tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Thực ra, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là gì?  [chuyên đề  CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC THẦN KỲ TRONG VĂN CHƯƠNG]

 

Bản dịch của Nguyễn Hoàng Văn
Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính

 

 

Bruce Holland Rogers (đôi khi mang bút danh Hanovi Braddock) là một nhà văn Hoa-kỳ, sinh tại Tucson, Arizona; hiện sống và làm việc tại Eugene, Oregon. Ông là tác giả của nhiều loại văn chương hư cấu khác nhau: truyện khoa học giả tưởng, truyện huyễn tưởng, truyện hiện thực thần kỳ, và những loại truyện tổng hợp bút pháp mang tính hậu hiện đại. Ông viết thường xuyên cho tạp chí văn học Speculations và đã từng giảng dạy tại University of Colorado, University of Illinois và University of Wisconsin.
 
Ông đã xuất bản 7 tập truyện ngắn và truyện vừa và đoạt nhiều giải thưởng, trong số đó có: Nebula Award for Best Novelette (1996) cho truyện vừa "Lifeboat on a Burning Sea" [được chuyển thành phim The Other Side (2001) bởi nhà đạo diễn Mary Stuart Masterson]; Nebula Award for Best Short Story (1998) cho truyện ngắn "Thirteen Ways to Water"; Bram Stoker Award for Short Fiction (1998) và Pushcart Prize (1999) cho truyện ngắn "The Dead Boy at Your Window; và World Fantasy Award for Short Fiction cho truyện ngắn "Don Ysidro". Ông cũng đã từng được đề nghị trao giải thưởng Edgar Allan Poe, và giải Premio Ignotus [của Tây-ban-nha]. Ngoài truyện ngắn và truyện vừa, ông còn xuất bản một tiểu thuyết: Ashes of the Sun (1996) [dưới bút danh Hanovi Braddock]; và một cuốn tiểu luận: Word Work: Surviving and Thriving as a Writer (2002).

 

_______________

 

THỰC RA, CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC THẦN KỲ LÀ GÌ?

 

"Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ" là một thuật ngữ đã bị thoái nghĩa. Lần đầu, khi mới được sử dụng để diễn tả tác phẩm của một số nhà văn Mỹ La-tinh hay một số ít nhà văn ở các nơi khác trên thế giới, nó có một ý nghĩa riêng, rất là đắc dụng với giới phê bình. Giả như ai đó lúc ấy đứng ra lập một danh sách những tác phẩm hiện thực thần kỳ mới ra đời, thì hẳn là có một số đặc điểm nhất định nào đó mà những tác phẩm nằm trong danh sách sẽ cùng chia sẻ. Thuật ngữ này còn được sử dụng để chỉ một số kỹ thuật riêng mà giới sáng tác có thể sử dụng trong những cách thế đặc biệt. Bây giờ thì mấy chữ này đã bị áp dụng tùy tiện đến nỗi việc gọi một tác phẩm là "hiện thực thần kỳ" không hề mang một ý nghĩa rành mạch rằng tác phẩm ấy sẽ như thế nào.

Hôm nay, nếu một bà chủ bút yêu cầu những tác phẩm gửi đăng phải là "hiện thực thần kỳ", thực ra bà ta chỉ cần những truyện huyễn tưởng đương đại với một tiêu chí văn chương cao — loại truyện huyễn tưởng mà những độc giả “không thích văn chương viển vông” có thể hỉ hả đón nhận. Đó chỉ là một nhãn hiệu tiếp thị và là một nỗ lực câu khách nhắm vào loại độc giả giàu sang ưa những tác phẩm mang tính phóng tưởng.

Tôi không phản đối việc dùng nhãn mác để tạo sự tiện lợi cho độc giả, hướng sự chú ý của họ đến với một tác phẩm rất có thể sẽ bị gạt ngang một cách thiếu công bằng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuật ngữ này một cách quá lố thì chúng ta sẽ xoá mờ một dòng văn học đặc sắc. Quan trọng hơn nữa, theo tôi, chúng ta đã làm cho những cây bút mới tập tễnh vào nghề phải khó khăn mới nhận ra rằng chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, với những công cụ riêng, chính là một phương tiện đặc sắc khả dĩ giúp họ sáng tạo những tác phẩm có khả năng diễn tả những thế giới quan khác biệt. Nếu giới sáng tác đọc một trăm tác phẩm mệnh danh "hiện thực thần kỳ", họ sẽ chạm trán với một mớ hổ lốn nhập nhằng đến nỗi họ có thể sẽ không nhận ra rằng có một số ít trong đống tác phẩm đó đang thực hiện một điều gì khác thường, một điều gì đó có lẽ họ cũng muốn tự mình thử nghiệm.

