tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Thất lạc và tìm thấy | Vú  [chuyên đề  VĂN NGHỆ HẬU HIỆN ĐẠI]
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
     Maxine Chernoff sinh năm 1952 tại Chicago. Bà là một trong những nhà thơ văn xuôi hàng đầu của Mỹ hiện nay. Chernoff phát biểu: "Viết những bài thơ văn xuôi này, tôi mắc nợ từ những tác phẩm của Henri Michaux và Julio Cortázar, và một số nhà văn khác, những người đã sáng tạo nên những vũ trụ mới cũng đầy những điều đáng kinh ngạc, những điều tầm thường, ngu xuẩn, và có thật như vũ trụ của chính bạn." Bà tin rằng thơ văn xuôi "có lẽ là một dạng thơ đương đại tương đương với thơ siêu hình, bởi, ở cả hai, ẩn dụ có thể mở rộng để trở thành ý niệm trung tâm của sự viết."[*] Thơ của Chernoff cũng có nét giống collage siêu thực ở những lúc các sự vật dị biệt được gắn liền vào nhau.
     Trong tiểu luận "The Fence of Character", Chernoff nhận định rằng "nhân vật" trong nhiều bài thơ văn xuôi của bà "có mặt để ngôn ngữ có thể xảy ra," nghĩa là có một cái giới hạn, một hàng rào, mà những yếu tố tự sự, bao gồm cả việc sử dụng các nhân vật hư cấu, không thể vượt qua được.[**]
     Tác phẩm của bà gồm có: A Vegetable Emergency (thơ, 1976), Utopia TV Store (thơ, 1979), New Faces of 1952 (thơ, 1985), Bop (tập truyện ngắn, 1987), Japan (thơ, 1988), Leap Year Day: New & Selected Poems (thơ, 1990; tái bản 1999), Plain Grief (tiểu thuyết, 1991), Signs of Devotion (tập truyện ngắn, 1993), American Heaven (tiểu thuyết, 1996), A Boy in Winter (tiểu thuyết, 1999), World: Poems 1991-2001 (thơ, 2001), Some of Her Friends That Year: New & Selected Stories (tập truyện ngắn, 2002).
     Thơ của Maxine Chernoff đã được chọn vào nhiều tuyển tập quan trọng, trong đó có cuốn Postmodern American Poetry: A Norton Anthology (1994).
 
-----------------
[*] Trong David Lehman (ed.), Ecstatic Occasions, Expedient Forms : 85 Leading Contemporary Poets Select and Comment on Their Poems (New York: University of Michigan Press, 1987) 28-29. [**] Maxine Chernoff, "The Fence of Character", Poetics Journal (No.5, 1985) 88.
 
 
 
MAXINE CHERNOFF
(1952~)
 
 

Thất lạc và tìm thấy

 
Tôi đang tìm kiếm bức ảnh làm cho mọi sự hoàn toàn đổi khác trong đời tôi. Nó rất nhỏ con và thường có những lúc bị mất trí nhớ, rơi vào giữa những lá bài tây, lọt vào những xe cút-kít chở đồ tạp hoá, kẹt dưới hòn đá chưa ai từng lật lên. Bức ảnh này ghi lại lúc tôi đang tìm kiếm một bức ảnh khác mà trước kia tôi đã để thất lạc, bức ảnh cũ ấy hẳn sẽ làm cho mọi sự hoàn toàn đổi khác trong đời tôi vào lúc ấy. Quá khứ tôi lẩn tránh tôi giống như một chính trị gia lẩn tránh quần chúng. Cầm chắc một vỉ đập ruồi, nó tàn phá bộ sưu tập những hộp ngũ cốc của tôi, tuổi thơ tôi đã lẩn quẩn bên cạnh bàn ăn sáng. Chỉ có bức ảnh này mới có thể giúp tôi tìm lại được mười bốn đứa trẻ con của tôi, tất cả bọn chúng đều giống hệt tôi. Khi tôi gọi Sở Tìm Người Thất Lạc, họ nói, "Hãy gọi Sở Tìm Ảnh Thất Lạc." Ở đó, người ta có một kho ảnh rất dồi dào. Đây là bức chụp đám cưới lần thứ bảy của Calvin Coolidge.[1] Đây là bức chụp một người đàn ông băng qua một mỏm đá trên chiếc xe chó kéo. Đây là bác Arthur của tôi trong đêm bác mua được một con chim công. Bức ảnh ơi! Hãy chấm dứt chuyến du hành vòng quanh thế giới trên chiếc khinh khí cầu của mi. Hãy từ bỏ việc làm của mi ở phòng trắc nghiệm gương soi. Hãy về nhà với ta, ơi mi tên đần độn, trước khi ta nhận ra ta có thể sống không cần mi nữa.
 
