|
“Có hồn”
[đối thoại]
|
![]() |
Một giọng ca “có hồn” thì có nghe nói, và nghe nói đến nhiều, tỷ như giọng của Khánh Ly thời kỳ đầu tiên hát nhạc Trịnh ở khu Đại học Văn khoa Saigon là một thí dụ tiêu biểu; giọng ca của Eric Burdon thời kỳ đầu tiên trình bày nhac phẩm bất hủ “The House of the Rising Sun” như trong phim Pop Gear chẳng hạn là một thí dụ tiêu biểu khác. Một diễn xuất “có hồn” thì cũng có nghe nói, tỷ như của Daniel Day Lewis, tài tử đã từng hơn một lần đoạt Oscar, hay như của Marlon Brando trong vai “Bố Già”, một mẩu mực như thế nào là diễn xuất “có hồn”, cũng nhờ đó mà bợ một Oscar, cái thứ mấy… Một giai điệu “có hồn” thì phải nói trước hết thực sự là không biết có ai nói như thế không. Rồi nếu cho một giọng ca hay một diễn xuất “có hồn” là một giọng ca hay một diễn xuất dễ gây sự truyền cảm ở mức độ cao và bằng một cách thức rất đặc biệt: tức thì và trực tiếp không qua một trung gian nào cả như bị một cú đấm knock out làm người ta cứ thế mà lăn đùng ra chết giấc hay... chết luôn, vậy cứ cho là hễ “có hồn” là dễ gây truyền cảm, thì không rõ là từ đó nếu không ai nói một giai điệu “có hồn”, thì sẽ có thể có việc nếu ai đó cho một giai điệu nào đó là “truyền cảm” thì đó là điều bình thường? Điều này chắc là có thể xảy ra. Và giả dụ là có chuyện đó chăm phần chăm thì câu hỏi đặt ra là như thế nào là một giai điệu truyền cảm? Nó phải lên bổng xuống trầm, tiết tấu và nét nhạc của nó phải ra làm sao, đường dọc đường ngang trái phải của nó phải như thế nào... trong dòng nhạc đang luân lưu, hay nói cho xôm hơn là đang dâng trào...? Rồi nào là cao điểm của giai điệu, đỉnh điểm (climax) của nó phải được bố trí ở đâu và sắp đặt ra sao, như thế nào để đạt tới độ tối ưu, vân vân...? Cách thức hay phương pháp làm sao cho ra được một giai điệu có tính truyền cảm cao là điều có thể truyền đạt? Ngay như nơi một người đã sẵn giàu hồn nhạc một cách lạ lùng và thiên phú thì có thể cho ra lai láng những giai điệu, đó là một chuyện, nhưng bao nhiêu phần trăm những giai điệu lai láng đó là những giai điệu truyền cảm đến mức “có hồn” lại là một chuyện khác. Đây có thể là điều hiển nhiên. Trở lại vấn đề hát hò, ngay như khi nói “một giọng ca có hồn” thì có thể giải thích được là đó là một giọng ca có sức gây truyền cảm cao, và thấy vậy thì biết vậy cũng như ở trên nói Khánh Ly “có hồn” thì đúng là thấy, nghe, và cảm vậy thì biết vậy và chỉ ra như thế, còn bảo giải thích hay dẫn chứng xa hơn nữa cho nó ngọn ngành, thí dụ như ”có hồn” thì tại sao lại “có hồn” và cái “có hồn” này nó ở đâu ra, làm sao có được, sức hút của nó ở chỗ nào, chất giọng hay cách lột tả, hay cách ngân nga át xì xổ mũi..., mấu chốt của việc đó là gì làm ơn chỉ ra để người khác bắt chước..., có thể là... bó tay. Cũng như chính xác là trong việc dạy hát, thường thì ông thày có thể dạy học trò ca làm sao cho đúng kỹ thuật, bài bản và thể loại này nọ, làm sao cho hay, làm sao cho điêu luyện..., chứ không thể dạy cho học trò ca làm sao cho truyền cảm chứ đừng nói chi đến “có hồn” được, vì điều đó có lẽ là vô phương hay bất khả. Như thế cũng có nghĩa là, ngoài việc không thể truyền đạt ra, hát cho “có hồn” là điều không thể bắt chước. Vậy, nói tóm lại, ý niệm hay khái niệm “có hồn”, hay có khi ngay cả truyền cảm, là một ý niệm hay khái niệm khó giải thích và khó truyền đạt, và nếu nó là một diễn đạt có tính cách phê phán thì khả năng dẫn giải bằng lý tính suông để “bảo kê” cho việc phê phán đó sẽ có thể gặp khó khăn đến độ nan giải. Trong bài hát mang nhan đề “Nhắn’’ của Phù Chí Phát, phổ từ thơ của Nguyễn Đăng Thường, một bài thơ “nặng ký” vì ngắn, ít chữ mà lại đa nghĩa trùng phức, việc gì xảy ra khi tiếng KÉO xuất hiện, lần đầu tiên ở giây 00:27 - 00:28 của bài hát? Ngay cái giây 00:27 – 00:28 đó có phải là cái khoảnh khắc tạo ra sự truyền cảm cao độ? Và việc nét nhạc đi như thế có thể được xem là “có nét”? Phải nói như thế là đã làm cho giai điệu của bài hát trở nên khá đầy cá tính một cách rõ rệt rồi đấy, nhưng vấn đề muốn đề cập ở đây là nét nhạc đi như