tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Chừng nào còn sợ cái mới thì đừng có... mơ  [đối thoại]

 

Lời người viết:
Đọc hai bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, “Từ giã văn hóa làng”“Tiến tới một nền cộng hòa văn chương” trên VOA blog, tôi rất thích vì thấy tác giả đưa ra những ý tưởng rất hữu ích, mở rộng tầm nhìn của nhà văn và độc giả, và mời gọi hướng về sự cách tân văn chương. Thế nhưng khi đọc xong hai bài này, tôi xuống phần “Ý kiến” để đọc các đoạn góp ý của độc giả, thì thấy nhiều người có phản ứng khá là... khôi hài. Thấy vậy nên tôi đã có viết mấy cái ý kiến ngắn để đáp lại, nhưng VOA blog giới hạn số chữ rất ít nên thật là khó mà nói cho hết ý. Do đó, tôi viết bài này và gửi cho Tiền Vệ để khai triển ý kiến của mình và hy vọng được chia sẻ. Nếu có ai phản hồi thì tôi sẵn sàng đối thoại.

 

Bệnh sợ cái mới

Trên VOA blog, tôi có gửi ý kiến này:

Đọc các comments ở đây, thấy rõ một điều: hầu hết độc giả người Việt vẫn sợ cái mới. Cái gì càng cũ thì họ thấy càng dễ chịu. Hễ phong phanh nghe cái gì mới thì lại giẫy nẩy lên như đỉa phải vôi, loay hoay tranh cãi, hục hặc, cau có... Đọc chưa cần hiểu thì đã cãi ngay, vì vừa thấy chữ “mới” thì đã hết hồn. Vậy thì cái tương lai văn hóa nghệ thuật tốt đẹp của Việt Nam còn xa lắm. Bây giờ chỉ có những người trẻ như Nam Lê (ở Úc), Vũ Trần (ở Mỹ) là có thể vươn vai sánh với quốc tế, đoạt giải văn học quốc tế, vì họ viết tiếng Anh, chẳng sợ bị người Việt lẳng nhẳng bám theo mà càm ràm “tại sao dám viết cái mới?”

Quả là như vậy. Linda Lê, Nam Lê, Vũ Trần... viết tiếng Pháp, tiếng Anh thì được giới phê bình và độc giả quốc tế ca ngợi, nhưng nếu các bạn ấy viết tiếng Việt thì chắc chắn là bị độc giả người Việt cho ăn đòn. Vì sao? Vì văn chương của các bạn ấy mới mẻ, ý tưởng của các bạn ấy mới mẻ. Mà đa số người Việt dù còn ở quốc nội hay đã ra hải ngoại mấy mươi năm vẫn không thể bỏ được tâm lý sợ cái mới. Cái mới về vật chất thì chắc chắn là không sợ, mà còn ham nữa, nhưng cái mới về tư tưởng, về nghệ thuật, thì họ lại sợ.

Về vật chất, đa số người Việt ta rõ ràng là ham cái mới: xe mới, đồng hồ mới, mobile phone mới, máy chụp hình mới, thời trang mới, đồ gia dụng mới, vân vân. Nhiều người ham cái mới vật chất đến mức có thể vay nợ, nhịn ăn, mua cho được món đồ mới nhất để mà... sướng. Ở nước ngoài, có nhiều người Việt dù khá chật vật vẫn tìm cách mua xe đời mới nhất, rồi một hai năm sau, lại đổi xe mới nữa, vì thấy thiên hạ đi xe mới hơn thì chịu không thấu. Người Việt trong nước cũng chẳng khác gì mấy. Năm ngoái tôi về Việt Nam chơi, thì có người đã hỏi tôi “Tại sao ở nước ngoài mà còn xài Nokia 3315?” Rồi có người khác hỏi: “Ở nước ngoài bây giờ còn dùng Sony DSC-T5 hay sao?”...

Ấy vậy mà đối với cái mới về tư tưởng hay nghệ thuật thì ngược lại. Hầu như đại đa số người Việt đều sợ cái mới. Họ còn công khai diễn tả nỗi sợ đó.

Sau khi đọc bài “Tiến tới một nền cộng hòa văn chương” của Nguyễn Hưng Quốc trên VOA blog ngày 11/11/2009, độc giả Hoàng (Virginia, USA) phát biểu:

... Ông nói đúng về ý thức và tay nghề. Riêng về tư cách độc giả, như cá nhân tôi, ông không thể bắt ép tôi phải chấp nhận những tư tưởng mới là đẹp, là hay ngay lập tức được.

Độc giả Qdanh (usa) thì viết:

...đừng ép tôi thưởng thức cái MỚI...

