tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thưởng phong vị trong “Đàn bà uống rượu” của Nguyễn Việt Hà  [đối thoại]

 

1.

 

Một cuốn sách mỏng, cầm lên, thông tin ban đầu ở trang xi nhê cuối: (in xong và nộp lưu chiểu 2010). Tịnh không thấy ngày tháng (sách của nhà xuất bản Văn học). Có vẻ mới ra lò. Tháng 6/2010, trong lúc đi lang thang, tôi tình cờ mua được trong một hiệu sách ở Hàng Chuối cuốn tạp văn Đàn bà uống rượu, chữ in nhỏ li nhi suốt 200 trang, mục lục gồm 62 nhãn mục chào mời “lạ”. Không chỉ có chuyện “Đàn bà uống rượu” mà còn có nhiều chuyện khác như “Đàn bà có võ”, “Đàn ông dở hơi”,... Mỗi chuyện lại viết ngắn. Tổng thể cuốn sách cố làm ra nhỏ nhắn nói thầm tinh tế. Từ dấu ấn design bìa, ô! lại minh họa cầu Long Biên, hiện lên cùng với cái tên tác giả chạy dọc theo nhịp cầu hoành tráng – NGUYỄN VIỆT HÀ. Không biết nhờ vào kỹ thuật gợi liên tưởng hay cảm nhận “ngây thơ” của một người đọc là tôi, khi mới chỉ nhìn cái bìa sách đã thấy hiện lên chân dung một nhà văn có cái gì đấy chắc phải rất là về Hà Nội. Quả thực, cách sơ khởi để đọc sách của tôi ban đầu chỉ là thế.

 

2.

 

Ngót dăm năm nay, người ta từng biết đến danh sĩ Nguyễn Việt Hà nổi như cồn trong làng văn ta, được nhiều đại thụ văn chương phê bình các loại hạng điểm danh nhắc đến hệ trọng với thể loại các tiểu thuyết như: Cơ hội của Chúa, và Khải huyền muộn. Họ bàn tán về dấu ấn chủ đạo trong tiểu thuyết của nhà văn này mở ra một bối cảnh đương đại, đại khái xã hội của giới trí thức công chức thời kinh tế thị trường -- cùng đủ thứ màu sắc đô thị, ngồn ngộn chất liệu và phù phiếm salon chưa từng có, đồng thời dư luận ngầm về thành công của nhà văn này so tầm ngang nhu với Lỗ Tấn bên Tàu đã thành công với AQ, cũng như việc lột tả xã hội đã nuôi dưỡng AQ. Thế mà, Chúa ơi! Cơ hội của Chúa tôi chưa đọc. Khải huyền muộn thì tôi có đọc sơ sơ trên mạng hai lần, nhưng thú thực là hiểu nội tình còn lõm bõm. Cũng chưa từng diện kiến nhà văn này ngoài đời thực, mà chỉ được “nhòm” nhà văn qua ảnh và loáng thoáng ở một vài góc sự kiện kín đáo lại cũng trên mạng nốt.

Bạn thì sao? Khi đọc văn chương, tôi thường bị chú ý đến giọng văn, câu chữ của người viết là chính, rồi mới đến những thứ khác. Có bình thường không? Tôi thích chiêm ngưỡng và thậm chí muốn được mê hoặc trong các vũ điệu viết lách của một cây viết khi tôi đọc họ một mình. Sao các nhà văn mình nhiều ông đang nổi qua thông tin PR xuất bản tư nhân lẫn quốc doanh lại không hiểu điều này ở độc giả bây giờ là tôi chứ? May sao, khi tôi cầm cuốn tạp văn Đàn bà uống rượu của Nguyễn Việt Hà lên thì tôi quên phéng lời đồn đại đao to búa lớn đầy quan trọng về cây viết này ở thể loại tiểu thuyết.

Tôi đọc ngốn ngấu Đàn bà uống rượu, thứ tạp văn có vẻ linh tinh ngắn ngủi đó. Ban đầu là như vậy. Thử hình dung xem trong cuộc sống bận rộn quay cuồng áp lực ngày nay con người ta có bao nhiêu thời gian để dành cho việc đọc nhâm nhi và còn có biết bao nhiêu cuốn sách trên đời cần lựa chọn để đọc khẩn cấp. Nhưng một ngày tình cờ một cuốn sách kiểu như Đàn bà uống rượu rơi vào tay bạn. Hỡi ôi, chẳng biết với nó may hay là không may. Nó có thể được mấy người chằm bặp như những thứ như là ô tô? Còn tôi phải nói thế nào nhỉ. Tôi nói: Thật là một cơ hội hiếm có khi tình cờ cuốn sách của bạn rơi vào tay tôi, nhẹ và êm ái (tôi vốn ghét âm thanh ồn lắm). Nhưng thật đáng đời cho tôi.