Nhưng chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là gì?

Trước hết, đó là một nhánh của văn chương hư cấu, loại văn chương hư cấu nghiêm túc chứ không phải viển vông, thoát ly hiện thực. Hãy cho tôi minh xác điều này: tôi cũng thích văn chương thoát ly hiện thực, và nhiều tác phẩm của tôi cũng theo chủ nghĩa thoát ly hiện thực. Tôi đồng ý với C.S. Lewis khi ông ta nhận xét rằng loại người duy nhất phản đối sự thoát ly hiện thực chính là viên cai ngục. Đọc hay viết về những đề tài như sự giải trí, sự xả hơi, chuyện chơi đùa... thì cũng chính đáng thôi, nhưng sứ mạng của văn chương hư cấu nghiêm túc không phải là thoát ly mà là dấn thân. Văn chương hư cấu nghiêm túc giúp chúng ta định danh thế giới mình đang sống cũng như nhận ra vị trí của chúng ta trong đó. Nó chuyên chở hay khám phá sự thật.

Hẳn nhiên, bất cứ loại văn chương hư cấu nào cũng có thể chạm đến sự thật. Một số truyện khoa học giả tưởng hay truyện huyễn tưởng làm được điều này, và văn chương hư cấu nghiêm túc cũng thế. Một số truyện khoa học giả tưởng hay truyện huyễn tưởng là văn chương viển vông. Nhưng chủ nghĩa hiện thực thần kỳ luôn luôn nghiêm túc, không bao giờ viển vông, bởi nó cố gắng truyền đạt thực tại của một hay nhiều thế giới quan đang thực sự hiện diện, hay đã từng hiện diện. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là một loại chủ nghĩa hiện thực, nhưng nó khác với thứ chủ nghĩa hiện thực mà hầu hết trong nền văn hoá của chúng ta hiện nay đang trải nghiệm.

Truyện khoa học giả tưởng và truyện huyễn tưởng luôn thể hiện tính phóng tưởng. Chúng luôn luôn dự ý rằng có phương diện nào đó của thực tại khách quan thì khác với điều người ta vẫn tưởng. Nếu như ma cà rồng là có thực, thì sao? Nếu như chúng ta có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng?

Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ không mang tính phóng tưởng và cũng không truyền tải những cuộc thí nghiệm ý tưởng. Thay vào đó, nó thuật lại những câu chuyện từ góc độ của những người cùng sống trong thế giới của chúng ta và trải nghiệm một thực tại khác biệt so với cái thực tại mà chúng ta gọi là khách quan. Nếu có một con ma trong một câu chuyện hiện thực thần kỳ, con ma đó không hề là một yếu tố huyễn tưởng mà là một thực chứng của đời sống thực tại mà trong đó người ta tin có ma và đã trải qua những kinh nghiệm "thực" về ma. Những tác phẩm hư cấu hiện thực thần kỳ mô tả thế giới thực của những người mà đời sống thực tại của họ khác với đời sống thực tại của chúng ta. Đó không phải là một cuộc thí nghiệm ý tưởng. Đó không phải là phóng tưởng. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ nỗ lực cho chúng ta thấy thế giới này qua đôi mắt khác. Khi nỗ lực ấy có hiệu quả, và theo tôi, nó có hiệu quả rất cao trong tiểu thuyết Nghi lễ của Leslie Marmon Siko, thì người đọc sẽ nhập vào cái 'thực tại khác' này một cách thông suốt đến mức những yếu tố "không thực" của câu chuyện — chẳng hạn như các phù thủy — sẽ vẫn còn có vẻ thực một cách đáng sợ suốt một khoảng thời gian dài sau khi đọc xong tác phẩm. Ngược lại, một truyện huyễn tưởng về những nhà phù thủy ở miền tây nam Ấn Độ sẽ khiến bạn đặt cuốn sách xuống với một chút ớn lạnh, có lẽ thế, nhưng bạn biết chắc rằng cảm giác ấy là do những gì bạn vừa đọc trong sách gây nên. Còn sau khi đọc tác phẩm hiện thực thần kỳ thì bạn lại mang cái nhận thức rằng thế giới của những phù thủy đó chính là thế giới mà con người đang thực sự sống, và bạn có cảm giác rằng có lẽ cái nhìn ấy là đúng.

Người ta có thể đọc một tác phẩm hiện thực thần kỳ như đọc một truyện huyễn tưởng, cũng cùng y một cách như vậy, người ta có thể bài bác những người tin vào các phù thuỷ là những người bán khai hay khờ khạo. Tuy nhiên, ở mức tối hảo của nó, loại văn chương này mời gọi độc giả, với sự đồng cảm, trải nghiệm cái thế giới ấy như chính những đồng loại của mình đang mục kích.

