|
Thử nghĩ lại về cô đơn và cô độc
[đối thoại]
|
![]() |
Ông (chắc là vậy) Nguyễn T. Long vừa lý giải về cô đơn và cô độc. Trong tiếng Việt, đây là hai từ đồng nghĩa khó phân biệt thật rõ sắc thái ngữ nghĩa. Cô độc có thể được hiểu là không có tri kỷ. Nhưng theo tôi, người ta có thể chọn cho mình sự cô độc chứ không thể chọn sự cô đơn. Cô đơn là khi anh bị hoàn cảnh khách quan áp vào, muốn khác cũng đành chịu. Còn cô độc thì không ai áp được anh, khi anh đã chọn một lối độc đạo riêng mình, nhất là trong lĩnh vực khoa học, sáng tạo nghệ thuật. Một nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, cô độc là đương nhiên, nhưng không hẳn vì lắm “bè” mà ít “bạn”. Hôm trước, tôi cũng thấy có ông bạn độc thân bàn về hai trạng thái tinh thần này (http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/post/1958/278165). Cũng chưa sướng lắm với cách lý giải của ông bạn, bèn làm tặng bài thơ dưới đây
cô đơn cô độc
tặng Ph.X.Ng.
treo ánh mắt cô đơn trên cái nhìn cô độc
anh có thấy một người ngồi kiết già giữa đám bụi đang di chuyển hỗn loạn hạt bụi cô đơn với hạt bụi ngón chân cô độc với bàn chân
anh có thấy một người ngồi đọc sách con chữ cô đơn với hàng chữ ánh sáng cô độc với ngọn đèn
anh có thấy biển đang hành hương về sa mạc nước cô đơn trong giọt nước muối cô độc với đại dương
một xó nhỏ góc nhỏ bức tường gió xếp lại như tấm rèm con nhện giăng trên mi mắt ngủ đưa tay xua mơ hồ như làm dấu thánh
9.2.2011
------------------ Bài liên quan:
CÔ ĐƠN và CÔ ĐỘC — Nhân đọc “Quên Henry Miller / Nhớ Phạm Công Thiện” của Đặng Thân - Nguyễn T. Long
[CHỮ & NGHĨA] ... Trong tiếng Đức, sự phân biệt giữa 2 chữ này rất rõ: das Alleinsein và die Einsamkeit... Trong tiếng Việt: hoàn cảnh cô đơn và tâm trạng cô độc...
(...)
|