tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vẫn còn là “Giải hoặc Trịnh Công Sơn [kỳ 1]”  [đối thoại]

 

Định tiếp tục giải hoặc Trịnh Công Sơn, nhưng lại thấy có mấy lời góp ý của ông Nguyễn Đình Đăng, nên tôi phải dành thì giờ để đáp lời. Trước hết, tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Đăng đã góp ý. Nhưng cũng xin nói ngay, những điều ông góp ý thì cũng chẳng cứu vớt gì được cái huyền thoại giả mà tôi đã phân tích trong “Giải hoặc Trịnh Công Sơn [kỳ 1]”.

 

1/ Tôi nói bản tiếng Nhật “Utsukushii Mukashi” (美しい昔 / Ngày xưa đẹp đẽ) đã dịch sai bài “Diễm Xưa”. Ông Nguyễn Đình Đăng nói “đây chỉ là phổ lời Nhật cho phù hợp với nhạc chứ không phải là bản dịch nguyên văn”, và theo cái chú thích trong bản tiếng Nhật thì “người Nhật cũng biết xuất xứ bài hát chứ không đến nỗi ngu lắm!”

Rốt cuộc, nói gì thì nói, dù lời ca của bản “Utsukushii Mukashi” được người Nhật dịch sai hoặc phổ lời mới, thì vẫn khác với lời ca “Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn.

 

2/ Tôi nói Yoshimi Tendo là một loại ca sĩ nhạc sến ở Nhật. Ông Nguyễn Đình Đăng nói Yoshimi Tendo khá nổi tiếng ở Nhật và có một CD năm 1997 bán được 1 triệu copies. Ở đây có sự nhầm lẫn phạm trù: tôi nói đến loại nhạc, nhưng ông Nguyễn Đình Đăng lại nói đến sự nổi tiếng và số đĩa bán được.

Thì hiển nhiên là không ai cấm một ca sĩ nhạc sến nổi tiếng, và nhạc sến thì bán chạy trong giới quần chúng yêu nhạc sến cũng là điều rất bình thường thôi. Bài ca của Trịnh Công Sơn được chuyển sang tiếng Nhật và được Yoshimi Tendo hát, thì bán rất chạy hồi thập kỷ 70 cũng chẳng có gì lạ. Nhạc thính phòng mà bán chạy thì mới là chuyện lạ.

 

3/ Tôi nói từ thập kỷ 80 đến nay thì nhạc sến “enka” trôi dần vào bóng tối, chỉ còn thỉnh thoảng thấy phát trên đài truyền hình, hay văng vẳng trong những quán karaoke, những quán ăn, quán cà-phê dành cho thực khách ở lứa tuổi ngoài 50. Ông Nguyễn Đình Đăng nói “enka không chỉ thỉnh thoảng mới phát trên truyền hình mà hầu như hàng tuần. Các người trung niên, người già thường mê enka.”

Nhạc sến “enka” phát trên truyền hình “hàng tuần” thì quá là “thỉnh thoảng” chứ còn gì, vì trong khi đó thì những loại nhạc khác có thể được phát “hàng giờ” hay “hàng ngày”.

 

4/ Ông Nguyễn Đình Đăng nói: “Gần đây có một ca sĩ trẻ người Mỹ da đen nghệ danh la Zero đang rất nổi tiếng vì ăn mặc hip-hop nhưng lại hát enka rất giỏi, xuất hiện liên tục trên TV.”

Đúng ra thì anh chàng ca sĩ da đen đó tên thật là Jerome Charles White và có nghệ danh là Jero (chứ không phải Zero!). Jero là rút gọn từ Jerome cho dễ nhớ ấy mà. Người Nhật khoái xem Jero vì óc hiếu kỳ. Nếu một ca sĩ Mỹ đen sang Việt Nam ăn mặc kiểu hip-hop mà hát nhạc sến, hay hát bài chòi, thì đại chúng cũng khoái xem như thế, chứ chẳng phải vì giá trị âm nhạc gì cả.

