tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời Phạm Chí Diệp về “lý tưởng của nhà văn”  [đối thoại]

 

Xin cảm ơn tác giả Phạm Chí Diệp đã có sự góp ý chân tình, quý hoá.

Sau đây tôi xin giải đáp những thắc mắc của tác giả Phạm Chí Diệp, trong khuôn khổ một cuộc trao đổi nhanh chóng, có sự thông qua của BBT Tienve.Org. Nếu tiếp tục còn gì sơ suất, mong được lượng thứ.

Trong bài “Làm nhà văn nhất thì thiết phải có ‘lý tưởng’? Nhưng ‘lý tưởng’ gì?”, tác giả Phạm Chí Diệp viết:

Bài “CHUYỆN NGƯỜI TUỲ NỮ và ‘người đàn bà thép’ của văn chương hậu-hiện đại thế giới” của Khánh Phương có nhiều ý hay trong việc phân tích tác phẩm của Margaret Atwood, nhưng ở đoạn cuối bài viết của chị có mấy câu văn khiến tôi thắc mắc. Khánh Phương viết:
 
Người ta có thể có nhiều cách khác để sống hạnh phúc, mà không nhất thiết phải viết văn hay phải có lý tưởng.

- Có lẽ chúng ta phải tiến hành điều tra xã hội học xem những người không có lý tưởng mà vẫn sống hạnh phúc chiếm tỷ lệ bao nhiêu %, trong phạm vi một tổ dân phố chẳng hạn. Riêng tôi thì vẫn chắc chắn rằng, khá nhiều người hiện nay đang sống mà không cần phải có lý tưởng đấy ạ (nếu hiểu lý tưởng là một mục đích sống đòi hỏi người ta phải hy sinh bớt những hoạt động vô mục đích và hướng hoạt động sống cho mục tiêu đó).

Nhưng khi đã chọn viết văn, nghĩa là khi đã gia nhập đội ngũ những bộ tâm-não chung của loài người, thì dù có là nhà văn hậu-hiện đại, cũng nhất thiết phải có lý tưởng.

- Câu này trong văn bản tôi gởi tới BBT Tienve, và được đăng đầy đủ là “đã chọn được viết văn” - với hàm ý để chỉ những người vừa chọn được nghề văn, vừa được nghề văn chọn, tức là để chỉ những nhà văn có tài năng và tâm huyết thực sự chứ không phải bất cứ ai tự phong cho mình là “nhà văn”.

Hiển nhiên là Khánh Phương viết đoạn văn trên với ý hướng tốt đẹp. Chị muốn nói những nhà văn chân chính là những người có nguyện vọng đóng góp cho tâm hồn và trí tuệ của loài người. Nhưng lối lý luận và diễn đạt của chị hơi quá giản đơn nên có những sơ hở, làm nẩy ra những câu hỏi:
 
1. Phải chăng “chọn viết văn” là “đã gia nhập đội ngũ những bộ tâm-não chung của loài người”?
 
2. Phải chăng làm nhà văn thì “nhất thiết phải có lý tưởng”?

- Như vậy, với giải thích của tôi trên đây, thì những nhà văn tài năng và kể cả những nhà khoa học tài năng, chắc chắn không chỉ là những người có lý tưởng, mà còn là những người biết hy sinh cho lý tưởng đó. Nếu không, họ sẽ không bao giờ trau dồi được tài năng của mình đến mức phải làm cho chúng ta nhận thấy hoặc kinh ngạc.

3. Phải chăng nhà văn hậu-hiện đại thì thường không có lý tưởng, nên Khánh Phương khuyên họ “cũng nhất thiết phải có lý tưởng”?

- Câu này có ý nghĩa hoán dụ với một chút hàm ý hài hước. Như chúng ta đã rõ rằng chủ nghĩa hậu hiện đại trên toàn cuộc là sự nghi ngờ lý tính tư biện, là sự tự phê phán của luận lý. Một trong những biểu hiện của nó là giải-trung tâm và phi-lý tưởng hoá. Ở đây vấn đề được nói tới thực ra chỉ là, cho dù có cố gắng thực hiện phi-lý tưởng hoá trong tác phẩm của mình, thì nhà văn, thực sự vẫn phải xuất phát từ một lý tưởng khác, còn cao hơn cái điều mà mình phê phán. Cũng như khí cố gắng giải-trung tâm trong tác phẩm, nhà văn phải ý thức cao hơn một bậc về vấn đề trung tâm - phi trung tâm trong tư tưởng của mình. Vì sáng tạo thực ra là chỉ của cá nhân nhà văn, là hoạt động xuất phát từ chủ ý riêng biệt của anh ta, là cuộc trình diễn ngoạn mục sự phê phán của anh ta với tư tưởng, chứ đâu phải chuyện đẽo cày giữa đường hay đơn giản cắt một miếng Wikipedia thập cẩm rồi bảo rằng đó là tác phẩm văn chương?