Thật khôi hài. Tôi không ngờ hai bài viết của Nguyễn Hưng Quốc như vậy mà lại làm cho họ có cảm giác bị “bắt ép”! Mà hai độc giả ấy lại là người Việt sống tại Mỹ chứ đâu có phải họ đang ở sau lũy tre làng!

Tất nhiên là hai bài viết của Nguyễn Hưng Quốc có nhiều sức thuyết phục. Nhưng làm cách nào mà Nguyễn Hưng Quốc có thể “bắt ép” độc giả? Hai bài tiểu luận văn chương được viết bằng chữ, chẳng có súng ống gươm giáo gì cả thì làm sao mà “bắt ép” được ai?

Rõ ràng cái tâm lý cảm thấy bị “bắt ép” ấy sinh ra từ nỗi sợ trước cái mới. Những kẻ vốn có tâm lý bảo thủ, thì luôn sợ cái mới, mà lại đọc nhằm những bài viết nói về những cái mới, cổ vũ cho việc cách tân, thì họ càng sợ. Và càng sợ thì càng cảm thấy bị đe doạ. Cảm giác bị đe dọa khiến họ tưởng họ đang bị “bắt ép”, nhưng kỳ thực, ở chốn tự do thì chẳng ai có thể “bắt ép” ai trong chuyện đọc và viết văn chương cả.

Thú thật, tôi không thể nhịn cười khi đọc câu “ông không thể bắt ép tôi phải chấp nhận những tư tưởng mới là đẹp, là hay ngay lập tức được”. Câu này nghe giống như “khoan đã, hãy cho tôi thêm thì giờ, chứ bắt tôi đọc những tư tưởng mới ngay bây giờ, thì tôi chết mất!”

Còn cái câu “...đừng ép tôi thưởng thức cái MỚI...” thì quả là hết thuốc chữa! Nghe giống như “hãy để tôi yên tâm tiếp tục thưởng thức cái CŨ, chứ nếu bắt tôi thưởng thức cái MỚI thì tôi... bứt gân!”

Thế nên, trên VOA blog, tôi có góp ý:

Từ trước đến nay, chưa từng có thời kỳ nào cái mới được đón nhận ngay. Thơ Mới thời 1930 đã bị “ăn đòn” nhừ tử, mãi cho đến mấy chục năm sau mới được đón nhận. Khi đó thì thơ tự do lại bị ăn đòn nhừ tử... Cứ thế. Mỗi lần cái mới ra đời, phải mất mấy chục năm sau thì nó mới được độc giả người Việt đón nhận. Nghĩ mà khiếp thật. Chuyện văn nghệ thôi, chẳng chết chóc gì, mà đã sợ sệt đến thế, thì còn chuyện gì nữa mà mong đổi mới???

Tại sao đa số người Việt ham cái mới về vật chất, mà lại sợ cái mới về tư tưởng, nghệ thuật? Câu hỏi này xin để mọi người tự trả lời.

 

Văn chương cho “người bình thường”?

Độc giả Qdanh (usa) còn nói thẳng ra trong cái comment đặt tên là “Tôi hủ lậu” như sau:

Ai phỉ báng hủ lậu tôi nhận, nhưng đừng ép tôi thưởng thức cái MỚI nhất như bài mang tên “Em đi qua đời tôi” vì tôi chỉ là một người bình thường.

Vậy có nghĩa là “người bình thường” thì “hủ lậu” và chỉ biết thưởng thức cái CŨ? Nhưng nếu vậy thì cớ gì “người bình thường” lại không tìm cái CŨ, cái HỦ LẬU để thưởng thức, mà lại đi tranh cãi với những người truyền bá cái MỚI?

Trong xã hội người Việt, ta thấy đa số có quan niệm rằng cái gì mà được nhiều người ưa thích thì cái đó mới đáng gọi là hay, là đẹp. Người ta thường nói: “Tác phẩm có giá trị hay không thì hãy để cho độc giả phán xét”, “Cái gì mà ít người ưa thích thì cái đó chẳng hay ho gì”, vân vân và vân vân.

Cái kiểu suy nghĩ như vậy thì thật là nguy, vì hai lẽ: 1/ Người ta không còn tự mình cố gắng nâng cao tầm thưởng thức, mà trở nên lười biếng, dựa vào thị hiếu của đám đông, hễ đám đông thích cái gì thì mình thích cái đó; 2/ Người ta không còn phân biệt được đâu là văn chương thật sự và đâu là thứ “văn chương” như hàng hóa tiêu dùng cho đại chúng.

