tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về một quyển sách  [đối thoại]

 

Hôm thứ Bảy 15/01/2011 tại Atlanta có một buổi ra mắt sách Việt Nam suối nguồn văn minh phương đông của Du Miên Lê Thanh Hoa. Trong buổi ra mắt sách hôm đó, ông đã có một bài nói chuyện khích động lòng tự hào văn minh của người Việt và sách động tinh thần bài Hoa. Rất nhiều lần ông dùng từ “Tàu phù” để gọi người Tàu một cách miệt thị.

Tôi đã phản bác, phê phán cách gọi này là politically incorrect và thiếu tính văn hóa. Văn hóa, truyền thống của người Việt là hòa hiếu. Không những trong môi trường ngoại giao ta phải giữ lễ, mà ở ngoài đời thường, một dân tộc này không thể gọi một dân tộc khác bằng những ngôn từ xách mé như thế. Huống chi tác giả là một nhà gọi là “khảo cứu lịch sử” thì lại càng phải giữ bình tĩnh trong cách xưng hô.

Tôi cũng đồng thời đặt nghi vấn về tính khách quan của quyển sách khi tác giả khảo cứu về văn học, lịch sử bằng một tâm thái hận thù với đối tượng như thế. Hôm đó, tôi đã vô tình chạm nọc “dân tộc chủ nghĩa” của đám đông và bị ném đá hội đồng. Hôm nay, nhìn lại cái tựa của quyển sách Việt Nam suối nguồn văn minh phương đông mới thấy thêm thái độ của tác giả.

Thứ nhất, Việt Nam là tên gọi của nước Việt Nam đương thời, mãi về sau này mới có. Cái tên Việt Nam và tập thể Lạc Việt, trong Bách Việt ngày xưa ở phía nam sông Dương Tử là hai thực thể khác nhau. Nói như thế để thấy rằng khi ông Du Miên Lê Thanh Hoa nói Khổng Tử học lóm ca dao của người Việt thì đó là cách nói lấy được. Văn minh của nhóm Bách Việt thời đó không thể gọi là văn minh của riêng Việt Nam ngày nay. Thứ hai, phương đông ở đây là phương đông nào? Phương đông không phải là một phương riêng của Trung Hoa và Việt Nam. Cơ bản về địa lý và cách gọi, phương đông bao gồm cả Ấn Độ, Thái Lan, Lào Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, v.v. Còn suối nguồn? Không lẽ sự khởi đầu văn minh của nhân loại chỉ được tính từ thời đó? Cái tựa đề “Việt Nam suối nguồn văn minh phương đông” là một cái tựa đề kệch cỡm thiếu đứng đắn ngay trong mỗi từ.

Về văn hóa, văn minh

Trong cách nhìn hiện đại, khi con người bắt đầu với thời kỳ du mục, thì kinh nghiệm, văn minh, văn hóa , tư tưởng, v.v. cũng theo chân con người mà gặp gỡ, trao đổi, giao thoa, trộn lẫn giữa những giống dân với nhau trên đường phiêu bạt để sinh nhai. Vậy ngay vào cái thời những người thuộc giống Bách Việt tụ lại định cư ở phía nam sông Dương Tử thì nền văn hóa đó cũng đã được xào xáo, phát triển qua mấy ngàn năm trước rồi. Thử đặt tiếp câu hỏi để truy ra suối nguồn nguyên thủy của văn minh: Văn hóa Bách Việt có được thì họ học từ ai? Chặn ngay lịch sử trong thời đại đó để gọi là “suối nguồn” thì e rằng hơi gian lận. Hôm nay người Việt chúng ta đang học văn hóa của nước nào đây? Cách ứng xử của chúng ta hôm nay có thuần là bản sắc văn hóa Việt Nam có tự ngàn xưa hay không? Chúng ta học toán của phương tây, kinh điển Phật giáo của Ấn Độ, đọc kinh Dịch của Trung Hoa, học Thiền của Nhật Bản. v.v. Những kiến thức đó phải nói là không của riêng ai mà là của chung toàn thể nhân loại, cùng nhau qua tiến trình thời gian trao đổi, hội nhập mà xây dựng nên. Học mà biết ứng dụng, đó mới là điều đáng nói, còn học của ai thật ra không quan trọng mấy. Hơn nữa văn hoá, văn minh không phải là một định lượng vật lý để có những vết cắt rạch ròi. Hãy nhìn vào lịch sử một cách khách quan, người Việt cũng có cái học từ người Tàu và người Tàu cũng thế, họ cũng học nhiều điều từ người Việt. Hai xứ sở lân bang thì học lấy nhau là điều tất yếu. Có gì đáng xấu hổ khi học cái hay từ người khác.

Về lòng tự hào

Một người cha thông minh giỏi giang chưa chắc đã có một người con kiệt xuất. Cũng có rất nhiều trường hợp “cha làm thầy, con đốt sách”. Không phải tổ tiên ta giỏi giang rồi ta cứ lấy đó làm tự hào, tự mãn. Nói như tác giả, “Khổng tử chỉ học 2% văn hóa Việt!” Vậy sao ông ấy biết phát triển thành một tư tưởng triết học lừng lẫy làm trụ cột, nền tảng cho Trung Hoa? Ngược lại người Việt sở hữu một nền văn hóa cực kỳ tốt đẹp tự ngàn xưa mà sao ngày nay vẫn còn lẹt đẹt so với xóm giềng? Nếu có được tiền nhân xuất chúng là điều may mắn, nhưng cứ sống bám vào hào quang của dĩ vãng là điều tệ hại. Đừng nên ăn mày dĩ vãng. Câu nói khá nặng nề nhưng trong tình huống hiện nay không thể không nói ra. Nếu tác giả muốn kêu gọi lòng tự hào của dân tộc thì hãy nhìn vào sự thật trước mắt, khuyến khích người Việt nên cố gắng học hỏi cái hay cái đẹp của người ngoài để phát triển, xây dựng xứ sở. Đừng tự ái vặt là học của người này hay của người khác. Với mớ sĩ diện hão của đám hào quang dĩ vãng thì mỗi ngày mỗi dốt nát thêm thôi. Văn minh là một dòng chảy biến đổi không ngừng, hãy làm một chỗ trũng để đón nhận, hơn là tự hào với những suối nguồn trên cao đã cạn khô.

Việt Nam suối nguồn văn minh phương đông, nếu đây là một tác phẩm khảo cứu khách quan để tìm hiểu vể lịch sử, văn hóa của dân tộc, để hiểu ngày xưa, để sửa ngày nay thì đó là một điều đáng trân trọng. Nhưng nếu chỉ để tự suớng, tự hào suông, hoặc với mục đích bài Hoa theo phong trào để bán sách thì buồn lắm thay!

 

Lũy
 
 

-----------------

Bài liên quan:

19.01.2011
[CHUYỆN VĂN HOÁ] ... Buổi thảo luận đến đây đã hỗn loạn, mình cũng chán ngán ra về. Trộm nghĩ một “nhà khảo cứu lịch sử” mà mang tâm thái hận thù như thế với đối tượng khảo cứu thì những gì viết ra có còn khách quan? Kết thúc buổi ra mắt sách: Một cuốn sách mua về, chưa đọc, nhưng chắc không còn hứng thú để đọc. Ôi! Khảo với cứu, thảo với luận!... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021