tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Chuyện văn hoá và ngữ nghĩa về “Vĩ đại” và VĨ ĐẠI  [đối thoại]

 

Bài viết ngắn “Great là vĩ đại?” của ông Phạm Quang Tuấn có lẽ được viết khá vội vã nên có khá nhiều điểm lệch lạc hay thiếu sót. Tôi xin góp ý từng đoạn.

Ông Phạm Quang Tuấn viết:

Những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau. Khi một người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” thì họ nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa. Nhưng khi một người Mỹ gọi bạn là ... vĩ đại thì bạn đừng vội mừng!

Tôi xin góp ý:

Tư duy của hai dân tộc có những nét khác nhau nên cách dùng chữ great/vĩ đại có những nét khác khau (chứ không phải khác hẳn nhau, như ông Phạm Quang Tuấn nghĩ). Có lẽ ông không có cơ hội theo dõi đời sống và ngôn ngữ của người dân Việt Nam bây giờ chăng!

Ngày hôm nay, thỉnh thoảng khi ta nghe người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, thì không chắc gì họ “nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa”, mà ngược lại, họ có thể nói với ý mỉa mai. Trừ khi được đọc lên trong những bài diễn văn ở các dịp lễ, câu “Bác Hồ vĩ đại” khi được dùng trong những câu chuyện thường đàm của người Việt ở quốc nội cũng như quốc ngoại thì hầu như phần lớn là hàm ý mỉa mai, giễu cợt.

Từ năm 1985, trong cuốn phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy ở Hà Nội, chữ “vĩ đại” đã được sử dụng một cách mỉa mai. Chúng ta hãy thử xem lại cảnh sau đây:

(Giọng người nói)
Giá như một lần, chúng ta dạy con em rằng: “Các em ạ! Cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục mất nước. Đừng nghe những lời tâng bốc, hão huyền. Vì, các em ạ, bi kịch và cả hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa.”
(Các học sinh dán khẩu hiệu, có hai chữ Vĩ Đại, các chữ bị khuất lấp ló trông giống như một khẩu hiệu rất phổ thông...)
- Chào các em. Theo các em thì xung quanh chúng ta cái gì là Vĩ Đại ?
- Cháu chịu.
- Nào em?
- Vĩ Đại, thì cháu nói thật là cháu chỉ được nghe, chứ cháu chưa được nhìn thấy.
- Thế các chú bảo cái gì Vĩ Đại cơ?

 

*

 

Ông Phạm Quang Tuấn viết:

Những danh nhân hàng đầu của họ như Washington, Jefferson, Kennedy cũng không được gọi là great.

Tôi xin góp ý:

Những danh nhân hàng đầu của Mỹ vẫn được gọi là great. Chẳng hạn, tôi thử vào google xem, thì có thể nhặt được ngay 3 ví dụ:

Trên WikiAnswers, có phần hỏi và đáp như sau:

What were some of the challenges John Adams faced both in Congress and in his years as President?
Some of the challenges faced were as follows:
He had to follow the lead of the great Washington. He also had to choose between becoming allies with Britain or France. Hopefully this will help you a little.

Trên Amazon, ở phần nhận định về cuốn The Long Affair: Thomas Jefferson and the French Revolution, 1785-1800 của Conor Cruise O'Brien, có đoạn:

Jefferson was probably the most “European” of the revolutionary fathers, notwithstanding his denial (even more than Franklin): his ideas can be best explained on the light of the pre-romantic movement with all the emphasis on contrast between heart-purity-uncorrupted nature / mind-society-corruption , emphasis that bore more responsibility for this “divorce” of the ideal man (the Great Jefferson) from the actual man (the Jefferson slave owner and the cunning political man).

Trên Uwire, trong bài “Like Kennedy, Obama expands national service programs”, có đoạn:

Obama intends to follow the path of the great Kennedy by expanding national service programs, such as Kennedy's Peace Corps, that ask Americans to give back to the country.

Ngoài ra, trên The Stafford Voice, trong bài “Abraham Lincoln describes Barack Obama”, cũng có một đoạn về Lincoln:

This is wonderful council given by the great Lincoln that Obama should have known. Who's to say that if he knew this years and years ago, he wouldn't be in the predicament he is in now.

