tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Chủ nghĩa hậu hiện đại có đáng sợ đến thế không?  [chuyên đề  VĂN NGHỆ HẬU HIỆN ĐẠI]

 

(đáp lại bài viết của Lê Chí Dũng)

 

Đọc bài viết "Phải chăng 'chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam'?" của Lê Chí Dũng, tôi cảm thấy thích thú, rồi thất vọng. Tôi thích thú, vì những câu tôi trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên một tờ báo phổ thông ở Việt Nam, cách đây đã một năm, đến bây giờ vẫn còn có người chú ý đến và biến thành đề tài cho một bài tranh luận văn học. Tôi thất vọng, vì những khuyết điểm trong cách nghiên cứu và lý luận của Lê Chí Dũng khiến bài tranh luận của anh bị lệch lạc và trở nên vô bổ. Tuy nhiên, tôi vẫn viết bài này để góp ý với anh về một số khuyết điểm cần khắc phục, và nhân tiện để giúp những người cùng ý nghĩ như anh bớt lo sợ về chủ nghĩa hậu hiện đại.

 

I. Việc sử dụng tư liệu thiếu khả tín

 

Lê Chí Dũng đã căn cứ theo bản in của bài phỏng vấn trên tờ Thể thao & văn hóa để đặt vấn đề tranh luận mang tính học thuật. Có lẽ anh đã biết rất rõ rằng, cho đến nay, không một tờ báo nào ở Việt Nam đăng hoàn toàn chính xác từng câu, từng chữ của một người được phỏng vấn, đặt biệt là "Việt kiều", nếu những lời phát biểu của người ấy không phải là những lời ca tụng chế độ hoặc những lời vô thưởng vô phạt.

Ngày 6 tháng 01 năm 2004, khi bài phỏng vấn xuất hiện trên tờ Thể Thao & văn hoá, dưới nhan đề "Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Tuấn: Lối viết hậu hiện đại sẽ phổ biến ở Việt Nam" , tôi thấy nó bị cắt bớt và sửa chữa khá nhiều so với văn bản cuối cùng tôi đồng ý với toà soạn. Người đại diện của tờ báo giải thích với tôi rằng có những câu, những chữ đã được "biên tập" vì sự "tế nhị" chính trị, và có những đoạn bị cắt bớt vì khổ báo có giới hạn. Tôi thông cảm với điều ấy, vì hiểu rằng ban biên tập không thể tự ý vượt qua những giới hạn nào đó, và dẫu sao tờ Thể thao & văn hoá chỉ là một tờ báo phổ thông chứ không phải là một tạp chí chuyên học thuật, nên tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Vả lại, cuộc phỏng vấn xảy ra rất tình cờ, và đề tài phỏng vấn do tờ báo đặt ra, ngoài dự tính của tôi, nên tôi không có tham vọng phát biểu rốt ráo dưới góc độ học thuật.

Cùng ngày 6 tháng 01 năm 2004, tôi lại thấy bài phỏng vấn được đăng lại trên website vnexpress.net, nhan đề bị đổi thành Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Tuấn và văn học hậu hiện đại. Một lần nữa, bản trên vnexpress.net lại bị cắt ngắn hơn rất nhiều, và cả câu hỏi lẫn câu trả lời đều có những chỗ rất khác với bản trên tờ Thể Thao & văn hoá (mà bản trên tờ Thể thao & văn hoá đã có những chỗ rất khác và rất thiếu sót so với bản cuối cùng tôi đồng ý với toà soạn).

Nêu lên điều trên đây, tôi muốn nhắc Lê Chí Dũng rằng ĐỪNG PHÍ THÌ GIỜ SỬ DỤNG NHỮNG BÀI BÁO PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM ĐỂ LÀM TƯ LIỆU CHO VIỆC NGHIÊN CỨU HỌC THUẬT.

