tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vạch áo cho người xem lưng  [đối thoại]

 

Trong sự việc nhà văn nữ Y Ban từ chối khen thưởng rộ lên một vấn đề, một sự kiện, mà cũng đồng thời là một thói quen, một cách thế cư xử ở đời rất thường được ưa chuộng, cổ võ, tuân thủ..., xem đó như là một thứ “bửu bối” lợi hại, ít nhiều giúp cho mọi sự được trở nên êm xuôi, an toàn, trót lọt...; còn đúng hay sai, tốt hay xấu, hay hay dở, ngay hay gian, bổ ích hay tai hại, hoặc lợi bất cập hại hay không... thì lại là chuyện khác. Đó là thói quen không làm điều gọi là “vạch áo cho người xem lưng”. Không những tự bản thân chính người ta không làm điều đó, hoặc chính người ta không muốn hay không thích làm điều đó không thôi, mà người ta lại còn không ưa và có khi lại còn bài bác hoặc lên án một cách thậm tệ những ai khác, những kẻ nào dám “cả gan” làm điều đó.

Thói quen cư xử này có từ rất lâu hoặc không chừng là đã có từ ngàn xưa, do “ông bà để lại”. Là một phần trong cái gọi là “kho báu” những cung cách hay lề thói và phong thái, mà nói chung và rộng ra thì là văn hóa ứng xử của người Việt, nó được xem như là một đức tính hay ho, tốt đẹp, đúng đắn và có khi lại còn là cao cả, sang trọng và sáng ngời cần phải được bảo tồn, tận dụng và phát huy tối đa. Nói theo kiểu “tiếp thị” dành cho các mặt hàng tiêu dùng — từ nước hoa cho tới “sữa tắm” hay “dầu gội” — một cách rất thời thượng, “văn hoa” và “bay bướm” nhất tại Việt Nam bây giờ, và đồng thời cũng kiểu như là để giật tít sao cho ngắn gọn mà lại nghe rõ kêu thì “đắt” và hữu hiệu nhất có thể sẽ là như sau: nó “thực sự thể hiện phong cách, cũng như phong độ và đẳng cấp đích thực”. Wow, quá dữ!

Tuy nhiên có thể nói, thực tế cho thấy tập quán này thực ra chẳng phải là một đức tính chi ráo, mà ngược lại, nó đích thị là một thói hư tật xấu chính hiệu bà lang trọc; hoặc nếu đào sâu hơn, thì có lẽ điều nên thấy ra một cách xuyên suốt trước tiên là ban đầu có thể nó là tốt, là hay, là đẹp..., là xứng đáng được liệt vào loại di sản cần phải được bảo tồn và phát huy, nhưng dần dà do có thể là người ta đã quá đà trong thực hành — áp dụng nó không đúng chỗ, không đúng nơi, không đúng lúc, không đúng người, không đúng việc, thiên vị, không linh hoạt, chẳng đâu vào đâu..., nói chung là áp dụng nó một cách bừa bãi, cẩu thả và lệch lạc — để thành ra là lạm dụng. Mà một khi đã bị lạm dụng thì đa phần là mọi sự, từ viên thuốc ngủ cho tới tình mẫu tử, vân vân đều đang từ tốt thì biến thành xấu, từ hay thành dở, từ đúng đắn thành sai trái, từ có ép-phê thành mất ép-phê, từ lợi thành hại, vân vân.

Bằng chứng hùng hồn không thể chối cải cho sự hình thành của tình trạng “từ bại thành xụi lơ” này không gì khác hơn là sự chẳng đặng đừng phải đứng dậy, cất lên tiếng nói của mình của nhà văn nữ Y Ban như đã chứng kiến vừa rồi, qua đó chị đã chỉ ra nguyên nhân của sự trì trệ, như BBC tiếng Việt tường thuật (phần đậm là do tôi tô):

“Các loại hình nghệ thuật eo xèo hàng 10 năm nay rồi, chứ không phải đến bây giờ,” vì mọi người nể nang nhau, không muốn vạch áo cho người xem lưng...

