tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

Tạp Chí Hợp Lưu mời tham dự chủ đề

VĂN HỌC VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Thân gửi văn hữu xa gần,

Ban Biên Tập Tạp Chí Hợp Lưu thân mời tất cả văn hữu ở khắp mọi nơi cùng tham dự đóng góp bài vở cho Hợp Lưu số 71, chủ đề « Văn Học về Chiến Tranh Việt Nam ». Vì ý nghĩa đặc biệt của chủ đề, lời mời này nhắm đến cả những cây bút chuyên sáng tác lẫn những cây bút chuyên biên khảo, nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học.

Thưa các bạn,

Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 30 năm nhưng, trên nhiều bình diện của đời sống ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, những ám ảnh về nó vẫn chưa chấm dứt. Riêng trong văn học, vẫn còn có những cây bút Việt Nam và quốc tế tiếp tục viết về cuộc chiến ấy.

Tuy nhiên, hiện trạng văn học cho thấy qua một cuộc chiến lớn đến như thế, cho đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn tự hỏi dường như chưa có những tác phẩm văn học thực sự lớn về nó. Những cuộc chiến khác, chẳng hạn: cuộc chiến tranh Thế Giới lần thứ Hai, hay cuộc nội chiến Tây Ban Nha, đã làm sinh ra những tác phẩm lớn về chúng. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao cuộc chiến Việt Nam không (hay chưa) làm sinh ra được những tác phẩm có tầm cỡ tương đương? Đâu là những nguyên nhân của điều này? Liệu có viễn cảnh nào về sự ra đời của những tác phẩm lớn về một cuộc chiến đã gây chấn động dài lâu trong tâm hồn nhân loại?

Để có thể trả lời những câu hỏi trên, có lẽ chúng ta nên nhìn lại văn học về chiến tranh Việt Nam. Qua một cái nhìn mang tính phân tích, toàn cảnh văn học có thể được chia thành một số vấn đề cụ thể:

I. Văn học Việt Nam về chiến tranh Việt Nam:

1. Văn học miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975.

2. Văn học miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975.

3. Văn học quốc nội từ năm 1975 đến đầu thời kỳ “đổi mới”.

4. Văn học quốc nội từ đầu thời kỳ “đổi mới” đến nay.

5. Văn học hải ngoại từ năm 1975 đến nay.

II. Văn học quốc tế về chiến tranh Việt Nam:

1. Văn học quốc tế trong chiến tranh Việt Nam.

2. Văn học quốc tế sau chiến tranh Việt Nam.

Đối với giới sáng tác, chúng tôi hy vọng chủ đề này sẽ là chất kích thích để các bạn đọc lại những tác phẩm cũ của người khác và của chính mình, của Việt Nam và của thế giới về chiến tranh Việt Nam, ngõ hầu tìm kiếm một phương cách sáng tác mới nhằm thể hiện trọn vẹn những ám ảnh, ưu tư, kỷ niệm, hy vọng và mơ ước của đồng bào và của chính mình về quá khứ và tương lai của đất nước sau một cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử. Nhìn lại một chặng đường văn học không những để học hỏi từ những hạn chế và những thành tựu của nó, mà còn để vượt qua nó và phóng mình về phía trước, tự tạo nên những thử thách mới cho sức sáng tạo của chính mình, tự vạch đường cho mình đi tới những thành tựu mới

Đối với giới biên khảo, nghiên cứu, lý luận và phê bình, chúng tôi hy vọng chủ đề này sẽ là cơ hội để các bạn cùng chúng tôi quan sát và đánh giá văn học về chiến tranh Việt Nam dưới nhiều góc độ: từ kỹ thuật sáng tác, đến mỹ học văn chương; từ việc khám phá những hạn chế của đường lối sáng tác cũ, đến việc phác thảo những dự phóng về những đường lối sáng tác mới; từ việc so sánh các luồng văn học Việt Nam trải dài từ đầu cuộc chiến đến hôm nay, đến việc đối chiếu văn học Việt Nam và văn học quốc tế về cuộc chiến Việt Nam, v.v…

Hợp Lưu rất mong mỏi nhận được những trước tác có giá trị thuộc mọi thể loại : thơ, truyện, tùy bút, ký, kịch bản, biên khảo, nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học.

Xin văn hữu đã hoặc chưa từng cộng tác với Hợp Lưu , ở trong nước và mọi nơi trên điạ cầu, mau mau gửi tác phẩm của mình đến toà soạn Hợp Lưu :

[email protected]

Thời hạn chót nhận bài: 1 tháng 5, 2003.

Thân quí,

Tạp Chí Hợp Lưu


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021