 

II. Lối suy đoán thiếu chính xác

 

Mục đích chính của bài viết của Lê Chí Dũng là nhằm phản đối nhận định của tôi trên báo Thể Thao & văn hoá qua một câu nói: "chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam"; và anh đưa ra một kết luận mạnh mẽ rằng: "Xin nói thật với ông Hoàng Ngọc-Tuấn: chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là một trào lưu văn học, không có tiền đồ ở Việt Nam." [LCD tô đậm]

Tôi không có gì phải thắc mắc khi Lê Chí Dũng phản đối lời nhận định của tôi và càng không thắc mắc trước kết luận của anh, vì tôi chấp nhận rằng anh -- Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa Ngữ văn của trường Đại học Ðà Lạt, một người được đào tạo thuần thành trong nền giáo dục của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam -- tất nhiên phải có lối suy nghĩ như thế. Nhưng tôi phải khẳng định ngay ở đây rằng khi tôi nói "chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam", tôi không hề tưởng tượng ngây ngô rằng sẽ có một "trào lưu văn học hậu hiện đại" ở Việt Nam trong thế kỷ 21 (như anh Lê Chí Dũng lo sợ), mà chỉ tiên đoán rằng lối viết hậu hiện đại sẽ càng ngày càng được sử dụng ở Việt Nam dù kết quả sẽ là những tác phẩm không nhất thiết sẽ mang tính hậu hiện đại thực sự (cũng tương tự như việc sử dụng rất phổ biến của lối viết hiện đại [modernist] ở Việt Nam đã chưa từng tạo nên một tác phẩm nào đúng nghĩa hiện đại).

Tiếp theo đây, tôi xin trình bày những điều lệch lạc trong lối suy đoán của anh.

 

1. Lê Chí Dũng khởi sự bài viết với một loạt những đoạn trích dẫn từ bài phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn trên báo Thể Thao & văn hoá. Nêu lên ba đoạn trích dẫn đầu tiên, Lê Chí Dũng đánh giá những nhận định của tôi là "rất sáng tỏ, có sức thuyết phục", "đáng tin cậy về mặt thông tin", và "cân nhắc, thận trọng, đúng mực." Đến đoạn trích dẫn thứ tư thì anh bắt đầu phê phán. Anh viết:

      Thế nhưng, tiếp theo, rất đột ngột, ông HNT nói: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”. Ông HNT đã dùng hai chữ dẫu sao để trốn khỏi cái việc phải nêu luận chứng, luận cứ, để ông có thể phán một mệnh đề “xanh rờn” như bạn đọc đã thấy.
      Trong bài trả lời phỏng vấn của ông HNT, từ trước hai chữ dẫu sao trở lên, ông thể hiện mình là một nhà nghiên cứu khoa học nghiêm túc; còn câu: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” khiến tôi chẳng biết sẽ coi ông này là người như thế nào nữa… [LCD tô đậm]

Như tôi đã nói ở phần I trên đây, Lê Chí Dũng đã căn cứ vào một bài phỏng vấn trên một tờ báo phổ thông đã được "biên tập" và cắt xén để đặt vấn đề tranh luận văn học. Trong thực tế, câu trả lời của tôi đã không "rất đột ngột" như thế. Để làm chỗ dựa cho lập luận của mình, tôi đã đưa ra một số tên tuổi các nhà văn ở Việt Nam hôm nay đang sử dụng lối viết hậu hiện đại trong những sáng tác mới của họ, nhưng vì một sự "tế nhị" nào đó (mà toà soạn cho rằng sẽ "không thuận lợi" cho những người được nêu tên"), họ đã cắt bớt đi đoạn ấy. Chẳng có lý do gì tôi phải "trốn khỏi cái việc nêu luận chứng, luận cứ" như Lê Chí Dũng tưởng tượng. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì quan trọng, vì người đọc kỹ bài phỏng vấn sẽ nắm được ý tưởng chính của tôi chẳng mấy khó khăn.

 

2. Lê Chí Dũng gán cho tôi ý tưởng rằng lối viết hậu hiện đại mà tôi tiên đoán sẽ phổ biến ở Việt Nam phải là lối viết “thực sự chuyên chở cảm quan hậu hiện đại”. Nguyên văn của anh:

Lối viết hậu hiện đại ở đây theo ông HNT, phải là lối viết “thực sự chuyên chở cảm quan hậu hiện đại”.

