tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Cái giá của cuộc chơi  [đối thoại]

 

Thật không dễ chịu khi phải đọc những bài chỉ trích mình. Thế nên, tôi đã tìm ra một biện pháp đối phó, bằng cách, mỗi khi phải đọc một bài như thế, tôi thường xóa tên tôi đi và thay tên người khác vào. Ví dụ, tôi thay “Đinh Bá Anh” bằng một cái tên tác giả “xyz” bất kì, như Nguyễn Hưng Quốc hay Phan Nhiên Hạo chẳng hạn. Điều này rất dễ thực hiện với lệnh “find and replace” trên Word. Sau đó, tôi sẽ in bài viết ra và đọc chậm rãi như thể bài không liên quan gì tới mình. Cảm giác phải nói là rất sướng. Bằng cách đó, tôi không những tránh được sự bực mình mà thậm chí vẫn còn thưởng thức được cái hay của văn bản bày ra trước mắt.

Dĩ nhiên, độc giả sẽ nói rằng phương pháp của tôi chẳng có gì mới lạ, và về bản chất nó không khác lắm với phương pháp cổ truyền của cụ nội chúng ta, tức là con người nổi tiếng nhất làng Vũ Đại được nhân dân cả nước yêu mến gọi bằng hai tiếng “Anh Chí”. Chỉ xin lưu ý rằng, phương pháp này không bao giờ là đặc sản của riêng Anh Chí Việt Nam. Thomas Mann chẳng hạn, cũng là người có những phương pháp đặc biệt để chống lại mọi chỉ trích. Ông thường cho thu thập, sưu tầm tất cả các bài viết khen mình, càng nhiều càng tốt. Còn với những bài chê, thậm chí chỉ chê một chút thôi, ông nói với vợ và những người thân là có đọc được thì phải coi như không biết, và không bao giờ để ông phải nhìn thấy chúng. Sự nhạy cảm thái quá của Thomas Mann không mâu thuẫn với việc ông là một nhà văn lớn.

Thế nên, Phan Nhiên Hạo có trách tôi là nhảm sau khi đọc bài đỏng đảnh của tôi thì cũng thường thôi. Tất nhiên anh nói như vậy. Nó không thay đổi thực tế là tôi chưa bao giờ có hứng thú hay ý định nói chuyện gì thiếu nghiêm túc. Giờ xin đi vào hai vấn đề Phan Nhiên Hạo đặt ra liên quan đến bản quyền tác giả. Chuyện này cũng vậy, nghiêm túc.

Thứ nhất, có nên lấy các bài đã đăng trên mạng xuống hay không? Câu trả lời của tôi là: nên hay không nên là tùy ở sự thỏa thuận giữa tác giả và tòa soạn. Mỗi sân chơi có luật chơi riêng, ai thuận thì chơi, không thuận thì thôi. Mâu thuẫn chỉ xuất hiện khi có một bên không tuân thủ luật, hoặc luật chơi không rõ ràng. Riêng trường hợp này, tôi xin lưu ý về các hệ lụy của việc rút bài. Một bài đã đăng trên mạng, dù tác giả giữ bản quyền, là của riêng tác giả, thì nó cũng không còn là vật “riêng tư” của tác giả như viên ngọc trong túi, có thể rút ra ngắm nghía rồi cất vào mà không ảnh hưởng đến ai nữa. Mỗi bài viết trên mạng có thể kéo theo hàng nghìn liên kết đến nó: nó trở thành nguồn tham chiếu, thành cái đích công kích hoặc là sự gợi hứng cho vô số các bài viết khác, về lý thuyết có thể kéo dài đến vô tận. Việc rút bài, dù là sau 1 tháng hay 3 tháng, đều làm đứt liên kết nguồn, từ đó sẽ làm đứt hết các liên kết khác.

Ngoài ra, nếu đã bênh vực quyền tác giả thì cũng nên bênh vực quyền tòa soạn. Phan Nhiên hẳn hiểu giá trị của công tác lưu trữ. Một tòa soạn cứ tùy tiện rút bài (theo ý thích của tác giả - vì đột nhiên thất tình hay trầm cảm), thì cuối cùng sẽ ra sao? Sau này, ai muốn tra cứu năm ấy, ngày ấy có sự kiện gì xảy ra ở đâu thì phải làm thế nào? Giá trị của một tờ báo, một trang web đâu chỉ nằm ở các bài mới đăng, mà còn ở cả kho lưu trữ của mình. Một tòa soạn cho phép rút bài là một tòa soạn không biết trân trọng giá trị của mình, tôi chỉ có thể nói vậy (trừ phi tòa soạn bị áp lực chính trị bất khả kháng, vì lý do nhân đạo hay vì điều gì đó tương tự).