 

*

 

Ông Phạm Quang Tuấn viết:

Trái lại, chữ great thường được dành cho những tay... ảo thuật như The Great Houdini, hay đô vật như The Great Khali, nói chung là những người sống bằng nghề diễn trò bình dân gì đó.

Tôi xin góp ý:

Mỗi con người trên trái đất này có quyền chọn cho mình một sự nghiệp. Bằng chính khả năng chuyên môn của bản thân mà vươn lên, ai đạt đến tột đỉnh của sự nghiệp của mình thì cũng đáng gọi là vĩ đại. Houdini đạt đến tột đỉnh của ngành ảo thuật (chuyên vượt thoát), Khali (tức là Dalip Singh Rana) đạt đến tột đỉnh của ngành đô vật, hay Marie Antoine Carême đạt đến tột đỉnh của ngành đầu bếp, thì họ đều xứng đáng được gọi là nhà ảo thuật (chuyên vượt thoát) vĩ đại, nhà đô vật vĩ đại, hay nhà đầu bếp vĩ đại. Ông phi công Chesley Sullenberger đáp máy bay một cách tuyệt vời trên sông Hudson tại New York hôm 15/1/2009 vừa rồi, cứu sống toàn thể 155 hành khách. Báo chí khắp nơi gọi ông ấy là “the great pilot” (phi công vĩ đại) thì không xứng đáng hay sao? Hay là báo chí muốn châm biếm cái màn lái máy bay để diễn trò bình dân gì đó?

Houdini không chỉ là nhà ảo thuật (chuyên vượt thoát) vĩ đại. Ông được xem là một trong những nhà ảo thuật (chuyên vượt thoát) vĩ đại nhất trong lịch sử. Và khi người ta gọi Houdini là great hay greatest, họ không hề châm biếm một chút nào cả.

Harry Houdini (March 24, 1874 Budapest – October 31, 1926, born Ehrich Weiss) was a Jewish Hungarian-American magician and escapologist, stunt performer, actor and film producer, as well as a skeptic and investigator of spiritualists. Harry Houdini forever changed the world of magic and escapes, and is widely regarded as one of the greatest escapologists in history...

The Great Khali không phải là cách người ta gọi Dalip Singh Rana với ý châm biếm. The Great Khali là một cái “danh hiệu” do chính Dalip Singh Rana bắt đầu tự xưng trên võ đài hồi tháng 4/2006. Mỗi võ sĩ đô vật tự chọn cho mình một cái “danh hiệu”, như “Hulk Hogan”, “Rainbow Warrior”, “Mad Dog”...

Ông Phạm Quang Tuấn gọi những người theo đuổi những sự nghiệp này là “những người sống bằng nghề diễn trò bình dân gì đó.” Thật tình tôi không hiểu tại sao những sự nghiệp đó lại đáng để ông xem rẻ như thế? Năm 2002, chính phủ Mỹ đã phát hành tem thư Houdini để ghi nhận sự vĩ đại của sự nghiệp Houdini.

Nếu ông nói những người được thêm chữ great trước tên là “những người sống bằng nghề diễn trò bình dân gì đó”, thì ông giải thích thế nào khi người ta gọi Beethoven là The Great Beethoven, chẳng hạn? Mời ông xem bài “The Great Beethoven Stands Alone” trên website của Rochester Philarmonic Orchestra ngày 3/1/2008.

 

*

 

Ông Phạm Quang Tuấn viết:

Tư duy người Mỹ luôn luôn bác bỏ sự tôn thờ hay kính phục cá nhân thái quá. (Chúng ta đừng nên lẫn lộn chữ “the Great” đi trước một cái tên, như The Great Houdini, với “the Great” đi sau tên của vua chúa hay nhân vật cổ sử, có nghĩa là đại đế, chẳng hạn Alexander the Great.) Tóm lại, chữ great đi trước tên người thường đượm một ý nghĩa châm biếm và ám chỉ sự phô trương, diễn xuất.

Tôi xin góp ý:

Như tôi đã nêu ra ở trên, các ví dụ The Great Washington, The Great Jefferson, The Great Kennedy, The Great Lincoln, The Great Beethoven... chứng tỏ chữ “The Great” đi trước vẫn không hề “đượm một ý nghĩa châm biếm và ám chỉ sự phô trương, diễn xuất” nào cả, và không có lý do gì để phân biệt The Great Beethoven là sự ca ngợi, và The Great Houdini là sự châm biếm.