Tôi không hề cho rằng lối viết hậu hiện đại mà các nhà văn ở Việt Nam sẽ sử dụng là lối viết "thực sự chuyên chở cảm quan hậu hiện đại". Tôi tiên đoán lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng ngay bây giờ thì lối viết ấy chưa được phổ biến, vậy thì bằng cách nào tôi đọc được những tác phẩm ở tương lai để biết rằng chúng "thực sự chuyên chở cảm quan hậu hiện đại"? Trong bài phỏng vấn, tôi chỉ nói đã có một số truyện của vài nhà văn Việt Nam ở hải ngoại sử dụng lối viết hậu hiện đại, nhưng những truyện ấy chưa thực sự là truyện hậu hiện đại, vì chưa thực sự chuyên chở cái cảm quan hậu hiện đại.

Lê Chí Dũng đã trích "sót", nên hiểu nhầm chăng?

Ta hãy so sánh một câu nói của tôi qua 3 văn bản khác nhau.

Bản của Thể Thao & văn hoá:

“Có chứ. Trong vài năm gần đây, tôi thấy có vài nhà văn Việt Nam đã sử dụng một số kỹ thuật viết hậu hiện đại, chẳng hạn kỹ thuật “nhại văn” (pastiche), lối viết đa tuyến, phi tuyến, hiện thực kỳ ảo, v.v… Tuy nhiên, những truyện ấy chưa thực sự là truyện hậu hiện đại, vì chưa thực sự chuyên chở cái cảm quan hậu hiện đại mà tôi đã trình bày khái quát ở trên. Các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài có cơ hội thuận lợi hơn để tiếp nhận cái cảm quan hậu hiện đại vì họ sống ngay trong xã hội hậu hiện đại. Tuy thế, vẫn còn rất ít trong số họ thực sự có lối viết hậu hiện đại”. [tôi tô đậm]

Bản trên vnexpress.net thì rất ngắn, nhưng vẫn còn nguyên những chữ được tô đậm ở trên:

- Trong vài năm gần đây, tôi đã thấy vài nhà văn Việt Nam sử dụng một số kỹ thuật viết hậu hiện đại, chẳng hạn kỹ thuật "nhại văn" (pastische), lối viết đa tuyến, phi tuyến, hiện thực kỳ ảo... Tuy nhiên, những truyện ấy chưa thực sự là truyện hậu hiện đại, vì chưa thực sự chuyên chở cái cảm quan hậu hiện đại. [tôi tô đậm]

Bản trích của Lê Chí Dũng thì "bỏ sót" những chữ rất cần thiết ở câu đó:

“Có chứ. Trong vài năm gần đây, tôi thấy có vài nhà văn Việt Nam sử dụng một số kỹ thuật viết hậu hiện đại, chẳng hạn kỹ thuật “nhại văn” (pastiche), lối viết đa tuyến, phi tuyến, hiện thực kỳ ảo, v.v… Tuy nhiên, những truyện ấy chưa thực sự chuyên chở cái cảm quan hậu hiện đại mà tôi đã trình bày khái quát ở trên. Các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài có cơ hội thuận lợi hơn để tiếp nhận cái cảm quan hậu hiện đại vì họ sống ngay trong xã hội hậu hiện đại. Tuy thế, vẫn còn rất ít trong số họ thực sự có lối viết hậu hiện đại”. [tôi tô đậm]

 

3. Từ chỗ trích dẫn "bỏ sót", đến nhận định lệch lạc, rồi đến sai quá đà, Lê Chí Dũng viết:

Theo mạch lập luận như vậy của ông HNT, thì câu: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” của ông này hàm ý: chẳng bao lâu nữa xã hội hậu hiện đại sẽ hiện hữu ở Việt Nam; lúc đó con người ở đất nước ấy sẽ có cảm thức hậu hiện đại, “chấp nhận rằng bản chất của thế giới là hỗn mang…”; và đấy là cơ sở xã hội – tâm lý để “lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”. [LCD tô đậm]

Tôi không bao giờ có hàm ý rằng chẳng bao lâu nữa xã hội hậu hiện đại sẽ hiện hữu ở Việt Nam. Đó là một ý tưởng rất ngô nghê. Trước sức đề kháng của vô số những người có tinh thần xã hội chủ nghĩa bảo thủ (như Lê Chí Dũng, chẳng hạn), sẽ còn quá xa để Việt Nam trở thành một xã hội hiện đại, chứ nói chi đến hậu hiện đại. Tôi cũng không cho rằng chỉ đến lúc con người Việt Nam có cảm thức hậu hiện đại, hay đến lúc đất nước Việt Nam đã là một cơ sở xã hội - tâm lý hậu hiện đại, thì lối viết hậu hiện đại mới trở nên phổ biến.

