tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

 

Tiền Vệ xin giới thiệu đến độc giả ba tập thơ mới:

 

HAI ĐOÁ HOA TRÊN TRÁN CHO CÔNG DÂN HẠNG HAI

thơ Trần Tiến Dũng
bìa: Trần Tịnh Danh
Tác giả tự xuất bản dưới hình thức photocopy
Sài Gòn, 2006

 

 

Tập thơ gồm 47 bài. Ở đầu tập, tác giả viết:

Hơn ba mươi năm trước, tôi, một cậu bé mười lăm tuổi đứng sững
nhìn từ một góc đường trong ngày Sài-gòn-bấn-loạn, và chỉ biết khóc.
Nay tôi xin dâng tặng ý thức tự do đã trưởng thành này cho cậu bé ấy.

Sau Khối động (1997), Hiện (2000) và bầu trời lông gà lông vịt (2002), tập thơ Hai đoá hoa trên trán cho công dân hạng hai (2006) biểu lộ một sự thay đổi lớn trong thi pháp của Trần Tiến Dũng. Có lẽ đây là tập thơ quan trọng nhất của ông về đời sống thành phố Sài Gòn hôm nay.

 

*

 

HÀNH THI THÁNG TƯ GÃY SÚNG

thơ Bùi Chát
bìa & trình bày: Phan Bá Thọ
nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành 100 bản dưới hình thức photocopy
Sài Gòn, 2005

 

 

Tập thơ gồm 23 bài, với lối xếp trang ngược-xuôi khác thường. Tác giả tập trung khai triển thủ pháp lắp ghép và chế biến các chất liệu rút từ báo chí phổ thông và một số tác phẩm văn học. Thành viên của nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn, Bùi Chát là một trong những nhà "không-thơ". Jean-Claude Pomonti nhận định: "Họ đùa, đập phá kị huý và đặt ra nhiều câu hỏi. Họ sử dụng ngôn ngữ bình dân. [...] Kết quả, đó là sự trộn lẫn của quậy phá và nghiêm trang, ảo tưởng và niềm tin. Cùng với những thứ bỏ đi không tránh khỏi." [1]

 

*

 

CHỮ

thơ Nguyễn Hoàng Tranh
trình bày bìa: Hoàng Ngọc Diêu, sử dụng một số hoạ tiết trong các tranh sơn dầu của Nguyễn Hưng Trinh
Tiền Vệ xuất bản, 2005

 

 

Trong "Lời nói đầu", tác giả viết:

Chữ đã bị thế gian hiểu lầm quá nhiều. Nhà thơ có mặt để đòi lại sự công bình cho chữ.
[...] Không chữ nào cao thượng hơn chữ nào. Không chữ nào thấp hèn hơn chữ nào. Không chữ nào thánh thiện hơn chữ nào. Không chữ nào dâm uế hơn chữ nào. Không chữ nào sạch sẽ hơn chữ nào. Không chữ nào nhơ bẩn hơn chữ nào. Không chữ nào đáng yêu hơn chữ nào. Không chữ nào đáng ghét hơn chữ nào. Tất cả những ý niệm cao thượng, thấp hèn, thánh thiện, dâm uế, sạch sẽ, nhơ bẩn... đều nằm trong con mắt và tâm thức của kẻ đối diện với chữ.
Làm thơ là làm chứng nhân của chữ. Mọi chữ đều hiện hữu như nhau.

Trong một bài nhận định về thơ Nguyễn Hoàng Tranh, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc viết:

Nguyễn Hoàng Tranh [...] dường như, bằng động tác làm thơ, nhắm đến một mục tiêu nhiều tham vọng hơn và cũng nhiều bất trắc hơn: đề xuất những mô hình khác cho thơ.[2]

 

_________________________

[1]Xem Jean-Claude Pomonti, Thư từ thành phố Hồ Chí Minh: THƠ KHÔNG BIÊN GIỚI (tienve.org).

[2]Xem Nguyễn Hưng Quốc, Giới thiệu thơ Nguyễn Hoàng Tranh (tienve.org).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021