Phải chăng là đã quá chín muồi cho cái lúc mà chị phải lên tiếng và phơi bày ra công luận như vậy? Phải chăng chẳng khác nào đây cũng lại là trường hợp hễ tức nước thì vỡ bờ, hễ có xiềng xích thì phải có đứng lên tìm cách tháo bỏ kiểu như “Django Unchained” hiện đang ăn khách...? Nhưng thiết tưởng rõ ràng là chị đã không còn thể nào mà chịu đựng nổi nữa cái tình trạng im lặng triền miên vì sợ rằng nếu mở miệng ra thì có nguy cơ bị cho là dám “cả gan vạch áo cho người xem lưng” mặc dù tiêu cực thì đầy ra đấy và cứ mỗi ngày mỗi gia tăng. Giờ đây chị đã “phá giới”, đã đứng lên tự tháo xiềng gông, tự bứt phá một cách mạnh dạn, thẳng thắng và không khoan nhượng để sao cho thoát ra được khỏi cái “ổ tò vò” kia... Thiết tưởng không có gì quá đáng khi cho rằng bứt phá như thế, tháo bỏ như thế, vô hình trung, mà đây âu cũng là một công đôi ba việc, chị đã thực sự tháo bỏ luôn cả cái ách tai hại mà chị và những người chung quanh tự quàng vào cổ mình bấy lâu nay, đó là cái lề thói, cái tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng” do tiêm nhiễm cái tập quán hủ bại này.

Một khi đã là tiêu cực, tập quán này nó tối om, đen đủi, xấu xí, sần sùi, mụ mị, trì trệ và dai dẳng như phim Hàn nhiều tập, xem mãi ngán muốn gần chết mà vẫn chưa thấy hết..., nhưng bù lại là rất dễ phát hiện. Rất dễ phát hiện đây có nghĩa là rất dễ phát hiện ra chính NÓ, cũng như tính cách tiêu cực và những tai hại, rồi là những hệ lụy chết người do nó gây ra.

Từ lâu cá nhân tôi đã thấy nó “ấn tượng” kinh khủng và tác động kể gì. Nội chỉ nghe đến “vạch áo cho người xem lưng” không thôi có khi là cũng đủ “đến khiếp”, nếu không muốn nói là “rùng rợn”. Rồi nội chỉ nghe không thôi có khi cũng đủ làm cho “đối tượng” từ bủn rủn tay chân đến thất kinh hồn vía. Kế nữa là chung chung về phía người bàng quan, nội chỉ mới nghe không thôi có khi cũng đủ làm cho họ, nhất là những người vốn yếu bóng vía, có ác cảm hoặc tối thiểu là có một thiên kiến tiêu cực nào đó ngay tức khắc dành cho phía “đối tượng” (là người “vạch áo”), rồi có thể là từ đó nảy sinh ít nhiều ái ngại hoặc có khi lại còn là đem lòng âu lo hoặc ngay cả xót thương cho “nạn nhân”, kẻ bị “cho người xem lưng”.