Trên VOA blog, tôi có góp ý:

Nếu dùng cái sở thích của “người bình thường” để đánh giá, thì các báo Playboy. Penthouse, Husler... là đệ nhất văn chương, vì số lượng bán chạy của loại này cho thấy “người bình thường” ưa thích nó nhiều hơn bất kỳ tuyệt tác văn chương nào. Khỏi cần nói chuyện “cũ” hay “mới” cho mệt. Trong việc đọc, chẳng có ai ép ai đọc được cái gì cả. Tuy nhiên, nói cho rạch ròi thì loại văn chương có giá trị sáng tạo chỉ nhắm đến “độc giả văn chương” chứ không nhắm đến “người bình thường”. Nghĩ cũng lạ, “người bình thường” mà sao cứ nhảy vô tranh cãi chuyện văn chương nhỉ? Sao không kiếm “văn chương bình thường” mà đọc cho khoẻ?

 

Tại sao chưa có nhà văn Việt Nam đoạt giải Nobel?

Đây là một câu hỏi mà hàng năm, đến mùa trao giải Nobel Văn chương, thì ta lại nghe người Việt hỏi nhau. Thật là lạ lùng. Vừa ra sức cố thủ trong cái cũ, vừa ra sức xa lánh, phản đối cái mới, mà lại vừa muốn nhà văn Việt Nam đoạt giải Nobel!

Tôi tin rằng chưa có giải Nobel Văn chương cho nhà văn Việt Nam là vì đa số nhà văn Việt Nam, trong đó có cả những nhà văn rất tài ba, vẫn còn loay hoay chiều theo thị hiếu của những “người bình thường”, vì sợ bị những “người bình thường” chê trách. Đã chiều theo thị hiếu của những “người bình thường” thì làm sao mà dám viết những tác phẩm ngang tầm với văn chương của những cây bút Nobel?

Chừng nào đại đa số độc giả Việt Nam còn sợ những tư tưởng mới lạ, những tác phẩm nghệ thuật mới lạ; chừng nào đại đa số nhà văn, nhà thơ Việt Nam còn chạy theo cái tiêu chuẩn thẩm mỹ của quần chúng; thì chừng đó Việt Nam vẫn chưa thể đoạt giải Nobel. Chắc chắn là vậy, vì hội đồng Nobel chẳng có điên mà đi trao giải cho loại văn chương dành cho những “người bình thường” chuyên yêu thích những tư tưởng và nghệ thuật cũ rích.

Người Việt Nam chẳng thiếu tài ba. Trong thực tế, ta thấy nhiều nhà văn trẻ gốc Việt ở hải ngoại đã gặt hái những thành công lớn. Nam Lê, nhà văn trẻ gốc Việt tỵ nạn chẳng hạn, chỉ với một tập truyện ngắn đầu tay The Boat, anh đã đoạt gần một chục giải thưởng lớn, trong đó có cả giải Dylan Thomas là giải lẫy lừng nhất cho những cây bút trẻ dưới tuổi 30 trên thế giới, và gần đây nhất anh được trao tặng Prime Minister's Literary Award, là giải thưởng lớn nhất trong văn học Australia, trị giá 100 ngàn đô-la.

Báo chí tiếng Việt đua nhau ca ngợi những thành công liên tục của Nam Lê. Nhưng, tôi xin nói thẳng ra là tất cả những bài báo tiếng Việt ấy chỉ nói leo theo tin tức của báo nước ngoài, chứ chẳng có tờ báo Việt nào mà chịu đọc và phân tích rành mạch cái hay của Nam Lê cả. Và có lẽ cho đến nay cũng chẳng có mấy độc giả người Việt chịu đi mua cuốn sách ấy về để đọc. Sướng lây thì đã đủ rồi, chứ đọc tiếng Anh làm gì cho mệt!

Nhưng may mắn cho Nam Lê, vì anh viết tiếng Anh, nên anh mới đạt được những thành công rực rỡ như vậy, chứ nếu anh viết tiếng Việt, thì chắc là anh đã bị dư luận độc giả Việt Nam nện cho nhừ đòn ngay từ tác phẩm đầu tiên rồi, làm sao mà ngoi lên nổi cho đến bây giờ!

Một ngày nào đó trong tương lai, có thể một nhà văn gốc Việt nào đó sẽ đoạt giải Nobel. Lúc ấy, người Việt khắp nơi trên thế giới sẽ hãnh diện lây, sẽ sung sướng lây. Lúc ấy, họ sẽ nói: “Đấy, nhà văn Việt Nam cũng tài ba tột đỉnh chứ có thua ai đâu!”

Thì đúng là tài ba tột đỉnh chứ có thua ai, nhưng... chắc chắn rằng nhà văn gốc Việt đoạt giải Nobel ấy không viết bằng tiếng Việt, mà viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, hay một ngoại ngữ nào khác. Vì nếu anh viết bằng tiếng Việt, mà anh không đủ bướng bỉnh, gan lì, bất chấp quần chúng, thì anh nhất định bị cả cái xã hội người Việt bảo thủ trong nước cũng như hải ngoại bóp gãy ngòi bút sáng tạo của anh từ trong trứng nước.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021