

               + Xứ Việt trở lại thời kỳ động đất-núi lửa, sau 3200 năm.

 

phải…
ta sẽ quét sạch tất cả [lũ khoan cắt bê tông] khỏi các bờ tường
ta sẽ quét sạch loài người cũng như loài vật,
ta sẽ quét sạch chim trời lẫn cá biển
ta sẽ khiến cho kẻ gian ác phải lảo đảo té nhào
và sẽ tận diệt loài người [cùng lũ khoan cắt bê tông] khỏi mặt đất…
 
phải…
ta sẽ dang tay đánh phạt lũ bội phản [và chỉ điểm]
và toàn thể cư dân Bách Việt
ta sẽ tận diệt khỏi nơi này [kể cả hẻm 47] số còn sót lại của cư dân lân cận
và xoá tên các nhà xuất bản thơ chính thống
ta sẽ tận diệt những kẻ leo lên mái nhà mà cầu cứu chi viện
ta sẽ tận diệt những kẻ chui xuống đất tìm mả đẹp…
 
hãy lặng thinh trước ta: Doi Ly_kẻ khoan cắt bê tông…
 
và hãy nhớ, ta sẽ cầm đèn lùng sục khắp Bách Việt
ta sẽ trừng phạt bọn đàn ông,
ta sẽ miệt thị bọn đàn bà
và đàn áp bọn đồng tính
những kẻ cứ điềm nhiên như rượu trên lớp cặn
bởi chúng tự nhủ rằng: Doi Ly không ban phúc, nên cũng không giáng hoạ…
chúng đã lầm, tại một xứ sở toàn trị
tài sản của chúng sẽ bị cướp phá,
nhà cửa sẽ bị tan hoang,
chúng xây nhà, nhưng không được ở,
chúng trồng nho [lúa cũng thế], nhưng chẳng được uống rượu…
 
đã gần rồi, ngày của Doi Ly
ngày vọng lên những tiếng kêu thảm thiết
ngày thịnh nộ
ngày khốn quẫn
ngày gian truân
ngày huỷ diệt & tàn phá
ngày tối tăm & mịt mù
ngày âm u & ảm đạm
ngày của thiêu rụi…
 
này hỡi đám dân vô liêm sỉ, hãy tập họp, tập họp lại đi
trước khi các ngươi bị phân tán
như vỏ trấu bị gió thổi bay trong một ngày
và nhìn lên những số phone rao vặt khoan cắt bê tông
trên các bức tường đang vây hãm các người
dù động đất, dù ta [kẻ huỷ diệt tất cả] cũng không phá bỏ được… 
 
--------------
Nguồn:  Xp 1, 2-18
 

Qua lời nhại một đoạn Cựu Ước Kinh, Lý Đợi (hay Doi Ly) rao giảng trước thần dân Bách Việt như bậc Tối Cao trước thần dân thành Jérusalem. Tác giả tung hứng tài tình thánh kinh, quảng cáo vỉa hè và ngôn ngữ ổ chuột. Lý Đợi, “remixe” cuốn sách thiêng, biến cái uy nghi và khoa trương thành một trò cười.

Đây cũng là một cách nhại khác: câu “này hỡi đám dân vô liêm sỉ, hãy tập họp, tập họp lại đi” chắc chắn được phỏng theo lời hô hào “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại” của Tuyên Ngôn Cộng Sản. Nó càng châm biếm hơn khi người ta biết rằng tư tưởng của Marx vẫn còn ngự trị trên đất này. Mặt khác, bài thơ của Lý Đợi cũng bắt nguồn cảm hứng từ những dòng quảng cáo chui “khoan cắt bê tông”. Ở Việt Nam, tường công cộng phủ đầy các lời rao ly kỳ (như khoan cắt bê tông, bán tinh trùng heo, vân vân), và những kẻ viết bậy luôn bị công an truy đuổi. Cảm thông với bất hạnh của những kẻ nghèo hèn đó, Lý Đợi diễn tả sự ngu xuẩn, nỗi khiếp hãi và tính tàn phá trong một thế giới nhiều bạo lực và đau khổ, bằng một giọng điệu hài hước mỉa mai, với một ngôn ngữ nói, kèm nhiều đối thoại và lời luận. “Khoan căt bê tông” của Lý Đợi là một bản trường ca trào phúng? Một đoản thi đậm tính hư-vô-luận? Một bài thơ trêu chọc? Tác phẩm này trên hết mang tính xây dựng: nó mời gọi chúng ta phá bỏ các hàng rào - chính trị, đạo dức, xã hội, tôn giáo - đang đè lên từng cá nhân con người.

Nhại Kinh Thánh, cưỡng chế diễn văn chính thống, bắt chước truyện dân gian, ăn cắp công khai bài và ảnh trên mạng Internet, nháy mắt ghẹo các nhà thơ lãng mạn, đó là những thể nghiệm ưa dùng của nhóm Mở Miệng. Đâu là điểm chung? Một cách nhìn khác về tác phẩm đã tồn tại, ước muốn được trong nó, và như vậy, dâng cho nó một cuộc sống mới. Nhà phê bình Nicolas Bourriaud nói: “Về các nghệ sĩ đem sáng tác của mình gắn với sáng tác của kẻ khác, ta có thể nói rằng họ góp phần xoá bỏ sự phân biệt thường có giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa sáng tạo và sao chép, giữa ready-made và bản gốc (…) Học sử dụng các hình thái (…), trước hết, là biết cách biến chúng thành của mình trong chúng”. Sửa đổi, lắp ghép, bắt chước, giễu nhại, tất cả những động tác đó làm thơ Mở Miệng vô cùng vui nhộn, cùng lúc chúng đặt dấu hỏi nghi vấn lên thế giới quá thường xuyên được coi như trong suốt và bình yên của chúng ta.