 

5/ Tôi nói trường đại học Kansei Gakuin không có phân khoa âm nhạc, vậy thì, bài “Diễm Xưa” làm thế nào mà được đưa vào chương trình giáo dục trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc? Ông Nguyễn Đình Đăng nói: “Tin này chính xác như sau: Theo Công ty Myrica Music cho biết: Đại học Kansai Gakuin vừa quyết định chọn bài hát Diễm Xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đưa vào chương trình giáo dục của trường này về bộ môn văn hóa Việt Nam.”

Ở đây có mấy điều cần làm rõ:

- Công ty Myrica Music là một công ty thương mại âm nhạc, chuyên lăngxê sản phẩm để bán, thì cái “tin” của nó đưa ra có “chính xác” nổi không? Có đáng “tin” không?

- Sao lại không có bản tin chính thức nào của đại học Kansei Gakuin về chuyện này?

- Với một chút lý luận, ta có thể thấy ngay rằng cái chuyện “đại học Kansei Gakuin đưa bài Diễm Xưa vào chương trình giáo dục của trường này về bộ môn văn hóa Việt Nam” là vô lý, hay vô ích. Vì đã không có phân khoa Âm Nhạc, thì đưa bản nhạc vào để làm gì? Còn nếu nói nó đưa bản nhạc vào bộ môn văn hóa Việt Nam, thì nó nghiên cứu cái gì, khi lời ca tiếng Nhật ấy là do người Nhật phổ lời mới (như ông Nguyễn Đình Đăng nói), chứ đâu phải là lời của Trịnh Công Sơn?

Vả lại, ngay cả cái lời bài “Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn thì có gì để mà nghiên cứu về văn hoá Việt Nam? Sao họ không chọn những bài dân ca Việt Nam hay những ca khúc Việt Nam gắn liền với các phong tục, lễ hội truyền thống?

Như đã nói, nếu không có phân khoa Âm Nhạc để nghiên cứu và giảng dạy phần âm nhạc, mà phần lời lại không phải là ca từ của Trịnh Công Sơn, thì bản nhạc đó đâu có được đem vào giảng dạy và nghiên cứu như một NHẠC PHẨM. Cứ cho là cái “tin” của Công ty thương mại Myrica Music có phần đúng, thì cùng lắm là trong một môn học về văn hoá Việt Nam ở trường Kansei Gakuin ở Osaka, người ta nhắc đến bài “Diễm Xưa” như một sự kiện có liên quan đến mối giao lưu văn hoá giữa thành phố Osaka và Việt Nam, vì Khánh Ly đã hát bài ấy tại Osaka Expo năm 1970.

Và nếu chỉ có thế mà thổi phồng lên thành “Diễm Xưa là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc” thì quả là huyền thoại hoá quá đà.

Cũng giống như cái huyền thoại “Âm nhạc của Trịnh Công Sơn được nước Pháp vinh danh trong Từ điển Bách khoa Toàn thư Thế giới”!

Nhưng đã hết giờ rảnh rỗi, tôi xin tạm ngưng, và sẽ bàn đến cái huyền thoại này trong một kỳ khác.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

12.04.2009
[ÂM NHẠC] ... Bản dịch “Diễm xưa” ra tiếng Nhật là do người Nhật thực hiện. Đây chỉ là phổ lời Nhật cho phù hợp với nhạc chứ không phải là bản dịch nguyên văn. Lời Nhật này được Khánh Ly hát lần đầu tiên tại Nhật năm 1970 tại hội chợ Osaka. Sau đó bài hát được phát vào năm 1978 trong một TV drama của đài NHK... (...)
 
10.04.2009
[ÂM NHẠC] ... Những thứ huyền thoại này, một phần do chính Trịnh Công Sơn bịa ra, một phần do những người khác bịa ra vì những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại có tác dụng rất hữu hiệu đến tâm lý đám đông lười suy luận, và khi một chuyện bịa đặt được trang trọng lặp đi lặp lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì “lộng giả thành chơn”, nó sẽ được đại chúng tin là hoàn toàn có thật... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021