tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

 

“NỮ HOÀNG ÚC” GỐC VIỆT

 

NHV viết theo The Sydney Morning Herald (4.2.2009)

 

 

Natalie Trần — tên Việt là Trần Đình Tố Hân — đã được báo chí Úc mệnh danh là “Australia's queen of YouTube” (“Nữ Hoàng YouTube Úc Châu”)...

Là một nữ sinh viên 22 tuổi sống tại Sydney, Tố Hân được trao “vương miện” này sau khi chương trình của cô trên YouTube thu hút được 64 triệu lượt người xem chỉ trong hai năm. Trang web www.youtube.com/user/communitychannel của Tố Hân có hơn 150,000 người ghi danh, là con số cao nhất tại Úc và cao hàng thứ 37 trên toàn thế giới.

Phải thông minh và tài hoa lắm mới có thể tạo nên một sức thu hút như vậy. Và phải cực kỳ thông minh và cực kỳ tài hoa mới có thể tạo nên sự thu hút này với một chương trình hoàn toàn lành mạnh, không sử dụng những quái chiêu giật gân để khai thác thị hiếu tầm thường của công chúng. Ngay cái tên của trang web đã thấy tính chất lành mạnh đó: “communitychannel”, có thể tạm dịch là “kênh cộng đồng” hay “dòng cộng đồng”.

Câu chuyện về cô gái Úc gốc Việt tài hoa đã được tường thuật trên trang mạng hai nhật báo The Sydney Morning HeraldThe Age ngày 4.2.2009, qua bài viết “How Natalie became Australia's queen of YouTube” (“Natalie đã trở thành Nữ hoàng YouTube của Úc như thế nào”) của ký giả Asher Moses.

Cho tới nay Tố Hân đã đưa lên trang riêng của mình 118 vở kịch ngắn trong hình thức video. Theo ký giả Moses thì với con số 64 triệu độc giả Tố Hân đã trở thành tác giả được nhiều người sử dụng YouTube truy cập nhất tại Úc, và như thế đã vượt trội, hơn hẳn chương trình AC/DC nổi tiếng với con số 53 triệu lượt người truy cập.

Asher Moses viết:

“Từ căn nhà của bố mẹ mình tại miền Tây Sydney, Natalie Trần, Nữ hoàng YouTube của Úc, đã chứng minh nhiều lần rằng khêu gợi tình dục không phải là điều kiện cần để tạo nên danh tiếng trên thế giới mạng. […] Trong khi những ngôi sao thế giới mạng như Obama Girl sử dụng yếu tố tình dục để thu hút sự hâm mộ của những ông nhãi ranh ngớ ngẩn thì Tố Hân (Tran) lại tránh né lối khêu gợi này và chú tâm vào những vở kịch hài ngăn ngắn về cuộc sống hàng ngày của mình.”

Asher Moses trích lời của Tố Hân, cho biết là nếu muốn “tồn tại lâu dài” trên thế giới mạng thì cần phải đưa ra cái gì đó khác hẳn, bởi lẽ thế giới này đã có quá nhiều câu chuyện và tài liệu liên quan đến tình dục.

Lấy thí dụ một đoạn phim gần nhất của Tố Hân. Tại đây Tố Hân đã nhấn đi nhấn lại những câu trả lời khó nghe mà chúng ta thường gặp khi gọi điện thoại cho các công ty, sau đó cô chỉ ra những mẹo nhỏ đầy hài hước để giúp chúng ta “qua” được cái thủ tục chán phèo này.

Trong một phim khác Tố Hân lại nói đến những cảm giác bất an vô lý mà chúng ta thường gặp, thí dụ: “Khi tôi giết một con bọ, tôi sẽ có cảm tưởng rằng một con bọ khác ở trong phòng đang chứng kiến cuộc tàn sát ấy, nó sẽ sà xuống và rất có thể là nó sẽ tìm cách để truy ra tôi cũng như cả gia đình tôi”.

Moses cho rằng giá trị ở các vở kịch của Tố Hân là tính châm biếm khi cô tái hiện những tình huống mình đang bàn tới, trong đó cô đảm nhậm tất cả các vai. Phần Tố Hân thì cho biết đó là những chuyện đã từng xảy ra với mình, cô chỉ “thêu dệt chút đỉnh” để tạo nên không khí hài hước.

Tố Hân cũng tỏ ra khiêm nhường, cho biết đó không phải là những câu chuyện sâu sắc hay đầy ý nghĩa mà chỉ là “những mảnh vụn của đời sống”, những mảnh vụn có thể đem lại một ý vị khôi hài cho “một số người trong giờ nghỉ trưa”. Càng khiêm nhường hơn, Tố Hân còn nhận định: “Không có chúng thì thế giới này cũng đâu có tệ hơn.” (The world wouldn't be a worse place without them).

Cứ hai hoặc ba ngày thì Tố Hân thực hiện một cuốn phim mới, mỗi cuốn như thế ngốn của cô 4 tiếng đồng hồ từ việc viết kịch bản, tự quay phim, biên tập phim và tải lên mạng. Đó là chưa kể tối nào cô cũng phải bỏ ra một tiếng đồng hồ để trả lời hàng trăm tin nhắn của người hâm mộ.

Tuy nhiên khác với các “nhân vật Internet” khác, Tố Hân không màng tới danh vọng và liên tiếp từ chối tham gia các show truyền hình hay cuộc phỏng vấn của các ký giả. Theo cô thì họ chỉ chú ý đến những khía cạnh nông cạn trong thế giới kỳ quặc của YouTube chứ không hề nghiêm túc nhìn nhận vai trò của nó (YouTube) trong thế giới truyền thông mạng (digital media).

Tố Hân đang theo học ngành truyền thông mạng tại Đại Học NSW và đa số bạn học tại đây không hề biết đến “tên tuổi” của cô trên YouTube. Vừa học vừa làm thêm với công việc bán hàng, Tố Hân lại thẳng thừng từ chối sự bảo trợ của hàng loạt công ty với mục đích quảng cáo, ngại rằng việc thương mại hoá chương trình sẽ làm người xem thất vọng.

Hiện tại Tố Hân chỉ nhận một khoản trợ cấp khiêm nhường của “Chương trình Thành Viên YouTube” (YouTube's Partner Program), một số tiền rất nhỏ so với tiền quảng cáo mà các trang web có số lượng người truy cập tương tự kiếm được.

Tố Hân cho biết cô không muốn bán rẻ những gì mình đã sáng tạo, không hề bận tâm với tiền bạc và danh vọng. Cái mà cô đam mê là áp dụng những điều đã học để khám phá cái “khoa học đằng sau” việc làm như thế nào, với những nội dung như thế nào để có thể thu hút và gìn giữ người xem trên thế giới mạng.

 

Được biết Tố Hân là ái nữ của nhà thơ kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đình Lương, tác giả tập thơ Hải Đảo (2005), Chiều Ba Mươi (2008) và tập sách ảnh Màu cà phê – The Colour of Coffee (2006). Ngoài thi ca và nhiếp ảnh anh Trần Đình Lương còn bộc lộ niềm đam mê với hội hoạ: cùng với thơ, nhiều bức tranh của anh đã được giới thiệu trên trang web Tiền Vệ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021