 

*

 

Ông Phạm Quang Tuấn viết:

Cuốn The Great Gatsby lúc đầu được tác giả đặt tên là Trimalchio hay Trimalchio in West Egg. Trimalchio là một nhân vật trong cuốn The Satyricon của tác giả La Mã Petronius (27–66). Y là một nô lệ được phóng thích, lần lần trở thành giàu có, và nổi tiếng với những bữa yến tiệc hoành tráng để khoe khoang của cải. Trong văn chương, Trimalchio là biểu tượng của những “nhà giàu mới”, “trưởng giả học làm sang” hay “đại gia”. Tuy nhiên, vì sợ độc giả không biết điển tích Trimalchio nên Scott Fitzgerald đổi lại là The Great Gatsby – hẳn vì muốn chuyển tải một phần nào ý nghĩa “phô trương” từ tên Trimalchio. Bản thảo đầu của The Great Gatsby đã được tái xuất bản năm 2000 với tựa Trimalchio: An Early Version of The Great Gatsby (Cambridge University Press).

Về đoạn văn này, tôi xin nói ngay là ông Phạm Quang Tuấn đã bỏ quên một chi tiết rất quan trọng: Sự giàu có của Trimalchio là kết quả của sự quyết tâm, tự lực, trì chí, cần mẫn trong công việc làm của chính y, chứ không phải nhờ những trò gian giảo, ma mãnh, hối lộ... như các “đại gia” ở Việt Nam hiện nay.

Sự việc cũng không đơn giản như ông Phạm Quang Tuấn đồ đoán. Không phải cuốn The Great Gatsby lúc đầu được tác giả đặt tên là Trimalchio hay Trimalchio in West Egg. Cũng không phải “vì sợ độc giả không biết điển tích Trimalchio nên Scott Fitzgerald đổi lại là The Great Gatsby...”

Trimalchio chỉ là một trong những bản thảo của cuốn The Great Gatsby còn sót lại, chưa bị huỷ hay thất lạc. Người ta đã xuất bản nó như một tư liệu để đối chiếu với bản chính The Great Gatsby chủ yếu với mục đích nghiên cứu. Trong đó, ngoài cái bản thảo ấy, soạn giả James L.W. West đã thêm rất nhiều phần tư liệu, hình ảnh, thư từ, chú thích và phụ lục.

Theo tài liệu ghi nhận trong cuốn The Great Gatsby - The Cambridge edition of the works of F. Scott Fitzgerald (Cambridge University Press, 1991), thì cái tên đầu tiên mà Fitzgerald chọn cho cuốn sách là Among the Ash-Heaps and Millionaires.

Ngày 7/4/1924, nhà biên tập Maxwell Perkins viết thư khuyên Fitzgerald nên gạt bỏ cái tên ấy.

Ngày 16/4/1924, Perkins viết thư tỏ ý thích cái tên The Great Gatsby, và lúc đó, trên bìa của bản thảo của Fitzgerald đã có ghi cái tên sách bằng chữ in hoa THE GREAT GATSBY.

Ngày 27/10/1924, Fitzgerald viết thư từ nước Pháp gửi cho Perkins, cho biết ông đang gửi cho Perkins bản thảo cuốn The Great Gatsby, và muốn chọn một trong hai cái tên The Great Gatsby hoặc là Gold-hatted Gatsby.

Sau đó, Fitzgerald lại gửi cho Perkins một bức thư không đề ngày, cho biết ông muốn chọn cái tên Trimalchio in West Egg, và đề nghị xét thêm hai cái tên khác là Trimalchio On the Road to West Egg. Ông nói ông còn có hai cái tên nữa là Gold-hatted Gatsby The High-Bouncing Lover, nhưng ông nghĩ chúng có vẻ quá nhẹ (too light), mặc dù hai cái tên ấy sinh ra từ chính bài thơ đề từ của cuốn tiểu thuyết:

Then wear the gold hat, if that will move her; If you can bounce high, bounce for her too, Till she cry “Lover, gold-hatted, high-bouncing lover, I must have you!”