Sau khi đọc Đàn bà uống rượu không biết bạn thế nào nhưng tôi thì bỗng vừa thấy vui lại chuốc lấy “cái điên” vào người mỗi khi đọc lại tập sách nhỏ nhắn này của Nguyễn Việt Hà. Lần nào đọc tôi cũng phải lầm bầm mắng sách mấy tiếng như: “ Đồ quỷ”, “ Ma xó”, “Lão già”, “Cóc cụ Hà Nội” bạ cái gì cũng chêm câu từ “trong trắng...”, “bỗng”, “ở cái thời này” vào mọi chuyện mà thấy “ghét”! Nói chung có rất nhiều chi tiết thấy “ghét” không tính xuể trong Đàn bà uống rượu nhưng tôi chưa vứt nó đi như đám sách vở khác. Và phải nói thật với cả nền văn chương Việt mà tôi được học từ vỡ lòng cho đến ngày hôm nay, tôi bỗng không còn những nghi ngại và lo lắng thêm về sự già nua nữa. Tôi thấy yên tâm về sự tìm kiếm của mình, bỗng thấy những chân trời mới đầy trẻ trung của văn chương Việt khi thưởng phong vị trong tạp văn Đàn bà uống rượu của Nguyễn Việt Hà. Tự nhủ, cái chính là ta vẫn còn muốn tìm kiếm điều gì đó, ngay cả với việc đọc lại một cuốn sách, một cây viết mà ban đầu khiến ta bực bội, dị ứng, hoặc điên người mà chưa rõ nguyên nhân.

 

3.

 

Thì sao? Nếu người ta từng biết đến một Vũ Bằng của thế kỷ 20 với những “Món ngon Hà Nội” thì người ta cũng nên biết một chút Nguyễn Việt Hà của hôm nay, thế kỷ 21 với những “Món hài Hà Nội” qua chùm sê-ri Đàn bà uống rượu. Và đi lại con đường đã cho ra đời các tác phẩm tạp văn xinh xinh ấy. Loáng thoáng ban đầu là những bài viết chuyên mục đăng trên báo. Chỉ có điều tôi không rõ hình thù cái tờ báo mà Vũ Bằng đăng những “Món ngon Hà nội” mặt mũi ra sao. Nhưng những bài viết xinh xinh Đàn bà uống rượu của Nguyễn Việt Hà này chỉ thấy đăng rải rác trên những tờ báo giải trí lá cải giấy đẹp - (couche nõn nà), trình bày màu mè loè loẹt xống áo hở hang nhất hiện nay ở ta. Và nghe đâu nhuận bút được trả cho các tạp bút của nhà văn này lại không hề “lá cải”. Tuy nhiên, đề cập vấn đề này chỉ là một chi tiết phụ. Vấn đề là tất cả những bài tản văn xinh xinh đó trong nhiều năm được gom lại cho cả vào tập sách Đàn bà uống rượu. Để những ai coi rẻ không thèm đọc báo lá cải vẫn không thể bị bỏ sót một món văn chương kiểu Vũ Bằng nhưng lại là món khác mà tôi mạn phép được gọi là “Món hài Hà Nội” của Nguyễn Việt Hà. Đọc cho hết những “Tuyệt vọng tiểu thư”, “Đàn bà có võ”, “Đàn ông dở hơi”, “Hôn nhân là gì”, “Giá của sắc đẹp”, “Người ở Hà Nội,” ... rồi bạn muốn khóc, cười gì thì tuỳ ý, từ sắc thái ngôn ngữ, hành văn đến chi tiết chất liệu như lấy ra từ một thứ bảo tàng của đời sống Hà Nội (trung tâm kinh tế văn hóa chính trị của cả nước) mà lại rất đương đại.

