tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Vài ý nghĩ về truyện cực ngắn  [chuyên đề  TRUYỆN CỰC NGẮN]

 

Lời tác giả: Bài viết này là vài ngẫm nghĩ của người viết cho mục thảo luận của chuyên đề “Truyện cực ngắn”. Với tư cách của một kẻ mới tập tành viết lách văn chương mà dám mạo muội luận bàn trên diễn đàn Tiền Vệ, bên những nhà phê bình tên tuổi như Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc... và những nhà văn đã thành danh như Thận Nhiên, Nguyễn Như Núi... thì quả thật như mưu đồ “dùng vải thưa mà che mắt Thánh” vậy. Thật dại dột quá sức tưởng tượng. Nhưng khi tư tưởng đã thành hình thì phải thốt nên lời thôi, dù những lời đó vụng về thô kệch. Vì thế mà chúng tôi mới cả gan viết bài này để vui lòng nhận được sự chỉ giáo của các bậc cao nhân.

 

Văn chương và triết học đi từ một khởi điểm giống nhau là suy tư về những nỗi niềm muôn thuở của thân phận người. Chỉ có điều triết học suy tư và diễn đạt tư tưởng bằng ngữ ngôn thuần túy còn văn chương thì diễn đạt tư tưởng ấy bằng hình ảnh hay vần điệu thi ca. Vì thế mà văn chương có vẻ tuyệt mù thơ mộng.

Nhưng như thơ haiku của Nhật Bản chỉ với 15 âm tiết, chia làm ba dòng 5-7-5, mà diễn tả tâm não của thi nhân trước cảnh vật trong một “đệ nhất sát na” thì truyện cực ngắn cũng như vậy. Với một số từ ngữ tối giản và một hình ảnh cô đọng, truyện cực ngắn phải làm bật lên được một tư tưởng gì đó của tác giả. Như vậy, nhà văn phải luôn quan sát và tìm kiếm những hình ảnh văn chương trong đời sống khả dĩ diễn tả được tư tưởng riêng của mình.

Truyện cực ngắn như một chớp loé của những hình ảnh vụt hiện trên cơ sở những tư tưởng mà người viết đã ấp ủ. Điều căn bản cho mọi tác gia là anh ta phải có một nền tảng triết học cơ bản của riêng mình. Từ đó anh ta tìm mọi cách diễn đạt những tư tưởng đó qua những hình ảnh của văn chương. Sự kết hợp này, nói như danh hoạ Thẩm Tông Khiên là “tác phẩm có một nửa chủ động và một nửa vô tình thì mới là kiệt tác”. Nếu không gói ghém một tư tưởng chủ đạo, chỉ thuần túy là những hình ảnh văn chương thì những hình ảnh đó rời rạc, thiếu sức sống và vô dụng. Còn nếu như chỉ có tư tưởng chủ đạo mà hình ảnh thiếu sinh động thì, nói như Huỳnh Phan Anh, tác phẩm sẽ không phải là một “công trình văn chương” mà chỉ là một “sơ đồ tư tưởng”. Nhiều khi người đời nhớ đến một truyện cực ngắn chỉ vì một hình ảnh tuyệt diệu hơn là chính tư tưởng của tác phẩm đó. Và đây cũng là điều khác biệt giữa triết học và văn chương. Yếu tính của văn chương, tức là cái làm cho văn chương là văn chương chính là ở hình ảnh diễn đạt. Còn yếu tính của triết học chính là những tư tưởng được hiển bày qua ngữ ngôn thuần túy. Vì thế công cuộc tìm kiếm hình ảnh diễn đạt là quan trọng bậc nhất của văn chương, đặc biệt là đối với thể loại truyện cực ngắn. Hơn thế nữa, từ mấy ngàn năm nay, những tư tưởng chính yếu đã được suy tư hết cả rồi. Đâu còn gì mới mẻ dưới ánh sáng mặt trời này nữa. Và các triết thuyết ra đời chỉ như những chú thích cuối trang của những tư tưởng chính yếu về khởi nguyên thế giới, về nỗi đau, tình yêu và cái chết mà thôi. Tức là những triết thuyết mới chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng ở bình diện này hay bình diện khác của một dòng tư duy độc nhất về thân phận con người. Và điều mới mẻ tân kỳ của văn chương là tìm kiếm cách thức diễn đạt mới cho những điều đã cũ. Cùng diễn tả một ý mà Nguyễn Du thì viết “gìn vàng giữ ngọc cho hay, cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”, Trúc Phương thì ghi “những ngày anh đi khỏi, xin em chớ đi lại, vùng tình yêu lắm bẫy nhân gian, để đêm khói thuốc tay vàng…”. Riêng Đinh Miên Vũ thì hạ bút “nơi chốn xa buồn thương mẹ quàng gánh, em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai?”

