tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

SINH HOẠT VĂN NGHỆ TẤT NIÊN & GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Vào lúc 2 giờ chiều ngày 27 tháng 1 năm 2003, tại thính đường của toà Thị Sảnh thành phố Bankstown, Sydney, đã diễn ra một sinh hoạt văn học nghệ thuật cuối năm do Tiền Vệ tổ chức, kết hợp một chương trình ca nhạc, một cuộc triển lãm tranh sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh, và buổi ra mắt hai tác phẩm phê bình và lý luận mới: cuốn Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết của Hoàng Ngọc-Tuấn (do nhà Văn Nghệ, California, xuất bản vào tháng 4 năm 2002), và cuốn Văn Hoá Văn Chương Việt Nam của Nguyễn Hưng Quốc (do nhà Văn Mới, California, xuất bản vào tháng 11 năm 2002).

Ở một góc thính đường (Photo: Vi Phát)

Chương trình sinh hoạt được điều khiển bởi nhà thơ Ngọc Hân, Trưởng ban Việt ngữ Hệ Thống Truyền Thanh quốc gia SBS. Khán giả tham dự gồm những người yêu văn học và nghệ thuật từ mọi lứa tuổi.

Nhà thơ Ngọc Hân (Photo: Vi Phát)

Luật Sư Lưu Tường Quang, AO, Tổng Giám Đốc Hệ Thống Truyền Thanh quốc gia SBS, khai mạc buổi sinh hoạt qua một bài nói chuyện về hai cuốn sách mới. Ông đưa ra một số nhận định rất tinh tế và thú vị tư góc độ một độc giả đối với những tác phẩm lý luận và phê bình mới lạ và nhiều thử thách.

Luật sư Lưu Tường Quang (Photo: Vi Phát)

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, đến từ tiểu bang Victoria, phát biểu một vài điều ngắn ngủi về cuốn sách của chính ông, và dành phần lớn thì giờ để nhận định về tác phẩm lý luận văn học đầu tay của Hoàng Ngọc-Tuấn. Nhân đó, ông cũng trình bày những điều ông ghi nhận được về những ảnh hưởng tích cực của tạp chí Việt đối với ý hướng sáng tạo và cảm nghiệm thẩm mỹ của văn giới thế hệ mới trong nước.

Nguyễn Hưng Quốc (Photo: Vi Phát)

Sau đó, nhà thơ Trần Đình Lương trình bày cảm tưởng của ông về hai cuốn sách mới và về những cảm hứng ông đã trải qua trong những năm cộng tác với tạp chí Việt.

Nhà thơ Trần Đình Lương (Photo: Vi Phát)

Kế đến, nhà thơ Võ Quốc Linh, với tư cách một người bạn thân của Hoàng Ngọc-Tuấn trong suốt gần 30 năm qua, kể lại một cách hấp dẫn và cảm động những ấn tượng ông ghi nhận về hành trình sáng tạo của Hoàng Ngọc-Tuấn. Sau đó, ông giới thiệu đến khán giả những bức tranh sơn dầu mới của hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh được trưng bày quanh tường của thính đường.

Nhà thơ Võ Quốc Linh (Photo: Vi Phát)

Kết thúc phần giới thiệu sách mới, Hoàng Ngọc-Tuấn trình bày cảm nghĩ của ông về vai trò quan trọng của tạp chí Việt đối với định hướng nghiên cứu văn học của ông và, nhân đó, ông nói lên lời cảm tạ đối với nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, người đã đem ông trở lại với văn học, và đối những sự hỗ trợ vô giá của bằng hữu và gia đình. Đồng thời, ông giới thiệu sự ra đời và nội dung của website Tiền Vệ như một tiếp nối phong phú hơn, và sinh động hơn, của tạp chí Việt.

Hoàng Ngọc-Tuấn (Photo: Vi Phát)

Phần văn nghệ khởi đầu bằng một cuộc thưởng lãm 28 bức tranh sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh từ Việt Nam gửi sang Úùc Đại Lợi. Khán giả thích thú dạo quanh thính đường để ngắm những bức tranh vừa giàu có về ý tưởng, vừa mới lạ trong bút pháp. Nhiều bức tranh đã được khán giả mua ngay tại chỗ.

