tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Michiyo Phạm Ngà: Phát biểu ý kiến, hay gây hấn?  [đối thoại]

 

Cô Michiyo là một phụ nữ can đảm. Gốc Việt, lớn lên ở Nhật, cô mạnh dạn và thẳng thắn hơn cả những cô đầm chưa từng biết khép nép Á đông là cái gì. Đã trải nghiệm cuộc sống thế giới, cô về Việt Nam và cho đàn ông Việt biết cô nghĩ về họ như thế nào, với những từ ngữ không che đậy, không thêm bớt gia vị để giúp vào việc tiêu hóa. Tóm lược ý kiến của cô trong bài phỏng vấn trên Sao Việt: “Trai Việt... chỉ giống như trai làng, ếch ngồi đáy giếng, ít sự tôn trọng phụ nữ, vô duyên, không khéo léo mọi mặt”, “sex của trai Việt cực kì kém và non nớt, ích kỉ, chỉ hưởng sướng phần mình, còn không quan tâm đến cảm giác của người phụ nữ đến đâu, như nào”. Chen giữa phần tóm lược này là những chi tiết, ý kiến bổ sung, cảm nhận được Michiyo trình bày tự nhiên và tự tin, cứ mỗi lần nói ra là trai Việt lại bị “hạ” thêm một cấp, theo một hình thức khác.

Là người phụ nữ trong thế hệ trước Michiyo, lớn lên ở Việt Nam, vừa bị nhồi sọ vừa bị chèn ép trong một giáo dục đặt giá trị của phụ nữ vào khả năng đáp ứng nhu cầu của đàn ông (theo đúng thứ tự nho học: phụ, rồi phu, rồi tử), và nhìn thấy đám đông phụ nữ chung quanh mình thường tự khâu miệng hơn là dám đứng sau ý kiến của chính họ, sự thẳng thừng của Michiyo mới mẻ và với tôi mang một màu sắc hy vọng nhất định, rằng đã, hoặc sắp đến lúc phụ nữ, thậm chí phụ nữ quen ngậm miệng như phụ nữ Việt Nam, tìm ra tiếng nói của mình, tìm ra cách diễn đạt, biện minh và theo đuổi những gì mình muốn. Như thế, phản ứng đầu tiên của tôi với cái huỵch toẹt của Michiyo là đứng dậy, vỗ tay và hét: bravo.

Nhưng (ôi chao, chữ “nhưng” đáng ghét biết bao), là một người phụ nữ tự cho rằng mình biết tôn trọng người khác và giới tính khác, những lời nói của Michiyo cũng khiến tôi nổi da gà. Không hẳn vì mức ráo riết không chừa đường lui tới của những ý kiến cô phát biểu, mà là thái độ gây hấn không biết vô tình hay cố ý sôi sùng sục dưới lớp vỏ ngoài tỉnh táo. Không phải cô là loại phụ nữ bình quyền xăn tay áo thua đủ với đàn ông, vì cô rõ ràng biết đàn ông và đàn bà cũng như cái nồi với cái vung, hiện hữu chung đã nằm trong mã di truyền ở từng tế bào.

Michyio đã đúng khi cho rằng trai Việt cần biết/nhận thức những điều nằm trong danh sách ưu khuyết của đàn ông trong quan niệm phụ nữ, cho dù họ có thể bằng cách này hay cách khác có được người phụ nữ (ngầm) chê họ. Cô nói rằng cô “không phải nói xấu mà thẳng thắn nói ra khuyết điểm đàn ông Việt, để họ thay đổi mình”. Không vòng vo là điều tốt, giúp ý kiến cũng là điều tốt, nhưng cô có cần tiến đến mạt sát không? Những lời như “ếch ngồi đáy giếng”, “thân hình gớm quá”, “sến ơi là sến” thật sự có cần thiết trong việc nhấn mạnh nhận xét của cô và trai Việt? Những lời này, trong một bài viết cho mọi người đọc, chát chúa không khác gì những cái tát có móng nhọn, nằm ở đâu trong ước muốn cuộc sống “nhẹ nhàng, văn hóa” của cô? Michiyo bảo cô “không biết nhẹ nhàng, không khéo léo trong lời ăn tiếng nói”, chắc hẳn để chống đỡ cho những lời nói ấy. Khi cô đặt tiêu chuẩn cho người đàn ông phải biết “nói lời hay ý đẹp”, hình như cô đã quên mất rằng có thể người đàn ông lý tưởng của cô cũng thích phụ nữ biết khéo léo trong ăn nói. Cho đến bây giờ, người phụ nữ thường mềm mỏng dịu nhẹ ngọt ngào trong ngôn ngữ hơn đàn ông, có lẽ vì bản tính như thế thì ít, mà vì cảm thấy yếu thế thì nhiều. Yếu thế nên không dám cãi, không dám to tiếng, sợ bị đàn ông ghét...Tôi hoan hô việc phụ nữ dứt bỏ những nỗi sợ sệt ấy, nhưng dứt bỏ không cần phải kèm theo thái độ. Khéo léo trong ăn nói và cư xử của phụ nữ là để tăng khả năng sinh tồn (lối sinh tồn có lợi nhiều nhất, giống như lời Michiyo: được “tôn thờ... muốn gì cũng được” bởi một chàng biết “kiếm tiền lo cho mọi thứ...về nhà họ còn chăm con cho vợ, thậm chí lau dọn nhà cho vợ, giặt giũ nấu ăn cùng vợ, họ cũng lãng mạn hay tặng hoa và nói lời hay ý đẹp, lịch lãm, chuyện chăn gối thì mĩ mãn đỉnh điểm”) vì phụ nữ đã biết từ lâu rằng “mật ngọt chết ruồi”, và sự thật ấy không phải chỉ áp dụng cho phái nam, mà cho tất cả loài người, hơn nữa còn là điều ân cần lịch sự trong đối xử giữa người và người (lời nói không mất tiền mua...) Người phụ nữ có thể trở thành độc lập trong suy nghĩ và thẳng thắn trong lời nói mà không cần phải đánh mất những ưu điểm sẵn có của “phe ta”.