Thứ hai, tôi đồng ý với Phan Nhiên Hạo về sự khác biệt (về lượng chứ không phải về chất), giữa việc công bố một tác phẩm trên mạng với việc in tác phẩm trên giấy. Tôi đồng ý có sự khác biệt về mức độ tiếp cận (access). Một tác phẩm in trên giấy rồi vẫn có thể tái bản, không ảnh hưởng tới lợi ích của tác giả và của nhà xuất bản. Còn nếu đã công bố trên mạng thì có thể ảnh hưởng tới việc bán sách. Vậy phải làm thế nào? Ở đây, tôi cũng chỉ có thể đưa ra câu trả lời triệt để là: nếu không muốn ảnh hưởng tới doanh số bán sách, đừng in trên mạng. Nếu đã in trên mạng, hãy chấp nhận. Nếu nhà xuất bản A không đồng ý thì tìm nhà xuất bản B. Không nhà xuất bản nào in thì thôi. Đó là cái giá của cuộc chơi.

Cuối cùng, tôi chia sẻ với Phan Nhiên Hạo về sự ngán ngẩm với tình hình báo chí, xuất bản của Việt Nam. Về điểm này, tôi tin là anh và tôi giống nhau. Cũng như anh, tôi chẳng hạnh phúc gì với tình trạng bát nháo hiện nay. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, Việt Nam không phải Châu Âu hay Nước Mỹ, nó cũng còn xa (thậm chí không bao giờ?) được như Singapore.

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, một trong số rất ít tác giả mà tôi thích đọc, sau nhiều năm miệt mài truyền bá chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam, đã đi đến nhận định như sau: “Bất hạnh lớn nhất của những người ôm mộng trở thành nhà hậu hiện đại chủ nghĩa ở Việt Nam là họ không có một siêu tự sự để phá đổ .” Đó là một nhận định cay đắng (theo tôi là có phần muộn màng), và mặc dù nó không hề làm suy yếu sự xác tín của Nguyễn Hưng Quốc vào các khả năng của chủ nghĩa hậu hiện đại, nó chẳng đáng để chúng ta nghĩ ngợi hay sao? Việt Nam, đúng vậy, không hề có bất kì một siêu tự sự nào hết (Ai có thể có thể chỉ ra một siêu tự sự nào ở Việt Nam được không?). Việt Nam, có thể là một hỗn hợp của tất cả, nhưng phần cơ bản của nó thì vẫn còn nằm ở trạng thái tiền khai sáng, và trạng thái này được nuôi dưỡng không ngừng bởi chế độ toàn trị. Những vấn đề như bản quyền, vốn là một trong những vấn đề đặc trưng của xã hội hiện đại, còn lâu mới tìm được cách giải quyết rốt ráo ở Việt Nam.

Nói vậy không phải tôi bi quan. Tôi cũng nghĩ, nếu một ngày kia, “tình hình chính trị và in ấn trong nước thay đổi”, như hy vọng của Phan Nhiên Hạo, chúng ta sẽ làm gì? Dĩ nhiên các tác giả có thể in tác phẩm hay bản dịch của mình, nhưng có nên rút khỏi mạng không? Nên nhớ, các tác phẩm đăng trên mạng hiện nay, ngoài việc chúng được công bố trước hết do nhu cầu tự thân của các tác giả, chúng còn là nghĩa cử và chứng tích của một thời đại.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

01.10.2009
[VĂN HỌC] ... Yêu cầu lấy bài xuống khỏi Da Màu của tôi, như đã nói, xuất phát từ lo ngại về việc mất hoàn toàn quyền kiểm soát tác phẩm của mình. Nó không phải một hành động “hờn dỗi” như ông Phùng Nguyễn trịch thượng nói. Nó cũng không phải chuyện “trao khăn” rồi đòi lại kiểu cải lương như Đinh Bá Anh ví von. Và dĩ nhiên nó khác rất xa hành động thu hồi sách nhằm đàn áp chính trị của Ban Tuyên Giáo... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Đọc bài “Của các loại đỏng đảnh” của Đinh Bá Anh, tôi tự nhiên nghĩ ra cách tôi nên hiểu lại bài ca dao Việt Nam mà tôi vốn vẫn băn khoăn: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím / Em có chồng rồi trả yếm cho anh / Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh / Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi!... (...)
 
