tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Một cách khiêm tốn để níu người Cham ở lại với đất”  [đối thoại]

 

(Phỏng vấn về Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani tại Caklaing - Ninh Thuận)
Liêu Thái thực hiện

 

Bài phỏng vấn được thực hiện ở thời điểm nóng, tiếc rằng nó không xuất hiện kịp thời vụ. Nay, được phép của nhà văn Liêu Thái, Inrasara xin gửi đăng lên mục Đối Thoại của trang Tiền Vệ để làm tư liệu tham khảo.
Inrasara

 

_________

 

“Một cách khiêm tốn để níu người Cham ở lại với đất”

 

Liêu Thái: Nếu nhà máy điện hạt nhân bị sự cố, việc đầu tiên anh làm là gì?

Inrasara: Sự cố? Xì, nổ hay gì khác nữa, tôi không biết được. Chắc tôi sẽ phản ứng như mọi người thôi. Di tản. Không trước hay sau, không nhanh hay chậm. Còn nếu thấy chẳng có gì nguy hiểm lắm, tôi sẽ ở lại với làng mình, bà con mình.

 

Khi anh xây dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani tại quê, dự án nhà máy Điện hạt nhân đã có chưa?

- Ý tưởng làm nhà trưng bày đã hình thành từ hơn 20 năm trước, trước cả thời điểm tôi vào Sài Gòn. Do chưa có điều kiện, nên nó mãi bị hoãn. Đến lúc sắp triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, tôi càng quyết tâm hơn. Bởi tôi nghĩ, nó cần thiết hơn bao giờ hết. Đa số người Cham kiêu hãnh về nền văn hóa tổ tiên, nhưng hơi mù mờ. Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani mang tham vọng khiêm tốn là giúp họ hiểu biết khái quát họ từ đâu, đang ở đâu, để xác định được mình sẽ đi đến đâu, trên nền tảng vốn văn hóa truyền thống lượm nhặt gom góp và hệ thống được. Từ đó, cho dù điều gì xảy ra bất kì, NGƯỜI CHAM SẼ Ở LẠI với mảnh đất, như là nhà mình.

 

Khái niệm bảo tồn theo định nghĩa của anh? Và Nhà Trưng bày Văn hóa Inrahani có phải là một “đối trọng” của những dự án mà nguy cơ của nó khi xảy ra sự cố thì có thể biến một vùng rộng lớn trở thành vùng đất chết? Anh đã có giải pháp nào cho Nhà Trưng bày sau khi nhà máy Điện hạt nhân hoạt động?

- Bảo tồn những gì ông bà để lại là cần thiết, để con cháu và các thế hệ sau biết được công sức và sự sáng tạo của những thế hệ trước đó. Mênh mông di sản giá trị của Champa không thể thu gom vào một nhà trưng bày. Với điều kiện hạn chế của mình, tôi chỉ muốn và chỉ khả năng lưu lại những gì có thể và thật cần thiết. Hơn nữa, tôi không xem bản sắc là cái gì đóng cứng mà luôn nhìn nó với tâm thế mở. Bởi những gì sáng tạo hôm nay, nếu hay và đẹp, thì sẽ là bản sắc của ngày mai.

Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani không là đối trọng của bất cứ cái gì cả, dù sức tàn phá và hủy diệt của các đối tượng kia có khủng khiếp tới đâu đi nữa. Điện hạt nhân không là ngoại lệ. Điện hạt nhân hủy hoại tất cả, cả đồi tháp Po Klaung Girai, Po Rome, nguy cơ biến cả vùng đất nơi có cả trăm ngàn cư dân Cham cứ trú thành miền đất chết, nói chi Nhà Trưng bày nhỏ bé này. Dẫu sao, còn sống là còn hi vọng… Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani đóng góp phần nhỏ vào niềm hi vọng chung đó.

 

Là một trí thức Cham và cũng là chủ bút của một đặc san, liệu anh đã tập hợp được một đội ngũ trí thức Cham đủ để cùng anh nói lên tiếng nói của cộng đồng Cham?

- Nhà văn đại diện cho cá nhân mình thôi, mà không [dám] đại diện cho bất kì ai. Tagalau là tuyển tập sáng tác - sưu tầm - ,nghiên cứu văn hóa Cham, mà không là tạp chí. Tôi trách nhiệm gom bài, biên tập và xin giấy phép in. Mỗi số cần đến giấy phép riêng, là vậy. Tôi không ý định cũng như không khả năng tập hợp lực lượng trí thức Cham. Dĩ nhiên với tư cách một trí thức ít nhiều được dư luận ngoài Cham biết đến, bà con, anh chị em cũng có gửi gắm tâm tư và kì vọng ít nhiều nơi tôi để nói lên tiếng nói của cộng đồng. Phần nào tôi đã làm được trách nhiệm đó, ở website Inrasara.com do tôi chủ trì từ 5 năm qua, về nhiều vấn đề văn hóa xã hội khác nhau. Mới nhất là về nỗi bất an lan rộng trong cộng đồng Cham về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

 

Liệu có vấn đề nào tế nhị và khó xử với anh, khiến anh phải đắn đo suy nghĩ, cân nhắc giữa những tưởng thưởng cá nhân anh từ phía nhà nước với những thiệt thòi đã nhiễm tận căn tính của cộng đồng Cham?