Sở dĩ nói nó dai như phim Hàn nhiều tập như trên là vì khi tưởng rằng, khi hy vọng rằng, một cách hiển nhiên, rất là dễ òm cho người ta từ bỏ nó đi như lấy đồ trong túi, không một chút khó khăn nào cả, cứ việc thoải mái và mạnh dạn mà “vạch áo” thiên hạ, không im lặng nữa, và vạch đây thì xin hiểu là vạch một cách đúng quy trình và phải phép, thì không, người ta tuyệt nhiên không từ bỏ, mà trái lại vẫn khư khư tiếp tục như thế, tức là vẫn ngần ngại, vẫn trù trừ, vẫn sợ sệt làm cái công việc “vạch áo” đó. Người ta không làm được? Hay người ta không chịu làm? Hay dễ chừng vì một lý do nào đó mà người ta khó lòng từ bỏ nó? Thế mới lạ. Rồi chẳng những đã không từ bỏ thôi thì chớ, có khi người ta lại còn lậm thêm, ôm cứng lấy nó, xem đó như là một tôn chỉ bất di bất dịch, để rồi đến một lúc nào đó bị bọn “thày chú”, bọn bao che, bọn lợi ích nhóm... khai thác và lợi dụng một cách triệt để... Hễ mỗi khi những nhóm người xấu này muốn ém nhẹm việc gì không hay, nhất là những việc thuộc phạm vi hoặc có tính cách nội bộ, hay muốn bịt miệng người khác để ngăn cản sự lên tiếng của người ta về một sự việc tiêu cực nào đó, chúng thường hay mang câu “thần chú” đó ra để rỉ tai, để khuyến dụ, để trấn áp..., coi đó tuyệt đối như là một thứ kim chỉ nam cần ghi khắc sâu trong tâm khảm và triệt để tuân hành một cách răm rắp, không do dự, không du di, không sai chệch. Và người ta vẫn cứ vậy mà nghe theo. Thế mới lại càng lạ hơn. Ngay như nhà văn nữ Y Ban, một người thông minh đĩnh ngộ, như tôi đã từng biết qua chị, phải mất 10 năm, như đã trích dẫn ở trên, chị mới “đào thoát”. Chính vì lẽ đó, hễ không nhắc tới thì thôi, mà nhắc tới thì cứ làm tôi trăn trở mãi mà vẫn không hiểu nổi là tại sao lại như thế.

Ngoài ra, nếu cho đây là một cung cách ứng xử tiêu biểu trong một số cộng đồng người Việt khắp nơi, chứ không cứ gì là chỉ xảy ra ở Hà Nội không mà thôi, có nghĩa là hầu như nơi nào có người Việt là nơi đó có đất sống cho tập quán này, thì đây rõ ràng là một chỉ dấu không tốt lành. Về mặt cá nhân và đoàn thể, nó thể hiện một cách vô thức một tâm lý bất an thường trực y như tâm lý của một kẻ gian, luôn luôn ngay ngáy phập phồng lo sợ mình hoặc phe nhóm của mình, nói nôm na là “phe ta” bị phát giác, bị “hỏi thăm sức khoẻ” vì một điều tiêu cực nào đó và mặc dù không nhất thiết là điều tiêu cực đó đã có bị phát giác ra hay chưa. Từ đó nó nói lên cái tâm lý có tính cách bầy đàn ngay từ trong bản chất. Mà đã là bầy đàn như thế thì rõ ràng là thiếu vắng sự minh bạch, thiếu vắng sự công tâm, thiếu vắng sự khách quan, thiếu vắng sự dũng cảm, lúc nào cũng sẵn sàng, ngấm ngầm hoặc công khai nuôi dưỡng ý định muốn bao che, và bao che một cách hợp đồng khi cần hoặc/và khi có thể, tùy trường hợp, tùy chủ đề... Cái tập quán như thế đã ăn sâu vào trong máu, nên một phần khó lòng từ bỏ là vì thế? Xa hơn nữa, về mặt quốc gia và khu vực, nó nói lên sự chậm lụt, sự “thiếu ánh sáng văn minh” một cách tổng thể tại những nơi nào mà văn hóa đó hoàn toàn ngự trị. Mà đã là tổng thể rồi thì thôi rồi, coi như tiêu, ai làm khác sẽ gặp nguy cơ bị nghiền nát, không sớm thì muộn. Tại đó, nó đánh bạt mọi tiến bộ, nó kìm hãm và đè bẹp mọi cải cách; nó là trại kiên giam nhốt tù chung thân mọi ý đồ muốn cải sửa để tiến bộ ngay từ trong trứng nước...

