tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Màu mè như chè ba màu  [đối thoại]

 

Tối nay wởn, Lài và một anh bạn lên Tiền Vệ đọc lai rai, thì thấy bài viết “Lý Đợi không làm thơ” của tác giả Inrasara đăng trong mục tiểu luận / nhận định.

Vừa đọc xong cái nhan đề, Lài tưởng mình nhầm. Kỳ vậy ta, Lý Đợi mà hổng làm thơ thì ảnh làm cái mẹ rượt gì đây nhỉ? Vẫn chưa tin, Lài bèn vào danh mục tác giả cũng trên website Tiền Vệ, bấm vào tên Lý Đợi thì đếm được 83 bài viết được đăng dưới mục THƠ.

Vẫn chưa chắc ăn, Lài đọc bài viết này thì thấy:

Lý Đợi là người viết báo, biên tập viên, nhà viết văn xuôi, kẻ làm thơ in photocopy, người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn; Lý Đợi trình diễn thơ và thuyết trình về chữ nghĩa, workshop và triển lãm;...

Và:

Có thể bắt đầu về Lý Đợi và thơ Lý Đợi bằng tuyên ngôn đầy khiêu khích: “Chúng tôi không làm thơ”, bằng thái độ ngoại biên, bằng lập trường của nhóm văn chương Mở Miệng, bằng một bài thơ: “Lời hứa của Doi Ly” chẳng hạn, hay thậm chí bằng một cặp từ đồng nghĩa nhưng phân cách cả mấy vực thẳm nỗi người và nỗi đời: “bánh tráng / bánh đa”.

Và:

Có thể coi mớ chữ nghĩa kia là tin trong tin. Lý Đợi sử dụng tin làm thứ chất liệu (như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì) sẵn có, chế biến chút đỉnh, làm thành bài thơ.

Và trong bài của ông Inrasara còn nhiều chỗ xác tín khác nữa, cho biết những cái mà Lý Đợi làm ra là thơ, hay được gọi là thơ.

Vậy thì sao lại tác giả đặt cái nhan đề cho bài viết là “Lý Đợi không làm thơ”, lăng nhăng rối rắm quá xá vậy?

Lý Đợi làm thơ, mà cái được làm ra lại hổng phải là thơ, thì là cái con... (xin tùy nghi điền vào chỗ trống) gì?

Vậy 83 sáng tác của Lý Đợi được Tiền Vệ đăng vào mục THƠ là sao đây?

Thoạt tiên, từ cái nhan đề bài viết “Lý Đợi không làm thơ”, Lài thấy có sự mâu thuẫn trong nhận định của tác giả Inrasara và sự nhầm lẫn hay sơ suất của ban biên tập Tiền Vệ và cả của tác giả Lý Đợi nữa:

a/ Một là, ban biên tập của Tiền Vệ không phân biệt được những văn bản này là những cái gì đó, chứ không phải là thơ, mà cứ cho đăng lên như những bài thơ.

b/ Hai là, ông Inrasara không phân biệt được những văn bản này quả thật là thơ, chứ không phải là những cái gì đó không phải là thơ, mà Tiền Vệ cho đăng chúng như những bài thơ.

c/ Ba là, khi gởi bài cho Tiền Vệ, Lý Đợi quên cho ban biên tập biết những văn bản này không phải là thơ, và họ, vì sơ suất hay lý do nào khác, nên cứ cho đăng như những bài thơ.

Nhưng rồi khi đọc tiếp, Lài thấy tác giả Inrasara cho rằng:

Chúng không là thơ.

Rồi ông lý giải rằng:

Tất cả chúng đều là hậu [hệ, thành] quả của/từ một phản ứng mang tính xã hội. Dù chúng được gợi ý từ một bài thơ của bạn thơ, từ một tin tức báo chí, một nghị định của chính phủ, một tin vịt nghe lỏm được ở vỉa hè, một từ hay một âm bất chợt, Lý Đợi liên tưởng đến một / một vài ý tưởng, và [không] làm thơ.