Sáng tác của Mở Miệng liên kết nhiều nghệ thuật tạo hình khác nhau, mang lại cho thi sĩ vô vàn công cụ và chất liệu mới, giúp họ thể hiện vị trí bên lề của mình, đặc biệt kéo thơ ra khỏi sách, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Được giải phóng khỏi chữ viết và văn bản, thơ Mở Miệng làm bằng ảnh, cơ thể, màu sắc, ánh sáng,… Tuy nhiên, phải mở ngoặc nhấn mạnh rằng các hình thức mới này không ràng buộc nhau trong một liên hệ có tính minh hoạ, mà trong một vị trí đối thoại. Mặt khác, thoát khỏi cạm bẫy của các học thuyết cứng ngắc hay các giá sách phủ đầy bụi, thơ Mở Miệng hít thở khí trời. Vậy các thi sĩ hè đường lại là những nghệ sĩ sáng tạo nhất, bước mải miết đi tìm cái mới. Cái lề họ chọn đứng, chẳng phải là một không gian trắng, mà là một nơi gạch xoá, tranh luận, đương đầu.

Nhưng, hiện đại, lề đường và Sài Gòn lẽ nào có thể tách rời nhau? Sài Gòn, đô thị mới, đa bản sắc, thuộc địa của Pháp từ 1861 đến 1945 và ảnh hưởng trực tiếp của Mỹ cho tới 1975. Không phải ngẫu nhiên mà thành phố này luôn dang tay chào đón cái khác. Chính ở đây, đã ra đời những tờ báo quốc ngữ đầu tiên như Gia Định Báo (1865), Nông Cổ Mín Đàm (1901) và tiểu thuyết hiện đại sớm nhất Việt Nam, Truyện thầy Lazaro Phiền (1887).

Mở Miệng hay khiến người ta nghĩ đến văn chương underground ở châu Âu vì cả hai đều mang đậm tính phi-chính-thống, bên lề, hậu-hiện-đại. Nhưng đáng tiếc, sự so sánh lại có nguy cơ mất đi tính phức tạp của hiện tượng thơ Việt này. Các thi sĩ của Mở Miệng đầy công phá, phản ứng tức thì mỗi khi được nhà chức trách hay những kẻ phải đạo lên giọng dạy dỗ, chỉ trích thơ họ “tục tĩu”, “bất lương”. Chính vì vậy có thể nói, Mở Miệng không chỉ dấn thân bằng chữ, mà còn hành động. Trong “Kiệt tác thơ - Kiệt tác nghệ thuật - Kiệt tác tự do”, viết ngày 20 tháng 6 năm 2005, ngay sau khi buổi giới thiệu thơ Mở Miệng dự định tổ chức tại Viện Goethe Hà Nội bị cấm, Lý Đợi viết:

Tôi không có cảm giác về truyền thống. Tôi có cảm giác về những không gian vĩ đại.
Tôi có cảm giác về thời đại của chính tôi. Tôi không dính líu gì đến những thứ khác.
Tôi không thuộc về bất cứ tục lệ nào—bất cứ đảng phái nào—bất cứ tôn giáo nào—bất cứ ý thức hệ nào—bất cứ tổ chức nào. Mẹ kiếp thế, tôi thuộc về tôi.
Tôi có cảm giác về sự tự do nguyên thuỷ và chân diện của mình. Tôi cảm thấy muốn tuyên chiến với những cái đang sắp hàng theo trật tự thương mại: bảo tàng viện, những phê bình gia, những sử gia nghệ thuật, những nhà mỹ học và cái gọi là những lực lượng văn hoá...
Tôi tin rằng nền nghệ thuật đích thực chưa được sinh ra; bởi nền tự do và công bình đích thực chưa được sinh ra.
Tự do chưa sinh ra. Kiệt tác tự do cũng thế.
 

Dòng thơ mới này đã mở ra một trang trong lịch sử văn học Việt Nam? Chắc chắn còn quá sớm để khẳng định điều đó, nhưng Mở Miệng đã quấy đảo thẩm mỹ đương thời, quấy rối nhà phê bình, quấy rầy nhà chức trách, quấy nhiễu độc giả. Nó ao ước mối giao tình giữa cách mạng nghệ thuật và cách tân chính trị. Trong nghĩa đó, Mở Miệng là mảnh đất mấp mô nhất nhưng có lẽ cũng trù phú nhất, trong thơ Việt đương đại.

 

-------------
Nguyên tác Pháp văn của Đoàn Cầm Thi, «Moi, citoyen ignominieux, génie alcoolique...» — Poésie et marginalité dans le Vietnam contemporain, đã đăng trên La Revue des Ressources, ngày 28 tháng 5 năm 2007.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021