tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Từ bài thơ của Vương Duy mà bác Phùng Tường Vân dịch nghĩa, góp thêm vài ý nghĩ  [đối thoại]

 

MỒNG CHÍN THÁNG CHÍN NHỚ ANH EM Ở QUÊ NHÀ SƠN ĐÔNG
Đơn độc một mình ta sống ở quê người làm người khách lạ
(Hàng năm) mỗi lần gặp hội, tiết vui vẻ lại càng nhớ đến người thân (yêu)
(Lúc này) ta biết rằng anh em (ở nơi quê nhà ấy) đang cùng trèo lên núi
(Ai nấy) đều (thung thăng) cầm một nhánh thù du đi chơi chỉ thiếu một mình ta.
 
Thơ Vương Duy
Phùng Tường Vân dịch nghĩa

 

Thi sĩ đang ở “quê người”, tức là có người, nhưng toàn là người lạ, nên ông nhớ về “quê nhà Sơn Đông”, anh em của ông đang “cùng trèo lên núi cao” mà ông không thể chơi cùng, vậy ông cô độc chứ không cô đơn. “Quê người đắng ngắt”, chữ của nhà thơ Nguyễn Bính khi “Hành phương Nam” cũng thế, các ông đang cô độc nơi “đất khách” chứ không phải không gặp người, “Thì cứ ngồi đây ngay giữa chợ/ Uống say mà gọi cố nhân ơi…”

Cũng như thế, đôi khi ở ngay trong nhà vẫn cô độc, như kiểu nhà báo Hoàng Hùng vừa rồi. Với người vợ có quá nhiều điều khác mình như thế, bao nhiêu nỗi niềm đành “nước mắt chảy vào trong”, cũng có thể ông Hoàng Hùng đã phải cô độc trong nhà mình, rồi lặng lẽ… cháy thành tro.

Còn “chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” (chữ của Inrasara) là khi thi sĩ muốn một mình, không bị phiền nhiễu, không muốn những tụ họp bầy đàn làm mình mệt mỏi mà không cất lên được tiếng hót thánh thót bản sắc kiêu hãnh của mình. Khi đó thi sĩ cô đơn nhưng không cô độc.

Có lẽ người ta sẽ đau đớn hơn khi đang cô độc, còn cô đơn thì người ta có thể vẫn sẽ làm được một cái gì đó, ví như thi sĩ Inrasara thì sẽ sáng tạo, chẳng hạn.

Nhưng nếu bạn vừa phải cô đơn lại chịu thêm sự cô độc nữa, chưa chắc là do bạn mong muốn hay bất hạnh rơi vào mà còn do cuộc đời nữa. Ví như ngày xưa thời loạn, kẻ sĩ đi ở ẩn, bọn giả danh cơ hội đăng đàn, tội ác công nhiên chà đạp lên mọi thứ, sử sách còn nhiều trang bi thảm. Hay như thời nay, người ta có thể bị đánh gãy cổ vì đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, người ta có thể hiếp dâm trẻ em vẫn được gọi là “quan hệ trên mức tình cảm”, còn bé gái bị hiếp dâm thì phải đi tù như một “Tú Bà”. “Gặp thời thế, thế thời phải thế”, nên cô đơn hay cô độc gì của thời này nếu không cẩn thận hoặc không biết cách làm cho hợp thời thượng, bạn đều có thể bị sập bẫy lãnh thẹo, nhẹ thì bị vu cho là hâm, là “dùng hai bao cao su”, nặng thì bạn thấy rồi đấy, bạn có thể bị xử lý (tức là đi không biết ngày về).

Ôi, ngày xưa Nguyễn Bính “Quê người đắng ngắt, quê người đua chen…”, nhưng bây giờ ngay tại quê nhà, nếu bạn biết giả vờ cô đơn cô độc gì thì nhớ cho đúng cách, sẽ được chút sang trọng trí thức. Còn nếu bạn cô đơn cô độc thật sự thì còn chua chát hơn nữa. Mời bạn xem cái hình này là cô đơn hay cô độc:

 

 

 

------------------

Bài liên quan:

14.03.2011
[CHỮ & NGHĨA] ... Nhân có câu chuyện “cô đơn”/”cô độc”, tôi post bài thơ trên trước hết là để mời quần hào thưởng thức một bài thơ hay, sau là xin đặt một câu hỏi liên quan: vậy thì cái tâm trạng thi nhân trong bài thơ này là một tâm trạng cô đơn hay cô độc?... (...)
 
13.03.2011
[CHỮ & NGHĨA] ... Trong tiếng Việt, đây là hai từ đồng nghĩa khó phân biệt thật rõ sắc thái ngữ nghĩa. Cô độc có thể được hiểu là không có tri kỷ. Nhưng theo tôi, người ta có thể chọn cho mình sự cô độc chứ không thể chọn sự cô đơn... (...)
 
12.03.2011
[CHỮ & NGHĨA] ... Trong tiếng Đức, sự phân biệt giữa 2 chữ này rất rõ: das Alleinseindie Einsamkeit... Trong tiếng Việt: hoàn cảnh cô đơn và tâm trạng cô độc... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021