- Hơn mươi năm qua, tôi nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, về sáng tác cũng như nghiên cứu. Tôi thấy chúng không làm trở ngại nào bất kì đến tiếng nói trí thức của tôi. Nên nhớ, tôi không gửi tác phẩm dự thi ở bất kì đâu. Cuốn sách tôi viết, được xuất bản, cá nhân hay cơ quan giới thiệu và nhận được giải thưởng. Đơn giản vậy thôi, tôi nghĩ không ai mắc nợ ai cả. Còn vai trò của tôi ở Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam (Trưởng Ban Lí luận Phê bình) hay ở Hội Nhà văn Việt Nam (Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ) chỉ phụ trách chuyên môn, và nhất là – hoàn toàn không lương bổng.

Tôi đặt mình ở phía ngoại vi, nơi mà tiếng nói yếu ớt của cộng đồng đó chưa được lắng nghe đúng mức, để nói lên tiếng nói của họ. Ở đây là người Cham, một dân tộc thiểu số đã đóng góp rất nhiều cho đất nước Việt Nam ở hôm qua, nhưng hôm nay, khi Chính phủ lên Dự án ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của họ, họ lại không được hỏi ý kiến. Thế thôi, không có gì phải đắn đo cân nhắc, nói chi chuyện khó xử.

 

Thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương, tháp Chiên Đàn, tháp Bằng An, tháp Núi Thành, đó là dấu tích của một thời Champa rực rỡ, uyên áo, thiêng liêng… Anh có suy nghĩ gì khi đến viếng những nơi này?

- Kính phục và trân trọng. Dẫu sao tôi nghĩ tổ tiên Cham “ham chơi” và ham sáng tạo, đã thiếu cân đối trong điều tiết tài lực. Thơ Inrasara:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ.

 

Anh vui lòng diễn giải rộng về Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani, về sứ mệnh của nó cũng như của anh và dự đoán tương lai của cộng đồng? Thái độ phản ứng của cộng đồng trước dự án vừa nêu?

- Caklaing là làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Cham. Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani ở trung tâm làng. Bạn thấy đó, đất nước mở cửa, bảo tàng tư nhân mọc lên khá nhiều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn hay tại các khu du lịch. Nhà Trưng bày này thì khác, được dựng lên giữa cộng đồng và cho cộng đồng.

Với khuôn viên 400m², Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani được phân làm 4 gian gần bằng nhau. Gian trước trưng bày các bản sao nghệ thuật các bức tượng cổ bằng chất liệu sa thạch, tủ sách cố Cham và tác phẩm của tôi, nhạc cụ, các bản đồ chỉ dẫn “khu di tích Champa” và “khu dân cư Cham”… Gian kế tiếp án ngữ chiếc xe trâu cổ, là một trong ba chiếc còn lại tại Việt Nam. Xung quanh xe trâu và quanh ba bức tường là các nông ngư cụ, đồ dùng hàng ngày, dụng cụ đánh bắt, gốm Cham,… Gian thứ ba ưu tiên cho dụng cụ dệt và các sản phẩm thổ cẩm, y trang phục Cham cổ và hiện đại. Cuối cùng là gian dành cho Tủ sách INRA với 5.000 đầu sách các loại.

Đừng nói sứ mệnh gì cho to tát, điều khác biệt chính là tính phục vụ cộng đồng của nó. Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani mong cung cấp cho người Cham và người quan tâm đến dân tộc Cham kiến thức căn bản và khái quát về văn hóa văn minh Champa xưa và đời sống Cham hiện nay, bằng hiện vật thực, hiện vật sao chép, hình ảnh, sơ đồ và sách báo... Đến gian thứ tư - Tủ sách INRA - gian tôi cho là quan trọng nhất, “sống” nhất mang tính hướng về tương lai - do thiếu tiền mà chịu dang dở, cho nên tôi chưa có ý định quảng bá nó. Nhưng dù sao bà con Cham và du khách cũng đã biết đến nó, đến với nó với một sự ưu ái riêng.

 

Tuy Hòa, 17-4-2012

 

 

------------------

Bài liên quan:

15.03.2012
[ĐỜI SỐNG NGƯỜI CHĂM] ... Khi có họa hạt nhân, 30km bán kính bao gồm cả hai cụm tháp thiêng trên sẽ thuộc vùng cấm. Các nhà khoa học cho biết, phải mất vài thập kỉ mới có thể rửa sạch đất nhiễm xạ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021