Ngày 18/11/1924, Perkins gửi thư cho Fitzgerald, khuyên ông đừng dùng cái tên Trimalchio in West Egg.

Đầu tháng 12/1924, Fitzgerald từ Rome gửi thư cho Perkins, bày tỏ sự do dự, không biết nên chọn cái tên Trimalchio hay Gatsby.

Giữa tháng 12/1924, Fitzgerald đánh điện tín quyết định chọn tên THE GREAT GATSBY.

Ngày 19/12/1924, Perkins viết thư cho Fitzgerald biết rằng Ring Lardner phản đối cái tên Trimalchio vì “không ai có thể phát âm đúng.” Zelda Fitzgerald, vợ của nhà văn, cũng phản đối cái tên ấy.

Ngày 24/1/1925, sau khi đã sửa chữa bản vỗ, Fitzgerald gửi lại cho Perkins, kèm theo một bức thư bày tỏ sự phân vân giữa bốn cái tên Trimalchio, Trimalchio in West Egg, Gatsby, The Great Gatsby. Nhưng ông lại đồng ý lấy cái tên The Great Gatsby một cách lưỡng lự. (“However let it pass”, ông viết).

Ngày 7/3/1925, Fitzgerald từ Capri đánh điện tín cho Perkins, hỏi “CÓ QUÁ TRỄ ĐỂ THAY ĐỔI TÊN SÁCH KHÔNG?” Perkins đánh điện tín trả lời là đã quá trễ.

Thế nhưng, ngày 12/3/1925, Fitzgerald lại muốn đổi tên sách trở lại thành Gold-hatted Gatsby.

Cuối cùng, ngày 19/3/1925, Fitzgerald đánh điện tín cho biết ông “khoái trá muốn điên lên với cái tên UNDER THE RED, WHITE AND BLUE, và hỏi có thể hoãn ngày xuất bản được không. Nhưng Perkins cho biết là quá trễ, vì đã quảng cáo ngày phát hành sách là 10/4/1925. Giá như lúc ấy còn kịp, thì bây giờ cuốn sách lừng danh của Fitzgerald đã mang tên Under the Red, White and Blue, tức là màu lá cờ của nước Mỹ!

Trái với sự đồ đoán của ông Phạm Quang Tuấn, không phải tác giả Fitzgerald đã dùng chữ Great trong The Great Gatsby vì muốn diễn tả nhân vật Gatsby như một “đại gia” kiểu Trimalchio.

Rất tiếc, hình như ông Phạm Quang Tuấn chưa đọc cuốn The Great Gatsby và cũng chưa hề theo dõi lịch sử diễn biến của văn học Mỹ nên ông chỉ phỏng đoán theo “common sense”. Ở Mỹ, đề tài “Nhân vật Gatsby vĩ đại như thế nào?” là một đề tài rất thông thường trong chương trình học văn ở bậc trung học. Đã có rất nhiều sách, nhiều tiểu luận nghiên cứu và bình giảng về “The Greatness of Gatsby”.

Sớm nhất có lẽ là tiểu luận “The Great Gatsby and Trimalchio” (1950) của Paul L. MacKendrick, trong tập san The Classical Journal, Vol. 45, No. 7, trang 307-314, trong đó, MacKendrick đã phân biệt cái “essential difference” giữa Trimalchio và Gatsby là “Gatsby has a sentimental motive for his magnificence, Trimalchio none” (trang 308).

Gần đây, có cuốn Nobody's Home: Speech, Self, and Place in American Fiction from Hawthorne to DeLillo của Arnold L. Weinstein (Oxford University Press, 1993) bình giảng rất sâu sắc về đề tài “The Greatness of Gatsby”.

Ngày 26/10/2008 vừa rồi, Professor Sam Coale của Wheaton College ở Norton, Massachusetts, cũng có một buổi thuyết trình gọi là “Gatsby's Greatness: The Dream of Desire and the Valley of Ashes” tại Florence Sweet House, Attleboro, Massachusetts.

Gastby thật sự GREAT với nghĩa tuyệt vời hay vĩ đại, chứ không hề mang nghĩa “đại gia” như ở Việt Nam hôm nay.