4. Cái lý tưởng mà nhà văn nhất thiết phải có ấy là lý tưởng gì?

Điều này tôi đã phân tích khá kỹ, về lý tưởng của M. Atwood, mà qua đó chúng ta nhận thấy rằng nó đích thực là lý tưởng gì, có xứng đáng để, ví dụ, một nhà văn chỉ tài bằng 1 phần của bà, hay một người tài gấp 3 lần Atwood, theo đuổi hay không.

Theo tôi, nếu hiểu lý tưởng là một mục đích tốt đẹp nào đó mà mỗi cá nhân muốn vươn tới, thì dù là nhà văn hay không là nhà văn, hậu-hiện đại hay không hậu-hiện đại, dường như không ai sống trên đời mà không có một lý tưởng của riêng mình, ngoại trừ những kẻ không còn thiết sống nữa. Do đó khi Khánh Phương nói làm nhà văn thì “nhất thiết phải có lý tưởng”, thì tôi e là câu này hoặc là thừa, hoặc là chị muốn nói đến một loại “lý tưởng lớn” nào đó, hơn hẳn những lý tưởng vốn có của mỗi cá nhân sống trên đời này.

- Vâng, một lần nữa tác giả Phạm Chí Diệp lại hiểu đúng ý tôi rồi đấy ạ. Có những người có lý tưởng là “xe hơi”, “tiền”, hoặc “làm cách mạng” - (cách mẹ cái mạng nó đi - AQ của Lỗ Tấn) chẳng hạn, còn lý tưởng của nhà văn hay nhà khoa học thì đương nhiên phải lớn hơn (tức là có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn, ví dụ) những lý tưởng đó.

Trong những tên tuổi mà Khánh Phương kể ra như những nhà văn có lý tưởng thì song song với Margaret Atwood là John Updike, Paul Auster, V. S. Naipaul... Nhưng tôi thấy ý hướng của mỗi người này đều khác nhau, chứ không phải họ có chung một ý hướng, và như thế thì càng khó mà nói họ có chung một “lý tưởng”.

- Có lẽ tác giả Phạm Chí Diệp đã đọc không kỹ đoạn viết này của tôi. Tôi xếp các nhà văn cạnh nhau là để nói về thái độ chủ động tham gia các sự kiện thời cuộc của họ, chứ không nói lý tưởng của họ giống nhau đâu ạ.

Có lẽ cũng chưa có ai trong những người này tuyên bố thẳng ra “lý tưởng” của mình là gì và cũng chưa có ai đưa ra lời khuyên nào về “lý tưởng”. Nếu ta muốn biết “lý tưởng” của mỗi nhà văn này là gì thì có lẽ ta phải suy đoán qua văn chương và hành động của từng người, và không khéo ta có thể gán cho họ những “lý tưởng” mà chính ta tưởng tượng ra!
 
John Updike đã được vô số người ca ngợi, nhưng đã bị Gore Vidal chê trách là có thái độ chính trị bảo thủ và thoả hiệp với nhà cầm quyền.

- Ngay một nhà văn, thì cũng đã có lúc “khuynh tả” hay “khuynh hữu”, tuỳ theo nhận thức của họ và theo nhãn mác của từng phong trào thời cuộc mà họ tham gia. Tuy nhiên, sự giúp ích của họ cho cái nhìn của quần chúng là không thể phủ nhận. Tôi cũng không nói rằng nhà văn thì không bị những nhà văn khác hay chính khách chê trách, hay nhà văn thì luôn luôn đúng. Nhưng tôi đề cao những nhà văn xuất phát từ trái tim và trí óc (thường là sáng suốt và thông thái) của họ để tham gia vào đời sống xã hội.

V. S. Naipaul cũng được vô số người ca ngợi, nhưng đã bị Derek Walcott dán nhãn là “V. S. Nightfall” vì thái độ yếm thế, và bị Salman Rushdie kết án là mang tư tưởng phát-xít của chủ nghĩa dân tộc Hindi. Ông được hai nhà văn nổi tiếng của thế hệ trẻ, Kiran Desai và Chimamanda Ngozi Adichie, công nhận như nguồn ảnh hưởng quan trọng về bút pháp, nhưng lại bị chính hai người này xa lánh về quan điểm chính trị xã hội.

