tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Chường cái mặt”??? & Rơi lệ, mà lệ không rơi!  [đối thoại]

 

"Chường cái mặt”???

 

Lài đọc được trên báo Thông Tin rằng:

"Từ dạo quay về làm dân ở Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, sống rất lặng lẽ và kín tiếng. ‘Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ’, ông nói thế khi bị thắc mắc.”

Giờ, Đỗ Trung Quân rất tiếc phải nói thật lòng:

"... Đấy chỉ là những dòng ‘cảm tưởng có vần’, thường thấy ghi trong những sổ cảm nghĩ đám ma hay đám cưới.
Thưa ông!
Nó không phải là thơ ạ!”

Ờ, tuy nhiên, Lài nghĩ cái bài đó là “cảm tưởng ngắt dòng và có nhịp” thì đúng hơn, chứ chưa phải “cảm tưởng có vần”. Có vần thì tác giả cần phải dụng công hơn, và, may ra, có dở thì cũng được xem là vè.

Té ra, “trong thơ” cũng hổng dễ để mà “chường cái mặt”.

Thiệt là kẹt!

 

Rơi lệ, mà lệ không rơi!

 

Đọc khổ thơ sau đây của Nguyễn Khoa Điềm:

“Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi
Của một người tù.”

Lài nảy ra thắc mắc.

Bức chân dung thì hẳn là “Của một người tù”, người tù ấy hẳn là họa sĩ Cù Huy Hà Vũ (CHHV) rồi.

Còn “Những giọt nước mắt / Thật buồn / Thật lặng lẽ” này là của ai vậy? Ai nhỏ lệ mà bi thương lắm vậy?

Những giọt nước mắt ấy cũng là “Của một người tù” (CHHV) trước bức chân dung mình vừa vẽ khi ngồi trong song sắt, hay là của tác giả (NKĐ) -- là người ngồi trước bức chân dung trên màn hình máy vi tính, xem bức chân dung, rồi tức cảnh mần thơ? (Ở đây, Lài muốn nói rõ rằng có khi động từ mần thơ không phải là mần ra được thơ, vì cái được mần ra chưa hẳn đã là thơ. Đây là chuyện dài về định nghĩa cái gì là thơ, cái gì không là thơ, mà chuyện đó không nằm trong mục đích của bài viết này.)

Nếu những giọt nước mắt ấy cũng là “Của một người tù” (CHHV) thì Lài thấy dễ hiểu. Thử tưởng tượng, ông ngồi co ro trong chấn song lạnh, ngắm bức chân dung vừa vẽ, rồi vì uất ức, vì thương cảm lẽ đời với người trong tranh, mà có khi nhỏ lệ, là điều tự nhiên.

Còn giả định rằng những giọt nước mắt ấy (những giọt nước mắt trong cái văn bản mà được xem là bài thơ ấy) là của tác giả (NKĐ), thì vì sao, vì nguyên cớ gì, mà ông ấy (NKĐ) nhỏ lệ vậy cà?

À, đây rồi! Có phải vì cái nghi vấn, vì cái dấu hỏi [?] trong câu này chăng:

“Trận chiến Lịch Sử
Đã phá tung mọi xiềng xích?”

Cái dấu hỏi [?] ấy nó tiết lộ rằng ông nghi ngờ về (giá trị?) cái sự kiện “Trận chiến Lịch Sử / Đã phá tung mọi xiềng xích?”, rồi uất ức, thương cảm (cho mình, hay cho ai, cho cái gì đó) mà nhỏ lệ.

Khi ông hỏi hẳn là ông đã có câu trả lời, ít ra là cho chính mình rồi; hay suy ra và lập luận theo ngôn ngữ chính thống lâu nay, thì việc đặt một câu hỏi chí tử như vậy tiết lộ rằng “lập trường tư tưởng” của người đặt “có vấn đề”, hay “đã chao đảo” hung rồi. Ngày xưa, chừng mươi chục năm trước, hỏi như vậy khi còn tại vị, khi đang có chức quyền, thì có cơ về đuổi gà cho vợ, thậm chí có cơ đi bán muối lắm. Còn bây giờ, khi đã về hưu, hỏi như vậy có khi lại là một cách làm sang.

Lài băn khoăn “những giọt nước mắt” đó mặn mòi ra sao, rồi nhớ nhân gian có thành ngữ “nước mắt cá sấu”!

Suy cho cùng, cái thời gì mà ngộ, cái gì cũng khó. Mần thơ không hẳn là mần ra thơ. Làm sang cũng không hẳn là sẽ được sang. Còn, khóc cũng vậy, cũng không dễ chút nào, không phải cứ muốn rơi lệ là lệ rơi được đâu! Lại, thiệt là kẹt!

 

Bùi Thị Lài
SG, 20/09/2011

 

 

-----------------

Bài liên quan:

20.09.2011
[CHUYỆN PHÊ BÌNH & CHUYỆN THƠ] ... Đây nhá, mình có thể nói như thế này, rởm hết, tất cả những gì mà những người cộng sản Việt Nam làm và nói từ trước đến nay đều rởm! Rởm từ trong ra ngoài! Rởm từ trên xuống dưới! Rởm tuốt tuột!... (...)
 
19.09.2011
[CHUYỆN THƠ] ... Bài thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm, rất tiếc phải nói thật lòng, xin ông đừng giận. Đấy chỉ là những dòng “cảm tưởng có vần”, thường thấy ghi trong những sổ cảm nghĩ đám ma hay đám cưới... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021