 

*

 

Tuy nhiên bài đối thoại này đến đây đã khá dài và tôi không còn thì giờ, nên tôi xin tạm dừng ở đây hôm nay. Tôi xin hẹn sẽ trình bày tiếp phần còn lại, về sự khác biệt căn bản trong tính cách của Trimalchio và Gatsby, và về ý nghĩa của chữ GREAT trong văn cảnh của cuốn The Great Gatsby.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

 
06.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong một bản thảo cũ của cuốn tiểu thuyết, có câu sau đây: ‘Jay Gatsby!’ anh kêu lên bằng một giọng sang sảng, ‘Coi kìa great Jay Gatsby! Thiên hạ sẽ nói vậy, đợi mà coi. Ta chỉ mới ba mươi hai tuổi thôi mà.’ Câu này bị xóa đi khỏi bản cuối nhưng hẳn tác giả đã nghĩ đến nó khi đặt tên cho cuốn truyện. Không hiểu Gatsby có ý gì?... (...)
 
05.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong cuộc đối thoại này, tất cả những lối lý luận loanh quanh để bênh vực cho cái nhan đề “Đại gia Gatsby” đều không chịu hiểu một điều đơn giản nhất, căn bản nhất, và cần lưu ý nhất, là sự nhất quán giữa nội dung và nhan đề tác phẩm... (...)
 
04.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi luôn luôn cho rằng dịch thuật là việc làm hết sức chủ quan, hết sức tương đối, đối với một số độc giả, cách dịch này là hay, với người khác các dịch ấy lại là dở, do cách cảm nhận của từng cá nhân là rất... cá nhân. Tuy vậy nói thế không có nghĩa cào bằng tất cả... (...)
 
03.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Riêng tôi, xin phép gọi cái ước mơ của Gatsby là “dễ thương” và “đáng thương” chứ không “tuyệt vời” hay “vĩ đại”, và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz... (...)
 
02.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... So sánh Gatsby với “đại-gia-đô-la-đỏ-nhà-giàu-mới” bóc lột làm giàu trên xương máu dân nghèo trong nước hiện nay là một sự thoá mạ tôi không thể chấp nhận, vì thế mà tôi đã lên tiếng. Với tôi, nếu cần “ngưỡng phục thần thánh hóa” ai thì phải là “những người khốn khổ” trong nước bây giờ... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi đoán là ông Phạm Quang Tuấn đã ứng dụng những “chiến” thuật cực kỳ “ngoạn mục” này để tranh cãi chơi vui, chứ không có chủ ý gì nghiêm trọng. Vì cãi để tiêu khiển, thì mới vui như vậy, mới “ngoạn mục” như vậy. Chứ tranh luận nghiêm túc mà ứng dụng những “chiến” thuật như vậy thì chẳng có chút xíu nào... tuyệt vời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Nếu Trịnh Lữ có đủ thông minh để, qua bản dịch Việt ngữ, diễn tả chính xác diện mạo của nhân vật Gatsby trong nguyên tác, độc giả Việt Nam sẽ nhận ra tính chất mỉa mai (nếu có một sự mỉa mai như thế) trong chữ “great/vĩ đại”... (...)
 
01.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Còn nhiều nghĩa khác (kể cả đẹp, hay, tuyệt vời) nhưng hẳn ai cũng thấy nghĩa này (nghĩa nguyên thủy) tả lối sống xa hoa hào phóng của Gatsby và Trimalchio rất sát. Đúng nghĩa “đại gia”!... (...)
 
31.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù muốn hay không, Gatsby là một con người/nhân vật tuyệt vời/vĩ đại, The Great Gatsby là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, Scott Fitzgerald là một nhà văn vĩ đại, của Hoa kỳ và... thế giới... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Có thể nói là trong cuộc đối thoại về The Great Gatsby có hai quan điểm đối nghịch, tạm gọi là A và B... Ý nghĩ của tôi là: dù là quan điểm A đúng hay quan điểm B đúng, thì dịch The Great Gatsby thành Gatsby vĩ đại cũng không ổn! Nếu A đúng, thì dịch vậy sẽ làm sự châm biếm trở thành sự sùng bái. Còn nếu B đúng thì ngược lại, khi đọc Gatsby vĩ đại người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến “Bác Hồ vĩ đại” và sẽ “hiểu lầm” là tác giả mỉa mai Gatsby!... (...)
 