Tại các nơi tiên tiến, đời nào có tình trạng đó. Một thí dụ: như ở Mỹ, sau lần đại bại trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, trong đảng Cộng Hòa xuất hiện nhiều chuyên gia “đấm ngực”, nổi bật là Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, rồi Bobby Jindal, Thống đốc bang Louisiana..., như thế có nghĩa là phe ta “đả” phe mình tới tấp và dữ dội. Mới đây nhất lại có lời kêu gọi thảm thiết mà vô cùng anh dũng của Bobby Jindal là phe ta làm ơn hãy thôi làm ngốc tử, hay làm ơn hãy thôi chỉ lo ôm lấy bọn giàu. Như thế rõ ràng đã hẳn là “vạch áo cho người xem lưng” rồi quá đi chứ còn gì nữa. Có phải thế không? Rồi lại còn được tiến hành bằng một “âm điệu” quá chua cay, quá thẳng thừng, hết sức ê chề và phũ phàng như thế nữa là đằng khác, ý chừng như có tính toán rằng thuốc càng đắng thì càng mau giã được tật. Đấy, khủng khiếp như thế mà đã có chết thằng tây con đầm nào đâu! Từ đó suy ra là họ hoàn toàn không tơ hào một tí vướng bận cỏn con nào đến cái tập quán chết tiệt này cả. Nôm na ra là hầu như là họ không có cái loại hình văn hóa đó.

Nói tới tiên tiến hoặc chậm lụt là nói tới trình độ, rồi thì là dân trí. Vậy trong vấn đề “vạch áo cho người xem lưng’’ phải chăng cốt lõi của nó là vấn đề dân trí? Và rồi chắc chắn là không chỉ có bấy nhiêu mà thôi. Vậy thì còn gì nữa?

Rồi nội trong vấn đề dân trí như một “nguyên tố” cấu thành không thôi, biết rằng nơi nào còn người Việt là còn đất sống cho loại tập quán đó, không nhẽ nói nơi nào để cho thứ tập quán bệnh hoạn đó ngự trị và hoành hành dữ dội hơn cả là nơi đó dân trí hơi bị lùn một cách thậm tệ, thê thiết và thảm hại nhất?

Trở về địa hạt văn chương chữ nghĩa và sự từ chối khen thưởng của nhà văn nữ Y Ban, mức độ tác oai tác quái của thứ văn hóa này bấy lâu nay tại một khu vực cá biệt như thế không rõ là đã lên tới đỉnh điểm hay chưa nhưng có vẻ như là nó đã lên đến mức độ “thày chạy”, mức độ hầu như là hết thuốc chữa. Đã là người tử tế thì không ai có thể dung túng hoặc chấp nhận tình trạng đó được, không ai mà không tránh được sự bất bình. Tuy nhiên, trong điều kiện vừa o ép mà lại cũng vừa mụ mị như thế từ trước tới giờ, từ bất bình cho đến “phản kháng” như nhà văn nữ Y Ban như thế vẫn còn là một khoảng cách. Đứng lên được như chị Y Ban như thế cũng kể là đã tiến bộ vượt bực, nếu không muốn nói là dũng cảm và phi thường. Từ đó thấy ra rằng mức độ bất bình của chị cũng đã đạt tới mức ghê gớm lắm chứ không phải vừa. Giờ đây, chỉ cầu mong sao cho về phần chị được ngày càng chân cứng đá mềm để sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, mọi khó khăn sắp tới, không gì có thể nghiền nát được chị; về khoảng cách đó thì cầu mong nó mỗi ngày mỗi thu hẹp; và đồng thời cầu mong sao cho mỗi ngày mỗi có thêm nhiều Django, hết Django này đến Django khác, mà không cứ gì là nam hay nữ, giới tính chỉ là chuyện nhỏ, miễn là hăng say “vạch áo...” và cùng lúc cũng cần phải biết nhận chân ra thế nào là tới lúc nên dừng lại, để khỏi đi quá đà, để lại trở nên lạm dụng ở cực đối nghịch, để rồi cũng có nguy cơ trở thành xêm xêm.

Còn ngay bây giờ thì cũng nên vạch cho đến rách bươm cả ra lắm chứ nhể!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021