- Có lẽ ở đây tôi thuộc về số “ Vô số người ca ngợi V. S Naipaul”.

Nếu nói chọn viết văn là “đã gia nhập đội ngũ những bộ tâm-não chung của loài người” thì cũng không chắc là đúng. Trên thế giới có vô số người chọn viết văn như một cái nghề để kiếm tiền, sẵn sàng phục vụ mọi thứ thị hiếu của bất kỳ hạng độc giả nào. Họ viết liên miên, xuất bản ào ào, đếm tiền mỏi tay, và không hề màng đến “tâm-não” gì cả.
 
Riêng ở nước ta, tôi còn thấy có một loại nhà văn khác. Họ rất nổi tiếng, thậm chí một số người còn có thế lực đối với giới nhà văn và đối với cả quần chúng, nhưng họ không hề chứng tỏ là họ đã “gia nhập đội ngũ những bộ tâm-não chung của loài người” chút nào cả. Ngược lại, họ chứng tỏ là họ đã gia nhập đội ngũ những kẻ ra sức huỷ hoại và giam cầm tâm-não của đất nước, khiến cho đất nước càng ngày càng rời xa những điều kiện tốt đẹp phổ quát của cuộc sống loài người (như tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng...).
 
Tôi thấy, chua chát hơn nữa, loại nhà văn ấy lại luôn luôn tự xưng cũng như được bầy đàn của họ ca ngợi là có “lý tưởng lớn”, “lý tưởng cách mạng”, và họ luôn luôn bắt mọi người phải sống theo và phục vụ cho cái “lý tưởng lớn”, “lý tưởng cách mạng” của họ. Trong quan điểm của họ, chỉ có cái “lý tưởng lớn”, “lý tưởng cách mạng” của họ thì mới đáng gọi là “lý tưởng”, còn mọi thứ lý tưởng khác đều sai lầm, phản động. Cái “lý tưởng lớn”, “lý tưởng cách mạng” của họ là cái “lý tưởng” phù hợp với “thế giới quan lý tưởng” của chủ nghĩa duy vật lịch sử, vân vân và vân vân... (Xin tạm dừng ở đây vì hình như ai cũng đã bị bắt buộc học thuộc lòng cả rồi!)

- Có lẽ xin tác giả Phạm Chí Diệp nhớ lại, chúng ta đang bàn về M. Atwood và những nhà văn mà tôi đã nói ở trên, những nhà văn nhìn thấy được “câu hỏi lớn đặt ra cho loài người” chứ không phải loại nhà văn này đâu ạ.

Trở lại với những nhà văn có “lý tưởng” mà Khánh Phương nêu ra, trong số đó có V. S. Naipaul là người không ưa cái kiểu sử dụng một “thế giới quan lý tưởng” để khống chế và đồng hoá quan điểm của mọi người. Trong cuốn Magic Seeds, ông viết: “It is wrong to have an ideal view of the world. That's where the mischief starts. That's where everything starts unravelling...” (Thật là sai lầm để có một thế giới quan lý tưởng. Đó là chỗ bắt đầu của trò ma mãnh. Đó là chỗ mà mọi sự bắt đầu phơi bày ra...).

Đến đây thì chắc đúng V. S. Naipaul là nhà văn có khuynh hướng hậu hiện đại rồi.

Xin cám ơn tác giả Phạm Chí Diệp! Qua những gì tác giả thắc mắc thì tôi thấy tác giả cũng khá hiểu tôi đấy ạ!

 

 

--------------

Bài liên hệ:

19.08.2009
[VĂN HỌC] ... Theo tôi, nếu hiểu lý tưởng là một mục đích tốt đẹp nào đó mà mỗi cá nhân muốn vươn tới, thì dù là nhà văn hay không là nhà văn, hậu-hiện đại hay không hậu-hiện đại, dường như không ai sống trên đời mà không có một lý tưởng của riêng mình, ngoại trừ những kẻ không còn thiết sống nữa. Do đó khi Khánh Phương nói làm nhà văn thì “nhất thiết phải có lý tưởng”, thì tôi e là câu này hoặc là thừa, hoặc là chị muốn nói đến một loại “lý tưởng lớn” nào đó, hơn hẳn những lý tưởng vốn có của mỗi cá nhân sống trên đời này... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021