tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Đột biến” hay “mượn đỡ” đồ cũ?  [đối thoại]

 

Ở Việt Nam, mỗi năm, đến rằm tháng giêng, Hội Nhà văn lại tổ chức Ngày Thơ Việt Nam ở nhiều địa điểm khác nhau. Năm nay, Ngày Thơ trùng với ngày kỷ niệm 100 năm Hồ Chí Minh “tìm đường cứu nước” nên có ba nơi được chọn, đó là: Văn Miếu ở Hà Nội, Bến Nhà Rồng ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam Đàn, Nghệ An, quê của ông Hồ.

Theo báo chí, trong ba nơi, Văn Miếu là nơi thành công nhất với nhiều chương trình, nhiều nghệ sĩ tham dự và nhiều khách đến thăm viếng. Tuy nhiên, mặc dù được xem là thành công nhất, các ký giả đều cho Ngày Thơ năm nay nói chung là “buồn tẻ” hơn những năm trước. Một số người cho màn gây ấn tượng nhất trong Ngày Thơ ở Văn Miếu là màn trình diễn thơ của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh. Thậm chí có người còn cho đó là màn trình diễn duy nhất đúng nghĩa. Ví dụ trên báo Vnexpress, có bài “Ngày thơ VN: Hà Nội thiếu điểm nhấn, TP HCM buồn tẻ”, nhà báo viết

“Sự xuất hiện của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trên sân khấu đem lại màn trình diễn đúng nghĩa duy nhất tại Ngày thơ năm nay. Trong bài “Bất tận”, hai nghệ sĩ cùng “trốn” trong một tấm vải trắng đen rồi dần thoát ra và thực hiện nhiều động tác biểu cảm thể hiện ý tưởng của bài thơ. Đây cũng là tiết mục “đinh” của sân thơ Hiện đại.”

 

Bài viết “Vi Thùy Linh: Gọi tháp nghiêng Pisa về giữa sân Thái Học” trên báo Tiền Phong cũng nhận định tương tự:

“Như câu thơ “Mỗi lần đến lại mang theo điều bí mật”, nhà thơ Vi Thùy Linh lần lượt mang đến với sân thơ hiện đại 2011 những món quà đặc biệt. Nhà thơ Thùy Linh chia sẻ: “Mấy năm rồi tôi mới trở lại sân thơ. Năm nay có sự thay đổi đột biến là sân thơ hiện đại, cho nên tôi cũng muốn có một sự đột biến. Hiện chúng ta đang ở Hà Nội – một không gian rất cổ kính, nhưng tôi muốn đưa mọi người sang châu Âu ngay lập tức, bây giờ... Và tôi sẽ gọi tháp Pisa về ngay bây giờ ở sân Thái Học”.
 
Sau tiếng vỗ tay “tiếp lửa” của khán giả, nhà thơ trẻ họ Vi chậm chãi hé mở bí mật đưa khán giả đến tới thủ đô Italia nơi có tháp nghiêng Pisa và thưởng thức một tháp nghiêng khác, vĩnh cửu hơn tháp nghiêng của nước Ý – dáng hình hôn nhau của những đôi uyên ương.
 
“...Anh ôm em bay lên giữa bầu trời Ý/ Vào giây 2763/ Vẫn thèm hôn như chưa bắt đầu/ Quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp/ Váy bay/ Tóc bay/ Mắt bay sóng sánh/ Chúng mình là ngôi sao bay/ Là tượng tình yêu đang thở/ In vào La Mã xanh/ Pisa thứ hai/ Dẫu Pisa cũ sụp xuống/ Dáng nghiêng hôn nhau quên thời gian của hai chúng ta vẫn in lên hình trời Rome/ Một thế giới nghiêng vĩnh cửu.”

 

Ở đây, tôi không bình luận về bài thơ (mà theo tôi, không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là hơi rởm!). Tôi chỉ xin nêu một ý kiến về màn trình diễn thơ của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh. Trong màn trình diễn ấy, điểm chốt, quan trọng và gây ấn tượng nhất là cảnh hai người bịt khăn hôn nhau.

 

 

Nhìn mấy bức ảnh trên, tôi không thể không nhớ đến bức tranh này:

 

 

Đây là bức tranh có nhan đề là Tình nhân (“The lovers”) của họa sĩ siêu thực nổi tiếng người Bỉ, René Magritte (1898-1967). Bức tranh này được vẽ năm 1928 trên sơn dầu vào năm 1928.

Cùng năm và cũng cùng cảm hứng, René Magritte còn vẽ bức tranh một cặp tình nhân đứng bên cạnh nhau và cùng bịt khăn trên mặt:

 

 

Những bức tranh tình nhân bịt khăn ấy rất nổi tiếng và được xem là những tác phẩm tiêu biểu nhất của René Magritte cũng như của hội họa siêu thực trên thế giới nói chung. Là một họa sĩ chuyên nghiệp, chắc chắn Đào Anh Khánh không thể không biết.

Bởi vậy, cái gọi là “đột biến” trong màn trình diễn thơ của Vi Thùy Linh chỉ có nghĩa là, về thơ thì chị chỉ nhắc đến cái tên của tháp Pisa nghiêng ở Ý để làm sang, còn về hình thể biểu diễn thì chị “mượn đỡ” từ các bức tranh mà René Magritte đã vẽ cách đây gần một thế kỷ!

Trong Ngày Thơ sang năm, nếu có màn trình diễn thơ và hôn nhau trên sân khấu, đề nghị các nhà thơ kiêm ca sĩ Việt Nam nào muốn tạo nên sự kiện “đột biến” thì nên bắt chước màn hôn nhau của John Lennon và Yoko Ono trong bức hình chụp năm 1968 dưới đây, chắc là hấp dẫn hơn:

 

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021