tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời Nguyễn Đăng Thường  [đối thoại]

 

Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đăng Thường (NĐT) về ý kiến phản hồi. Tôi xin trả lời lần lượt các ý của nhà thơ NĐT sau đây.

 

1.

Nhà thơ NĐT đã trích nguyên văn câu trả lời của tôi (cho một vấn đề khác sẽ được đề cập ở phần 2) nhưng lại đem câu hỏi của tôi ra khỏi toàn bộ ngữ cảnh của nó. Tôi viết:

...Mỗi khi đất nước gặp sóng gió, người ta thường đòi hỏi nhà văn phải biến ngòi bút của mình thành vũ khí, nghĩa là phải viết như một công dân trước khi là một văn nghệ sĩ. Nhưng tại sao người ta lại đòi hỏi nhà văn phải hy sinh tư cách văn nghệ sĩ trong khi người ta tiếp tục tôn trọng vai trò chuyên môn của các giới khác? Tại sao không ai đòi hỏi các ca sĩ, bác sĩ, các luật sư, các kỹ sư, các doanh nhân, các diễn viên điện ảnh hay siêu mẫu... phải dấn thân?

Trong văn mạch trên, tôi nghĩ một người đọc bình thường sẽ thấy là chữ “dấn thân” ở câu cuối không phải là một sự tham gia nói chung mà là tham gia với hai đặc điểm đã nêu lên ở mấy câu trên: một là sử dụng ngay chính công cụ nghề nghiệp của mình thành vũ khí (như trường hợp nhà văn dùng ngòi bút làm vũ khí) và hai là khi làm như vậy, người ta phải chấp nhận hy sinh chính yếu tính làm nên thân phận nghề nghiệp của mình.

Bất chấp văn mạch như thế, nhà thơ NĐT chỉ trích ra câu: “Tại sao không ai đòi hỏi các diễn viên điện ảnh phải dấn thân?” để chứng minh rằng câu hỏi đó sai nên câu trả lời là vô nghĩa.

Nếu đọc kỹ bài của tôi, NĐT sẽ thấy là tôi không hề phủ nhận là trong chính trị thì người ta cần sự đóng góp của tất cả mọi người, kể cả một anh công nhân, một chị lao công hay một người không hề có nghề nghiệp gì. Hơn nữa, tôi còn cho có một số thành phần khác trong xã hội có thể đóng góp được cho chính trị nhiều hơn giới nhà văn (như trong đoạn NĐT trích trong phần ông gọi là “Đáp”). Tuy nhiên, tôi vẫn cho những sự tham gia ấy khác nhau về bản chất như đã nêu lên ở đoạn trích dẫn ở trên.

Trong một cuộc tranh luận trên facebook cũng về một ý kiến tương tự như của nhà thơ NĐT, nhà thơ, dịch giả và nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy (Như Huy) đã đưa ra một lời nhận xét mà tôi nghĩ rằng không thể phù hợp hơn để trả lời nhà thơ NĐT. Với sự đồng ý của anh, tôi xin copy lại đoạn văn đó:

Tôi xin đưa ra vài ví dụ để làm rõ nghĩa thêm. Khi Jane Fonda qua Hà Nội hai tuần vào mùa hè năm 1972 rồi ngồi cười tươi trên xe tăng của quân cộng sản Bắc Việt để chụp bức hình tai tiếng, thì Jane Fonda đã dấn thân với tư cách cá nhân - là một người nổi tiếng - chứ không hy sinh tư cách một diễn viên đang hành nghề (như một nhà văn đang cầm bút). Khi đóng phim, Fonda chỉ biết diễn vai được giao phó. Còn khi ra khỏi phim trường thì bà có thể làm bất cứ chuyện gì kể cả chuyện chống chiến tranh và bênh vực cho cộng sản. Đó là hai khía cạnh khác nhau của một vấn đề.

Một bác sĩ cũng có thể tham gia vào chính trị hay chiến tranh (bác sĩ quân y). Tuy nhiên trong trường hợp này, người bác sĩ ấy vẫn là một bác sĩ, vẫn làm nhiệm vụ cứu chữa những người bệnh, những người bị thương. Tư cách nghề nghiệp (bác sĩ) không hề bị hy sinh.

Trong khi đó, sự dấn thân của nhà văn, như tôi đã phân tích, hoàn toàn khác. Khi một nhà văn dấn thân biến ngòi bút mình thành vũ khí cho một mục tiêu chính trị thì ông hay bà ta biến thành một kẻ tuyên truyền và như vậy thì tư cách nhà văn sẽ bị hy sinh. Xin lưu ý là trong bài viết này tôi đã nhấn mạnh là “nhà văn bao gồm tất cả những người sáng tác văn học nói chung”.

Cách phê bình tách câu văn ra khỏi ngữ cảnh của NĐT làm tôi nhớ đến câu chuyện liên quan đến T.S. Eliot.