Nguyễn Lê Tuyên & Hoàng Ngọc-Tuấn (Photo: Vi Phát)

Chương trình ca nhạc mở màn với tiết mục song tấu guitar, gồm những tác phẩm lừng danh của V. Gomez, và A. Lauro, do Nguyễn Lê Tuyên biểu diễn phần nhạc nguyên tác, và nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn ứng tác phần nhạc phụ hoạ.

Ca sĩ Phương Mai (Photo: Vi Phát)

Tiếp đến là tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng ở Sydney như Phương Mai, Bảo Khánh, Phi Phi, và Vũ Trọng Khải, cùng các ca khúc tác gia kiêm ca sĩ Nguyễn Đức Thảo và Vũ Hùng, qua những bài hát tươi mát về mùa Xuân và tình yêu. Nhà thơ Chim Hải cũng góp mặt vào chương trình với tiết mục đọc thơ. Và buổi sinh hoạt kết thúc với màn song tấu guitar một tác phẩm của I. Albéniz.

Buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật kết thúc vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày, để lại trong khán giả một niềm cảm hứng và một ấn tượng tốt đẹp. Sau đó, phóng sự về buổi sinh hoạt đã được phát sóng qua Hệ Thống Truyền Thanh quốc gia SBS.

NỘI DUNG HAI CUỐN SÁCH MỚI

Ðể độc giả có cái nhìn tổng quát về nội dung hai cuốn sách mới, chúng tôi xin đăng lại mục lục của mỗi cuốn dưới đây.

Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết (California: Văn Nghệ, 2002). Sách dày 630 trang. Giá: 25 Mỹ kim.

MỤC LỤC

Lời giới thiệu (Nguyễn Hưng Quốc)

Lời nói đầu

Phần thứ nhất: THỰC TIỄN SÁNG TÁC

1. Stefan Wolpe và bài giảng ứng khẩu về Dada

2. Nishiwaki Junzaburo và việc cách tân ngôn ngữ thơ

3. Bài thơ "SCHEMA" của Dan Graham: Cuộc truy tầm vô hạn trong thế giới vật chất?

4. Thơ James Prichett / nhạc Frances White: Tây phương hậu hiện đại và Đông phương cổ điển

5. Thơ Jazz: Tiết Tấu, Âm Thanh và Phong Khí Da Đen

6. Thơ Ấn Độ cuối thế kỷ 20: thế hệ thi sĩ mới và vai trò của nhà phê bình

7. Cristina Peri Rossi và tâm cảm người phụ nữ lưu vong

8. Morris West và những bí quyết của một nhà văn best-seller

9. Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại: truyện ngắn "Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee..." của Donald Barthelme

Phần thứ hai: GÓC NHÌN LÝ THUYẾT

10. Viết, từ hiện đại đến hậu hiện đại

11. Vấn đề ngôn ngữ trong văn chương lưu vong

12. Dục tính trong văn chương và vấn đề đạo đức

13. Vấn đề viết và đọc văn chương

14. "Viết cho ai?" -- một lời tự hỏi, một lời ta thán

15. Vấn đề hình thức và nội dung, cái mới và cái đẹp

16. Cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ 20

17. Từ các "lý thuyết" chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài và Văn là Người đến đạo đức chuyên nghiệp trong văn chương

18. Vấn đề trí thức và phản trí thức

Phần thứ ba: THAY LỜI KẾT LUẬN

19. Tiến tới một nền văn chương Việt Nam hoàn cầu hoá

Thư mục tham khảo

Bảng tra cứu

Nguyễn Hưng Quốc, Văn Hoá Văn Chương Việt Nam (California: Văn Mới, 2002). Sách dày 202 trang. Giá: 12 Mỹ kim.

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Chủ nghĩa “mình-thỉ-khác”

2. Sống và viết giữa các nền văn hoá

3. Báo Tết và văn hoá Tết

4. Viết cho ai?

5. Nhà văn… không là ai?

6. Phê bình phê bình

7. Chức năng chính của phê bình trong thời điểm hiện nay

8. Tr(ch)uyện: một sô vấn đề mỹ học

9. Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam

Phụ Lục: Phỏng vấn Nguyễn Hưng Quốc

Tài liệu tham khảo chính

Bảng tra cứu đề mục và tác giả


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021