1985
 
 

 
Nếu tôi là người Pháp, tôi hẳn sẽ viết
về vú, những diễn dịch cấu trúc luận về vú, những cặp vú giải cấu trúc,
cặp vú của Gertrude Stein[2] ở nghĩa trang Père-Lachaise
dưới tấm bia cẩm thạch hoành tráng. Những cặp vú trong phim noire
không to hơn những trái ô-liu, cặp vú của Edith Piaf[3]
khuất bóng dưới một bài ca, những cặp vú điên khùng nhốn nháo
trong chợ bán chim vào Chủ nhật.
Những cặp vú trong tranh của Tanguy[4] làm mềm phong cảnh,
chính trị của vú (chúng ta đều bình đẳng).
Một người bạn hồi tưởng lúc còn ngậm vú,
người anh em song sinh là một bóng mờ đầy đe doạ. Nhưng khoan đã,
chúng ta đang ở Mỹ, nơi những cặp vú
nhô mũi nhọn cho đến năm 1968. Có lần tôi đã phát minh
một nhạc kịch theo kiểu Busby Berkeley[5] với những người đàn bà trần truồng
ngồi dưới nước tại một quầy hàng
nơi David Bowie[6] xóc vú họ với soda để làm
kem đông lạnh. Chuyện này nghe rất gợi dục
nhưng toát ra một không khí Platonic man mác như sơn xì.
Beckett[7] gọi vú là "dugs",[8] khiến tôi nghĩ đến
những củ khoai, nhưng ai lại gọi vú là củ khoai?
Các vũ công nhà hát Bolshoi nịt chặt vú lại
trong khi tập múa ở xà ngang.
Bạn đoán họ đang nghĩ về sự lướt trôi,
nhưng có lẽ họ chỉ nghĩ đến bánh mì, bữa ăn tối,
và chương trình trực thoại truyền hình Igor Zlotik (một thứ
Phil Donahue[9] kiểu Liên Xô). Có một bức ảnh chụp tôi
đang thay quần áo đúng lúc Paul bất ngờ bước vào
và tôi vội vã che vú lại, và năm nay có một bức khác,
chụp tôi đang ngồi làm kiểu trên cầu tàu, với cặp vú
phản ảnh vào cặp kính mát gọng bạc. Tôi đổ lỗi
cho mùa hè khi hoa nở ngập những khu vườn
và những cặp vú chĩa lên đến ngàn sao. Bọn mèo
có tám vú, và Colette[10] kể chuyện
một con mèo cho con bú trong khi
nó bú vú mẹ nó. Hãy tưởng tượng cảnh này
xảy ra cho con người. Và rồi có một câu chuyện ở Nga
về người đàn bà... nhưng khoan đã,
họ đang giảm ánh sáng xuống, và Humphrey
Bogart đang nhìn chằm chặp vào cặp vú của Lauren Bacall[11]
có vẻ như họ bắt đầu nói chuyện.
 
1985
 
------------------------------------
Nguyên tác: "Lost and Found", và "Breasts", trong Postmodern American Poetry: A Norton Anthology, ed. Paul Hoover (New York: W.W. Norton & Company, 1994), 582-584.
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngắn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
_________________________
Cước chú của người dịch:

[1]Calvin Coolidge (1923-1929), tổng thống thứ 30 của Mỹ.

[2]Gertrude Stein (1874-1946), nhà văn tiền phong thiên tài của Mỹ, mất ở Paris và được an táng tại nghĩa trang Père-Lachaise.

[3]Edith Piaf (1915-63), ca sĩ lừng danh của Pháp, có vóc người rất nhỏ bé nên được gọi là "con chim sẻ", và luôn mặc đồ đen khi trình diễn. Lúc qua đời, bà cũng được an táng tại nghĩa trang Père-Lachaise.

[4]Yves Tanguy (1900-1955), họa sĩ Mỹ gốc Pháp, thuộc phái siêu thực.

[5]Busby Berkerley (1895-1976), nhà đạo diễn điện ảnh và biên đạo múa của Mỹ.

[6]David Bowie (1947~), ca nhạc sĩ, nhà làm phim và diễn viên của Anh quốc.

[7]Samuel Beckett (1906-1989), kịch tác gia, tiểu thuyết gia, thi sĩ Ái-nhĩ-lan, đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1969.

[8]"dug" là quá khứ phân từ của động từ "dig", nghĩa là "đào", chẳng hạn, đào đất để lấy khoai; vì thế Chernoff liên tưởng đến những củ khoai.

[9]Phil Donahue (1935~), xướng ngôn viên, hoạt náo viên của Mỹ, lừng danh với chương trình trực thoại truyền hình "Phil Donahue".

[10]Colette (1873-1954), nhà văn của Pháp, tên thật là Sidonie-Cabrielle Colette, nổi tiếng như một khuôn mặt tiền phong của ý thức nữ quyền.

[11]Humphrey Bogart (1899-1957) và Lauren Bacall (1924~) là những diễn viên điện ảnh lừng danh của Mỹ. Hai người lập gia đình với nhau vào năm 1945, lúc Lauren Bacall vừa ngoài 20 tuổi, sau khi đóng chung với Humphrey Bogart cuốn phim To Have and Have Not (1944). Năm 1995, Lauren Bacall được tạp chí Empire đưa vào danh sách "100 Sexiest Stars in Film History"


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021