Thêm một điểm lấn cấn giữa sự góp ý của Michiyo và những lời bao gồm trong sự góp ý ấy là sự so sánh giữa “trai Việt” và “trai Tây”. Một phần là do người phỏng vấn cứ đem “trai Tây” ra bắt cô so sánh, nhưng cho dù thế cô không cần phải hăng hái làm theo đến thế, và nhất là cô không cần hăng hái ca ngợi “trai Tây” nhiều đến thế. Theo dõi những lời cô nói, có thể hiểu “trai Tây” là bất cứ người đàn ông nào không phải là “trai Việt”, và cô chưa gặp anh “trai Tây” nào đáng chê cả, vì họ đều “lịch lãm, hiểu biết,... tôn trọng phụ nữ hơn trai Việt”. Dĩ nhiên cô có quyền có ý kiến riêng của mình, và chung chung có thể là cô đúng: trong một môi trường còn hạn hẹp vật chất và thông tin, tầm nhìn của đa số người sống trong môi trường ấy cũng phải bị hạn hẹp theo, và sự hạn hẹp ấy không giúp cho những cách nhìn, quan niệm mới phát triển, trong đó có cách nhìn và quan niệm về phụ nữ. Nhưng bảo rằng “trai Tây” là lý tưởng như cô diễn tả, thì tôi nghĩ rằng đa số gái Tây, trong đó có hầu hết gái Tây gốc Việt như tôi, sẽ không đồng ý. Michiyo nhắc đến chuyện gái Nhật bây giờ có xu hướng độc thân nhiều. Nếu trai Nhật tuyệt vời như Michiyo diễn tả, thì chắc đã không có xu hướng ấy. Cũng như nếu “trai Tây” lịch lãm biết nuông chiều phụ nữ từ nhà bếp vào phòng ngủ như thế, chắc hẳn đã không có tỷ lệ ly dị 40-50% cho hầu hết các nước Tây.

Điều cuối cùng tôi muốn nhắc đến là sự phê phán phụ nữ Việt trong cuộc phỏng vấn. Michiyo rất lịch sự khi nhắc đến phụ nữ Việt, và luôn ở phía khuyến khích và bênh vực. Cũng là phụ nữ, tôi cám ơn Michiyo điểm này. Nhưng Michiyo đã vô tình đề ra những câu hỏi khó trả lời cho phụ nữ Việt giữa những lời cô phê bình đàn ông Việt. Tại sao phụ nữ Việt chấp nhận được những người đàn ông như thế? Các bà mẹ Việt Nam đã nuôi dạy con trai như thế nào để họ không biết tôn trọng phụ nữ? Có thể nhận định rằng phê bình của Michiyo là gắt gao quá, là vơ đũa cả nắm. Dĩ nhiên tôi và tất cả phụ nữ Việt đều mong như thế, rằng “đa phần” nằm gần 50% hơn 80%. Có thể chấp nhận là lời phê bình của Michiyo khó nghe và dễ gây phản cảm, ngay đối với phụ nữ Việt, vì Michiyo không những chê bai những người đàn ông trong cuộc đời của họ, mà chính bản thân và quan niệm của họ nữa. Nhưng im lặng luôn luôn có nghĩa, hoặc được diễn dịch là ngầm thỏa thuận, cho nên phê bình công khai của Michiyo, tuy có thể là chói tai, là cần thiết. Thay vì bới móc và tìm cách trả đũa, chúng ta, hai giới nam nữ Việt Nam, hãy xem đây là một cơ hội phản tỉnh và sửa chữa. Trai Việt, hãy nhớ rằng vẻ e ấp và sự thinh lặng của gái Việt nhiều khi chất chứa những phê phán nhiều gai góc hơn những gì Michiyo nói. Gái Việt, hãy nhớ rằng khép nép và chấp nhận không giúp cho người đàn ông của mình đáng yêu hơn. Đừng trách Michiyo nói khó nghe, mà hãy trách thực tại không tốt đẹp Michiyo nhìn thấy.

 

Nguồn tài liệu:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021