Có ba hiệu ứng chủ yếu mà nhờ đó chủ nghĩa hiện thực thần kỳ truyền đạt một thế giới quan khác, và những hiệu ứng đó liên quan đến những cách thế dị biệt giữa cái thế giới quan khác ấy với cái nhìn "khách quan" (thực nghiệm, thực chứng). Trong những thực tại khác này, thời gian không được thể hiện theo mô hình đường thẳng, mối quan hệ nhân quả thì luôn luôn mang tính chủ quan, còn cái thần kỳ và cái bình thường thì lại là cùng một thứ như nhau.

Hãy thử quan sát lối kết cấu của Trăm năm cô đơn, cuốn tiểu thuyết của Gabriel García Márquez. Như người đọc cảm nhận được ngay từ trang thứ nhất, bắt đầu với một đội hành quyết, rồi một chuyến hành trình hồi khứ rất dài, thời gian trong thế giới quan hiện thực thần kỳ không phải bao giờ cũng trôi về phía trước. Quá khứ xa xăm thì có mặt ngay trong từng khoảnh khắc hiện tại, và tương lai thì đã xảy ra rồi. Những sự thay đổi lớn lao trong trình tự thời gian của dòng tự sự phản ánh một thực tại hầu như nằm bên ngoài thời gian. Điều này giải thích sự hiện hữu của những hồn ma, những điều linh thị, và cái cảm giác rằng thời gian là một sự tái điệp vĩ đại chứ chẳng phải là một tiến trình đi tới. Trong tiểu thuyết của García Márquez, một số sự kiện nào đó cứ tiếp tục quay trở lại với tiêu điểm của hiện tại, ngay cả cho dù thời gian cứ dần dà trôi xuyên qua ba thế hệ.

Về mối quan hệ nhân-quả thì, trong cái nhìn khách quan, chúng ta biết rằng cảm xúc của một người chẳng thế nào giết chết một người khác. Chúng ta quá tin vào điều này đến mức không thể bị thuyết phục bởi một thế giới quan trong đó cảm xúc có thể giết người – chúng ta gạt bỏ nó ngay vì cho nó là huyễn tưởng. Bởi thế, trong các tác phẩm hiện thực thần kỳ, những sự kiện có quan hệ nhân-quả nội tại được trình bày song song, sự kiện này nằm bên cạnh sự kiện kia, theo một cách có vẻ như không hề xâm phạm đến hiện thực khách quan nhưng, qua các chi tiết, lối trình bày này lại muốn thuyết phục chúng ta rằng những sự kiện được mô tả ấy gắn liền với nhau không chỉ do tình cờ. Trong Nghi lễ chẳng hạn, có cảnh ở đó người phụ nữ bị ruồng bỏ đang khiêu vũ trong tâm trạng phẫn nộ. Cách đó nhiều dặm đường, gã đàn ông phản bội đang kiểm tra tại sao bầy bò của gã lại gây náo động trong đêm. Những đoạn văn mô tả hình ảnh người đàn bà giận dữ dậm gót chân xuống sàn nhảy được đặt xen kẽ với những đoạn văn mô tả hình ảnh người đàn ông bị bầy bò dậm đến chết; hai hình ảnh cứ liên tục thay thế nhau tiếp diễn, hết cái này lại đến cái kia. Chẳng có lời lẽ nào xác quyết về mối quan hệ nhân-quả giữa hai sự kiện, nhưng những gót chân của người đàn bà và những bộ vó của bầy thú lại nối kết với nhau mạnh đến độ người đọc sẽ không chỉ "thấy thế". Điều được truyền đạt ở đây không phải là một biểu tượng hay một hình ảnh mang tính ẩn dụ, mà là cái thực tế rằng một người phụ nữ có thể tức giận đến độ khi nàng dậm bước chân khiêu vũ thì người tình của nàng phải chết.

Hiệu ứng thứ ba lại là điều tâm đắc của tôi. Nếu bạn nhìn thấy rằng thế giới này bao gồm cả những phép lạ và những thiên thần, những con người hoá thú và những phụ nữ với vẻ đẹp phi phàm, những vị thần đang dạo bước giữa chúng ta và những cuộc lễ tế có thể chấm dứt một cơn đại hạn, thế thì, đối với bạn, tất cả những điều này cũng bình thường như những chiếc xe hơi, những dòng suối giữa sa mạc, và cục nước đá ở miền nhiệt đới. Đồng thời, cả thế giới này đầy quyến rũ và bí ẩn. Những chiếc xe hơi, những dòng suối giữa sa mạc, và nước đá, hết thảy, cũng đáng kinh ngạc như chính những thiên thần.

