tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tản mạn nhân đọc truyện “Nhà văn X” của Nguyễn Đạt  [đối thoại]

 

Tôi, một kẻ ngoại đạo với văn chương, nhân một lần lang thang vào Tiền Vệ, đã được đọc truyện ngắn “Nhà văn X“ của Nguyễn Đạt, xin mạn phép bàn vài điều, nếu có những thiếu sót xin các bậc cao minh miễn thứ.

Truyện (bao gồm truyện dài và truyện ngắn), theo tôi nghĩ, đều là hư cấu từ những chất liệu có thật của cuộc đời, những gì nhà văn mắt thấy tai nghe. Có nhà văn, từ những điều có thật, họ gọt giũa, pha trộn, chắt lọc chi tiết để tinh chế lại nhằm thể hiện dụng ý của mình. Kiểu viết đó đòi hỏi nhiều kỹ năng và người viết phải nắm vững phương pháp viết truyện ngắn. Theo tôi cách đó dành cho những nhà văn có nghề. Ngoài ra còn có một kiểu viết khác không cần phải học hay kinh qua lý thuyết gì cả mà một kẻ tay ngang cũng có thể viết được, đó là cứ đem nguyên chất liệu thô vào tác phẩm của mình, giống như viết chuyện người thật việc thật, đặc biệt là họ thường viết về những kẻ nổi tiếng, giới văn nghệ sĩ, để gợi trí tò mò của người đọc, nhằm câu người đọc đọc hết tác phẩm của mình để được biết về đời tư, chuyện hậu trường của văn nghệ sĩ, chứ đây chưa phải là thứ văn chương đúng nghĩa nhắm tới giá trị thực của văn chương đích thực.

Ngoài ra “Nhà văn X“ còn gợi cho tôi nhớ tới một thủ pháp mà tôi không biết gọi là gì, nên tạm gọi là thủ pháp “tự sướng,” nhưng tôi cũng thường thấy một số nhà văn hay dùng, đó là trong câu chuyện thường có nhân vật tôi và một nhân-vật-mơ-hồ, chỉ xuất hiện thoáng qua, và nhân vật tôi hay một nhân vật khác của câu chuyện sẽ đưa ra vài nhận xét đầy vẻ khách quan nhưng lại tạo cho nhân-vật-mơ-hồ đó một bản sắc riêng biệt, một tính cách nổi trội, một kiến thức hơn người và mang những nét mà nếu độc giả nào tinh ý sẽ nhận ra ngay nó trùng khớp với tác giả.

Đọc truyện này, tôi cũng nhớ đến một nhà thơ trước 1975, Nguyên Sa thì phải, với khái niệm nổi tiếng của ông: “bạo dâm văn nghệ.” Theo thiển ý của tôi, khi dùng cụm từ này, chắc là ông muốn nói đến một thói xấu trong giới văn nghệ: dùng lời nói để mạt sát, chê bai, rẻ rúng người khác, tất cả chỉ nhằm thỏa mãn lòng ganh ghét, đố kỵ để cho sướng ngòi bút của mình, không cần biết những tổn thương mà người khác phải chịu. Giống như một kẻ bạo dâm tình dục, càng hành hạ cho người bạn tình đau đớn cùng cực thì họ càng có cảm giác tới đỉnh. Theo tôi, không phải sự xưng tụng hay lời phỉ báng quyết định sự sống còn của một tác phẩm hay một tác giả nào, mà chính thời gian và công chúng (hay độc giả) mới là những quan tòa công tâm nhất. Vậy sao chúng ta không nhường quyền phán xét đó lại cho hai vị quan tòa đó.

Dưới mắt tôi những con người nổi tiếng xung quanh thường có ánh hào quang, nhưng đàng sau ánh hào quang là con người thật, xin đừng để ánh hào quang che mất con người thật với đầy đủ phẩm chất của một con người.

Trên đây chỉ là những liên tưởng của tôi nhân đọc “Nhà văn X“ của Nguyễn Đạt. Người viết bài này không hề có ý định phê phán bất kỳ ai hay bất kỳ một tác phẩm nào.

 

Oanh Huỳnh

 

 

------------------

Bài liên quan:

10.03.2013
[ĐỌC VĂN] ... Tôi muốn hỏi Nguyễn Đạt: Lấy tư cách gì ông lên mặt “phán” kiểu “đàn anh” vô cùng tởm lợm, rằng cái hẻm càfê bình dân kia là “nơi tụ tập thường xuyên của những văn nghệ sĩ làng nhàng ở thành phố này”?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021