Những điều tôi muốn nói qua những câu trả lời phỏng vấn có thể tạm rút gọn thật đơn giản như thế này:

- Xã hội hậu hiện đại làm sinh ra cảm thức hậu hiện đại. Tuy nhiên, trong xu hướng hoàn cầu hoá, với điều kiện thông tin thuận lợi, những xã hội hiện đại, và ngay cả tiền hiện đại, cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm hậu hiện đại.

- Trong các xã hội hậu hiện đại, hiện đại, và ngay cả tiền hiện đại, nhà văn có thể sáng tạo ra lối viết thích hợp để biểu hiện cảm thức hậu hiện đại nơi tự thân hoặc những kinh nghiệm hậu hiện đại mà họ có thể chia sẻ với đời sống hoàn cầu.

- Khi lối viết ấy đã được phổ biến qua nhiều tác phẩm thời danh, rồi được các nhà lý thuyết phân tích rành mạch về mặt kỹ thuật, thì lối viết ấy có thể được sử dụng ở bất cứ nơi nào.

- Nhà văn ở các nước chưa phải là hậu hiện đại, không cần mang cảm thức hậu hiện đại thực sự, vẫn có thể sử dụng lối viết ấy trong tác phẩm của mình, nếu họ thấy lối viết ấy giúp họ mở rộng khả năng diễn đạt. Tác phẩm của họ, qua đó, sẽ mang ít nhiều nét hậu hiện đại trên mặt kỹ thuật, nhưng chưa thực sự là tác phẩm văn chương hậu hiện đại cho đến chừng nào chính họ mang cảm thức hậu hiện đại và muốn diễn tả cảm thức ấy qua tác phẩm của mình. Ngay cả những nhà văn đang sống tại một xã hội hậu hiện đại cũng thế.

Việc sáng tạo một lối viết và việc sử dụng một lối viết là hai điều hết sức khác nhau.

Nhà văn Việt Nam có thể bắt chước, vay mượn, hay sử dụng những lối viết từ nước ngoài, mà không cần phải đợi đến khi đất nước Việt Nam có những điều kiện xã hội như nước ngoài. Chính Lê Chí Dũng đã viết về điều này ngay trong bài viết của anh:

Văn học Việt Nam hiện đại hóa trong những điều kiện khắc nghiệt của chế độ thuộc địa - nửa phong kiến; trong những điều kiện đó các nhà thơ Hàn Mặc tử và Chế Lan Viên đã học hỏi một số yếu tố của thơ siêu thực và thơ lãng mạn của hai thi sĩ này được đẩy tới tận cùng (romantisme jusqu’au about), Bích Khê đã “vay” một số yếu tố của thơ tượng trưng, viết tập thơ Tinh huyết, trong đó có “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. [LCD tô đậm]

Nếu "trong những điều kiện khắc nghiệt của chế độ thuộc địa - nửa phong kiến", mà văn học Việt Nam đã có thể "hiện đại hoá" như Lê Chí Dũng nhận định (và tất nhiên anh đã "lạc quan" quá trớn!), thì người ta có thể cho rằng trong điều kiện đang phát triển khá nhanh chóng của đất nước hôm nay, văn học Việt Nam có thể "hậu hiện đại hoá". Chứ sao không?

Tất nhiên tôi không hề lạc quan ngây ngô đến mức có ý nghĩ như thế. Tôi chỉ xin nói thêm rằng, suốt hơn nửa thế kỷ qua, càng ngày càng có nhiều cây bút thơ văn ở Việt Nam sử dụng lối viết hiện đại, nhưng Việt Nam vẫn chưa hề có một nền văn học hiện đại thực sự, và mãi cho đến hôm nay xã hội Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để gọi là một xã hội hiện đại. Cũng thế, tôi cho rằng trong tương lai sắp tới (có thể chỉ là năm, mười năm nữa, khi nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa đã thực sự bị đào thải một cách tự nhiên vì điều kiện xã hội và nhận thức của con người Việt Nam đã thay đổi), thì lối viết hậu hiện đại, với những khả năng diễn đạt phong phú của nó, sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam, cho dù Việt Nam sẽ không có một nền văn chương hậu hiện đại, và điều kiện sống ở Việt nam sẽ không đạt đến mức hậu hiện đại.