Nhưng cái khó chịu nhất ở Đàn bà uống rượu của Nguyễn Việt Hà là dùng quá nhiều điển tích văn chương củ tỉ Tây, Tàu, Việt... Nhiều nhất là Y (tác giả) dùng quá nhiều chuyện và lấy khí hậu văn Tàu để nói bên ta. Nói từng loại người, từng việc một mà Y trích dẫn chính xác đến từng dòng, từng trang, điển tích ở đâu và có lý do trúng phóc. Trúng với từng trường hợp phổ biến đến nỗi làm cho người đọc bên ta có điên đến mấy cũng không làm gì được vì, dường như chỗ nào cũng có một vài thói tật ta mắc phải, hay hàng xóm mắc phải mà ta cũng biết rõ nhưng nào dám hé môi, chứ đừng nói là dám viết ra. Trộm nghĩ, sợ lắm, mực đen giấy trắng văn thơ trường cửu mà không cẩn thận “múa bút” thì chết ngay. Chẳng hạn đoạn này Nguyễn Việt Hà “múa bút” thủ thỉ thù thì về một cô nương có võ sơ khởi xấu tính, xấu nết nhưng rồi sau lại thành ra đẹp một cách ngon ơ:

“Tà đạo hơn nữa, cô này còn sai gia nhân đánh thuốc mê bắt về toàn tuyệt đại cao thủ rồi ép họ đánh lẫn nhau để tẩn mẩn học mót. May thay vốn trong trắng tuổi trẻ cô tự dưng biết yêu, cho dù đấy là gã Trương Vô Kỵ nhạt hoét. Nhờ thanh sạch hy sinh vị tha, cô đã ngộ ra một điều giản dị, ái tình chân chính cũng như võ học tuyệt chiêu chẳng thể nào mà ăn gian vơ vét trong một chiều một sớm.”

Hay:

“…Có điều, tuy cô nương họ Vương giỏi võ mồm nhưng rất hay yêu nhầm và thỉnh thoảng lại bị té giếng.” (trích “Đàn bà có võ”)

Tại sao tôi nói đọc Đàn bà uống rượu để biết một chút về Nguyễn Việt Hà với những “Món hài Hà Nội”? Vì nó không giống với các món hài Quảng Nam hay hài xứ Huế hay hài xứ Nghệ... vân vân… Có lẽ vào một ngày đẹp giời bạn đọc nó rồi bạn sẽ tự biết. Điều tôi nhận thấy đó là một phong vị văn chương chỉ có ở Nguyễn Việt Hà, không lẫn với nhà văn hay người viết khác.

 

4.

 

Nhân thể khi đọc tạp bút của Nguyễn Việt Hà, hãy tự hỏi khi nào thì người ta cần đến một bút pháp hài. Hài như Đàn bà uống rượu để được đọc thật chẳng dễ chút nào. Để kết thúc bài viết lan man này tôi cũng tập làm thử “Món hài Hà Nội” là bắt chước ông, mở đầu các câu chuyện xinh xinh tưởng chẳng có gì. Những chữ trong ngoặc kép, nghiêng sau đây là chữ hay dùng của Nguyễn Việt Hà trong Đàn bà uống rượu. Viết rằng: “Ở vào cái thời nay” người ta đã quá quen và chạy theo với những thứ hài trên vô tuyến, băng đĩa, phim ảnh… tức là các phương tiện nghe nhìn mà bỏ qua việc đọc “ngây thơ”, “trong trắng” một mình một sách để vừa tìm kiếm làm giàu mình vừa thưởng thức phong vị chữ nghĩa. “Ấy thế tuy nhiên” chữ nghĩa và sách không cần phải đua với các phương tiện nghe nhìn giải trí rào rào ngày nay. Về cái sự đọc này thì đây là ý của Nguyễn Việt Hà mà tôi nghe lỏm được khi ông nói với bạn ông, một nhà thơ quân đội, trong lúc tôi đứng ở gần đấy. Họ nói với nhau, đại ý: “Nếu cuốn sách chứa đựng một thứ văn chương đích thực của một nhà văn thực sự có tài, thì việc đọc sách hơn các phương tiện nghe nhìn ở chỗ: nó cho người ta tiếp tục suy nghĩ.”

Với Đàn bà uống rượu, tôi đọc trước hết để thưởng phong vị chữ, và đặc biệt là “biết” về những “Món hài Hà Nội” mà tôi cho là rất “đặc sản Nguyễn Việt Hà”. Còn bạn và các nhà văn khác thì nghĩ sao?

 

Ngõ Tây
07 /2010

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021