30.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Chúng tôi xin khẳng định rằng Tiền Vệ luôn luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ dịch giả Trịnh Lữ. Ngoài ra, mọi ý kiến đối thoại trong tinh thần học thuật từ bất kỳ khuynh hướng và quan điểm nào cũng đều được Tiền Vệ đăng tải công khai và kịp thời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Ngày hôm nay, thỉnh thoảng khi ta nghe người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, thì không chắc gì họ “nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa”, mà ngược lại, họ có thể nói với ý mỉa mai. Trừ khi được đọc lên trong những bài diễn văn ở các dịp lễ, câu “Bác Hồ vĩ đại” khi được dùng trong những câu chuyện thường đàm của người Việt ở quốc nội cũng như quốc ngoại thì hầu như phần lớn là hàm ý mỉa mai, giễu cợt... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Từ điển dịch great là vĩ đại là chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, muốn hiểu đúng không phải là chỉ cần tra từ điển mà còn phải hiểu rõ tư duy, văn hóa của người viết. Một chữ có thể có những hàm ý khác nhau tùy theo cách dùng, mà người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài không nắm bắt được... (...)
 
29.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù không rành tiếng Anh, thiển nghĩ của tôi là từ great đứng trước hay sau đều có chung một nghĩa, là vĩ đại, lớn lao, to tát, tuyệt vời... trừ một, hai trường hợp rất hiếm hoi nhưng phải dựa vào ngữ cảnh, cách phát âm, để trong dấu nháy («...») hay nội dung... (...)
 
28.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau... (...)
 
27.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong bài “Về [đại] dịch [ma] thuật” của Phong Vệ, có vài chi tiết hơi thiếu sót hay lệch một chút. Vì thế tôi xin góp ý để bổ khuyết... Đúng ra, chữ “chính” 政 trong “chính trị” 政治 thì viết khác với chữ “chính” 正 trong “chính tà” 正邪... (...)
 
26.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Thực tế dịch thuật ở Việt Nam có nhiều tai nạn và thảm họa... Việt Nam vốn là một nước bán thuộc địa, phần lớn mọi người xuất thân nông dân. Vì vậy tinh thần “phân gio” và những tiểu xảo kiểu “tam/tứ/... nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông... cạn) đã được phát huy cao độ trong học thuật và dịch thuật, đặc biệt là trong mấy chục năm qua... (...)
 
25.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Cũng như chữ GREAT, những chữ “Magnifique”, “Große”, “Gran”, “Grande”, và “Μέγας” đều có nghĩa là “tuyệt vời”, “vĩ đại”, “to tát”, “cao quý”... Từ những nghĩa đó biến thành “đại gia” theo nghĩa của Trịnh Lữ thì quả là... ngoài sức tưởng tượng... (...)
 
24.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... “Gatsby vĩ đại” ít nhứt là vì tim anh còn chứa đựng một tình yêu chân thật. Tiền bạc không quan trọng đối với anh. Tiền bạc chỉ là phương tiện vật chất có thể đưa anh vào xã hội thượng lưu của Daisy người tình cũ. “Gatsby vĩ đại” nên Nick Carraway, một láng giềng xa lạ, mới muốn xích gần để tìm hiểu con người và quá khứ của anh... (...)
 
23.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Quái đản thật! Lại thêm cái ý tưởng là “người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby” như những “đại gia”! Đã thế, dịch giả Trịnh Lữ và nhà xuất bản Nhã Nam còn dùng cái trò xuyên tạc ý nghĩa này như một phương tiện để “cảnh tỉnh” nhân dân Việt Nam... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Điều đã khiến tôi sững sờ là cái nhan đề tiếng Việt “Đại gia Gatsby”... Dịch từ “great” thành “đại gia” là hoàn toàn sai bậy, vì nó không cho độc giả thấy ngay mẫu người khác đám đông, vượt trội của Gatsby, chí ít là qua cái nhìn rất “đáng tin cậy” của Nick Carraway, người kể chuyện, cũng như qua nhan đề tiếng Anh, tiếng Pháp... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021