Nhân đây, tôi xin cảm ơn anh Lê Chí Dũng, qua chính bài viết của anh, đã cung cấp thêm cho tôi những ví dụ (qua một số tác phẩm của Hồ Anh Thái và Mai Văn Phấn) chứng tỏ lối viết hậu hiện đại đang bắt đầu phổ biến tại Việt Nam.

 

III. Cơ sở kiến thức không vững vàng

 

Tôi thấy cũng cần phải góp ý thêm với Lê Chí Dũng là anh đã rất liều lĩnh khi anh khởi động một cuộc tranh luận về những điều mà anh không nắm được kiến thức căn bản. Đây cũng là một hiện tượng đang phổ biến ở Việt Nam.

 

1. Trích từ một tiểu luận của tôi, "Vấn đề hình thức và nội dung, cái mới và cái đẹp", để phê phán lại những lời tôi nói trong cuộc phỏng vấn, đáng lẽ là một việc làm ngoạn mục nhưng, tiếc thay, Lê Chí Dũng đã không hiểu rành mạch điều anh đọc, nên anh không thực hiện được sự ngoạn mục ấy. Anh đã đồng hoá "lối viết" với ý niệm "hình thức" (Form). Lối viết không phải là hình thức của một tác phẩm. Lối viết hậu hiện đại đã sinh ra vô số tác phẩm hoàn toàn khác nhau, với những "hình thức" hoàn toàn khác nhau và những nội dung hoàn toàn khác nhau. Giới hạn của bài viết này không cho phép tôi trình bày lê thê về vấn đề này. Chỉ xin Lê Chí Dũng đọc lại thật cẩn thận, và tự tìm cho mình vô số ví dụ hữu ích.

 

2. Lê Chí Dũng đã tự chứng tỏ anh không có kiến thức gì về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đặc biệt ở điểm anh tin tưởng mạnh mẽ vào lời phát biểu vô cùng sai lầm của kiến trúc sư Nguyễn Chứng Nhân, người Mỹ gốc Việt. Anh trích lời Nguyễn Chứng Nhân như sau:

[...] trả lời câu hỏi: “Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại có ảnh hưởng gì với giới trẻ?”, ông Nguyễn Chứng Nhân nói: “Chủ nghĩa hậu hiện đại vốn quan tâm tới hình thức, cho nên họ chạy theo cái bóng mà không thấy cái chất lượng thật. Họ bận tâm tới việc phải Mỹ hóa như thế nào. Họ chạy theo hình thức đã được định sẵn, như hàng hiệu, chỉ có tính biểu tượng. […] Có thể nói, chủ nghĩa hậu hiện đại đang tàn lụi. Người ta đang tìm đến một khuynh hướng giải phóng tính có sẵn và mang tính nhân bản hơn”.

Lời phát biểu trên cho thấy Nguyễn Chứng Nhân không hiểu biết gì cả về chủ nghĩa hậu hiện đại. Không phải chủ nghĩa hậu hiện đại, mà chủ nghĩa hiện đại mới quan tâm tới hình thức. Giới nghệ sĩ hậu hiện đại không còn muốn nhắc nhở gì đến chủ nghĩa hình thức (formalism). Họ cũng không hề "chạy theo những hình thức đã được định sẵn", thậm chí họ không hề chạy theo một thứ "chân lý" nào đã được định sẵn. Chính nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Lê Chí Dũng đang ra sức bảo vệ, mới đòi hỏi nghệ sĩ chạy theo những thứ công thức, những thứ lý tưởng đã được định sẵn. Con người hậu hiện đại chủ trương giải thể mọi thứ trung tâm, mọi thứ giá trị độc tôn. Chính con người hậu hiện đại mới là con người "tìm đến một khuynh hướng giải phóng tính có sẵn", và hướng đến những hoạt động "mang tính nhân bản hơn". Ý thức hậu hiện đại khiến người ta đặt ra những câu hỏi mang tính phê phán nghiêm trọng đối với những quyền lực thống trị của các cường quốc, và đặc biệt quan tâm đến những giá trị đa văn hoá, thân phận của người da màu, vai trò của phụ nữ, và tình huống của những quốc gia thuộc thế giới thứ ba... Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn hoá và nghệ thuật là môi trường mở rộng và bình đẳng, hướng về những gì trước kia đã bị xem là ngoại biên. Chủ nghĩa hậu hiện đại hoàn toàn không phải là "bận tâm tới việc phải Mỹ hoá như thế nào", mà trái lại, bận tâm tới việc giải hoặc vị thế độc tôn văn hoá, độc tôn chính trị, độc tôn kinh tế của những siêu cường quốc, đặc biệt là nước Mỹ. Đinh Linh, một nhà thơ Mỹ gốc Việt, một nhà thơ hậu hiện đại, trong mùa Giáng Sinh vừa qua, đã cùng ba nhà thơ hậu hiện đại Mỹ ở Philadelphia (Frank Sherlock, C.A. Conrad và Mytili Jagannathan), quyết định xuống đường để phản đối thái độ thờ ơ, phớt tỉnh của nước Mỹ về chiến tranh. Các anh ấy đã đến nơi đông người để đọc thơ và phát truyền đơn. Đây là một ví dụ gần nhất và cụ thể nhất cho thấy ý thức hậu hiện đại là thế nào. [Xin đọc bài tường thuật "Hành tinh đười ươi", có kèm hình ảnh, trên tienve.org.