Những hình ảnh đấy tự chúng làm nên phong cách của tác giả và tạo dựng cho họ một danh tiếng lâu dài…

Bút pháp của truyện cực ngắn cần phải giản dị không cần phải quái đản hoang đường. Nhưng chính hình ảnh văn chương thì cần phải quái đản hoang đường chứ không phải là bút pháp. Những hình ảnh đẹp quái đản được tạo dựng bởi một lời văn trong sáng nhẹ nhàng mà chuyên chở được ý tưởng của người viết thì mới là cao thủ. Nhưng thường thì người đời hay vặn vẹo lời văn cho rắc rối, hiếp dâm con chữ, thêm dầu đổ lửa qua những cách chấm câu nghịch nghĩa trong khi không chú trọng gì đến những hình ảnh văn chương. Thành ra những tác phẩm đó rất thiếu sức thuyết phục người đọc do hình ảnh khô cứng và câu văn mờ tối không anh minh. Thường thì nếu quá đi theo chiều hướng đó, người viết sẽ rơi vào phong cách của bàng môn tả đạo mà thôi.

Vậy hình ảnh văn chương như thế nào là đẹp? Bởi truyện cực ngắn cô đọng về số chữ viết nên nó phải thúc liễm tinh ba vào nội tại, tức là truyện phải có sức nén và chiều sâu, như một bài thơ haiku (hài cú) của Nhật Bản vậy. Và vì thế mà hình ảnh trong truyện cực ngắn thường phải mang tính ẩn dụ rất cao, khiến cho truyện thường có khuynh hướng trở thành những dụ ngôn. Truyện càng khơi gợi cho người đọc được nhiều cách hiểu bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu. Như truyện “Làng bên” của Kafka chẳng hạn. Chỉ với hai ba câu mà người đọc thấy bật ra ngay cái ẩn dụ thành quách như Jorge Louis Borges đã chỉ ra. Hay như truyện “phong cảnh” của Kawabata chẳng hạn. Chỉ có vài dòng mà Kawabata nói lên được văn chương là một hình ảnh âm bản của đời sống, chụp lại sao chép lại đời sống. Và khi phản ánh đời sống con người qua văn chương, bản thân con người sẽ nương vào đó mà thấy được vẻ đẹp của cuộc sống. Tôi cũng nói ý này qua truyện “Tia chớp”. Từ lúc được đời sống mặc khải, được vén màn cho thấy những tia chớp anh minh, nhà văn phải diễn tả cho nhân gian thấy được. Dĩ nhiên cô đọng một hình ảnh, một đối tượng vào con chữ, khái niệm là điều không thể. Nhưng nếu như không “nương vào ngôn ngữ”, thì con người cũng không thể tìm ra chân lý. Đó là là cái diệu dụng của văn chương, làm cho văn chương còn mãi muôn đời…

Vì phản ánh những điều chung nhất của con người, nên khi đọc xong một truyện cực ngắn, người đọc sẽ cảm thấy như có một vết dằm xước vào dòng tâm tư mình. Và cứ như thế, tác phẩm ấy neo đậu vào tâm thức anh ta. Như thế, viết truyện cực ngắn là diễn đạt dòng tư tưởng của nhà văn bằng những bình diện khác nhau của ngôn ngữ. Và nói như Martin Heidegger, bất cứ tư tưởng gia nào cũng chỉ tư duy độc nhất một dòng tư tưởng, thì nhà văn khi viết truyện cực ngắn là tìm cách diễn đạt dòng tư tưởng duy nhất của mình qua nhiều hình ảnh văn chương khác nhau. Và cũng bởi vì thế mà tất cả các truyện của anh ta viết đều kết dính với nhau trong nội tại bởi dòng tư tưởng duy nhất đó.

Cái hay của truyện cực ngắn chính là “cái nhạt” của truyện ngắn đó, khiến cho ta muốn đọc đi đọc lại nhiều lần. Những cái gây sốc và gây choáng không phải là ưu điểm của truyện cực ngắn. Nó phải nhạt, nhẹ nhàng nhưng uyên áo thâm sâu. Và thường những truyện cực ngắn hay nhất có vẻ là “một cái nhạt tràn đầy sinh lực” (từ dùng của Francois Jullien). Lúc nào nó cũng mới lạ và cuốn hút người đọc, khiến cho anh ta có thể đọc đi đọc lại nó rất nhiều lần mà không thấy chán. Nói chung cái nhạt là tâm thức của phương Đông. Và những nhà văn bên trời Tây như F. Kafka, Jorge Louis Borges… khi viết những truyện ngắn đặc sắc của mình đều khiến người đọc có cảm giác như đang xem một bức tranh thủy mặc Đông phương vậy. Nó gợi mở đến cái vô cùng. Hay nói như Martin Heidegger thì những câu truyện ấy có vẻ như xa lánh và bình thản, lại làm cho ta xao xuyến. Và bởi vì “xao xuyến khai mở vô thể” tác phẩm sẽ như những vòng sóng nước mãi âm vang, làm cho ta hiểu thấu những gì không thể diễn đạt bằng lời vì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành ý diệt”. Truyện cực ngắn hay do đó sẽ dẫn nhiều người đến cửa.

Đó là vài “ngu ý”, của người viết, về truyện cực ngắn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021