T.S. Eliot có một câu nói nổi tiếng và gây tranh cãi về Henry James. Đó là “ He had a mind so fine that no idea could violate it.” (Tạm dịch: Ông ấy có một trí tuệ tốt đến độ không có một ý tưởng nào có thể phạm vào được). Khi đặt nó ra ngoài ngữ cảnh, thì nhiều người cho rằng đó là một câu nói nhục mạ. Nhưng sau này nhiều nhà phê bình khi nghiên cứu về hai nhà văn đó đã cho rằng đó là một lời khen ngợi nồng nhiệt.

Nói như vậy để thấy là khi một câu nói khi được đặt ra khỏi ngữ cảnh của nó, thì nguy hiểm như thế nào.

 

2.

Khi tôi đưa ra những ví dụ về Charles Helston, về Oprah Winfrey, tôi muốn nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng nói chung (tức không liên quan đến chuyện có hy sinh tư cách nghề nghiệp của mình hay không) của giới celebrities so với giới viết văn:

Tôi nghĩ, có thể lý giải rằng theo truyền thống, nhà văn được xem là những con người của chữ nghĩa, những người trí thức, và những điều họ nói, họ phát biểu thường được người ta trân trọng lắng nghe, nói cách khác, chúng có ảnh hưởng đến xã hội, đến chính trị. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, ngày nay với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng thì những ca sĩ, diễn viên... gọi chung là “sao”, còn có ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng đến xã hội và chính trị hơn gấp bội lần. Nhìn quanh các cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ thì thấy...

Trong khi đó nhà thơ NĐT lại dùng những ví dụ đó để trả lời cho một câu hỏi khác của tôi (đã được đặt ra khỏi ngữ cảnh và đã bị hiểu sai) là ở trên thì PQT nói không ai đòi hỏi diễn viên phải dấn thân, ở dưới thì PQT đưa ra những ví dụ về sự dấn thân của những diễn viên.

Nói cách khác, NĐT lấy một câu của tôi là một câu hỏi rồi gắp một câu khác làm lời đáp. Trong khi đó là hai câu bàn về hai chuyện khác nhau.

 

3.

Phần cuối bài, nhà thơ NĐT viết: “Tôi xin để qua một bên không bàn luận đến sự dấn thân của bác sĩ, luật sư, kỹ sư, doanh nhân... để giới hạn cuộc đối thoại này.” Tôi không hiểu nhà thơ NĐT sẽ đề cập đến sự dấn thân của bác sĩ, luật sư, kỹ sư, doanh nhân để làm gì, bởi vì trong bài viết này tôi chỉ giới hạn trong chuyện văn chương và về sự dấn thân của nhà văn vào chính trị mà thôi. Dĩ nhiên, tôi đoán nhà thơ NĐT sẽ trả lời: để trả lời cho câu hỏi của tôi mà nhà thơ NĐT đã trích ra khỏi ngữ cảnh. Nếu đúng như vậy, xin đọc lại phần 1 ở trên .

Dù sao, nguyên cả đoạn văn đó chỉ là một ý phụ, một đối điểm (counterpoint) trong bài viết của tôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết là:

a) Người ta đòi hỏi sự dấn thân của các nhà văn nhiều hơn các giới khác;

b) Khi dấn thân theo những đòi hỏi ấy, các nhà văn phải hy sinh tư cách văn nghệ sĩ, tức tư cách người sáng tạo của mình. Cuối cùng,

c) tôi cho đó là một cách nhìn lạc hậu do người ta đánh giá quá cao ảnh hưởng của nhà văn.

Nhà thơ NĐT không thể vì sự hiểu lầm đó, mà vội vã kết luận là tôi “lập luận lỏng lẻo, mâu thuẫn”. Cũng như tôi cũng không thể vì chính sự hiểu lầm đó mà vội vã kết luận là nhà thơ NĐT đã đọc ba chớp ba nhoáng và không thực sự hiểu nội dung bài viết của tôi. Tôi cho như vậy là không công bằng.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

23.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tiểu luận “Văn học và chính trị” tác giả Phan Quỳnh Trâm tự đặt ra một câu hỏi rồi tự trả lời. Nhưng câu trả lời đã cho thấy ngay lập luận lỏng lẻo, mâu thuẫn... (...)
 
22.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tư cách người đọc, tui nhận thấy, một chữ HAY được yêu cầu trong sáng tác phẩm, khả dĩ tóm lược và giải quyết được khá nhiều chuyện dài dòng... Vấn đề còn lại là làm sao biết được hay hay không. Cá nhân tui, tui biết được. Rất dễ. Và tui tin là mỗi một người đọc, cũng tự có thể đánh giá được tác phẩm nào đó. Tự mình thôi. Không ai có thể thay mình được... (...)
 
21.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Lâu nay, tôi thích Neruda, nhưng khi đọc bài của PQT, thấy nhận xét của Borges, tôi thất vọng về Neruda. Tôi không ngờ một nhà thơ lớn như ông mà để chính trị làm cho tha hoá đến không còn tư cách của một nhà trí thức như vậy... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021