Ý tưởng làm đồ án kiến trúc bệnh viện đa khoa Sao Mai của kiến trúc sư Nguyễn Chứng Nhân, người phát biểu chống lại một thứ "chủ nghĩa hậu hiện đại" nào đó, kỳ thực lại là một tác phẩm mang tinh thần hậu hiện đại (có lẽ "Việt kiều" này đã bị tiêm nhiễm sâu sắc bởi môi trường xã hội và giáo dục hậu hiện đại của Mỹ một cách tự nhiên đến độ không còn nhận ra ý tưởng mình mang tính hậu hiện đại?). Đồ án ấy, theo sự mô tả của Nguyễn Chứng Nhân, “được gợi hứng từ cây tre, lũy tre Việt Nam”. “Hình ảnh cây tre thanh cao nhưng vững chắc được tôi sử dụng trong bố cục nhằm tạo ra một hướng nhìn vừa mang tính thiên nhiên, vừa nhằm tạo ra một cảm thức vươn lên trong an bình và thánh thiện”... “Tôi muốn tạo cho bệnh nhân một cảm giác không sợ hãi khi họ phải đối mặt với bệnh tật và cái chết. Ở một khía cạnh khác, tôi cũng thật sự mong muốn mang nét văn hóa Việt Nam vào hệ thống kiến trúc Mỹ, như một biểu trưng của sự hòa hợp”.

Mang nét văn hoá cổ truyền Đông phương vào nghệ thuật hiện đại Tây phương là một trong những nét đặc trưng của nghệ thuật hậu hiện đại. Một nghệ thuật như thế có thật sự "đang tàn lụi" như Nguyễn Chứng Nhân nói và Lê Chí Dũng mong mỏi không? Tất nhiên là không. Chủ nghĩa hậu hiện đại hiện nay không còn ở giai đoạn sôi nổi như trong những năm 1980, vì nó đã thấm nhiễm vào đời sống ở những xã hội hậu hiện đại và trở thành bình thường, và những thành quả tinh thần của nó sẽ tiếp tục tồn tại như một năng lực hướng con người đến một thế giới công bình hơn, nhân đạo hơn.

 

*

 

Bài viết trên đây vừa nhằm góp ý cho anh Lê Chí Dũng, vừa có ý muốn giúp cho những con người xã hội chủ nghĩa thuần thành như anh bớt lo sợ về chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng ý muốn này tất nhiên rất khó thành công. Sự thiếu thốn về kiến thức, đầu óc hậu thuộc địa, ảnh hưởng của những lời truyên truyền chống Âu Mỹ, và niềm tin cứng nhắc về những giá trị nào đó đã được định sẵn, khiến họ tưởng tượng những hình ảnh sai lầm ghê gớm về "hậu hiện đại". Họ tưởng chủ nghĩa hậu hiện đại là một cái gì rất độc hại.