Để chuyển tải điều này, các nhà văn hiện thực thần kỳ diễn tả những chuyện bình thường như những điều kỳ diệu và diễn tả những điều kỳ diệu như những chuyện bình thường. Cục nước đá mà những người hát rong mang đến ngôi làng nhiệt đới Macondo trong Trăm năm cô đơn được diễn tả với cả một sự kính sợ. Làm thế nào mà một thứ vật chất như thế có thể hiện hữu? Nó đẹp một cách đáng kính sợ đến độ các nhân vật trong truyện chẳng biết thuật lại hay mô tả ra sao. Tuy nhiên không phải chỉ những điều mới mẻ như lần đầu tiên gặp thấy nước đá mới đáng được diễn tả khác thường đến thế. Thế giới tự nhiên cũng hiện ra trước sự chú ý tương tự như vậy. Hành vi của những con kiến hay không khí của những ốc đảo kề bên suối được mô tả với những chi tiết phù hợp với kinh nghiệm khách quan, nhưng lại nhắc nhở chúng ta rằng thế giới này đầy những điều đáng kinh ngạc và dường như đầy sự sắp đặt và mục đích.

Những điều kỳ diệu, mặt khác, lại được diễn tả với một sự chính xác vốn thích nghi với cái bình thường của đời sống hàng ngày. Khi một nhân vật trong Trăm năm cô đơn bị bắn vào đầu, máu từ thân thể anh ta chảy ra đường phố thành một vệt chạy dài mãi cho đến khi chạm đến đôi bàn chân của bà nội anh — đó là một điều kỳ diệu. Thế nhưng, dọc đường, vệt máu ấy lại được diễn tả một cách chi ly, và như thế cuộc hành trình kỳ diệu lại gắn bó sâu sắc với những sinh hoạt thường nhật của làng quê và gia đình bà nội. Một ví dụ còn hay hơn nữa là một nhân vật nữ đẹp đến độ bất kể cô đi đâu cũng có một đám mây bươm bướm bay theo. Đặc tính dị thường này đã phần nào trở thành bình thường qua sự quan sát rằng tất cả những con bướm ấy đều mang những đôi cánh rách nát, tả tơi. Cái thần kỳ, nhìn thật gần, đã trở nên cái phàm trần.

Tôi viết tiểu luận dựa vào trí nhớ, không hề tham khảo cuốn tiểu thuyết mà tôi vừa nhắc đến. Tôi có thể sai ở một hay hai chi tiết nhưng quan điểm của tôi vẫn có đủ hiệu lực: Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là một dạng thức đặc thù của văn chương hư cấu nhắm đến việc trình bày kinh nghiệm của một thế giới quan phi-khách-quan. Những kỹ thuật của nó được dành riêng cho thế giới quan đó, và, trong khi người ta có thể thoạt tưởng rằng chúng cũng giống như các kỹ thuật của loại truyện huyễn tưởng tinh xảo, thì chủ nghĩa hiện thực thần kỳ lại đang cố gắng làm một điều gì khác hơn là chỉ chơi đùa với những quy tắc của hiện thực. Nó đang chuyển tải những thực tế mà những người khác thực sự trải nghiệm, hay đã từng một lần trải nghiệm.

Như một công cụ, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ có thể áp dụng để khám phá những thực tại của những tính cách hay những cộng đồng bên ngoài dòng văn hoá chính mạch khách quan của chúng ta. Không chỉ người Nam Mỹ, dân da đỏ, hay người nô lệ Phi châu mới có thể đưa ra những nhãn quan dị biệt. Những tín đồ tôn giáo vốn tin rằng những điều siêu nhiên luôn luôn hiện diện và phép lạ đang xảy ra quanh đây, những người tin rằng các thiên thần thực sự xuất hiện và những người tin rằng mình đã từng mặc khải với Thượng đế, tất cả họ cũng đều cư ngụ trong một thực tại hiện thực thần kỳ.

Trong khi không kỳ vọng rằng mấy chữ "chủ nghĩa hiện thực thần kỳ" sẽ được trả về với cách dùng chuyên biệt của nó trước kia, tôi hy vọng rằng giới viết văn sẽ không lạc mắt khỏi một dòng văn học đặc biệt mà những chữ đó đã có lần độc quyền dành cho nó. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ đang hấp dẫn người đọc và tôi hy vọng sẽ được thấy nhiều nhà văn khám phá những triển vọng của nó và truyền tải đến những độc giả "chính mạch" những cách suy nghĩ có thể giúp chúng ta phần nào đó khôi phục lại nét quyến rũ của thế giới này.

 

 

--------------
Nguyên tác: "What Is Magical Realism, Really?" trên website http://www.writing-world.com/sf/realism.shtml

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021