Rồi lại:

Đúng hơn: không làm thơ hay, như bấy lâu người làm thơ Việt Nam luôn mơ ước và phấn đấu. Như lâu nay người đọc chờ đợi ở người làm thơ, ở thi sĩ. Lý Đợi không quan tâm chuyện thơ hay/dở, tròn/méo mà là thơ thực/giả. Lý Đợi huy động cả đám chữ vào cuộc. Anh xài chữ để trực tiếp tỏ thái độ chính trị: “Đội nón bảo hiểm tức thì ai chết?”, “8+8+8”, mấy bài thơ về sự kiện Trường Sa và Hoàng Sa;[*] chữ để tỏ thái độ xã hội, thái độ sống, thái độ viết. Bằng thủ pháp đắc địa nhất của hậu hiện đại: giễu nhại parody.

A, đây rồi, ngay chỗ này nè, “Đúng hơn: không làm thơ hay, như bấy lâu người làm thơ Việt Nam luôn mơ ước và phấn đấu. Như lâu nay người đọc chờ đợi ở người làm thơ, ở thi sĩ”, và “Lý Đợi không quan tâm chuyện thơ hay/dở, tròn/méo mà là thơ thực/giả.”

Vậy thì chúng cũng là thơ, chỉ có điều không phải là thơ hay — cái hay ở đây là ý muốn nói đến cái hay theo kiểu người làm thơ Việt Nam luôn mơ ước và phấn đấu xưa nay (mà nè, hổng chừng trong đó bao gồm cả nhà thơ rất mực mơ ước và phấn đấu Inrasara chăng [?]).

Mà hổng phải thơ hay thì hẳn là thơ dở hay thơ vừa — kiểu bình của nhà thơ Bác bình nhà thơ Chú: “Bài hay xen lẫn với bài vừa” — mà người làm thơ Việt Nam luôn mơ ước và phấn đấu xưa nay thường nghĩ.

Sau khi đưa ra sự quan tâm về thơ thực/giả của Lý Đợi thì tác giả Inrasara không lý giải thế nào là thơ thực, thế nào là thơ giả, theo quan điểm của ông, cũng như quan điểm của Lý Đợi, và do đó, không kết luận là thơ của Lý Đợi là thơ thực hay thơ giả, một yếu tố quan trọng mà Lài nghĩ người đọc mong đợi được biết.

Lài hỏi anh bạn đang cùng đọc: “Sao tác giả Inrasara không đặt cái nhan đề là ‘Lý Đợi (Chỉ) Làm Thơ Dở’ hay ‘Lý Đợi (Chỉ) Làm Thơ Vừa’ hay ‘Lý Đợi (Không) Làm Thơ Hay’ hay ‘Lý Đợi (Chỉ) Làm Thơ Thực’ hay ‘Lý Đợi Chuyên Làm Thơ Giả’ vân vân... cho gần với nội dung của điều mình muốn nói, hơn là cái nhan đề ‘Lý Đợi Không Làm Thơ’?”

Anh bạn trầm tư đúng ba giây để nói về bài viết mà tác giả Inrasara đã “Định viết về Lý Đợi và thơ Lý Đợi, nhưng tôi mãi lưỡng lự. Ba năm qua. Mở máy rồi tắt máy. Đánh một con chữ rồi xoá đi” như sau:

“Cha nội ơi, ổng nổ đó mà.”

Từ sự gợi ý khiêu khích nằm ở nhan đề bài viết, các điểm người đọc muốn biết nhất là:

1/ Lý Đợi có làm thơ hay không làm thơ?

2/ Những văn bản, sáng tác Lý Đợi viết ra — hay gọi là thơ Lý Đợi — là thơ thực hay thơ giả?

3/ Những yếu tố nào quyết định đâu là thơ thực, đâu là thơ giả?

4/ Nếu chúng là thơ, thì đâu là những kỹ thuật cách tân trong thơ Lý Đợi?

Những điều trên đây đều không hiện diện hay được đáp ứng thoả đáng trong bài viết.

Ông Inrasara chỉ múa lượn loanh quanh ở những tuyên ngôn và bề mặt của thái độ xã hội/thái độ chính trị của Lý Đợi như:

Chẳng ngán vi phạm bản quyền và, sẵn sàng đùa nghịch vào chính sự vi phạm đó. Còn cãi lý nữa!

Hay:

Vẫn còn là chưa đủ, Lý Đợi đẩy mọi thái độ, phản kháng rơi tõm vào bờ bên kia của chữ nghĩa. Tính chính trị trở thành một không khí của ngôn từ, của văn cảnh. Các sản phẩm tạo tác của anh ngập tràn, bốc mùi cái không khí chính trị đó.

