tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tranh luận với “nhà khảo cứu lịch sử” Du Miên  [đối thoại]

 

Atlanta, thứ Bảy 1/15/2011, một ngày nắng đẹp sau mấy hôm tuyết phủ kín làm cho thành phố hầu như đông cứng lại trong băng giá của mùa đông. Chiều hôm nay có buổi ra mắt sách Suối nguồn văn minh phương đông của ký giả Du Miên Lê Thanh Hoa. Mình cũng đã thấy mấy lần về cuốn sách này được quảng cáo trên đài SBTN, cũng tò mò muốn biết tác phẩm khảo cứu “vĩ đại “này (theo cách gọi của mấy người bạn) như thế nào, nên lần này có người quen mời đến dự thì đi liền.

Buổi ra mắt sách được thông báo sẽ bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều. Mình đến đúng 3 giờ, mua cho mình một cuốn giá $50 (sách có bìa cứng in ấn khá đẹp) và ủng hộ tiền ăn xong, mình vào trong ngồi lật xem sơ qua và tán gẫu với những người quen, mãi cho đến gần 4 giờ mới khai mạc. Chuyện cũng khá bình thường, đây là cái tật không thể cải sửa được của người Việt nói chung. Cũng tốt thôi, mình lại có cơ hội thăm hỏi một số người quen mấy lâu không gặp. Tất nhiên sinh hoạt nào của người Việt cũng phải qua các nghi thức như chào cờ Mỹ, Việt, phút mặc niệm v.v.

Sau tất cả các nghi lễ thường thức và phần ca nhạc cây nhà lá vườn, tác giả Du Miên, nhân vật chính, lên nói chuyện. Sau khi nói sơ qua về quyển sách, ông đi một hơi hùng biện (giọng đầy kích động) nào là: “Văn minh phương đông vốn tiên khởi là của dòng giống Việt. Cái gọi là văn minh của người Tàu bây giờ chẳng qua là học lóm từ người Việt mà thôi.” Nào là: “Khổng Phu Tử chỉ cần học 20 bài ca dao, 2% văn minh của Việt tộc mà viết nên Xuân Thu Kinh...”

Nghe thiên kinh địa hãi. Mình chợt nghĩ thầm: với 2% văn hóa Việt mà Khổng Tử đã là trụ cột của văn hóa Trung Hoa cho đến ngày nay, còn nước mình sở hữu tới 98% văn hóa đó, sao hôm nay vẫn chưa sản xuất ra được một nhân tài nào làm rạng danh nước Việt cả vậy?

Sau đó tác giả chuyển qua kêu gọi tinh thần dân tộc. Kêu gọi hận thù và đổ mọi lỗi cho người Tàu nói chung, vì họ đã tàn ác xâm chiếm cai trị nước Việt; và rất nhiều lần trong bài nói chuyện, tác giả dùng chữ “Tàu phù” để gọi người Tàu.

Đến phần thảo luận, mình lên phát biểu, cám ơn tác giả đã về đến Atlanta để nói chuyện về quyển sách và bài phát biểu hùng hồn đầy dân tộc tính của tác giả. Tuy nhiên mình không đồng ý với tác giả khi ông kêu gọi bài Hoa một cách chung chung thiếu chính xác, có tính vơ đũa cả nắm, gọi người Trung Hoa là “Tàu phù”. Mình nói: “Chúng ta là người Việt. Chúng ta cực lực chống đối chính sách bành trướng đại Hán của chính quyền Bắc Kinh trong quá khứ, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Chúng ta là một dân tộc kiên cường nhưng hòa hiếu. Chúng ta có thể sống chung hòa bình với các sắc dân khác trên thế giới. Ngay như ở hải ngoại, hàng xóm chúng ta có thể là những người Tàu tốt bụng, những người Nam Mỹ hiền hòa, những ông, bà Mỹ đen khả ái. Chúng ta không kỳ thị với bất kỳ một dân tộc nào. Chúng ta có văn hóa tôn trọng người khác. Chúng ta không gọi một cách xách mé cả một dân tộc Trung Hoa là ‘Tàu phù’. Gọi như thế theo tôi là thiếu đứng đắn, politically incorrect.”

Tác giả đã phản bác lại rằng tác giả khi nào cũng là một chiến sĩ với lòng căm thù sục sôi, thà chết chứ không thay đổi cách gọi về người Tàu. Tác giả lôi ra trong lịch sử những cuộc chiến tranh với người Tàu để chứng minh, để lập luận cho lòng căm thù của mình. Tác giả nói rằng họ (người Tàu) gọi người Việt là man di, nên ông gọi người Tàu là “Tàu phù”.

Mình hỏi lại: “Người ta gọi mình là man di thì mình lồng lên giận dữ, rồi mình gọi người ta là Tàu phù thì đó là cách trả đủa đúng đắn hay sao? Vả lại có phải tất cả mọi người Trung Hoa đều gọi nguời Việt là man di đâu?”

Có một chị cũng đứng lên phản đối cách ví von của tác giả về chuyện người Tàu đứng ở biên giới đái sang Việt Nam cũng đủ làm tât cả người Việt trôi ra biển. Chị này đọc một hơi bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Mình nói tiếp theo: “Tổ tiên ta như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, đều lấy chữ Nhân mà đối đãi với mọi người và ngay cả với kẻ thù: ‘Lấy chí nhân mà thay cường bạo…’ Nếu giờ đây ta cứ cúi mặt căm thù không cần biết đúng sai phải trái thì như thế có đi ngược lại với tâm chí của tiền nhân?”

Đến đây có một bà — người đã ủng hộ tác giả $500 trong buổi ra mắt sách hôm nay và đã được tác giả gọi tên để tri ân — bà ấy đứng dậy xông xáo, hùng hổ mắng mình bằng mọi loại ngôn ngữ hàng tôm hàng cá té tát, nào là “mày bênh Tàu thì về Tàu mà sống, mày Việt cộng...” v.v.

Buổi thảo luận đến đây đã hỗn loạn, mình cũng chán ngán ra về. Trộm nghĩ một “nhà khảo cứu lịch sử” mà mang tâm thái hận thù như thế với đối tượng khảo cứu thì những gì viết ra có còn khách quan?

Kết thúc buổi ra mắt sách: Một cuốn sách mua về, chưa đọc, nhưng chắc không còn hứng thú để đọc. Ôi! Khảo với cứu, thảo với luận!

 
Lũy
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021