30.09.2009
[VĂN HỌC] ... Khi phải lòng, nàng tặng anh khăn mùi xoa làm vật giao duyên. Tình nồng thắm, chẳng vấn đề gì. Giờ nàng đột nhiên không yêu anh nữa, giận, đòi lại khăn mùi xoa. Giá như anh điềm tĩnh mà nói rằng, khăn em tặng anh rồi, nó đã là của em, của anh, của đôi ta. Giờ tình mình đôi ngả, nhưng xin em hãy cho anh giữ khăn làm kỉ niệm. Có khi nàng cũng mủi lòng mà thôi. Nhưng có thể vừa “chia tay mùa hè”, khó ở trong người, anh đâm cục, nói: khăn cô tặng tôi rồi thì là của tôi, về lý thì cô không có quyền gì nữa. Nhưng cô đã thích thì đây, trả lại cô, tôi càng nhẹ người! Á à, anh nói lý à. Tôi sẽ ra tòa ly dị, tôi sẽ phân minh tài sản... (...)
 
28.09.2009
[VĂN HỌC] Tôi không hề biết ông Phan Nhiên Hạo, ông Phùng Nguyễn và ông Trần Tân Định ngoài đời thực, mà hoàn toàn chỉ tiếp xúc với con người – tư tưởng của các ông trên mạng. Nhưng qua cuộc trao đổi giữa các ông, tôi cũng có một vài suy nghĩ muốn trao đổi lại: đầu tiên là về vấn đề quyền tác giả trên các website tiếng Việt về văn chương, nghệ thuật, chính trị, xã hội... miễn phí và sau đó là cách hành xử giữa những người góp phần tạo nên đời sống văn hóa trên mạng... (...)
 
[VĂN HỌC] Đúng ra, góp ý này phải được gởi đến Tiền Vệ từ tuần trước, nhưng rồi tôi đổi ý chỉ vì không muốn làm sự việc rắc rối thêm. Nhưng nay, nhân đọc bài của ông Phùng Nguyễn trả lời Phan Nhiên Hạo và một độc giả, tôi quyết định gửi đến Tiền Vệ ý kiến của tôi... (...)
 
[VĂN HỌC] chia tay mùa hè / chia tay phan nhiên hạo / chia tay ễnh ương / “có cuộc chia tay nào mà không đầy / nước mắt?” / (nguyên sa) / nhưng may thay... (...)
 
27.09.2009
[VĂN HỌC] Trong cách nhìn của tôi, bài viết “Trả lời ông Phùng Nguyễn” của Phan Nhiên Hạo (Phan Nhiên Hạo) gần đây là một cử chỉ gỡ gạc tuyệt vọng của kẻ hụt chân và chỉ giúp bạn đọc nhìn rõ hơn tính khí không được rộng rãi của người viết... (...)
 
23.09.2009
[VĂN HỌC]... Trước nay thỉnh thoảng ta lại thấy có những kẻ sau khi cơm không lành canh không ngọt, nghỉ chơi với nhau, thì lôi thư từ của nhau ra mà đem lên báo, lên mạng để bôi bác. Trong quan hệ cá nhân, những trò đó đã không ngửi được thì trong quan hệ chữ nghĩa lại càng không ngửi nổi. Chia tay kiểu đó là chia tay luôn với văn minh chứ còn gì nữa?.. (...)
 
22.09.2009
[VĂN HỌC]... Trong bài “Chia tay mùa hè” đăng trên Da Màu mới đây, ông Phùng Nguyễn đã viết một đoạn dài có tựa đề “Chia tay Phan Nhiên Hạo”, trong đó đề cập đến chuyện lấy bài của tôi xuống khỏi Da Màu. Cách viết của ông Phùng Nguyễn có thể gây ngộ nhận và không được đàng hoàng. Tôi thấy cần phải lên tiếng. Tôi hy vọng chuyện này cũng đem lại một kinh nghiệm bổ ích cho những người làm văn chương mạng Việt Nam hôm nay... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021