Hay:

Cái lâu nay ta quen gọi là thơ ca chỉ là đống rác. Rác mọi lúc mọi nơi. Không thể làm gì với loài rác ủ đống ấy, Lý Đợi quyết vạch chúng ra, bươi chúng lên, hô hoán nỗi chúng cho người khắp xung quanh biết đó là đống rác. Lý Đợi quyết Mở Miệng. Bằng thơ.

Hay ý tưởng có vẻ chịu chơi:

Các loại thơ đó dung [chấp] chứa bạt ngàn từ đường phố, xó chợ, kẹt núi, góc ruộng, đáy ngục. Những từ dâm ô, tục tĩu, dơ dáy, hạ cấp, mạt hạng, thối nát, bậy bạ, nhảm nhí, lăng nhăng, hư đốn, và mọi mọi tính từ tồi tệ nhất và tiêu cực nhất mà người đọc hình dung được.

Thế nhưng, cho đến hôm nay, ý tưởng đó chẳng còn mới mẻ gì so với mặt bằng thơ Việt như mười năm trước nữa, thậm chí nó đã trở nên một thứ mode sành điệu, thời thượng đang đi đến chỗ đầy ứ và trở nên lỗi thời. Để bày tỏ thái độ đối kháng lại sự đạo đức giả cầy trong văn chương phải đạo, văn nghệ chính thống, người ta phóng từ cực này sang cực kia, và cắm dùi ở lì lại đó. Có người sử dụng ngôn ngữ trần trụi, thô tục để diễn tả thái độ phẫn nộ chính đáng của mình đối với các tình trạng hay các đối tượng rõ rệt, khi cần thiết. Có người sử dụng các từ ngữ gợi dục, để mô tả hành vi tính dục, khi cần thiết. Nhưng đồng thời cũng có vô số nhà thơ sử dụng chúng xả láng. Thậm chí nếu người đọc chịu khó để ý thì hôm nay có không ít nhà thơ ra vẻ ta đây chịu chơi giang hồ, xâm mình văng tục cặc lồn... một cách sành điệu nhưng rất non nớt trong tay nghề, vu vơ không chủ đích, và từ đó, nó tiết lộ sự theo mode, bắt chước một cách quê mùa và thiếu vắng sự nhạy cảm cũng như trí tuệ.

Ông Inrasara cho nhiều đường link để trích dẫn các bài thơ của Lý Đợi, nhưng không lý giải chúng đặc sắc và cách tân ở chỗ nào.

Thật ra đôi chỗ có vẻ ổng cũng có nỗ lực làm chuyện đó, chẳng hạn:

Có thể bắt đầu bằng thao tác lượm nhặt các câu nói dân gian, hàng lô thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa, Quất ngựa truy phong, Qua cầu rút ván, Ðè đầu cưỡi cổ, Ném đá giấu tay, Ăn cháo đá bát, Thượng đội hạ đạp, Thọc gậy bánh xe, Gắp lửa bỏ tay người, Ngậm máu phun người, Thừa gió bẻ măng, Thừa nước đục thả câu,...”, ép chúng vào hàng dọc, chỉ định [và dự đoán] đó sẽ là “những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam” ở thì tương lai.

Nhưng đó cũng chưa là một phát hiện hay nhận định gì sắc sảo.

Ổng cho rằng:

Rất nhiều món ăn sau trận tiệc thừa mứa, đám giỗ, ngày tết, hay của người ăn xin góp nhặt, được Lý Đợi dồn lại và pha chế, nấu nướng bằng thứ kĩ thuật không thể nói là không tài tình.

Nhưng tài tình như thế nào thì ổng lại không nói, hay không nói được.

Ổng chưa bàn được đến tính nghệ thuật, kỹ thuật trong các sáng tác của Lý Đợi.

Ba năm trăn trở để ra được một nồi “Màu mè như chè ba màu” thì hơi bị phí.

Tết nhất nhà nước cấm đốt pháo, giao thừa mình mời ổng đến chơi, vừa khỏi tốn màu mè hoa lá mai thắm đào tươi, vừa nổ đùng đùng cho xôm nhà xôm cửa, hahaha.

 

Lại, thiệt là kẹt!

 

Bùi Thị Lài

 

-----------
“Màu mè như chè ba màu”: Chữ của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên, tất nhiên trong một hoàn cảnh khác, không dính líu đến loại chè ba màu Lài đang nói đến.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021