Gần đây, trên talawas.org, có một cây bút ở Việt Nam đã ra sức tấn công nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc và tôi như những kẻ đã cố tình giới thiệu "rác rưởi" của phương Tây vào Việt Nam. Rủi thay, cây bút ấy đã thiếu kiến thức đến mức có thể đồng hoá những tác phẩm văn chương hậu hiện đại xuất sắc của Larry Heinemann và Tim O’Brien với cuốn phim "Rambo" rẻ tiền của Hollywood. Rồi cây bút ấy đã dùng sự thiếu kiến thức trầm trọng của mình về chủ nghĩa hậu hiện đại để trình bày hết sức sai lầm một số những đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhằm đánh sụp chủ nghĩa hậu hiện đại! [Xem bài "Ý nghĩa chiến tranh có thể tìm thấy trong xảo thuật điện ảnh Mỹ hay những trang viết hậu hiện đại không?" của Nguyễn Trọng Văn]. Bài viết của cây bút ấy phạm nhiều sai lầm về kiến thức đến mức chúng tôi không còn hơi sức đâu để viết bài tranh luận. Nó chứng tỏ tác giả của nó vì quá lo sợ đối với chủ nghĩa hậu hiện đại nên đã cứ liều mạng đánh bừa, theo kiểu "có dao dùng dao, có cuốc dùng cuốc, có cào dùng cào". Chẳng lẽ chúng tôi phải bỏ ra quá nhiều thì giờ, xăn tay áo lên để làm công việc cực kỳ nhọc nhằn là vạch ra cho hết những sai lầm ấy và giải thích lại từ căn bản hay sao?

Bài viết của Lê Chí Dũng tất nhiên cũng không tránh được cảm giác lo sợ như thế. Để chống lại lời tiên đoán của tôi về sự phổ biến của lối viết hậu hiện đại ở Việt Nam, anh viết:

[...] trong mọi hoàn cảnh lịch sử, văn học Việt Nam biết cách học hỏi những gì hữu ích để tồn tại và phát triển, biết cách đề kháng những gì độc hại trong quá trình giao lưu văn hóa, văn học với nước ngoài. [LCD tô đậm]

Nỗi lo sợ khiến Lê Chí Dũng, trong văn mạch của bài viết, không muốn thấy văn học Việt Nam biết cách học hỏi từ văn học hậu hiện đại của thế giới hôm nay những gì hữu ích để tồn tại và phát triển, mà chỉ muốn thấy nó đề kháng những gì độc hại trong quá trình giao lưu văn hóa, văn học với nước ngoài.

Nỗi lo sợ ấy lại càng lộ ra khi anh viết:

Phải chăng khi ông HNT nói về CNHHĐ, ông ấy còn che giấu một vài sự thật quan trọng? Phải chăng trả lời báo Thể thao & văn hóa, ông HNT không muốn thông tin trung thực về CNHHĐ, mà chỉ muốn cổ vũ cho trào lưu văn học này khi ông ấy về quê gốc của mình? [LCD tô đậm]

"Một vài sự thật quan trọng" mà Lê Chí Dũng nghi ngờ rằng tôi còn che giấu là gì? Điều tôi "không muốn thông tin trung thực về chủ nghĩa hậu hiện đại" là gì? Nỗi lo sợ đã khiến Lê Chí Dũng thắc mắc một cách đáng buồn cười như thế, chứ thật ra tôi chẳng có gì để giấu giếm.

Những kiến thức học thuật của tôi về chủ nghĩa hậu hiện đại đã được trình bày rất cặn kẽ với những ví dụ cụ thể được phân tích tường tận trong cuốn sách dày 630 trang, dưới nhan đề Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết (California: Văn Nghệ, 2002). Một số tiểu luận trong cuốn sách ấy đã được in lại trong cuốn Văn Học Hậu Hiện Đại Thế Giới - Những Vấn Đề Lý Thuyết (Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn và Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây, 2003). Hầu hết những tiểu luận trong cuốn sách của tôi cũng đã được đăng lại trên tienve.org, trang tác phẩm Hoàng Ngọc-Tuấn.

Nói cho đúng, trong điều kiện thông tin hoàn cầu hoá hôm nay, người ta có thể thâu lượm những kiến thức căn bản về chủ nghĩa hậu hiện đại chẳng mấy khó khăn. Chỉ có những kẻ lười nhác đến một mức nào đó mới có thể giữ cho mình một nỗi lo sợ vu vơ quá dài lâu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021