thế cũng như nét nhạc xuyên suốt toàn bài hát có thể làm cho giai điệu của bài hát và bài hát nói chung trở thành truyền cảm, và truyền cảm ở mức độ cao đến “có hồn” hay không? Trong câu thơ nghe “lạnh mình” sau đây của Nguyễn Chí Thiện: “Đảng tới là tan nát cả”, nếu cho chữ TỚI là nghe “lạnh mình” nhất hết thảy trong các chữ của câu thơ và từ đó trở nên quan trọng và có tình cách mấu chốt hơn cả trong toàn câu thơ do dựa vào cái ý nghĩa là đảng làm gì hay đi đâu thì kệ cha đảng, miễn đừng TỚI “làm phiền” là ô kê, còn đảng mà TỚI thì chỉ có nước vắt giò lên cổ mà chạy, thì chữ “KÉO” ở đây cũng chuyên chở một sức nặng “lạnh mình” và quan yếu tương tự. Đại lũ mà kéo về thì khủng khiếp lắm, chỉ có việc cuốn gói và rút dù mà chạy cho xa. Vậy khi tiếng KÉO cất lên, báo hiệu cho một sự khốn nạn cuộc đời một cách khinh khủng không bút mực nào tả nổi, thì làm nổi bật chữ KÉO bằng cách thế như thế là một chọn lựa chính xác, độc đáo, khác thường, và hoàn chỉnh về mặt đường nét. Bài hát mang đầy cá tính như nói trên là vì vậy. Vấn đề kế tiếp là: làm nổi bật như thế là đã đủ đô đủ liều đủ lượng chưa về mặt cường độ? Có nghĩa là về mặt dữ dội của sự khủng khiếp do đại lũ gây ra, đi như thế và cụ thể ở chỗ KÉO như thế, nét nhạc đã “vẽ” ra được hết cái mức độ khủng khiếp của cảnh trùng phức những đau thương và tai ương của người dân vùng bão lụt mà bài thơ gợi lên một cách tiềm tàng? Đau thương và tai ương mà bài thơ gợi lên một cách tiềm tàng đây không những chỉ là đau thương và tai ương do đại lũ mà còn do một loại tinh thần vô cảm dửng dưng, sống chết mặc bay... như là một hệ lụy của một đường lối hay chánh sách cai trị vốn đã hư hỏng và băng hoại một cách kinh hoàng đến mức hết thuốc chữa... chẳng giúp đỡ được gì bao nhiêu cho người dân nói chung và cho người dân đang bị nạn nói riêng, nhất là về lâu về dài... Trùng phức của những đau thương và tai ương này như được “sắc” hay “cô” lại bằng bao nhiêu đó chữ của bài thơ. Như thế thì trùng phức không những chỉ là trùng phức những đau thương và tai ương như vừa nói mà còn có thể là trùng phức của cách lập ngôn trong bài thơ. Hậu quả là, nói chung, trong việc phổ nhạc bài thơ này, nội những sự thể hay yếu tính của loại “hồn thơ” do ý nghĩa tiềm tàng của nó và từ đó mà ra như thế cũng đã là rất khó giải quyết một cách thỏa đáng. Ngoài ra, cũng trong cái khía cạnh trùng phức đó không thôi, nó còn có một điều khó giải quyết khác cho người làm nhạc nói chung là tính chất “tinh ma quỷ quái” và “cà chớn” hết chỗ nói của chính sự trùng phức đó, bởi vì dường như thể là nó biết biến dạng một cách như là “hùa” theo bài thơ. Tùy từng lúc, lúc thì nó dữ dội và vồ vập một cách điên cuồng và vũ bão mà lại “tỉnh queo” như “đại lũ cũng tràn lên đất liền”, lúc thì nó “nhẹ tênh” và buông thả một cách khơi khơi như “vài trăm chục thùng mì”; nếu xem nhạc tính thóat ra từ bài thơ là sự trùng phức và những cái tinh ma quỷ quái lắt léo đó của nó, thì nhạc tính như thế làm sao “xử” đây. Nói chung là, nếu đem nó ra so sánh với những bài thơ đã phổ nhạc tình ca khác như những bài thơ của Huy Cận, Nguyên Sa..., hay ngay cả của Thanh Tâm Tuyền, về mặt mức độ quanh co hiểm trở của những sự thể của loại hồn thơ đó, thì với những khó khăn như trên và còn những khó khăn khác không tiện kể hết, con đường từ bài thơ “Nhắn” của Nguyễn Đăng Thường ra tới bài hát “Nhắn” gập ghềnh, khúc khuỷu, đa đoan, đầy trắc trở, và gian nan hơn rất nhiều. Rồi cho dù có vượt qua được hết mọi khó khăn và chỉ cần lột tả được hết thảy hay ngay cả đối đế quá thì chỉ cần ít nhiều các thứ chính yếu từ phần ý nghĩa của bài thơ không thôi, thì bài hát trở nên “có hồn”? Hay tấm lòng của người làm nhạc bỏ ra để cưu mang phần nhạc cho bài thơ mới đích thực là “có hồn”? Tôi nghĩ là vậy.
------------------ Bài liên quan:
30.12.2010
[THƠ & NHẠC] ... Chúng tôi xin gửi đến độc giả Tiền Vệ nguyên văn bài thơ “Nhắn” của Nguyễn Đăng Thường, kèm file mp3 ca khúc “Nhắn” do Phù Chí Phát phổ nhạc. Mời các bạn đọc thơ và nghe nhạc để cùng chia sẻ... (...)
|