tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

Nguyên Ngọc từ chối giải thưởng văn học của Nhà nước

Khi trả lời giới hữu trách về lý do ông từ chối giải thưởng Nhà nước dành cho sự nghiệp văn học của mình, nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Tất cả những vì tôi viết là do sự nghiệp của nhân dân hối thúc, đòi hỏi, và chỉ có nhân dân mới có quyền trao tặng vinh dự cho những tác phẩm chính họ lựa chọn .” (Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 38.2004, ngày 26.9.2004).

Nghe giật mình, và nhớ: già-trẻ-lớn-bé ở xứ ta, lúc này, chỉ biết có Ủy Ban Nhân Dân, Công An Nhân dân, báo Nhân Dân… làm gì nhân dân đúng nghĩa có chỗ mà bỏ phiếu hoặc đưa cao tay nhất trí trao cho nhà văn A, nhà thơ X cái giải thưởng dành cho toàn bộ sự nghiệp văn học của họ!

Nguyên Ngọc từ chối giải thưởng của Nhà nước là phải, vì ông viết cho nhân dân chứ đâu phải viết cho Nhà nước. Vậy thì phải để nhân dân trao giải, chứ sao Nhà nước lại trao?

Đã không viết cho Nhà nước, thậm chí ông lại còn phải đấu vật với Nhà nước để giới thiệu văn chương đến với nhân dân. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ghi nhận:

Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, hai cây bút lớn nhất của thời đổi mới, chắc chắn còn nhớ cảm xúc lần đầu được đăng truyện ngắn trên báo Văn Nghệ những năm 1987 - 1988. Để có được những truyện ngắn ấy và sau này là những tên tuổi ấy, cùng với số phát hành 10 vạn bản - kỷ lục chưa từng có của một tờ báo chuyên về văn học - là bao nhiêu trí lực của ông Nguyên Ngọc đã đổ ra. Ông đã chấp nhận cả sự trả giá. Tại Đại hội Nhà văn VN lần 5 ngay sau đó, ông biết thế nào là “giá của chữ nghĩa”. Không một lời ta thán, không kể công, cũng không ngậm ngùi, ông tiếp tục làm công việc của mình dù chẳng tổ chức nào phân công, cũng không ai buộc ông làm...

Ấy, vậy mà Nhà nước lại xăm xăm đòi trao giải thưởng văn học cho ông. Thế mới kỳ!

Trong bài phỏng vấn "Nhà văn Minh Chuyên: Từng định rạch bụng để bảo vệ một bài báo" (đăng trên vnn.vn ngày 15/08/2004), nhà văn Minh Chuyên cũng khẳng định:

Không phải bao giờ cũng có một Tổng biên tập như Nguyên Ngọc... Khó, rất khó. Một Tổng biên tập nhiều dũng khí như nhà văn Nguyên Ngọc không phải bao giờ cũng có.

Làm Tổng biên tập một tờ báo để phục vụ cho nhân dân mà phải có nhiều dũng khí để vượt qua rào cản của Nhà nước! Vậy thì rõ là quyền lợi của nhân dân và quyền lợi của Nhà nước là hai cái ngược nhau.

Đã rõ như thế thì ai chủ tâm viết văn để phục vụ cho nhân dân nên chờ đến chừng nào nhân dân trao giải mới nên nhận cho danh chính ngôn thuận. Chỉ khổ một nỗi là cái ngày "nhân dân có quyền trao tặng vinh dự cho những tác phẩm chính họ lựa chọn" thì chưa biết đến chừng nào mới xảy ra!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021